29/11/2024

Sách giáo khoa phải vì học sinh

Sách giáo khoa phải truyền tải những kiến thức cơ bản nhưng thiết thực, ngôn ngữ cần dễ hiểu và thân thiện với người học.

 

Sách giáo khoa phải vì học sinh

 

 

Sách giáo khoa phải truyền tải những kiến thức cơ bản nhưng thiết thực, ngôn ngữ cần dễ hiểu và thân thiện với người học.


 


Sách giáo khoa phải vì học sinh - ảnh 1
Nội dung này được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại hội thảo góp ý Bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa (SGK) do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội sáng qua (6.11).
Cần thân thiện từ hình thức đến nội dung
PGS Lê Phương Nga, Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng dự thảo bộ tiêu chí khá công phu nhưng lại chưa thấy bóng dáng của người thụ hưởng SGK là học sinh (HS). Bà Nga đề nghị sách phải hướng tới đối tượng là HS nên ngôn ngữ nhất thiết phải thân thiện, tránh những bài tập mang tính mệnh lệnh khô cứng như vẫn thường thấy, nhất là với lứa tuổi tiểu học. Bà Nga lấy một ví dụ nhỏ, thay vì SGK yêu cầu “tìm 3 từ” hay “hãy tìm 3 từ” thì nên viết: “Em hãy tìm 3 từ…”, chỉ thêm một chữ thôi nhưng chắc chắn HS sẽ thấy hào hứng, thân thiện hơn khi đọc.
Ông Lê Kim Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cùng quan điểm khi cho rằng hiện SGK đưa vào quá nhiều thuật ngữ khoa học, viết theo kiểu tư duy của người lớn cũng là nguyên nhân khiến sách bị đánh giá là hàn lâm, nặng kiến thức. “Văn phong trong sách phải dễ hiểu, dễ nhớ và gần gũi, phù hợp với vùng miền. Muốn làm được như vậy thì người viết phải rất tinh tế, hiểu tâm lý, ngôn ngữ của trẻ em từng lứa tuổi”, ông Long nêu quan điểm.
Tính thân thiện, theo nhiều ý kiến, còn thể hiện ở chính nội dung và hình thức của SGK, cái mà sách hiện hành chưa làm được. Ông Phạm Minh Diệu, Trường ĐH Giáo dục, cho rằng nội dung phải hay, hấp dẫn và thiết thực. Xem sách của nước ngoài, dù không đọc được ngôn ngữ của họ nhưng đã thấy hấp dẫn vì cách trình bày và kênh hình rất đẹp. Vì vậy khi đánh giá SGK mới phải chú trọng đánh giá về kênh hình.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, cho biết vì dạy các môn học bằng tiếng Anh nên rất cần có SGK dưới dạng song ngữ để đáp ứng nhu cầu của các trường. Cũng theo ông Trường, nhu cầu học tập của người dân hiện cũng đa dạng hơn, có người tự học ở nhà, rồi học tập theo các hình thức khác nhau… nên cần phải biên soạn để các đối tượng ấy cũng sử dụng được.
Chỉ giới thiệu và phát hành SGK được bộ thẩm định
Theo dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá SGK giáo dục phổ thông mà Bộ công bố hôm qua thì việc đánh giá sẽ thực hiện qua 18 tiêu chí chia thành 5 nhóm. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng đây sẽ là căn cứ để các chuyên gia, hội đồng quốc gia thẩm định SGK phổ thông; để các tác giả, nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân biên soạn sách phù hợp với chương trình môn học; Hỗ trợ người dạy, người học và các bậc phụ huynh lựa chọn sử dụng sách trong quá trình dạy và học.
Ông Hiển chia sẻ: Điểm mới của lần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này mà chúng ta phấn đấu bao nhiêu năm mới làm được, đó là việc có một chương trình nhưng nhiều bộ SGK. Tuy nhiên, do đây là việc làm mới mẻ nên Quốc hội giao cho Bộ GD-ĐT đứng ra chịu trách nhiệm tổ chức biên soạn một bộ SGK phù hợp với chương trình mới để đảm bảo việc đổi mới giáo dục phổ thông đúng tiến bộ và quy trình đề ra. Mặt khác, khuyến khích, động viên các tổ chức, cá nhân tham gia vào công việc này. Bộ có trách nhiệm ban hành tiêu chí đánh giá và tổ chức thẩm định. Sách nào được Bộ thẩm định mới được giới thiệu và phát hành.
Do có nhiều bộ sách, theo ông Hiển, nên tiêu chí phải tuân thủ với chương trình, đảm bảo kiến thức cơ bản sẽ là một trong những tiêu chí quan trọng khi đánh giá. “Hiện nay đã bắt đầu có những nhóm tác giả viết sách, Bộ không tham gia vào quá trình này nhưng sẽ thẩm định và phê duyệt”, ông Hiển cho hay.
PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, cho biết tinh thần của SGK trong chương trình mới sẽ được đánh giá theo hướng tinh giản, hiện đại và thiết thực. Chuyển từ trang bị kiến thức sang hướng phát triển năng lực của người học. Sách mới phải hướng dẫn cho HS cách học, hình thành được năng lực tự học chứ không chỉ truyền thụ kiến thức như sách hiện hành.
Nhìn vào sách, giáo viên và HS biết được bài nào có thể học lý thuyết đơn thuần, bài nào cần phải được trải nghiệm thực tế để biến kiến thức thành năng lực của người học… Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học không chỉ đối với SGK điện tử mà ngay cả sách in ấn cũng có thể thực hiện được nếu trong sách có hướng dẫn những địa chỉ website để người dạy và người học tìm hiểu thêm các nội dung có liên quan.
Hội thảo cũng ghi nhận những ý kiến đề nghị như có quy định khung giá của SGK hay không? Bìa có cần gắn với tên của Bộ GD-ĐT như hiện nay nữa hay không khi có nhiều bộ sách của nhiều tổ chức, cá nhân biên soạn? Có yêu cầu phát hành sách online song song với sách giấy để HS lựa chọn không? Tính mở trong SGK như thế nào thì phù hợp?…
5 nhóm tiêu chí Dự thảo bộ tiêu chí gồm:
Nhóm 1 – điều kiện tiên quyết
Nhóm 2 – yêu cầu về tuân thủ chương trình giáo dục phổ thông quốc gia
Nhóm 3 – yêu cầu về nội dung
Nhóm 4 – yêu cầu về phương pháp và kiểm tra – đánh giá
Nhóm 5 – yêu cầu về hình thức và trình bày SGK.
Khi sử dụng bộ tiêu chí để đánh giá sách, phải kèm theo chương trình môn học và đảm bảo đồng thời 2 nguyên tắc: Sách được đánh giá “đạt” ở tất cả các tiêu chí của nhóm 1 mới được tiếp tục xem xét đánh giá ở các nhóm tiếp theo.
Điều kiện tiên quyết của nhóm 1 gồm: tuân thủ quy định của Hiến pháp, pháp luật nước VN hiện hành và các quy định khác có liên quan; không trái với truyền thống văn hoá, lịch sử, địa lý, đạo đức và thuần phong mỹ tục VN; phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế; không làm ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, an ninh chính trị, trật tự xã hội và chủ quyền quốc gia; không có những định kiến xã hội về giới tính, sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, địa vị xã hội, lứa tuổi.

 

Tuệ Nguyễn