Các tôn giáo ở Việt Nam gắn bó và đồng hành cùng dân tộc
Dân tộc Việt Nam (VN) đã tồn tại suốt 4.000 năm trong dòng lịch sử, kể từ khi các vua Hùng dựng nước cho đến ngày nay. Bất cứ người VN nào yêu mến quê hương đều thiết tha mong ước cho dân tộc mình tồn tại mãi mãi.
Các tôn giáo ở Việt Nam gắn bó
và đồng hành cùng dân tộc
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Lời mở
Dân tộc Việt Nam (VN) đã tồn tại suốt 4.000 năm trong dòng lịch sử, kể từ khi các vua Hùng dựng nước cho đến ngày nay. Bất cứ người VN nào yêu mến quê hương đều thiết tha mong ước cho dân tộc mình tồn tại mãi mãi.
Tuy nhiên, trong tình trạng hiện nay với nền đạo đức, luân lý suy đồi, bất công và tham nhũng tràn lan, cũng như hoàn cảnh kinh tế suy thoái, hoàn cảnh chính trị đầy khó khăn với chủ nghĩa bành trướng, gây áp lực quân sự, lũng đoạn kinh tế của một số quốc gia đối với VN, một số người nghi ngại không biết VN có thể tồn tại mãi không? Hay có thể rơi vào tình trạng suy vong như các dân tộc Chiêm Thành, Chân Lạp, Thuỷ Chân Lạp mà miền đất của họ đang được dân tộc ta chiếm hữu từ dọc miền Trung cho đến hết miền Nam VN? Nhiều người VN chưa ý thức được vận mệnh hiểm nguy của dân tộc.
Trong tình trạng và hoàn cảnh hiện thời, chúng ta tự hỏi mình phải làm gì để bảo vệ và xây dựng đất nước? Hơn nữa, các tôn giáo đóng một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ nền đạo đức, tạo ý thức về sự liêm chính, công bằng cũng như trong việc xây dựng nền văn hoá cho dân tộc, nên chính quyền VN sẽ theo đuổi chính sách đại đoàn kết và thúc đẩy tín đồ các tôn giáo gắn bó và đồng hành cùng dân tộc như thế nào?.
Trong phạm vi bài này, tôi xin chia sẻ một vài cảm nghĩ và ước nguyện của mình trong tư cách là một tín hữu Công giáo. Tôi không thay mặt cho Giáo hội Công giáo hay cho bất cứ cộng đồng nào, nhưng chia sẻ như một người lữ hành cùng bước đi với cộng đồng và với cả dân tộc VN trong niềm lo âu và hy vọng để tiến về một chân trời mới tốt đẹp và tươi sáng.
Bài trình bày gồm mấy phần chính sau đây:
1. Tình trạng và hoàn cảnh dân tộc VN hiện nay mời gọi con người hướng về tôn giáo
1.1. Tình trạng suy thoái đạo đức và hoàn cảnh kinh tế xã hội yếu kém
1.2. Thành phần tôn giáo trong cơ cấu dân tộc
1.3. Cấu trúc văn hoá xã hội và bản sắc người Việt Nam
1.4. Vai trò tôn giáo trong dòng lịch sử
2. Việc gắn bó và đồng hành của các tôn giáo trong dòng lịch sử
2.1. Khái niệm “gắn bó”, “đồng hành”, “tôn giáo”, “dân tộc”
2.2. Các thành phần trong cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân tộc
2.3. Những điều kiện cần thiết để đạt được sự gắn bó và đồng hành của các cộng đồng tôn giáo
2.4. Người Công giáo VN gắn bó và đồng hành với dân tộc trong dòng lịch sử
Lời kết
1. Tình trạng và hoàn cảnh dân tộc VN hiện nay mời gọi con người hướng về tôn giáo
Khi nghe lời phát biểu trên đây, một số người không theo tôn giáo nào có thể khó chịu vì nghĩ rằng chúng tôi đang muốn đưa con người trở về tình trạng “vong thân”, đánh mất chính mình, do tôn giáo gây nên, của vài thế kỷ trước, thời của Karl Marx (1818-1883), Friedrich Engels (1820-1895). Thật ra, chúng tôi chỉ muốn mời gọi tất cả những ai yêu mến quê hương hãy nhìn vào dân tộc VN như một điểm quy chiếu cho hoạt động của mình ở trần thế để thấy rằng niềm tin tôn giáo có thể giúp con người vượt qua tình trạng vong thân đang rất phổ biến ở VN vì sùng bái vật chất hay khoa học kỹ thuật để tìm lại được chính mình.
1.1. Tình trạng suy thoái đạo đức và hoàn cảnh kinh tế xã hội yếu kém
Thật vậy, khi con người chỉ biết có vật chất, tôn thờ vật chất như một thần linh có thể giải quyết mọi khó khăn, thì sự suy đồi về luân lý và đạo đức chắc chắn sẽ xảy ra, đúng như lời xác nhận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào chiều ngày 29/7/2013 tại Trụ sở Chính phủ trong Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2013 của Ban Chỉ đạo 138: “Sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức xã hội, đề cao lối sống vật chất tầm thường, ý thức kém, coi thường pháp luật của một bộ phận người dân… là những vấn đề đáng lo ngại”. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, tội phạm hình sự xảy ra 28.482 vụ, tội phạm về bảo vệ môi trường 6.300 vụ, phát hiện bắt giữ trên 10.000 vụ tàng trữ, buôn bán, vận chuyển ma tuý. Theo kết quả điều tra ban đầu, một số nơi có hoạt động của các băng nhóm tội phạm, có sự bảo kê, làm ngơ, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh của cán bộ, chính quyền cơ sở (x. Báo Thanh Niên, ngày 4/8/2013).
Theo sự đánh giá của GS-TS Nguyễn Minh Thuyết tại Hội nghị Tổng kết 15 năm Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 về xây dựng và phát triển nền văn hoá VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc diễn ra tại Hà Nội ngày 8/8/2013: “Đáng tiếc là sau 15 năm nhìn lại, có thể thấy xây dựng con người là lĩnh vực không thành công nhất trong những lĩnh vực không thành công của Nghị Quyết 5”… “Từ công dân bình thường đến trí thức cấp cao, mỗi khi có việc với chính quyền đều phải xin xỏ, chạy vạy. Quen mãi với vị thế gãi đầu, gãi tai, ăn xó mó niêu, con người khó trở thành những người đàng hoàng. Càng khó trở thành những người có văn hoá và có năng lực sáng tạo văn hoá” (x. http://www.thanhnien.com.vn/pages /20130809 /xay-dung-con-nguoi-van-hoa-la-kem-nhat.aspx).
GS-TS Hoàng Chí Bảo, Hội đồng Lý luận Trung ương, nói: “Xã hội chúng ta đang ở trong tình trạng đạo đức xuống cấp, thậm chí có thể nói là bị một thương tổn rất nặng nề. Xuất hiện gia tăng đáng lo ngại về tội phạm, tệ nạn, thậm chí những hành động rất xa lạ với nhân tính… Sự không gương mẫu của người lớn từ gia đình, trong giao tiếp xã hội, thậm chí cả lãnh đạo, dẫn đến nhiều biểu hiện đáng lo ngại về khủng hoảng niềm tin… Cảm quan chung từ nhiều năm nay là xã hội đang có vấn đề về đạo đức. Phải đặt lên đầu giải pháp đạo đức, thực hành đạo đức trong toàn Đảng, toàn dân, trong các tổ chức công quyền, trong đoàn thể…” (x. http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130809/xay-dung-con-nguoi-van-hoa-la-kem-nhat.aspx).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phát biểu tại hội nghị này: “Đạo đức-lối sống-nhân cách-văn hoá của người VN chúng ta nhiều nơi nhiều lúc vẫn chưa được quan tâm đúng mức, ngay từ nhà trường, gia đình, từ sự tự giác, giữ gìn xây dựng của mỗi con người. Sự tha hoá, lối sống xa hoa, giả dối, vô cảm có xu hướng phát triển. Bệnh thành tích và hình thức trong các hoạt động văn hoá ngày càng lan rộng. Những yếu kém nêu trên không chỉ hạn chế sự phát triển kinh tế xã hội, mà còn làm xấu hình ảnh đất nước, con người, văn hoá VN. Theo tôi, đây là nguy cơ, thậm chí còn là nguy cơ của mọi nguy cơ, trong bối cảnh chúng ta phải xây dựng và phát triển đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng” (x. http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130809/xay-dung-con-nguoi-van-hoa-la-kem-nhat.aspx).
Sự suy thoái đạo đức gây nên những hậu quả vô cùng tai hại trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là văn hoá vì văn hoá là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Nếu người ta công nhận chức năng thẩm mỹ của văn hoá (x. Lê Văn chưởng, Cơ sở Văn hoá Việt Nam, NXB Trẻ, 1999, tr.24) là chức năng tối thượng của văn hoá hướng con người tới Chân Thiện Mỹ thì một khi loại bỏ tôn giáo như giá trị của cái thiện và cái đẹp, con người sẽ tìm đến những cái ác, cái xấu như ta thấy đang xuất hiện trong cộng đồng xã hội hiện nay.
Nạn buôn gian bán dối, bán hàng độc hại, lương thực, nông sản, thuỷ sản chứa dư lượng các hoá chất nguy hiểm cho sự sống hầu như phổ biến khắp nơi do ước muốn làm giàu bằng bất cứ cách nào. Tệ nạn này có thể dẫn cả dân tộc suy yếu về sức khoẻ, bị đủ loại bệnh tật dẫn đến diệt vong. Các quán nhậu, cà phê ôm, bia ôm, massge trá hình, mãi dâm nhan nhản khắp các thành phố, trị trấn, quận huyện như tạo điều kiện cho con người ăn chơi sa đoạ về đạo đức, tinh thần.
Ở VN, nạn tham nhũng, hối lộ tràn lan gây nên những bất công, xâm phạm quyền lợi con người. Vấn đề bảo vệ sự sống đáng báo động vì VN đứng thứ 5 trên thế giới về số ca phá thai, các nhà xã hội ước chừng 2 triệu ca/năm – đứng thứ ba sau Trung Quốc và Pakistan – còn Bộ Y tế VN dự đoán 300.000 ca/năm (x. Báo Sài Gòn Tiếp Thị, ngày 12/7/2013). Trong đó 30% phụ nữ phá thai rơi vào tình trạng trầm cảm vì luôn ray rứt về tội ác nhưng lại chưa có những bác sĩ điều trị tâm lý và các vị chân tu điều trị tâm linh.
Nếu kể thêm hậu quả của sự suy đồi đạo đức có lẽ phải nói đến 26 triệu người uống rượu bia, trong đó có vài triệu người nghiện với cơ thể suy thoái, tâm lý bất ổn, đánh đập vợ con, gây tan vỡ gia đình. 33 triệu người hút thuốc lá với chất nicotine ảnh hưởng đến sức khoẻ của mình và sinh ra những đứa con ngu đần. 200.000 người nghiện ma tuý, 300.000 nhiễm HIV. Tai nạn giao thông ở mức độ cao với hàng chục ngàn người thiệt mạng mỗi năm, và vài chục ngàn người trở thành khuyết tật. VN hiện có 6,7 triệu người khuyết tật thể lý và hơn 10 triệu người khuyết tật tinh thần.
Trong lĩnh vực truyền thông, trong số 41 triệu người truy cập internet, hầu như đa số chỉ để giải trí, xem tin tức hơn là nghiên cứu học hành, làm việc. VN đứng đầu thế giới về số lượng người truy cập phim sex từ năm 2007 với 5 triệu người xem phim đồi truỵ hằng đêm, hơn 10 triệu người chơi trò chơi trực tuyến (game online) mỗi ngày. Rất nhiều tin tức không xác thực hay thiếu trung thực do bị xuyên tạc hay định hướng bởi các tổ chức khiến người đọc không còn tin tưởng, gây nên tình trạng đánh mất niềm tin vào con người với nhau. Những phim ảnh hầu hết của Trung Quốc hoặc một số nước Âu Mỹ trong chiều hướng tục hoá, theo ý thức hệ vô thần thực hành đã loại bỏ ý niệm về sự tồn tại của Thiên Chúa, của thần linh ra khỏi đời sống con người để họ có thể tự do hành động theo tham vọng và dục vọng của mình.
Tất cả những hiện tượng này nói lên một sự thật mà xã hội VN đang chịu đựng: sự suy thoái đạo đức trầm trọng dù chính quyền đã phát động rất nhiều phong trào để cổ vũ nền đạo đức. Đạo đức gắn liền với lương tri con người, với tôn giáo vì tin tưởng vào Đấng soi thấu lòng người dù chẳng ai biết việc mình làm. Vậy những người có tôn giáo giữ vị trí nào trong cộng đồng xã hội?
1.2. Thành phần tôn giáo trong cơ cấu dân tộc
Theo Thống kê của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam thực hiện ngày 01/4/2009, dân tộc VN có 13 tôn giáo với số tín đồ như sau:
STT |
Tôn giáo |
Tổng số |
Thành thị |
Nông thôn |
Tỷ lệ % so với dân số |
1 |
Phật giáo |
6.802.318 |
2.988.666 |
3.813.652 |
7,92% |
2 |
Công giáo |
5.677.086 |
1.776.694 |
3.900.392 |
6,61% |
3 |
Hoà Hảo |
1.433.252 |
291.196 |
1.142.056 |
1,66% |
4 |
Hồi giáo |
75.268 |
9.997 |
65.271 |
0,08% |
5 |
Cao Đài |
807.915 |
182.414 |
625.501 |
0,94% |
6 |
Minh Sư đạo |
709 |
408 |
301 |
|
7 |
Minh Lý đạo |
366 |
123 |
243 |
|
8 |
Tin Lành |
734.168 |
93.241 |
640.927 |
0,85% |
9 |
Tịnh độ Cư sĩ Phật hội VN |
11.093 |
2.313 |
8.780 |
|
10 |
Đạo Tứ Ân Hiếu nghĩa |
41.280 |
17.580 |
23.700 |
|
11 |
Bửu Sơn Kỳ Hương |
10.824 |
414 |
10.410 |
|
12 |
Ba Ha’i |
731 |
405 |
326 |
|
13 |
Bà La Môn |
56.427 |
10.375 |
46.052 |
|
14 |
Không xác định tôn giáo |
30 |
6 |
24 |
|
|
Toàn quốc |
15.651.467 |
5.373.832 |
10.277.635 |
18,23% |
Như thế số người theo tôn giáo cả nước chỉ có 18,23% dân số gồm 15.651.467 người trên tổng dân số 85.846.997 tính vào thời điểm 1/4/2009 (x. Ban Chỉ Đạo Tổng Điều tra Dân số, Kết quả Toàn bộ, NXB Thống Kê, Hà Nội 2010, tr. 281). Trong số 13 tôn giáo, chúng ta thấy có Phật giáo chiếm 7,92%, Công giáo 6,61%, Hoà Hảo 1,66%, Cao Đài 0,94% và Tin Lành 0,85%. Các tôn giáo còn lại có số tín đồ rất ít. Có hơn 81% dân số đã không kê khai tôn giáo của họ. Chỉ có 30 người không kê khai rõ ràng tôn giáo của mình.
Trong số người khai “không tôn giáo” có thể có một số đảng viên chọn lựa thái độ “vô thần” rõ rệt của mình đối với tôn giáo. Còn đại đa số, hơn 81% dân số, dù không khai là đang theo một tôn giáo cụ thể nào, nhưng lại có một niềm tin mãnh liệt, người ta gọi là tín ngưỡng, có khi là theo đạo tổ tiên, ông bà. Chúng ta ghi nhận rằng trong tờ khai Điều tra dân số 2009 về tôn giáo không có mục “Đạo tổ tiên ông bà” hay “ Vô thần”. Số người “không tôn giáo” này, gồm cả những đảng viên Cộng sản, vào những ngày lễ, Tết, đầu tháng hay giữa tháng Âm lịch, cũng có thể đi đền chùa, khiến người ta lầm tưởng họ theo Phật giáo. Nếu hỏi họ có phải là vô thần không thì nhiều người thú nhận là “không”.
Ta cũng nên lưu ý: nếu chỉ căn cứ vào số liệu thống kê này, người ta có thể đánh giá thấp vai trò của các tôn giáo trong đời sống xã hội vì ảnh hưởng chưa tới 20% dân số. Thực tế người VN có một lòng đạo đức sâu xa, hầu hết tin vào một Đấng Tối Cao, Đấng linh thiêng gọi là Trời, ông Trời, Chúa Trời, ông Thiên. Đấng linh thiêng ấy là nền tảng cho đạo lý con người, giúp họ sống công minh, chính trực, ăn ở nhân nghĩa với nhau. Trong văn chương cũng như trong thực tế hằng ngày, nhiều người dân VN vẫn tin rằng “Trời cao có mắt”, “Thiên bất dung gian”, “lưới trời lồng lộng”, “duyên Trời xe định”… Các trẻ em vẫn còn hát những bài đồng dao như:
Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp…
Hoặc chơi trò chơi “Thiên đàng hoả ngục”:
Thiên đàng hoả ngục hai bên
Ai khôn thì vào, ai dại thì sa
Đêm nằm nhớ Chúa, nhớ Cha
Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn
Linh hồn phải giữ linh hồn
Đến khi gần chết được lên thiên đàng
Để bảo vệ nền đạo đức dân tộc và gìn giữ bản sắc văn hoá của dân tộc, chúng ta cần phải để ý đến con người VN – nhất là những người trẻ trong xã hội hiện nay – đang được giáo dục như thế nào về niềm tin này. Sự suy thoái đạo đức và văn hoá hiện nay cũng phản ánh một nền giáo dục kém chất lượng mà cả xã hội quan tâm bàn đến rất nhiều trong thời gian vừa qua. Những bộ sách giáo khoa trong mấy chục năm gần đây, nhất là từ năm 1954 ở ngoài miền Bắc và 1975 trên toàn quốc VN, không còn những bài học đạo đức để cổ vũ cho niềm tin vào Đấng Linh Thiêng, trong khi chính niềm tin vào Đấng Linh Thiêng này đã giữ cho dân tộc VN tồn tại và phát triển trong suốt 4.000 năm lịch sử.
1.3. Cấu trúc văn hoá xã hội và bản sắc người Việt Nam
1.3.1. Xét về mặt văn hoá, con người VN bị tác động bởi những yếu tố địa lý và lịch sử nên đã kết thành một thực thể phức tạp gọi là bản sắc văn hoá với nhiều đức tính và khuyết điểm. Chỉ khi hiểu rõ thực sự người VN với bản sắc riêng biệt ta mới dễ dàng hô hào sự gắn bó và đồng hành của các thành phần tôn giáo ở VN. “Mục tiêu của văn hoá là hướng đến con người cho nên chức năng giáo dục là chức năng bao trùm của văn hoá. Văn hoá bao gồm những giá trị tốt đẹp mà cộng đồng người tích luỹ qua nhiều đời và được cô đặc lại thành những tinh hoa. Các thế hệ kế tục, hành xử và phát triển các giá trị tinh hoa ấy đồng thời hình thành nên những giá trị mới” (x. Lê Văn chưởng, Cơ sở Văn hoá Việt Nam, NXB Trẻ, 1999, tr.23). Sự suy đồi đạo đức của xã hội hiện nay bắt nguồn từ sự suy đồi của văn hoá, trong đó có yếu tố chối bỏ tôn giáo, như là một tổng hợp những giá trị cao cả nhất của văn hoá là chân thiện mỹ, mà dân tộc VN tích luỹ từ mấy ngàn năm qua.
1.3.2. Về mặt địa lý, nước VN nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, phía Đông bán đảo Đông Dương, có nhiều hệ thống sông lớn như sông Hồng, sông Mêkông và hơn 2.860 con sông lớn nhỏ. Gắn bó với núi cao biển rộng sông dài nên người VN thường có nhiều tình cảm cao thượng, biết nhìn xa trông rộng và gần gũi với thiên nhiên. Những đức tính tốt đẹp này dường như đang bị xói mòn và biến chất do làn sóng đô thị hoá với những cư dân sống chen chúc trong những toà nhà cao tầng, những căn phòng nhỏ hẹp với bốn bức tường che chắn tầm mắt. Chính tôn giáo, với những lời dạy của Chúa, của Đức Phật, của Thánh nhân… sẽ giúp cho con người chiến thắng lòng vị kỷ, nhỏ hẹp để vươn xa và bay cao nhờ lòng nhân ái.
Từ đồng bằng Bắc bộ sông Hồng, người Việt vượt qua các đồng bằng nhỏ hẹp ở miền Trung để xuôi về miền Nam với đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn, mầu mỡ và bước chân khai phá chỉ dừng lại trước biển cả ở cực Nam đất nước. Người Việt với tâm hồn của những người tiên phong khai hoang dựng nước, không sợ hiểm nguy, dám đối đầu với thú dữ và những bất trắc của cuộc đời đã viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Càng tiến vào miền Nam, người Việt càng phóng khoáng, cởi mở và liều lĩnh. Khí hậu cũng ảnh hưởng khá nhiều đến tâm tính của người Việt vì khí hậu VN luôn thay đổi trong năm và bão tố, lụt lội, hạn hán thường xuyên đe doạ nên tâm tính người VN dễ thay đổi theo kiểu “sáng nắng chiều mưa” và cần tập tính kiên nhẫn, ôn hoà, ý chí vững mạnh thì mới có thể thực hiện những kế hoạch lâu dài.
1.3.3. Về mặt lịch sử
* Trong giai đoạn tiền sử, người VN có nguồn gốc dân tộc trong khối các chủng người Đông Nam Á hình thành từ 2 đại chủng Á và chủng phương Nam: vào khoảng 10.000-8.000 năm trước Công nguyên (TCN). Sau đó từ 5.000 năm TCN, chủng người Cổ Mã Lai ở miền Đông Nam Á, phối hợp với các chủng Nam đảo, Nam Á để hình thành nên các nhóm người Chàm – Môn Khmer – Việt Mường – Tày Thái – Mèo Dao – Tiền Thái – Tạng Miến – Hán: tạo thành 54 dân tộc Việt Nam (x. Lê Văn Chưởng, Cơ sở Văn hoá Việt Nam, NXB Trẻ, 1999, tr. 24-27; Trần Ngọc Thêm, Cơ sở Văn hoá Việt Nam, NXB Giáo dục, 1999; x. Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), Giáo hội Công Giáo VN – Niên giám 2005, NXB Tôn Giáo, tr. 454-466). Không gian văn hoá gốc VN thời tiền sử là không gian của các dân tộc có nền văn minh nông nghiệp lúa nước, văn minh đồ đồng và ngôn ngữ đơn lập. Sau đó đến vài thế kỷ trước Công nguyên, không gian gốc này bị thu hẹp vì các dân tộc ở vùng Nam sông Dương Tử bị người Trung Hoa bành trướng và đồng hoá đã di xuống đồng bằng sông Hồng tạo nên dân tộc Bách Việt.
Người Việt có những nét đặc thù của nền văn hoá nông nghiệp: tôn trọng và hoà hợp với thiên nhiên, có lối sống định canh, định cư và nền kinh tế tự cung, tự cấp. Trong mối quan hệ với gia đình, người Việt trọng nữ và nhiều cộng đồng xã hội còn bị ảnh hưởng theo chế độ mẫu hệ. Đời sống nông nghiệp gắn bó chặt chẽ với gia tộc và xóm làng, trọng tình hơn trọng lý, trọng đức hơn trọng tài, trọng văn hơn trọng võ. Lối nhận thức tư duy thiên về tổng hợp, mang tính chủ quan, theo cảm tính và kinh nghiệm hơn là mang tính phân tích khách quan và hợp lý theo một hệ thống suy tư rõ ràng.
Trong cách ứng xử với môi trường xã hội, người Việt dễ dung hợp trong tiếp nhận, ngay cả trong tín ngưỡng. Ngoài tín ngưỡng bái vật, đa thần, người Việt đón nhận tam giáo Đông Phương: Nho – Phật – Lão, và sau này cả Thiên Chúa giáo. Niềm tin vào một chủ thể tối cao, gọi là Trời mà sau này các tôn giáo khác có thể xác định rõ hơn là Thiên, Chúa Trời, Đức Thượng Đế, Đấng Cao Đài, Đức Allah, Thiên Chúa,.. lúc nào cũng bàng bạc trong tâm hồn người Việt để thúc đẩy họ tin tưởng và sống theo lương tâm ngay chính. Chính niềm tin ấy giúp cho đời sống họ được an vui, xã hội được ổn định, ngăn ngừa những hành động ác độc vì dù không có ai theo dõi, giám sát, không bị luật lệ nào chi phối, toà án nào xét xử, mỗi con người đều tin rằng “Trời cao có mắt”, “Thiên bất dung gian”.
* Giai đoạn thống trị (111 TCN-939) của các đế chế Trung Hoa kéo dài 11 thế kỷ ảnh hưởng không ít tới con người cũng như gia đình và xã hội VN. Năm 179 TCN, nước Âu Lạc do An Dương Vương Thục Phán (257-208 TCN) lập nên với thành Cổ Loa bị Triệu Đà, vua của nước Nam Việt chiếm. Năm 111 TCN, nước Nam Việt bị chuyển sang tay nhà Hán, rồi trải qua nhiều đời vua Trung Hoa cho đến năm 938, khi Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, người Việt mới khôi phục được nền độc lập cho đất nước.
Dù sống dưới chế độ bóc lột hà khắc với chính sách “chia để trị” của ngoại xâm, người Việt vẫn kiên nhẫn chịu đựng gian khổ, biết chờ thời cơ trỗi dậy với cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40-43), Bà Triệu (248), Lý Bí (thế kỷ VI), Mai Thúc Loan (722), Phùng Hưng (766-791). Tuy nhiên, vì sống quá lâu dưới ách thống trị, người Việt có đặc trưng thường nhút nhát, sợ sệt, không dám bày tỏ trực tiếp ý kiến của mình, nhất là trước mặt người lạ. Họ hay giấu diếm tình cảm của mình, chỉ thân thiện vồn vã bên ngoài để tránh cho quân thù khỏi chú ý, làm hại. Họ dễ nghi ngờ vì nghĩ rằng ai cũng có thể là kẻ thù, thiếu tin tưởng và ít cộng tác với người khác, ngay cả với người thân.
Những đặc tính này tạo ra nhiều điểm bất lợi cho đời sống gia đình vì gia đình là một cộng đồng đòi hỏi sự hiệp thông trọn vẹn, sự cởi mở chân thành, tin tưởng và lo lắng cho nhau giữa các thành viên. Nó cũng tác hại rất lớn đến xã hội vì xã hội là một cộng đồng lớn hơn đòi hỏi mọi thành viên phải tin tưởng để cùng hợp tác với nhau lo cho công ích. Đây là điểm cần lưu ý khi ta bàn đến việc các tôn giáo gắn bó và đồng hành cùng dân tộc.
Sự chia rẽ thiếu đoàn kết diễn ra khắp nơi, trong mọi ngành nghề, tổ chức của xã hội và cả trong các tổ chức tôn giáo. Dù thời Bắc thuộc đã qua nhưng những di chứng tiêu cực dường như vẫn còn ăn sâu trong tâm hồn người Việt. Vì thế, việc gắn bó và đồng hành của các tín hữu tôn giáo cần phải vượt qua những điểm yếu trong bản sắc người Việt bằng những hoạt động đào tạo và giáo dục lâu dài chứ không thể thực hiện một sớm một chiều.
Hầu hết người Việt yêu mến quê hương và chống lại kẻ ngoại xâm. Để biểu thị sự bất hợp tác, họ chỉ làm việc cầm chừng và ra vẻ chăm chỉ dưới ánh mắt theo dõi hay dưới làn roi hành hạ của quân thù. Do làm mãi dưới chế độ này người Việt dễ trở thành người làm việc nửa vời, chỉ cố gắng khi có sự quan sát hay theo dõi của người khác, thay vì làm việc với sự đam mê hay ý thức trách nhiệm.
Ngoài ra, vì quan niệm tất cả những gì công cộng như vườn cây, đường xá, cầu cống… đều là của chung, do kẻ thù quản lý, nên họ chẳng thiết tha gìn giữ. Hơn nữa, những thứ chung đó cũng là do sưu cao thuế nặng của họ đóng cho nhà nước đô hộ, nên họ nghĩ có lấy cắp của công cũng chỉ là hoàn trả cho mình, thậm chí có người còn cho rằng: “Ăn cắp của công là không có tội”. Thái độ này dễ dẫn đến tệ nạn tham ô, lãng phí của công.
Về mặt gia đình và xã hội, Nhà nước đô hộ Trung Hoa thời đó chỉ nhằm khai thác kinh tế, nên không chú ý đến việc xây dựng và giáo hoá dân Việt. Bị ảnh hưởng bởi nền văn hoá Trung Hoa, xã hội VN thời đó theo chế độ đa thê: người đàn ông có thể có nhiều vợ, nhiều tỳ thiếp, nhất là những người giàu. Nền kinh tế dựa trên nông nghiệp thô sơ, cần có nhiều lao động khoẻ, nên gia đình càng đông con nhiều cháu thì càng tốt, nhất là có con trai để nối dõi tông đường. Tinh thần trọng nữ trước đây bị đả phá. Xã hội theo chế độ gia trưởng, mọi quyền hành đều tập trung vào người đàn ông, nên phụ nữ thường bị đối xử bất bình đẳng vì “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Sống trong hoàn cảnh như thế, người phụ nữ phải âm thầm chịu đựng những thua thiệt và áp bức để thờ chồng, nuôi con.
* Giai đoạn độc lập và thống nhất đất nước dưới thời quân chủ (939-1945) bắt đầu từ thế kỷ X đến thế kỷ XX, trải qua ba triều đại nhỏ là Ngô (939-965), Đinh (968-980), Tiền Lê (980-1009) và bốn triều đại lớn: Lý (1009-1225), Trần (1226-1400), Lê (1428-1788), Nguyễn (1802-1945), xen kẽ với ba triều đại nhỏ là: Hồ (1400-1407), Hậu Trần (1407-1414), Tây Sơn (1788-1802), người Việt ra sức củng cố nền độc lập non trẻ bằng các cuộc chiến thắng ngoại xâm.
Gắn bó với đời sống nông nghiệp, người Việt phát triển tình làng nghĩa xóm và các mối quan hệ đồng hương. Tuy nhiên, vì sống mãi trong luỹ tre làng, thiếu giao tiếp để mở rộng tầm nhìn nên người Việt dễ hướng tới óc cục bộ, hẹp hòi, đánh mất tinh thần trọng tài đức, trọng tình nghĩa trước đây. Cộng thêm bản chất nghi kỵ người khác của thời bị đô hộ để lại, óc cục bộ này đã được nhà nước quân chủ chuyên chế khai thác tối đa trong tổ chức hành chính làng xã, địa phương, dẫn đến việc người Việt khó chấp nhận sự điều khiển, lãnh đạo của người không đồng hương với mình, coi thường luật pháp quốc gia “phép vua thua lệ làng”, coi thường cả những giá trị nhân văn khiến cộng đồng làng xã sẵn sàng cạo đầu, bôi vôi, bỏ trôi sông những phụ nữ lầm lỡ, chửa hoang. Óc cục bộ ấy vẫn còn mạnh mẽ trong thời đại ngày nay.
Tinh thần ái quốc dâng cao khiến người Việt sẵn sàng hy sinh tình riêng gia đình vì đại nghĩa của đất nước. Bài học của giai đoạn này như giới thiệu cho người Việt, nam cũng như nữ, là phải biết bảo tồn dòng họ của mình; muốn mở rộng tình gia đình thành gia tộc, từng cá nhân phải biết hy sinh quyền lợi cho dòng tộc. Sự gắn bó với dòng tộc đôi khi quá mức khiến nhiều người lại khép kín với đồng bào, chỉ tin tưởng bao che cho những người thân thuộc, tạo nên sự bất công đối với người khác đến độ “một người làm quan, cả họ được nhờ”.
* Thời kỳ phát triển và hội nhập với thế giới (1945-2000)
Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Ngay sau đó, thực dân Pháp trở lại xâm lược Đông Dương và nhân dân VN đã kháng chiến để bảo vệ nền độc lập. Thế giới vào thời điểm 1945-1975 chia thành 2 phe Tư bản và Cộng sản xung đột mãnh liệt với nhau. Do hoàn cảnh và vị trí đặc biệt, VN lại trở thành giới tuyến cho 2 phe phái trên đây.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), với hiệp định Genève, người Pháp rút khỏi miền Bắc VN, nước VN tạm thời bị chia làm 2 miền theo vĩ tuyến 17: miền Bắc là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà theo chế độ Cộng sản; miền Nam là nước Việt Nam Cộng hoà theo chế độ Tư bản. Từ năm 1964-1975, chính quyền Cộng sản ở miền Bắc lãnh đạo cuộc chiến tranh chống lại chính quyền Tư bản ở miền Nam. Ngày 30-4-1975, chính quyền Sài Gòn ở miền Nam sụp đổ, VN hoàn toàn thống nhất, lấy tên là nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Trong cuộc chiến tranh giữa hai ý thức hệ, kẻ thù đã khai thác triệt để sự chia rẽ và phân hoá của người Việt có từ thế kỷ XVIII với Trịnh – Nguyễn phân tranh, thế kỷ XIX-XX với ba miền Bắc – Trung – Nam của thực dân Pháp để “người Việt thù người Việt, người Việt giết người Việt”. Biết bao cuộc xung đột, giết hại nhau chỉ vì những sự khác biệt về tôn giáo, sắc tộc, đảng phái… để lại những di chứng cho đến ngày nay khiến cho người Việt càng khó cộng tác và tin tưởng lẫn nhau.
Cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc (1953-1956), với những màn đấu tố, đã phá hoại truyền thống hiếu hoà, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, làm tan vỡ luân thường đạo lý của gia đình, xã hội, khi cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh em, bạn bè, hàng xóm…, dùng những hình thức dối trá để tố cáo, giết hại lẫn nhau. Nỗi sợ hãi tột cùng của thời ấy đã ăn sâu vào vô thức, tạo nên nếp sống khép kín và giả dối của nhiều người. Còn nhiều người trẻ ở miền Nam thời đó (1960-1975) có tâm trạng “yêu cuồng, sống vội”, hối hả hưởng thụ cuộc sống trước khi phải ra chiến trường, với tâm trạng không cần biết đến ngày mai, vì nghĩ rằng bom đạn vô tình có thể phá hoại tất cả những gì người ta xây dựng hôm nay.
Bỏ qua sự khác biệt về nhiều lĩnh vực, cả hai chế độ có nhiều điểm tích cực đó là đóng góp vào tâm tính người Việt: tinh thần yêu chuộng những điều mới mẻ dựa trên khoa học kỹ thuật để phát triển đời sống, vượt qua những mê tín dị đoan thời trước và sự cố gắng làm việc để có nhiều phương tiện vật chất làm cho đời sống được ấm no, hạnh phúc.
Từ năm 1975 đến nay, người Việt cố gắng xây dựng lại đất nước bằng cách du nhập các lối sống và khoa học kỹ thuật của các nước trong cộng đồng thế giới. Họ trở thành những con người hiểu biết nhờ trình độ văn hoá được nâng cao. Nếu như trước kia, cả làng chỉ có một hai người biết chữ Nho để làm văn tự, sổ sách, thì giờ đây hầu như mọi người đều được khuyến khích đi học, mọi trẻ em bắt buộc phải đi học. Qua việc học hành và các phương tiện truyền thông như báo chí, sách vở, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, và cả mạng lưới thông tin toàn cầu (internet), người Việt càng ngày càng thông thạo khoa học, phát triển nền kinh tế, khai thác được các nguồn tài nguyên phong phú của đất nước.
1.4. Vai trò tôn giáo trong dòng lịch sử
Có lẽ chúng ta nên nhắc lại một vài điểm cơ bản về dân tộc VN trong cấu trúc văn hoá xã hội để nhận ra sự đóng góp của các tôn giáo trong dòng lịch sử. Chúng ta ghi nhận ảnh hưởng của Tam giáo Đông Phương đối với xã hội VN, đặc biệt là Khổng giáo. Cả ba đều đến từ Trung Hoa, chỉ riêng Phật giáo lại chia làm hai ngả, theo con đường Đồng Cỏ vào miền Bắc VN và theo con đường Hồ Tiêu vào miền Nam VN (x. Nguyên Tạng, Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2005, NXB Tôn Giáo, tr. 492-498).
1.4.1. Tôn giáo bái vật thời tiền sử liên kết với đời sống nông nghiệp thúc đẩy cộng đồng xã hội tôn thờ thiên nhiên như trời đất, núi sông, cây cối, cỏ hoa, muông thú vì tất cả đều là thần linh, đều có thể độ trì nhưng cũng có thể làm hại con người. Gắn bó với những người đã khuất trong dòng tộc, người Việt chứng tỏ lòng thảo hiếu qua việc thờ cúng tổ tiên. Người Việt lập bàn thờ tại nhà với bài vị của những người đã khuất, cúng bái trong những ngày sóc, vọng, giỗ, Tết.
1.4.2. Phật giáo ảnh hưởng nhiều đến quần chúng bình dân, nhất là dưới thời Lý – Trần, với thuyết Luân Hồi, với Tứ Diệu Đế, với luật Nhân Quả để nuôi dưỡng lòng đạo đức, tôn trọng sự sống, cấm sát sinh, giải thích cho người dân hiểu về nguồn của bể khổ đời người.
1.4.3. Khổng giáo hay Nho giáo là hệ thống các nguyên tắc đạo đức, chính trị do Khổng Tử lập ra nhằm duy trì trật tự của xã hội phong kiến, nên ảnh hưởng nhiều đến vua quan và quần chúng trong cách tổ chức xã hội. Nho giáo khởi đầu với việc lập Văn Miếu (1070), Quốc Tử Giám và tổ chức thi cử (1076) và càng ngày càng chiếm ưu thế cho đến khi đạt được địa vị độc tôn vào thế kỷ XVIII-XIX. Người VN ứng xử trong các quan hệ cá nhân, gia đình, họ hàng, làng xóm, vua quan theo những chuẩn mực của lễ nghĩa Nho giáo như Tam cương – Ngũ thường cho mọi người, Tam Tòng – Tứ đức cho phụ nữ.
Những chuẩn mực của Nho giáo có mặt tốt là giữ cho xã hội được trật tự ổn định, nhưng nhà nước quân chủ chuyên chế lại dùng chúng như một phương tiện áp chế con người, khi tôn vinh vua là “thiên tử” (con Trời) nắm trọn quyền sinh sát trong tay: “quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung”. Những vị Nho gia ít người dám nghĩ, dám làm với tầm nhìn xa trông rộng để “trị quốc, bình thiên hạ”, mà chỉ trở thành những nhà trí thức luẩn quẩn với những bài phú, bài thơ ca tụng chế độ, suy tôn mù quáng một con người là thiên tử dù người đó bất tài, kém đức hoặc họ chỉ nhai đi nhai lại những câu trích dẫn thuộc lòng trong Tứ Thư Ngũ Kinh. Cách học từ chương và chế độ thi cử của Nho giáo này đã trói buộc những sáng kiến, suy tư của người Việt và còn ảnh hưởng đến ngày nay trong cách giáo dục xã hội.
Chúng không những không cải tạo được tình trạng đa thê hay bất bình đẳng nam nữ, như ta từng thấy trong thời bị Trung Hoa đô hộ, mà còn làm cho người phụ nữ càng bị lệ thuộc hơn vào người đàn ông “Trai thì năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”, vào dòng họ của chồng “Lấy chồng thì phải theo chồng, lấy chồng phải gánh giang san nhà chồng”. Người phụ nữ chỉ còn là cái bóng của người đàn ông vì họ được dạy phải có đủ tam tòng “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” và tứ đức “công, dung, ngôn, hạnh” chứ không còn là một con người thật sự độc lập với tất cả giá trị làm người.
Sống trong nền quân chủ chuyên chế độc tài, người dân không được phép có nhiều phương tiện vật chất, nhiều nông nô vì sợ bị phản loạn. Nhưng dù có nhiều tiền họ cũng không được phép tiêu xài, không được cất nhà theo ý mình, thậm chí không được ăn mặc theo ý thích. Họ cũng không được học rộng vì càng có nhiều tư tưởng mới lạ họ càng dễ thoát ra ngoài sự kiểm soát của chính quyền: chỉ cần một câu thơ không rõ ý cũng có thể bị kết tội phản nghịch và bị tru di tam tộc. Mỗi làng chỉ có một vài người được đi học còn tất cả nam cũng như nữ, già cũng như trẻ, đều đầu tắt mặt tối với công việc đồng áng. Chính sách ngu dân này làm cho người Việt không phát triển óc suy tư, sáng tạo, càng làm cho cuộc sống của họ thêm cơ cực, nghèo túng.
1.4.4. Lão giáo du nhập vào VN đồng thời với Phật giáo và Nho giáo ngay từ thời Bắc thuộc, đến đời vua Đinh Tiên Hoàng (cuối thế kỷ X) đã khá phát triển ở nước ta. Lão giáo chủ trương vô vi (không làm), “nghĩa là chủ ý cốt theo cách tự nhiên thanh tĩnh, không cần phải làm gì; muôn việc cứ phó mặc tự nhiên, không cần phải lo lắng, nghĩ ngợi mới hưởng sự khoái lạc phiêu diêu” (Toan Ánh, Nếp cũ – Tín ngưỡng VN, quyển Thượng, NXB TP.HCM, 1992, tr. 221). Chủ trương này đúng ra là thái độ sống của những nhà trí thức Nho giáo sau khi họ đã lăn lộn miệt mài trên con đường công danh của quan lại triều đình.
Dần dần đạo Lão đi vào các tầng lớp bình dân và biến thể thành những hình thức bí hiểm mê tín như phù phép, sấm ký, chầu đồng, thẻ xăm, bói toán, với các thần tiên ẩn thân trong vạn vật: “bếp có ông Táo, đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”. Tuy nhiên, cái nhìn “linh hoá vạn vật” này lại giúp cho người VN vượt qua thái độ quá chuộng hình thức lễ nghĩa tỉ mỉ, vụn vặt của Nho giáo để đến gần với thiên nhiên và tìm được sự khoáng đạt cho tâm hồn.
1.4.5. Kitô giáo. Chúng ta không thể không nhắc đến ảnh hưởng của Kitô giáo trong thời kỳ này. Kitô giáo được truyền vào VN là đạo Công giáo theo lễ nghi Rôma, qua các giáo sĩ dòng Đa Minh, dòng Phanxicô, dòng Augustinô người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha vào thế kỷ XVI, nhất là các giáo sĩ dòng Tên vào thế kỷ XVII (1615-1665). Các giáo sĩ này nói được tiếng Việt, sáng lập ra chữ Quốc ngữ và đóng góp nhiều về khoa học, cũng như xã hội cho các vua chúa của cả hai miền Nam Bắc.
Họ truyền bá một giáo thuyết khác với Tam giáo Đông Phương về nhiều điểm nên gặp sự chống đối mãnh liệt của vua quan, nhưng đó lại là những sự thật cơ bản được các dân tộc trên thế giới ngày nay đón nhận. Sự thật đó là tất cả mọi người đều có giá trị cao quý như nhau vì đều là con cái Chúa, đều tự do và bình đẳng trước pháp luật chứ không phải vua có toàn quyền sinh sát trong tay, hôn nhân một vợ một chồng, nam nữ bình đẳng và có giá trị như nhau…
Đạo Công giáo đưa ý thức dân chủ vào trong xã hội khi dạy các tín đồ về một Thiên Chúa là Cha chung của mọi người mọi vật và chính Con Một của Ngài là Chúa Giêsu, Đấng thật sự là Thiên Tử, không những không dùng quyền tối thượng của mình để giết hại ai, nhưng đã hy sinh và chết nhục nhã trên thập giá để cứu độ tất cả. Do đó mọi người đều phải yêu thương nhau vì đều là con cái Thiên Chúa. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Người Công giáo cổ vũ chế độ một vợ một chồng và giáo dục con cái cẩn thận nên gia đình rất hạnh phúc.
Hơn nữa, nhờ được các vị thừa sai truyền giáo nước ngoài dạy cho kiến thức về khoa học, vệ sinh thường thức nên họ truyền bá khoa học này cho nhau, dạy cho nhau biết lọc nước sạch bằng than cát sỏi, nấu chín mới uống, chứ không dùng trực tiếp nước ao tù để không bị ghẻ lở, toét mắt và các bệnh đường ruột rất phổ biến thời đó. Kết quả là họ khoẻ mạnh, xinh đẹp. Các tu sĩ, nhất là các nữ tu Mến Thánh Giá, có mặt ngay từ thế kỷ XVII, biết cách đỡ đẻ hợp vệ sinh nên được dân chúng tôn kính gọi là “bà mụ”.
Các người Công giáo thúc đẩy nhau học hành, ban đầu là chữ Hán, chữ Nôm với cả kho tàng các sách đạo viết bằng hai loại chữ này, sau là chữ Quốc ngữ do người Công giáo phát minh, nên họ là những người thúc đẩy văn hoá mạnh mẽ trong cộng đồng dân tộc. Họ đọc kinh, đọc sách hằng ngày, nghe giảng đạo hàng tuần về giới luật yêu thương, bác ái nên họ sống đạo một cách ý thức, tốt lành khiến cho dân chúng yêu thương, mến phục.
Dù họ bị bách hại, bị đối xử tàn tệ bởi nhà nước quân chủ chuyên chế, nhưng họ vẫn được dân chúng đón nhận qua những giá trị văn hoá. Bằng chứng cụ thể là xã hội VN được thay đổi dần dần theo hướng dân chủ, bình đẳng nam nữ, gia đình một vợ một chồng, mở ra cho khoa học kỹ thuật, nhất là đón nhận chữ Quốc ngữ. Đây là thứ chữ do các vị thừa sai như linh mục Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa, Girolamo Majorica, nhất là linh mục Alexandre de Rhodes, quen gọi là cha Đắc Lộ, cộng tác với các thầy giảng như cụ Gioakim, sư cụ chùa Phao, sư cụ Manuel, cụ Nghè Giuse… phát minh để ghi âm tiếng Việt bằng chữ La Tinh cộng thêm một số dấu bằng chữ Bồ Đào Nha, chữ Ý rồi được phổ biến trong cộng đồng tín hữu trong khoảng thời gian 1620-1650. Vào năm 1865, nghĩa là chỉ sau hơn 200 năm sáng lập chữ viết, tờ báo tiếng Việt đã ra mắt ở miền Nam Việt Nam, với tên gọi là Gia Định Báo. Như thế, trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, 400 năm (1615-2013) so với 4.000 năm lịch sử, đạo Công giáo đã đóng góp và xây dựng nhiều giá trị lớn cho nền văn hoá dân tộc.
Điều không may cho Công giáo là vào thời điểm này, các đế quốc thực dân đi chiếm thuộc địa và các nhà truyền giáo lại theo chân họ vào VN, gây nên nhiều hiểu lầm và cả những cuộc bách hại. Khi quân đội Pháp bắn thị uy vào cảng Đà Nẵng (1847) và nhanh chóng chiếm được các tỉnh miền Đông Nam Kỳ (1862), rồi đặt nền đô hộ từ 1862-1945 thì người VN như bừng tỉnh trước sức mạnh trổi vượt về quân sự, khoa học, kỹ thuật của quân thù, trước chính sách bế quan toả cảng của vua quan, dẫn đến ngu dốt, lạc hậu, yếu kém. Họ giống như người Trung Quốc bừng tỉnh sau cuộc Chiến tranh Nha phiến (1839-1842) và thấy rằng: “Cái học nhà Nho đã hỏng rồi!” (Trần Kế Xương). Họ muốn được như người Nhật cởi mở với nền văn minh kỹ thuật của phương Tây nên các phong trào như Đông Du của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của Lương Văn Can… đã ra đời. Dân tộc VN bước vào một thời kỳ mới.
Giai đoạn từ 1975 đến nay: nếu như trước đây, người VN tin vào Trời – Phật độ trì, vào thiên mệnh của Nho giáo, vào Thiên Chúa của Kitô giáo, vào Ông bà Tổ tiên chứng giám, thì giờ đây, những bài học bài bác thái độ duy tâm, đề cao chủ nghĩa duy vật từ 60 năm qua dường như đang có hiệu quả rõ rệt là xoá bỏ niềm tin mang tính tín ngưỡng ấy của người Việt. Nhưng một khi con người đánh mất ý nghĩa của đời sống tinh thần, chối bỏ sự hiện diện của chủ thể luân lý tối cao như là nền tảng của đạo đức xã hội, thì người ta dám làm bất cứ điều gì để chiều theo những tham vọng và dục vọng!
Luật pháp không có khả năng khám phá tất cả những hành động bí ẩn của con người bắt nguồn từ trong tâm trí. Vì thế, khi tin vào một chủ thể luân lý tối cao nhìn thấu lòng mình (Trời cao có mắt), con người mới ý thức và tự nguyện sống theo lương tâm ngay chính, vượt qua những quyến rũ của vật chất, đam mê để sống đạo đức. Từ căn bản đạo đức này, người Việt mới có thể vượt qua những tệ nạn như: dối trá, tham nhũng, quan liêu, lãng phí, phá thai… đang tràn lan trong xã hội hiện thời. Như thế, suy cho cùng thì sự có mặt của các tôn giáo rất cần thiết cho xã hội. Một số ít người đã nhận ra điều ấy và đang cổ vũ cho những lễ hội dân gian hoặc tham gia các lễ nghi tôn giáo. Nhưng nhiều người VN hiện nay chưa ý thức được điều này.
Vấn đề đặt ra cho chúng ta là làm sao xây dựng một nền đạo đức xã hội tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của mọi người thay vì mất nhiều sức lực cho những tranh cãi duy tâm – duy vật hoặc vô thần – hữu thần, đồng thời làm sao cho các tôn giáo gắn bó và đồng hành cùng dân tộc trong hoàn cảnh hiện nay.
2. Việc gắn bó và đồng hành của các tôn giáo trong dòng lịch sử
Mới thoáng nhìn qua tựa đề bài nghiên cứu, chúng tôi tưởng chừng như đây là một đề tài đơn giản và dễ dàng vì tín đồ các tôn giáo đều là những công dân của một nước, đều thuộc về cộng đồng dân tộc nên đương nhiên phải gắn bó với nhau, cũng như vì các tín đồ đều là công dân nên đương nhiên phải đồng hành với mọi người để xây dựng và bảo vệ đất nước, để xây đắp và phát triển dân tộc. Nhưng trong thực tế của lịch sử loài người, nhiều cuộc xung đột, chiến tranh đã xảy ra giữa các cộng đồng và dân tộc chỉ vì nguyên nhân tôn giáo. Do đó, muốn cho các tôn giáo ở VN gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, chúng tôi thiết nghĩ trước tiên cần phải xác định rõ ràng ý nghĩa của những từ chủ chốt như “gắn bó”, “đồng hành”, “tôn giáo” và “dân tộc”, sau đó phải tìm hiểu xem điều kiện nào thuận lợi và cần thiết cho việc gắn bó và đồng hành này trong thực tế của các cộng đồng tôn giáo.
2.1. Khái niệm “gắn bó”, “đồng hành”, “tôn giáo”, “dân tộc”
2.1.1. “Gắn bó”
“Gắn bó”, nghĩa là có quan hệ hoặc làm cho có quan hệ về tinh thần, tình cảm khó tách rời nhau (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, 2005, mục từ “Gắn bó”, NXB Đà Nẵng, tr.374).
Từ gắn bó gợi cho ta hình ảnh những cộng đồng người được gắn kết với nhau bằng tình yêu thương dân tộc, giống như người ta làm cho những khối, những mảnh chất rắn dính chặt vào với nhau bằng một chất kết dính, khi khô thì cứng lại. Chất kết dính ở đây phải là tình yêu chân thành thì mối quan hệ mới chặt chẽ, bền vững, chứ không phải là những thủ đoạn mua chuộc, đe doạ, áp bức mà một số chính quyền hay một số vị lãnh đạo tôn giáo đã từng làm trong lịch sử các dân tộc.
Tác nhân gắn kết các cộng đồng tôn giáo này giống như con người gắn các mảnh vỡ của một chiếc bát với nhau, tác nhân đó phải là một cá nhân hay tập thể có đủ tài đức để làm cho con người tin tưởng nhau như Minh Trị Thiên Hoàng (Mutsushito) (1852-1912) của Nhật Bản hay vua Chulalongkron Râma (1868-1910) của Thái Lan thì mới làm cho các cộng đồng tín hữu kính phục và vâng theo. Hiện nay, dân tộc ta đang có một tập thể lãnh đạo và điều chúng ta mong ước là những người trong tập thể lãnh đạo này cũng cần có đủ tài đức, nghĩa là vừa có tâm, vừa có tầm, để kết nối các cộng đồng tôn giáo.
2.1.2. “Đồng hành”
“Đồng hành” có nghĩa là cùng đi đường với nhau. Trong thực tế của xã hội VN hiện nay, chúng ta thử hình dung các cộng đồng tôn giáo với tỷ lệ hơn 18% dân số như những con người đang cùng đi với đại đa số quần chúng trên một con đường duy nhất, nghĩa là cùng hành động vì lợi ích chung và cùng đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước.
Tuy nhiên, người ta cũng tự hỏi: con đường thống nhất cho dân tộc ấy sẽ dẫn đến đâu, tới đích điểm gì? Nếu thật sự con đường này dẫn đến sự thật và sự sống, độc lập và tự do, hạnh phúc và phát triển, công lý và hoà bình thì chắc chắn sẽ được đại đa số người dân ủng hộ và đi theo, dù họ có tôn giáo hay không theo một tôn giáo nào, vì tận cõi lòng thẳm sâu của con người, ai cũng muốn những điều tốt đẹp đó. Nhưng nếu con đường này không dẫn đến những đích điểm tốt đẹp, mà chỉ làm lợi cho một dòng họ vua chúa thời xưa hoặc tập thể nào đó lãnh đạo đất nước thời nay, thì lương tri con người chắc chắn sẽ nhận ra và sẽ không cùng đồng hành với nhau. Hoặc nếu có cộng đồng tôn giáo nào không theo đuổi những mục tiêu trên mà chỉ muốn phát triển đạo pháp hay tổ chức của họ thì họ cũng chẳng đi chung được với các cộng đồng còn lại.
Khái niệm “đồng hành” còn gợi ý cho chúng ta về hướng đi và cách đi của tập thể con người hay của từng người trên con đường phát triển dân tộc. Chúng ta hãy hình dung dân tộc như cỗ xe ngựa, còn cộng đồng như các con ngựa kéo chung chiếc xe này. Nếu các con ngựa đều khoẻ như nhau, cùng hết sức kéo theo 2 hướng ngược chiều nhau, thì chiếc xe vẫn đứng yên, chẳng tiến thêm được chút nào. Còn nếu một bên khoẻ, bên yếu, thì chiếc xe chỉ di chuyển được chút ít vì bao nhiêu sức lực bỏ ra chỉ là để triệt tiêu sức lực của bên kia.
Vì thế, vai trò định hướng mục tiêu để cùng theo đuổi chung với nhau rất quan trọng trong công việc cổ vũ cho các tôn giáo gắn bó và đồng hành với dân tộc. Vai trò “cầm cương” này thường do chính quyền nắm giữ và thể hiện thành những văn bản pháp quy như hiến pháp, các bộ luật, nghị định liên quan đến các sinh hoạt của dân tộc cũng như liên quan tới các tôn giáo. Nếu những văn bản pháp quy không rõ ràng, xúc phạm đến quyền lợi nhân dân, quyền lợi con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo, thì chính quyền cũng khó có thể kêu gọi người dân hay các tôn giáo đồng hành với mình.
2.1.3. “Tôn giáo”
“Tôn giáo” là một khái niệm rất khó định nghĩa. Điều chúng tôi lấy làm lạ là nếu mở mục từ “tôn giáo” trong Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học hay trong Từ điển Bách khoa Việt Nam do Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn, ta vẫn đọc thấy định nghĩa tôn giáo theo quan điểm tôn giáo học Marxit của chủ nghĩa xã hội với những nhận định tiêu cực như: “Tôn giáo là hình thái ý thức xã hội, phản ánh một cách hư ảo thế giới hiện thực… Đặc điểm chủ yếu của tôn giáo là niềm tin vào cái siêu nhiên, thần thánh, thế giới bên kia, sự bất tử của linh hồn v.v… Sự xuất hiện của tôn giáo gắn liền với trình độ phát triển thấp của sản xuất xã hội, con người bất lực trước những sức mạnh tự phát của thế giới tự nhiên cũng như của những tai hoạ xã hội và không giải thích được bản chất của chúng. Trong xã hội có giai cấp, giai cấp bóc lột luôn luôn lợi dụng tôn giáo như một vũ khí tinh thần” (x. Hội đồng Quốc gia, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005, tr.485, tập 4).
Chúng tôi tự hỏi rằng làm sao có thể hô hào những tín hữu thuộc các tôn giáo gắn bó và đồng hành với dân tộc khi họ bị đánh giá tiêu cực như thế! Làm sao giải thích được hàng vạn người chen chúc nhau trong các lễ hội tôn giáo, giành giật nhau tấm “ấn đền Trần”, hoặc dự các lễ nghi tôn giáo trong các đền chùa, trong đó không thiếu những cán bộ, đảng viên đi trong những xe mang biển số xanh của Nhà Nước? Tại sao trong những mục từ “nhạy cảm” như thế các nhà biên soạn không có những định nghĩa ôn hoà và quân bình hơn để mọi người trong cộng đồng xã hội có thể chấp nhận như trong các cuốn từ điển có giá trị quốc tế khác?
Rồi nếu chúng ta nhận ra tôn giáo như hệ thống những giá trị cao cả nhất của tinh thần có thể giúp con người vực dậy nền đạo đức suy đồi hiện nay của xã hội VN, là hình thái cao cả nhất của văn hoá, thì cần phải thay đổi cách nhìn tiêu cực về tôn giáo trong các sách báo như thế, trong các sách giáo khoa, trong các phát biểu trên những phương tiện truyền thông xã hội… Đây là nhiệm vụ của người cầm cương khi đánh chiếc xe để đưa cả dân tộc đến đích điểm tốt đẹp, người đó phải biết quan sát chung quanh, nhìn trước nhìn sau, thấy được cả những chướng ngại vật trên đường để điều tiết vận tốc, chứ không phải tự bịt mắt chính mình như những con ngựa chỉ biết lao mình vào phía trước.
Chúng ta có thể mượn lời của GS. Đặng Nghiêm Vạn viết trong sách Lý luận Tôn giáo và Vấn đề Tôn giáo ở Việt Nam như sau: “Để có khái niệm đầy đủ về tôn giáo cần phải chú ý:
– Khi nói đến tôn giáo, dù theo ý nghĩa hay cách biểu hiện nào thì luôn luôn phải đề cập đến vấn đề hai thế giới: thế giới hiện hữu và thế giới phi hiện hữu, thế giới của người sống và thế giới sau khi chết, thế giới của những vật thể hữu hình và vô hình.
– Tôn giáo không chỉ là những sự bất lực của con người trong cuộc đấu tranh với tự nhiên và xã hội, do thiếu hiểu biết dẫn đến sợ hãi và tự đánh mất mình do đó phải dựa vào thánh thần mà còn hướng con người đến một hy vọng tuyệt đối, một cuộc đời thánh thiện, mang tính “Hoàng kim nguyên thuỷ”, một cuộc đời mà quá khứ, hiện tại, tương lai cùng chung sống. Nó gieo niềm hi vọng vào con người, dù có phần ảo tưởng để yên tâm, tin tưởng để sống và phải sống trong một thế giới trần gian có nhiều bất công và khổ ải.
Như vậy: Tôn giáo là niềm tin vào các lực lượng siêu nhiên, vô hình, mang tính thiêng liêng, được chấp nhận một cách trực giác và tác động qua lại một cách hư ảo, nhằm lý giải những vấn đề trên trần thế cũng như ở thế giới bên kia. Niềm tin đó được biểu hiện rất đa dạng, tuỳ thuộc vào những thời kỳ lịch sử, hoàn cảnh địa lý – văn hoá khác nhau, phụ thuộc vào nội dung từng tôn giáo, được vận hành bằng những nghi lễ, những hành vi tôn giáo khác nhau của từng cộng đồng xã hội tôn giáo khác nhau” (x. mục “Tôn giáo là gì? www.anthdep.eduvn/?frame=newsview& id=199).
2.1.4. “Dân tộc”
Nói đến dân tộc là phải nói đến một quá trình phát triển lâu dài của xã hội loài người. Trước khi dân tộc xuất hiện, loài người đã trải qua những hình thức cộng đồng từ thấp đến cao: thị tộc, bộ lạc, bộ tộc. Cho đến nay, khái niệm dân tộc được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, trong đó có hai nghĩa được dùng phổ biến nhất:
Một là: Dân tộc chỉ một cộng đồng người hình thành trong lịch sử, có chung một lãnh thổ, có các mối quan hệ chặt chẽ, bền vững, có sinh hoạt kinh tế chung, có ngôn ngữ văn học và một số đặc trưng văn hoá và tính cách. Dân tộc xuất hiện sau bộ lạc, bộ tộc. Với nghĩa này, dân tộc là bộ phận của quốc gia. Quốc gia có nhiều dân tộc như quốc gia Việt Nam có 54 dân tộc.
Hai là: Dân tộc chỉ cộng đồng người ổn định hợp thành nhân dân một nước, có lãnh thổ quốc gia, nền kinh tế thống nhất, quốc ngữ chung và có ý thức về sự thống nhất quốc gia của mình, gắn bó với nhau bởi lợi ích chính trị, kinh tế, truyền thống văn hóa và truyền thống đấu tranh chung trong suốt quá trình lịch sử lâu dài dựng nước và giữ nước. Với nghĩa này, dân tộc là toàn bộ nhân dân của quốc gia đó. Trong phạm vi bài này, dân tộc được hiểu theo nghĩa thứ hai. Khi nói đến việc gắn bó và đồng hành với dân tộc là chúng ta nói đến cộng đồng người tạo nên dân tộc VN. (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, 2005, mục từ “Dân tộc”, NXB Đà Nẵng,).
2.2. Các thành phần trong cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân tộc
Sau khi đã tìm hiểu sơ qua vài khái niệm cơ bản của đề tài theo ý nghĩa trừu tượng, chúng ta muốn nhìn thẳng vào các cộng đồng tôn giáo và cộng đồng xã hội ở VN một cách thực tế. Các cộng đồng này là những tập thể con người rất cụ thể và sinh động, đang sống trên đất nước VN, bị ảnh hưởng bởi các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội nhất định.
Trước hết, chúng ta nên phân biệt mỗi tôn giáo ở VN, nhất là các tôn giáo có số đông tín đồ như Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Hoà Hảo, Tin Lành, đều có nhiều cộng đồng người hình thành chứ không đơn nhất. Các thành phần cộng đồng tôn giáo này bao gồm các cấp lãnh đạo tôn giáo, các đoàn thể, các tín hữu trong mỗi địa phương khác nhau. Thí dụ như trong cộng đồng Công giáo VN chúng ta thấy có cấp lãnh đạo gồm hội đồng giám mục, cộng đồng linh mục, cộng đồng tu sĩ, cộng đồng giáo dân. Ngay trong các cộng đồng đó, người ta cũng có thể phân loại thành cộng đồng tín hữu miền Bắc, miền Nam, cộng đồng giáo phận, giáo xứ với những khác biệt nhau về tầm nhận thức và hành động. Tuỳ theo sự gắn bó chặt chẽ hay lỏng lẽo giữa các thành phần mà ảnh hưởng của cộng đồng tôn giáo sẽ tác động nhiều hay ít đối với cộng đồng dân tộc.
Do đó, sự gắn bó và đồng hành với dân tộc cũng tuỳ thuộc vào những con người của các thành phần cộng đồng: có những người được đào tạo kỹ lưỡng với tầm nhìn xa trông rộng, với tâm hồn bao dung quảng đại sẵn sàng đồng hành với dân tộc. Nhưng cũng có những người với đầu óc thiển cận, tâm thức hẹp hòi, bị chi phối bởi những tác động bên ngoài, lại đóng kín và không muốn đồng hành với các thành phần khác của dân tộc. Thí dụ: một chức sắc tôn giáo có thể đồng tình với chính quyền để hô hào các tín hữu gắn bó và thực hiện các chính sách của Nhà nước, nhưng các thành phần khác, ở những cấp dưới hơn hoặc số đông tín hữu lại không đồng tình với vị chức sắc ấy.
Ta cũng thấy điều này xảy ra trong nhiều dân tộc chứ không phải chỉ riêng ở VN. Chẳng hạn trong Giáo hội Công giáo Trung Quốc, chúng ta thấy hai thành phần lãnh đạo của cùng một giáo hội đối kháng nhau: có những giám mục, linh mục hoàn toàn gắn bó và đồng hành với chính quyền, nhưng một số khác lại chống đối và giữ thái độ lãnh đạm, bất hợp tác.
Điều cần phân biệt tiếp theo là các thành phần của dân tộc. Khi nói đến việc gắn bó và đồng hành với dân tộc VN, chúng ta phải tự hỏi dân tộc ở đây ám chỉ ai? Người ta có thể hiểu dân tộc là toàn thể những người sống trong đất nước VN, nhưng cũng có người nghĩ dân tộc là chính quyền trung ương lãnh đạo đất nước, hoặc chính quyền địa phương lãnh đạo một tỉnh thành hay địa phương nào đó mà toàn thể tín hữu thuộc về, thí dụ như chính quyền tỉnh Bến Tre trong đó có các tín hữu của giáo phận Vĩnh Long cư trú. Nhưng chính quyền trung ương hay địa phương không phải là toàn thể dân tộc VN. Chính quyền này có thể đại diện cho nhân dân để đặt lợi ích dân tộc lên cao nhất, nên đạt được sự đồng tình của các thành phần khác, nhưng chính quyền đó cũng có thể phản bội dân tộc để đi tìm quyền lợi riêng tư cho một cá nhân hay tập thể, nên không được nhân dân gắn bó và đồng hành. Vì thế, mới xảy ra những cuộc cách mạng lật đổ chính quyền như ta thấy trong lịch sử của nhiều dân tộc.
Trong thời quân chủ chuyên chế, người ta quan niệm: “Trung với vua là yêu nước, hành động theo mệnh lệnh của vua là đồng hành với dân tộc”. Nhưng nếu ông vua ấy là một vị hôn quân, bạo chúa, chỉ biết ăn chơi sa đoạ, không màng chi đến việc bảo vệ và phát triển đất nước, thì dân chúng có phải vâng phục mệnh lệnh trái với luân thường đạo lý của ông vua đó không? Người dân có thể âm thầm phản kháng với thái độ bất bạo động? Rồi khi có đủ điều kiện, người dân có thể lật đổ ngai vàng để lập nên một vị vua mới có tài đức và biết lo cho dân không?
Như thế, chúng ta thấy việc gắn bó và đồng hành với dân tộc đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ và phân biệt nhiều điều chứ không phải chỉ nhắm mắt hành động theo sự thúc đẩy của cá nhân hay một tập thể nào. Việc gắn bó và đồng hành này cũng đòi hỏi nhiều điều kiện cụ thể thì mới có thể thực hiện và đạt hiệu quả cao.
2.3. Những điều kiện cần thiết để đạt được sự gắn bó và đồng hành của các cộng đồng tôn giáo
Trong hoàn cảnh xã hội VN hiện nay, muốn đạt được sự gắn bó và đồng hành của các cộng đồng tôn giáo, chúng tôi thiết nghĩ chính quyền nên chú ý đến một vài điểm cơ bản sau đây:
– Xoá bỏ những thành kiến, hiểu lầm, mặc cảm về nhau trong quá khứ.
– Thay đổi đường lối “chia để trị” bằng chính sách tích cực, cổ vũ sự đoàn kết, cộng tác với mọi thành phần dân tộc để hành động vì công ích.
– Xây dựng bản sắc mới cho dân tộc bằng cách đào tạo đúng đắn về tôn giáo như một nét văn hoá mới.
2.3.1. Xoá bỏ thành kiến, hiểu lầm, mặc cảm
Chúng ta có thể nói rằng hiện có rất nhiều những thành kiến, hiểu lầm, mặc cảm phát sinh trong quá trình lịch sử giữa người Cộng sản với cộng đồng các tôn giáo hoặc với cả quần chúng nhân dân cần phải được giải trừ thì việc gắn bó, đồng hành mới dễ dàng thực hiện.
Chủ nghĩa Cộng sản mới chỉ xuất hiện khoảng 100 năm, nếu tính từ năm 1917 với cuộc cách mạng ở Liên Xô, so với hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc VN. Bị ảnh hưởng bởi Tam giáo Đông Phương và Kitô giáo nên cộng đồng dân tộc VN thường tin vào Trời Phật độ trì và có những thành kiến khá gay gắt với chủ nghĩa Cộng sản về việc bài bác tôn giáo. Nhiều người vẫn nghĩ rằng người Cộng sản theo tam vô: vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo. Thành kiến này như in sâu vào tâm trí người Việt, nhất là những người sống trong chế độ Việt Nam Cộng Hoà từ 1954-1975.
Trong giai đoạn từ năm 1975 đến nay, thái độ của dân chúng đối với người Cộng sản trong lĩnh vực gia đình và tổ quốc đã thay đổi phần nào, nhưng thành kiến đối với tôn giáo hầu như vẫn tồn tại nguyên vẹn, dù chính quyền có thái độ hoà hoãn hơn đối với các cộng đồng tôn giáo. Điều này được biểu lộ qua sách báo, lời phát biểu của những người Cộng sản đối với tôn giáo và người dân có cảm tưởng như người Cộng sản bất đắc dĩ phải chấp nhận sự tồn tại của tôn giáo trong “giai đoạn quá độ” chứ không thật tâm nhìn nhận giá trị tôn giáo trong đời sống tinh thần của con người.
Ngược lại, người Cộng sản cũng có thể có những thành kiến đối với một số cộng đồng tôn giáo qua những hiểu lầm trong lịch sử, qua sự tuyên truyền của cuộc chiến tranh tâm lý giữa hai miền Nam-Bắc trong giai đoạn 1945-1975, qua những đường lối chủ trương thiếu nhất quán của các cá nhân hay tập thể tôn giáo đối với chính quyền. Thí dụ như thành kiến Công giáo VN cộng tác với thực dân Pháp làm hại đất nước trong giai đoạn 1864-1884 hoặc giết hại những người Cộng sản yêu nước ở miền Nam trong giai đoạn 1954-1963 dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, hoặc thành kiến với một vài giám mục, linh mục như Đức Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền – Tổng Giáo phận Huế, linh mục Chân Tín – Dòng Chúa Cứu Thế,…
Người tín hữu Công giáo VN có thể hiểu lầm rằng chính quyền hiện nay đang dành nhiều ưu đãi cho một vài cộng đồng tôn giáo này trong khi lại đối xử rất khắc khe với một số cộng đồng tôn giáo khác qua những sự kiện xảy ra mà không được chính quyền giải đáp rõ ràng. Thí dụ như: cộng đồng Phật giáo được dành cho những vùng đất rộng lớn hay thuận lợi để xây dựng những cơ sở tôn giáo trong khi cộng đồng Công giáo lại bị tịch thu những miếng đất nhỏ bé nhưng cần thiết cho các cơ sở tôn giáo của mình.
Việc Nhà nước dành quỹ đất lớn lao để xây dựng khá nhiều chùa chiền trong khoảng 15 năm gần đây đặt một câu hỏi lớn cho các cộng đồng tôn giáo. VN hiện có 14.775 ngôi chùa, chiếm diện tích 36% tổng số di tích VN (x. Mục Chùa Việt Nam trên trang web www.vi.wikipedia.org/wiki/chua_viet_nam). Nhiều ngôi chùa có diện tích hàng trăm 100ha như chùa Bái Đính ở Ninh Bình với tổng diện tích 539ha, chùa Yên Tử ở Quảng Ninh, Thiền viện Trúc Lâm ở Đà Lạt, chùa Núi Tà Cú ở Bình Thuận, chùa Đại Tòng Lâm ở Bà Rịa-Vũng Tàu… Ở TP.HCM người ta thấy tượng đài hoành tráng tưởng niệm Hoà thượng Thích Quảng Đức ở quận 3, góc đường Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng Tám, mới được xây dựng xong năm 2012; hoặc Tổ đình Pháp viện Minh Đăng Quang đang được xây dựng tại cửa ngõ TP.HCM, với tổng diện tích trên 27.500m2, tọa lạc tại số 505 xa lộ Hà Nội, phường An Phú, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh.
Muốn xoá bỏ được thành kiến, hiểu lầm, các bên cần phải lắng nghe nhau với tất cả thiện ý, cùng giúp nhau tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của vấn đề, sẵn lòng cảm thông và tha thứ cho nhau nếu có lầm lỗi, thì những ngăn cách mới được phá bỏ và người ta mới có thể đi chung với nhau trong sự hoà hợp dân tộc. Chúng tôi đã có dịp trình bày khá rõ trong bài Lược sử Giáo hội Công giáo VN (x. HĐGMVN, Giáo hội Công Giáo VN – Niên giám 2005, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, tr.192-197) để phá đổ một số thành kiến. Tuy nhiên, việc trình bày và phổ biến sự thật vẫn còn hạn chế nên chúng ta vẫn thấy những bài viết trên báo chí, trang mạng Internet có tác động nguy hại đến sự đoàn kết toàn dân. Thí dụ mở trang mạng internet về đề tài “Tôn giáo là gì”, ta thấy bài viết của tác giả Trần Chung Ngọc với luận điệu tiêu cực như sau:
Hồ Sơ Tộc Ác của Hội Thừa Sai Paris
và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
trong lịch sử mất nước hồi cuối thế kỷ 19
Nếu lấy năm 1533 làm cái mốc đầu tiên về sự có mặt của đạo Công giáo trên đất nước Việt Nam thì tới nay (2003), Giáo hội Công giáo Việt Nam đã có 470 năm lịch sử. Trong chiều dài thời gian gần 5 thế kỷ có khoảng hơn bốn thập niên trong nửa cuối thế kỷ 19 (1852-1884) là thời gian thăng trầm, phức tạp và ô nhục nhất trong giáo sử Công giáo Việt Nam. Đó chính là thời gian các giáo sĩ trong Hội Thừa Sai Paris và khoảng 600,000 giáo dân đã tích cực giúp cho thực dân Pháp hoàn thành dễ dàng cuộc xâm chiếm Việt Nam và mau chóng bình định lãnh thổ để áp đặt nền thống trị lên dân tộc Việt Nam trong hơn 80 năm.
Những gì đã xảy ra trước và trong quá trình xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp đã khẳng định rằng: các giáo sĩ trong Hội Thừa Sai Paris đã chủ động tạo ra cớ cho cuộc can thiệp võ trang của Pháp vào Việt Nam. Sử gia Pháp Georges Coulet đã viết trong tác phẩm của ông Cultes et Religions de l’Indochine Annamite (Saigon, p. 99) như sau: “ Thiên Chúa giáo đã mở cửa cho quân đội Pháp và đã là nguyên nhân trực tiếp của cuộc xâm lược đất nước này”.
Suốt thời gian giặc Pháp đô hộ, danh dự của tổ quốc Việt Nam đã bị xỉ nhục nặng nề, sinh mạng và tài sản của nhân dân bị quân địch xâm phạm nghiêm trọng. Đây là những vết hằn lịch sử khó có thể xóa mờ trong ký ức của mọi người Việt yêu nước. Lịch sử mất nước của dân tộc Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 gắn liền với sự có mặt của Hội Thừa Sai Paris – một công cụ mở rộng nước Chúa của Vatican, đồng thời cũng là một công cụ mở rộng thuộc địa của thực dân Pháp. Sát cánh với Hội Thừa Sai Paris là Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vào thời điểm đó đã hiện nguyên hình là một tập đoàn Việt gian bán nước theo giặc, trắng trợn phản bội Tổ Quốc.
Việc dựng lại một cách chân xác giai đoạn thăng trầm của lịch sử mất nước ô nhục đó không phải là chuyện dễ dàng vì các sử liệu về giáo sử Công giáo Việt Nam còn lưu lại ở Việt Nam rất hiếm hoi. Nhưng một sự may mắn đã đến với chúng ta là sử gia Patrick J.N. Tuck, người Ấn Độ, giáo sư sử học tại đại học Liverpool (Anh Quốc) đã bỏ ra nhiều công sức sưu tầm các tư liệu liên quan đến các hoạt động của các giáo sĩ thừa sai Pháp và các chính sách của đế quốc tại Việt Nam từ 1857 đến 1914.
(x.http://ebook.ringring.vn/xem-tai-lieu/ho-so-toc-ac-cua-hoi-thua-sai-paris-va-giao-hoi-cong-giao-viet-nam-trong-lich-su-mat-nuoc-hoi-cuoi-t/62971.html).
Đây chỉ là một trong số nhiều người chưa hiểu biết và cảm thông để nhận ra sự thật của lịch sử và chúng tôi hy vọng những hiện tượng tương tự sẽ bớt dần trong tương lai gần để toàn dân VN chúng ta chung tay gắn bó xây dựng và bảo vệ đất nước trước nguy cơ người Việt tự đánh mất chính mình vì suy thoái đạo đức và người Việt tự đầu hàng trước nguy cơ xâm lăng của các dân tộc thù địch.
2.3.2. Chính quyền cần có những chính sách tích cực và cởi mở đối với tôn giáo
Điều kiện cần thiết tiếp theo là chính quyền có những chính sách tích cực và cởi mở đối với tôn giáo. Trong chiến lược “Trị quốc, bình thiên hạ”, nhiều chính quyền thường sử dụng “chính sách chia để trị” hầu làm suy yếu sức mạnh của cộng đồng và ngăn ngừa sự đoàn kết giữa các thành phần dân tộc để dễ dàng điều khiển và thao túng theo ý muốn của mình.
Tuy nhiên, đây là chính sách của bọn người đi xâm lăng các dân tộc khác, coi các dân tộc khác là thù địch của mình. Họ cũng không coi tất cả các dân tộc trên thế giới đều thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất mà mình cần phải xây dựng và bảo vệ cho nhau. Còn chính quyền VN là của người VN, là thành phần dân tộc VN. Dù dân tộc Việt gồm 54 cộng đồng dân tộc nhỏ hơn và gồm nhiều cộng đồng tôn giáo hoặc không tôn giáo hình thành, thì nước VN vẫn là một, dân tộc VN vẫn là một. Nếu chúng ta tự chia rẽ và phân tán, giống như người đánh xe thúc đẩy các con ngựa chạy theo các hướng khác nhau thì dân tộc ta có nguy cơ bị tan vỡ như chiếc xe bị phá tan theo từng phần của con ngựa kéo đi.
Muốn tạo được sự đoàn kết gắn bó của các cộng đồng tôn giáo, các cấp chính quyền, từ trung ương đến địa phương, cần phải theo một đường lối nhất quán, tránh những cách hành xử như trung ương đồng ý nhưng địa phương lại bác bỏ, trung ương cổ vũ nhưng địa phương lại ngăn cấm. Nhất là chính quyền cần đối xử công bình với tất cả các cộng đồng tôn giáo trong các hoạt động xã hội của người tín hữu để tránh cơ chế “xin-cho”.
2.3.3. Xây dựng bản sắc mới cho dân tộc bằng cách đào tạo đúng đắn về tôn giáo như một nét văn hoá mới
Trong phần đầu của bài này chúng ta đã nói đến lời nhận định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các nhà xã hội học về tình trạng suy thoái đạo đức và nhận thức đó là “nguy cơ của mọi nguy cơ” có thể làm sụp đổ tương lai tươi sáng của dân tộc, thậm chí có thể đưa dân tộc vào con đường nô lệ, diệt vong.
Tất cả những ai yêu mến quê hương đều đặt một câu hỏi quan trọng: “Làm sao vực dậy được nền đạo đức dân tộc đang suy thoái trầm trọng này?”. Chính quyền và các nhà xã hội, giáo dục đã xác nhận tình trạng suy thoái đạo đức của dân tộc Việt, nhưng đâu là nguyên nhân và những biện pháp, kế hoạch để vực dậy nền đạo đức này mới là những vấn đề cần tìm hiểu và thực hiện.
Chính quyền cũng đã quan tâm đến vấn đề này từ nhiều năm nay. Nhà nước đã giao cho Viện Khoa học Xã hội VN nghiên cứu một chương trình trọng điểm cấp Nhà Nước giai đoạn 2006-2010 là: “Xây dựng con người và phát triển văn hoá VN trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế”. Chủ nhiệm chương trình: GSTS. Dương Phú Hiệp. Mã số: KX.03/06-10. Viện Triết học thuộc Viện Khoa học Xã hội VN cũng đã tham gia nghiên cứu chương trình này với đề tài: “Đặc điểm tư duy và lối sống của con người VN hiện nay và những vấn đề đặt ra trước yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế”. Chủ nhiệm đề tài là PGS.TS.Nguyễn Ngọc Hà. Mã số: 03.07/06-10.
Trong đường hướng đó, Uỷ ban Bác ái Xã hội (UBBAXH) thuộc Hội đồng Giám mục VN cũng đã quan tâm và nghiên cứu về con người VN trong hoàn cảnh hiện tại. Năm 2007 và 2009, Linh mục Nguyễn Ngọc Sơn – nguyên Tổng Thư ký UBBAXH – cũng đã trình bày đề tài: “Cấu trúc tâm lý và văn hoá của người VN đối với các vấn đề xã hội” trong Hội nghị Quốc tế do Viện Khoa học Xã hội VN tổ chức tại Hà Nội, từ 15-19/10/2007 và đề tài: “Trách nhiệm xã hội của UBBAXH và Caritas VN trong điều kiện kinh tế thị trường” được trình bày trong Hội nghị Quốc tế được tổ chức tại Đồ Sơn, Hải Phòng, từ 12-15/2/2009.
Như chúng ta tìm hiểu ở mục 1.3 và 1.4 về cấu trúc tâm lý xã hội của người VN qua các giai đoạn lịch sử tạo thành bản sắc người Việt và ảnh hưởng của tôn giáo vào bản sắc này, thì trước sự suy thoái đạo đức hiện nay, chúng ta cũng phải xây dựng bản sắc mới cho dân tộc bằng cách đào tạo đúng đắn về tôn giáo như một nét văn hoá mới.
Người Việt chúng ta từ mấy ngàn năm qua đã tin vào Trời như một chủ thể linh thiêng điều khiển muôn loài và nhìn thấu lương tri con người để thưởng phạt công mình cho mọi hành động tốt xấu. Lòng tin này là bản sắc văn hoá của dân tộc Việt sẽ vực dậy nền luân lý suy đồi hiện nay nếu mọi người chúng ta, nhất là chính quyền, cổ vũ cho việc đào tạo bản sắc này. Đây không phải là chúng ta cổ vũ cho những gì mê tín, dị đoan mà một số tôn giáo có thể còn khuyến khích nơi các tín đồ của mình, nhưng là cổ vũ cho những giá trị chân thiện mỹ ăn sâu trong tâm hồn con người.
2.4. Người Công giáo VN gắn bó và đồng hành với dân tộc trong dòng lịch sử
Điểm cuối cùng của bài hướng về việc người Công giáo VN gắn bó và đồng hành với dân tộc như thế nào trong dòng lịch sử.
2.4.1. Người Công giáo VN gắn bó và đồng hành với dân tộc trong quá khứ
Chúng ta có thể xác tín rằng kể từ khi đạo Công giáo bắt đầu có mặt trên đất nước VN vào năm 1533 đến nay, năm 2013, người Công giáo VN luôn gắn bó và đồng hành với dân tộc, nhất là trong thời kỳ thử thách (1802-1885) với các cuộc bách hại ghê rợn của vua chúa triều Nguyễn và sự có mặt của các thừa sai nước ngoài, trong đó có các vị của Hội Thừa Sai Paris (MEP). Những luận điệu xuyên tạc lịch sử do lòng thù hận Công giáo, mà chúng ta gặp thấy đâu đó như tác giả Trần Chung Ngọc nêu lên, có lẽ cần được các nhà phê bình lịch sử phê phán đúng sai. Nhưng những người có trách nhiệm cổ vũ sự gắn bó và đồng hành của các cộng đồng tôn giáo đừng bao giờ vin vào các luận điệu xuyên tạc như thế để có định kiến và ác cảm với Công giáo.
Dù bị bách hại với khoảng 130.000 người bị giết, bị lưu đày, bị bắt làm nô lệ cho những người ngoài Công giáo và không được buôn bán, học hành, thi cử, người Công giáo vẫn âm thầm hoặc công khai chịu đựng tất cả những sự thiệt thòi về phía mình, chứ không kết án ai hoặc không có hành động bạo loạn, phản bội dân tộc. Với khoảng 500.000 tín hữu vào năm 1850 và 648.435 tín hữu vào năm 1889 (x. HĐGMVN, Giáo hội Công giáo Việt Nam – Niên giám 2005, tr.195), người Công giáo dư sức liên kết với thực dân Pháp mua vũ khí, tàu chiến, chống lại triều đình nhà Nguyễn để tìm tự do, hạnh phúc và tự trị cho cộng đồng mình. Nhưng người Công giáo đã không làm thế. Họ chỉ muốn sống với tất cả niềm vui của Tin Mừng và muốn chứng minh những giá trị của dân chủ, bình đẳng nam nữ, gia đình một vợ một chồng, của khoa học và tri thức, của chữ viết và những giá trị nhân văn cao cả khác một cách bất bạo động khiến cho cả cộng đồng yêu quý họ, che chở họ và đón nhận những giá trị mới mẻ mà họ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Bằng chứng rõ ràng là cả nước ủng hộ họ, dù chính quyền bách hại họ, đón nhận các giá trị mới mẻ, đón nhận chữ viết để trở thành chữ Quốc ngữ với tờ Gia Định Báo ở miền Nam năm 1865.
Nếu chỉ có một vài giáo sĩ thừa sai nước ngoài, trong số 200 người đang truyền giáo tại VN lúc đó, có một vài hành động can thiệp với quân đội Pháp hay với chính phủ Pháp để cứu giúp những người bị bách hại dã man, thì hành động của những người này chỉ nhân danh quyền sống của con người, mà sau này Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ngày 10/12/1948 đã xác định rõ ràng. Sự can thiệp ấy là chính đáng giống như sự can thiệp của quân đội VN vào nước Campuchia năm 1979 để cứu dân tộc bạn khỏi nạn diệt chủng.
Những nhà Nho tâm huyết như Phan Bội Châu, Phan Chu trinh, Lương Văn Can, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để vì nhận chân được giá trị của người Công giáo VN nên đã hô hào các sĩ phu và dân chúng sống theo tinh thần yêu nước chân chính ấy và đã cứu người Công giáo khỏi hoạ diệt vong do các sĩ phu trong phong trào Văn Thân khởi xướng vào những năm 1867-1868, 1873-1874, 1883-1885 với nhiều làng Công giáo bị huỷ diệt, đốt cháy.
Hiệp định Genève về Việt Nam năm 1954 dẫn đến cuộc di cư của hơn một triệu người, trong đó có khoảng 800.000 người Công giáo, từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam và khoảng 150.000 “tập kết ra Bắc” (x. www.Youtube.com; www.vi.wikipedia.org, Cuộc di cư Việt Nam 1975), làm cuộc sống của người dân ở cả hai miền có những xáo trộn và thay đổi lớn lao. Hai miền Nam Bắc trở thành tuyến đầu của hai phe Cộng Sản và Tư Bản. Sự đối kháng giữa hai ý thức hệ này khiến dân tộc bị phân hoá, chia rẽ và thậm chí giết hại lẫn nhau.
Cuộc chiến tranh trong khoảng 1963-1975 còn tàn phá tâm hồn người Việt nặng nề hơn nữa khi làm cho con người luôn sống trong sợ hãi, nghi ngờ, đánh mất niềm hy vọng vì cái chết có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Chiến tranh làm cho con người trở nên tàn ác, dối trá, lọc lừa. Thủ đoạn tuyên truyền của cả hai bên khiến cho sự thật bị bóp méo và lương tâm bị sai lạc.
Từ 1975-1986, nhờ chính sách nhân đạo của cộng đồng quốc tế cũng như do những cuộc chiến tranh biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc (1979) và Việt Nam – Campuchia (1978-1979), nhất là do những cuộc cải tạo công thương nghiệp, đánh tư sản mại bản… đã tạo nên một làn sóng di tản lớn với hàng triệu người Việt đi đến nhiều nước trên thế giới. Nhiều người đã bỏ tất cả tải sản, người thân để ra đi, bất chấp những nguy hiểm lớn lao như bị đói khát, hãm hiếp, bão tố, cướp bóc… trên đường vượt biên, nhất là bằng đường biển (họ là những “thuyền nhân” Việt Nam). Những ký ức hãi hùng đó in đậm trong tâm hồn người Việt khiến họ giữ mãi lòng hận thù cho đến hôm nay.
Trong số những người di tản này không thiếu những người Công giáo. Nhiều người đi tìm những giá trị tinh thần, dù biết rằng mạng sống có thể bị hiểm nguy, để chúng ta hiểu rằng giá trị tinh thần vẫn được tôn trọng hết sức trong cộng đồng dân tộc. Những người di tản này phân biệt rất rõ những con người mà họ phải trốn chạy và dân tộc VN mà họ suốt đời mến yêu. Đối với người tín hữu Công giáo VN, đó là những vết thương xã hội cần chữa trị bằng tình yêu đối với dân tộc cũng như bằng tình yêu của Chúa Kitô đối với con người.
GHVN cũng chịu nhiều hậu quả từ những sai lầm, xung đột về ý thức hệ trên đây: nhiều linh mục phải đi học tập; một số dòng tu bị giải thể, các cơ sở xã hội, trường học Công giáo được Nhà Nước tiếp quản. Hàng ngàn linh mục, tu sĩ giáo viên trở thành những thợ thủ công làm mành trúc, giỏ mây, nón lá thay vì đứng trên bục giảng trong giai đoạn 1975-1986.
Tuy nhiên, Giáo Hội vẫn luôn đồng hành với dân tộc. Các vị lãnh đạo Giáo Hội mời gọi người tín hữu nhận ra ý nghĩa của các biến cố lịch sử để can đảm ở lại và xây dựng đất nước (x. Thư ngỏ của các giám mục thuộc Tổng Giáo phận TP.HCM gửi các tín hữu Công giáo trên thế giới về vấn đề di tản, ngày 3/7/1979). Các tín hữu Công giáo vẫn thực hiện lòng bác ái, tiếp tục cứu giúp những người nghèo đói, bệnh tật, mồ côi, goá bụa qua những hoạt động cụ thể nhưng âm thầm trong phạm vi giáo xứ hay giáo phận. Những lớp học tình thương vẫn được các dòng tu lặng lẽ mở ra để nâng đỡ những học sinh nghèo. Các dòng tu có điều kiện vẫn âm thầm giúp đỡ những di dân nghèo trong các vùng kinh tế mới. Từ 1986, các trường mẫu giáo do các nữ tu phụ trách mọc lên hầu như ở khắp các thành phố lớn để giúp đỡ phụ huynh có điều kiện lao động trong các xí nghiệp, cơ quan cũng như để giáo dục trẻ thơ.
Nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân đã tham gia vào các lĩnh vực chính trị – xã hội như Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Thanh Niên, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Công đoàn để phục vụ và làm chứng cho Tin Mừng trong các môi trường khác nhau.
Nhiều uỷ ban đã được HĐGM thiết lập để lo các công tác bác ái xã hội như Uỷ ban Bác ái Xã hội (2000), Uỷ ban Gia đình, Uỷ ban Mục vụ Giới trẻ, Uỷ ban Di dân (2005), Uỷ ban Truyền thông Xã hội (2006) và Caritas Việt Nam (2008) với nhiều hoạt động cụ thể và tích cực.
Tất cả những bằng chứng đó chỉ muốn nói lên một điều: Giáo hội Công giáo Việt Nam luôn gắn bó và đồng hành với dân tộc trong từng thời điểm của lịch sử.
2.4.2. Tiềm lực lớn lao để xây dựng và bảo vệ dân tộc của người Công giáo VN
Thực trạng: tính đến ngày 31/12/2012, theo thống kê của Văn phòng Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam (GHCGVN) hiện có 6.560.879 tín hữu, với 44 giám mục, 4.441 linh mục, 4.195 chủng sinh, 2.683 nam tu sĩ, 17.280 nữ tu sĩ, 59.524 giáo lý viên (x. Bảng Tổng kết 26 giáo phận năm 2012). Đây là nguồn lực lớn lao mà GHCGVN hy vọng có thể thúc đẩy các hoạt động gắn bó và đồng hành với dân tộc.
Năm 2007, GHCGVN có 1.048 nhà trẻ, lớp học tình thương; 42 cơ sở văn hoá; 54 cơ sở dạy nghề; 122 trạm xá; 23 trại phong, trại tâm thần, cơ sở cai nghiện ma tuý; 115 nhà mở cho người khuyết tật, cô nhi, người già neo đơn; 101 cơ sở cho người di cư hay sinh viên học sinh nghèo (x. Tổng kết các cơ sở xã hội của các giáo phận từ năm 2000-2008). Năm 2012: GHCGVN có các cơ sở giáo dục đào tạo gồm: 1.435 nhà trẻ mẫu giáo; 12 trường cấp I, II, III; 84 trung tâm văn hoá mục vụ, và các cơ sở từ thiện xã hội gồm: 70 trung tâm dạy nghề, 110 trạm xá, bệnh viện; 23 trại phong, tâm thần, HIV, ma tuý; 185 nhà mở cho người khuyết tật, cô nhi, viện dưỡng lão; 155 trung tâm di dân, sinh viên, gia đình; 12 trung tâm sinh hoạt nghệ thuật truyền thống. So sánh hai thời điểm 2007 và 2012, chúng ta thấy số các cơ sở giáo dục đào tạo và từ thiện xã hội không tăng thêm bao nhiêu trong khi người cần giúp đỡ, chữa trị trong cộng đồng xã hội tăng lên rất nhiều với con số hàng chục triệu người.
GHCGVN có khoảng 140 dòng tu với khoảng 20.000 tu sĩ nam nữ. Tuy nhiên, mỗi dòng thường chỉ hoạt động theo mục đích riêng tư của dòng mình và chưa liên kết với nhau trong một mạng lưới chung của toàn giáo phận hay toàn quốc để được điều phối cho hợp lý. Hoạt động BAXH của các dòng tu thường thu hẹp vào một vài lĩnh vực tương đối dễ dàng như giáo dục trẻ mẫu giáo, trẻ mồ côi, giúp đỡ phụ nữ đơn hành… nhưng chưa dám dấn thân vào các lĩnh vực mới cần nhiều chuyên môn hơn như phục hồi cho người nghiện ma tuý, nhiễm HIV/AIDS, chăm lo sức khoẻ cộng đồng, di dân, tham vấn tâm lý cho các bệnh nhân tâm thần, đồng hành với các phụ nữ lỡ lầm, người già neo đơn, phòng chống thiên tai, dịch bệnh…
Một số giáo phận như Xuân Lộc, Kontum đã tổng kết hoạt động bác ái xã hội (BAXH) của các xứ đạo và dòng tu trong một vài năm gần đây với những kết quả rất lớn. Nhiều giáo phận khác tuy không làm tổng kết nhưng các tu sĩ và tín hữu vẫn có những hoạt động này. Điều đáng lưu ý là các hoạt động BAXH này thường mang tính tự phát, chưa được điều phối theo kế hoạch chung của toàn giáo phận, chưa được đào tạo để phù hợp với những đối tượng cần được giúp đỡ nên kết quả chỉ tạm thời và không bền lâu. Thí dụ: chưa được đào tạo kỹ năng để giúp những người nghiện ma tuý, nhiễm HIV, kỹ năng tham vấn tâm lý cho những cô gái lầm lỡ, những người tự tử, người nghiện rượu bia, nghiện phim ảnh đồi truỵ, nghiện trò chơi trực tuyến, nghiện bài bạc.
Người tín hữu Việt Nam rất nhiệt thành và quảng đại nhưng lòng đạo lại tập trung cho đời sống phụng tự, bí tích, và vì chưa được đào tạo về công tác xã hội, nên chỉ làm những hành động từ thiện nhất thời bằng cách góp tiền hay phẩm vật cứu trợ.
Nhờ được giáo huấn của Công đồng Vaticanô II thúc đẩy, nhất là nhờ được hướng dẫn bởi Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo tương đối hoàn chỉnh qua cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo xuất bản năm 2005, hầu hết các thành phần dân Chúa ở VN, nếu được học hỏi về giáo huấn này và mở rộng hoạt động đến các lĩnh vực khác như gia đình, lao động, kinh tế, chính trị, cổ vũ hoà bình, bảo vệ môi trường sống sẽ thể hiện sự gắn bó và đồng hành với dân tộc cách hiệu quả hơn..
2.4.3. Thực trạng tham gia các hoạt động giáo dục, y tế và các hoạt động khác của Giáo hội Công giáo
Sau những biến cố ở Liên Xô và một số nước Đông Âu, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chủ trương đổi mới toàn diện trong hệ thống kinh tế xã hội, từ một nền kinh tế quốc dân (tự cung tự cấp) đã chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần rồi đến nền kinh tế thị trường; từ chính sách Nhà Nước độc quyền trong mọi lĩnh vực đã chuyển sang chủ trương “Nhà Nước và nhân dân cùng làm” trong lĩnh vực giáo dục, văn hoá, y tế, xã hội; từ chủ trương chuyên chế sang chủ trương pháp chế; từ chính sách khép kín chuyển sang chính sách mở rộng đối thoại với các nước trên thế giới.
Trong tình hình đổi mới của đất nước, chính quyền chủ trương xã hội hoá việc giáo dục. Nhưng các xứ đạo cũng như các tổ chức dòng tu hiện nay chỉ tập trung cho nhà trẻ mẫu giáo và ít quan tâm đến trường học các cấp, một phần do không còn quản lý các cơ sở giáo dục đã có từ trước năm 1975, một phần không còn đủ nhân sự để quản lý các cơ sở ấy. Tuy nhiên, nếu muốn thúc đẩy công cuộc Tin Mừng hoá xã hội, GHCGVN và cụ thể là các dòng tu, các tổ chức giáo dân nên quan tâm hơn cho công tác giáo dục các cấp, ngay cả cấp đại học, bằng cách chuẩn bị đào tạo nhân sự ngay từ bây giờ. Cho đến hôm nay, Nhà Nước mới chỉ cho phép cá nhân người Công giáo, trong tư cách là công dân, chứ chưa cho phép Giáo hội Công giáo mở một trường học nào với tư cách pháp nhân, dù rằng nhiều tổ chức nước ngoài đã đến mở các trường quốc tế ở VN từ cấp mẫu giáo cho đến đại học.
Về hoạt động từ thiện, bác ái: người Công giáo, nhất là các tu sĩ, đang điều hành hoặc làm việc tại nhiều trạm xá, bệnh viện, trại phong, trung tâm người bệnh tâm thần, người nghiện ma tuý và nhiễm HIV/AIDS, cơ sở khuyết tật, cô nhi viện, nhà dưỡng lão, trung tâm di dân, lưu xá cho sinh viên học sinh và nhà mở cho các bà mẹ đơn hành. Sự tham gia về mặt xã hội như thế vẫn là tương đối ít so với nhu cầu xã hội. Trong chủ trương xã hội hoá hoạt động y tế, người tín hữu Công giáo có nhiều điều kiện để trực tiếp thành lập và quản lý các cơ sở y tế và phục vụ đồng bào với lòng bác ái của Chúa Giêsu Kitô. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra vẫn là tình trạng thiếu hụt trầm trọng những người có khả năng chuyên môn để làm việc trong các cơ sở đó. Vì thế, cần đào tạo tu sĩ và tín hữu dấn thân nhiều hơn nữa cho các chương trình y tế này.
2.4.4. Để đạt được sự gắn bó cao hơn và đồng hành hiệu quả hơn
Chúng ta đã nói ở điểm 2.3 về những điều kiện cần thiết để đạt được sự gắn bó và đồng hành của các cộng đồng tôn giáo, người tín hữu Công giáo cũng không đòi hỏi những đặc quyền, đặc lợi nào riêng cho mình. Họ chỉ mong ước chính quyền theo đuổi những chính sách tích cực và công bằng đối với các tôn giáo.
Từng cá nhân tín hữu Công giáo tin rằng cuộc sống trần gian chỉ là một giai đoạn trong đời sống vĩnh hằng của con người nên họ sẵn lòng chịu hiểu lầm, thua thiệt, nhục nhã để noi gương Chúa Giêsu chịu chết và phục sinh nhằm cứu độ thế giới.
Nhờ thấm nhuần giáo lý của Công đồng Vaticanô II, của Học thuyết Xã hội Công giáo nên họ không đồng hoá chính quyền với dân tộc, họ yêu thương dân tộc, bảo vệ và muốn làm phát triển dân tộc nhưng luôn cảnh giác với bất cứ chính quyền nào, qua những kinh nghiệm trong dòng lịch sử.
Do đó, để sự gắn bó và đồng hành của người Công giáo hiệu quả hơn, chúng tôi mong ước những người nắm quyền lãnh đạo đất nước hãy biểu lộ tinh thần vì dân vì nước trong các hoạt động của mình thì chắc chắn sẽ thu phục nhân tâm người tín hữu Công giáo cũng như các tôn giáo khác.
Lời kết
Sau khi tìm hiểu đề tài “Các tôn giáo ở VN gắn bó và đồng hành cùng dân tộc”, khởi đi từ thực tế suy thoái đạo đức của cộng đồng xã hội dẫn đến nguy cơ mất nước, mất dân, chúng ta có thể nói rằng: việc gắn bó và đồng hành này hệ tại vào việc xây dựng bản sắc văn hoá mới cho dân tộc VN. Thật vậy, những vấn đề xã hội chỉ có thể được giải quyết một cách hiệu quả nếu chúng ta tìm ra những nguyên nhân sâu xa khiến cho người VN chia rẽ, lãnh đạm và ngại ngùng cho công việc chung, cũng như tìm ra được đường hướng sửa chữa những khuyết điểm đó.
Con đường hình thành nên nét văn hoá mới cũng phải bắt đầu từ việc gây ý thức xã hội, rồi tạo nên những thói quen mới cho tập thể và sau một vài thế hệ những yếu tố tốt đẹp mới hình thành nên bản sắc dân tộc. Những công việc này đòi hỏi sự cộng tác chặt chẽ của chính quyền các cấp, phối hợp với các nhà tâm lý, khoa học, giáo dục, xã hội cũng như các văn nghệ sĩ, những nhà truyền thông xã hội và cả những người hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo.
Vì thế, bài viết này có lẽ chỉ là một khởi đầu cho rất nhiều những công việc phải làm trong tương lai. Tương lai đất nước chỉ tươi sáng nếu từng người VN chúng ta thực hiện những hành động tích cực, liêm chính và nhân ái cho nhau ngay từ giây phút hiện tại này.
(Sài Gòn, ngày 02/9/2013)