28/11/2024

Số phận thị trấn bí ẩn thời Liên Xô

Latvia đang nỗ lực mang lại sự sống cho một thị trấn từng nằm trong vòng tuyệt mật, đóng cửa hoàn toàn với người ngoài từ thời Chiến tranh lạnh.

 

Số phận thị trấn bí ẩn thời Liên Xô

 

 

 

Latvia đang nỗ lực mang lại sự sống cho một thị trấn từng nằm trong vòng tuyệt mật, đóng cửa hoàn toàn với người ngoài từ thời Chiến tranh lạnh.


 


Phế tích thị trấn ma Skrunda-1 - Ảnh: The GuardiansPhế tích thị trấn ma Skrunda-1 – Ảnh: The Guardians
Bắt đầu ra đời vào thời Chiến tranh Vệ quốc (1941 – 1945) và phát triển mạnh mẽ trong Chiến tranh lạnh, có ít nhất 40 thị trấn bí mật được xây dựng ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô nằm ở vùng Baltic. Tất cả đều được “bế quan tỏa cảng” cực kỳ nghiêm ngặt; đại đa số người dân Liên Xô không được phép đặt chân vào.
Tương tự như căn cứ không quân tuyệt mật Vùng 51 ở Nevada (Mỹ), các thị trấn bí ẩn của Liên Xô là đối tượng của vô số đồn đoán và thuyết âm mưu trong một thời gian dài. Nhiều người cho rằng chúng là nơi thử nghiệm những vũ khí huỷ diệt tuyệt mật hoặc để nghiên cứu người ngoài hành tinh.
Cũng có ý kiến khẳng định đó là nơi sinh sống của đặc vụ ngầm và lực lượng biệt động thành, sẵn sàng chiến đấu khi xảy ra biến cố tại các nước nằm cận kề “thế lực thù địch”, chẳng hạn như đảo chính hoặc một cuộc xâm lăng từ phương Tây.
Theo công bố chính thức sau năm 1991, những thị trấn nói trên đóng vai trò làm trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ mới với mục đích quân sự, là nền tảng kỹ thuật công nghệ của lực lượng vũ trang Liên Xô. Từ khi Liên Xô tan rã, đa phần được chuyển công năng sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau nhưng địa điểm bí mật nhất trong số này là Skrunda-1 ở Latvia lại chìm vào quên lãng và nay đã biến thành một thị trấn ma.
Vũ khí radar
Nằm cách TP.Skrunda, miền trung Latvia, khoảng 9 km về hướng tây, Skrunda-1 ngày nay trông không khác gì những thị trấn ma thường thấy trong phim kinh dị với những khu nhà đổ nát không một bóng người. Nhìn khung cảnh thê lương này, không ai có thể tưởng tượng nơi đây từng là một trong những trung tâm radar lớn nhất thế giới thời Chiến tranh lạnh, theo tờ Baltic Times.
Được khởi công xây dựng năm 1963 trên một khu vực diện tích 45 ha nằm lọt thỏm giữa rừng, Skrunda-1 được phủ tấm màn bí ẩn ngay từ những ngày đầu tiên. Thậm chí ngay cả các nhà thầu quân sự trong lúc thi công cũng không biết nơi này sẽ chứa cái gì.
Trên thực tế, Skrunda-1 bao gồm nhiều toà nhà là nơi sinh sống, làm việc của các chuyên gia, binh sĩ cùng 4 radar cực lớn, mỗi cái có kích thước 250 x 17 m. Phạm vi phủ sóng của radar tối đa 6.000 km, với cao độ lên đến 3.000 km, chúng được quay góc 186° về hướng tây bắc, tức hướng về phía các quốc gia NATO, theo chuyên trang Latvianhistory.com. Phương Tây gọi các trạm radar ở Skrunda-1 là “chuồng gà”, dựa trên dạng tín hiệu xung lực đặc trưng phát ra, tạo ra tiếng “mổ” liên thanh với tần số 10 âm/giây. Tần số tín hiệu này có khả năng phát hiện tên lửa đang lao tới, cũng như triệt tiêu sóng vô tuyến của vệ tinh. Thậm chí về mặt lý thuyết, các radar tại Skrunda-1 đủ khả năng cắt sóng truyền hình trên toàn thế giới trong thời gian 7 phút.
Ly kỳ hơn nữa là theo Latvianhistory.com, trong quá trình vận hành Skrunda-1, các chuyên gia Liên Xô phát hiện tín hiệu phát ra từ radar có thể ảnh hưởng đến cách hành xử của con người, chẳng hạn như kích động tâm lý hoặc làm giảm khả năng hành động theo lý trí. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, giới lãnh đạo Liên Xô đặt trọng tâm vào các chương trình tên lửa hạt nhân và chạy đua tàu con thoi với Mỹ hơn là khả năng dùng radar điều khiển trí não người, vốn bị cho là quá xa vời, nên chuyện này đã bị xếp xó.
Chật vật hồi sinh thị trấn ma
Với hơn 5.000 người cư ngụ vào thời đỉnh điểm, nay Skrunda-1 chỉ còn sự hoang tàn và đổ nát. Dù đã rất nỗ lực nhưng chính quyền Latvia vẫn chưa thể khôi phục lại sự sống cho nơi này. Lý do là người dân từ chối dọn đến Skrunda-1 vì lo ngại bị ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Theo Baltic Times, để đảm bảo sự vận hành của các radar ở mức cao nhất, Liên Xô đã sử dụng một lượng điện năng khổng lồ, làm phát sinh các luồng bức xạ cực lớn. Vào năm 1988, Hội đồng Bộ trưởng Xô Viết Latvia đã gửi thư yêu cầu Bộ Quốc phòng Liên Xô kiểm tra hàm lượng bức xạ vô tuyến và một báo cáo năm 1989 cho thấy radar ở Skrunda-1 phóng ra luồng bức xạ vượt mức cho phép đến 23 lần.
Đến nay, có nhiều cuộc nghiên cứu khẳng định bức xạ tại Skrunda-1 đã tiêu biến gần như hoàn toàn và chưa có chứng cứ cho thấy sóng vô tuyến ảnh hưởng đến con người lẫn động vật. Tuy nhiên, vẫn tồn tại vô số tin đồn về chuyện những người sống lân cận với Skrunda-1 bị vô sinh, mắc bệnh lạ, còn bò thì không cho sữa…
Năm 2010, Skrunda-1 được bán cho một công ty Nga tên Alekseevskoye-Serviss với giá 3,1 triệu USD thông qua đấu thầu. Tuy nhiên, công ty này lại không có bất cứ chuyển động gì về dự án đầu tư vào Skrunda-1 và chính quyền Latvia buộc phải thương lượng để hoàn một phần tiền và thu hồi. Sau nhiều lần thất bại trong việc tìm nhà đầu tư mới, chính phủ trung ương quyết định bán thị trấn ma cho chính quyền TP.Skrunda với giá rẻ bèo là 13.220 USD. Theo kế hoạch, Skrunda-1 sẽ được cải tạo phục vụ mục đích quân sự và có thể được cho nước ngoài thuê làm căn cứ. Mới đây, quân đội NATO đã sử dụng Skrunda-1 để tổ chức diễn tập cho binh sĩ về chiến tranh đô thị, theo Baltic Times.
Tiềm năng du lịch
Trong khi Skrunda-1 đang chật vật hồi sinh, những thị trấn bí mật khác của Liên Xô tại Baltic từ lâu đã thoát được số phận ảm đạm. Trung tâm vô tuyến ở Irbene, tây bắc Latvia, đã trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học và văn hoá quan trọng của nước này.
Khu phức hợp Plokstine ở hồ Plateliai thuộc nước láng giềng Lithuania đã chuyển mình thành trung tâm giáo dục sinh thái và viện bảo tàng về thời Chiến tranh lạnh. Một thị trấn ma khác cũng của Latvia là căn cứ tên lửa hạt nhân Aluksne đã được phát triển thành khu du lịch nổi tiếng.
Từ trường hợp này, nhiều chuyên gia đánh giá khả năng thu hút du lịch tại các địa điểm tuyệt mật của Liên Xô khi xưa là rất có tiềm năng.

Thụy Miên