28/11/2024

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Nếu cần, phải moi lên bằng hết!

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khẳng định như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên xung quanh lý do đã ký văn bản, yêu cầu thay đổi tư vấn dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” cuối tuần trước.

 Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải:

Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Nếu cần, phải moi lên bằng hết!

 

 

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khẳng định như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên xung quanh lý do đã ký văn bản, yêu cầu thay đổi tư vấn dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” cuối tuần trước.



 

Làm sai thì phải xử lý
* Thưa Phó thủ tướng, vì sao phải thay tư vấn của dự án vào thời điểm này?
– Vừa qua, Hội đồng thẩm định, đánh giá lại dự án (do Thủ tướng chỉ đạo thành lập) đã đưa ra xem xét lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án này nhưng hội đồng nói rằng về mặt khoa học chưa đủ điều kiện nên chưa đưa ra kết luận được (việc thực hiện dự án – PV).
Dự án trên phân làm 2 giai đoạn, giai đoạn đầu dùng ngân sách nhà nước kè bờ, làm cảnh quan công cộng. Nhưng đến giai đoạn 2 thì hết tiền ngân sách, mới làm xã hội hoá, cũng là kè nhưng tính toán sai. Nhất là phần đánh giá tác động môi trường, tính toán dòng chảy, phân lũ chưa được, trong khi sông Đồng Nai rất quan trọng. Địa phương làm mà không lấy ý kiến các bộ, báo cáo ĐTM lại không đạt. Kè bờ thì đúng là phải làm nhưng vấn đề là mức độ thế nào và phần diện tích kè thêm ấy để làm cái gì? Nhưng bây giờ đã sai thế rồi thì lấy cơ sở nào đánh giá? Thế nên tôi mới yêu cầu Hội đồng thẩm định không kết luận được thì anh phải chọn một tư vấn khác để đánh giá lại.

 
 
Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Nếu cần, phải moi lên bằng hết! - ảnh 2

Thực ra cứ để như hiện nay đã có nghĩa là dừng không làm nữa. Thế nhưng toàn bộ cái đã đổ xuống thì phải xử lý… Phần đã đổ xuống lấp sông 100 m đó thì phải tính, nếu cần thì phải moi lên bằng hết

Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Nếu cần, phải moi lên bằng hết! - ảnh 3
 

 

 
* Nhưng nếu đã biết chủ đầu tư (Công ty Toàn Thịnh Phát) làm sai rồi thì phải khắc phục, ít nhất là vét hết số đất, đá đã đổ sai xuống dòng sông chứ, thưa Phó thủ tướng?
– Đúng, nhưng có vét hết lên hay không cũng phải tính. Đúng là đã làm sai rồi thì phải xử lý, nhưng xử lý thế nào cho đúng khoa học thì phải có tư vấn. Phần diện tích lấy được (do lấn sông) thì làm gì, nếu làm cảnh quan ven sông, công viên hay công trình công cộng thì chẳng ai nói gì. Anh làm xã hội hóa thì đỡ tiền ngân sách nhưng nếu để làm cảnh quan ven sông, công viên hay công trình công cộng thì không nói làm gì, đây lại lấn sông để làm đô thị thì lại khác. Nên phải thuê tư vấn để mà kết luận, việc này tỉnh không làm được.
Vét hết đất đá để đảm bảo sông thoát lũ
* Phải chăng là về mặt kỹ thuật, vét, hút hết phần đã đổ xuống sông là rất khó và phát sinh chi phí lớn?
– Chính thế nên phải tính, tại sao lại vét và nếu vét thì vét bao nhiêu để không ảnh hưởng đến dòng chảy. Có lẽ phải vét đấy vì nếu không thì nguy hiểm, cần phải đảm bảo thoát lũ của sông Đồng Nai và đặc biệt như đã nói vị trí sông đó rất quan trọng.

 
 

Sẽ kiểm điểm cá nhân sai phạm

 
* Chính phủ đã chỉ đạo kiểm điểm các cá nhân có sai phạm trong việc tổ chức dự án này chưa, thưa Phó thủ tướng?

 
– Kiểm điểm chắc chắn có nhưng chưa làm, vì phải trên cơ sở tính toán đầy đủ thiệt hại trước mắt, lâu dài, rồi ai chịu trách nhiệm thì mới tính. Nhưng đây rõ ràng có sai khi chỉ đạo làm dự án mà căn cứ trên báo cáo ĐTM chưa được chặt chẽ lắm.

 
* Trước đây tỉnh Đồng Nai cho làm dự án này đã không hỏi các bộ. Nhưng bây giờ, thấy sai, để kết thúc, dừng dự án thì lại phải có ý kiến các bộ, các nhà khoa học hay sao ạ?
– Chính xác, với những công trình có tầm quan trọng thế này, với một dòng sông chảy qua nhiều địa phương thì phải hỏi ý kiến các bộ để xử lý hài hoà. Thứ nữa, tính toán thuỷ văn, dòng chảy rất khó, phức tạp.
Vừa qua, tôi đã ngồi nghe nhiều cuộc, ngay các nhà khoa học cũng còn có ý kiến rất khác nhau, tranh luận rất nhiều về vấn đề này. Cho nên phải tính toán bằng số liệu, mô hình, dữ liệu… cho thật thuyết phục chứ không phải ngồi nói suông là được; càng không thể nói theo cảm giác sẽ nguy hiểm, cho dù việc này cũng mất thêm thời gian.
* Thưa Phó thủ tướng, đến nay đã tìm được nhà tư vấn nào chưa?
– Chưa có báo cáo chính thức, nhưng tôi nghe nói đã tìm được chỗ Viện Quy hoạch thuỷ lợi VN thì phải. Tư vấn đánh giá ĐTM trước đây cũng là đơn vị làm quy hoạch thủy lợi của TP.HCM.
* Hiện nay mới chỉ gọi là tạm dừng dự án để kiểm tra, xử lý hay dừng là dừng hẳn không làm nữa, thưa Phó thủ tướng?
– Thực ra cứ để như hiện nay đã có nghĩa là dừng không làm nữa. Thế nhưng toàn bộ cái đã đổ xuống thì phải xử lý. Trên thực tế, nhu cầu phải kè sông là có thật, vì nếu không nó sẽ tiếp tục gây xói lở. Cần phải kè vừa cho cảnh quan đẹp mà vẫn bảo vệ được bờ sông. Nhưng phần đã đổ xuống lấp sông 100 m đó thì phải tính, nếu cần thì phải moi lên bằng hết. Nói là đổ 100 m là không có cơ sở thế thì có cơ sở là bao nhiêu? Trên cơ sở đó mới tính phần diện tích kè thêm đó sử dụng vào mục đích gì?
Toàn bộ đất đá đã đổ xuống lấp sông Đồng Nai sẽ phải moi lên hết để đảm bảo thoát lũ

Toàn bộ đất đá đã đổ xuống lấp sông Đồng Nai sẽ phải moi lên hết để đảm bảo thoát lũ – Ảnh: Lê Lâm

* Từ dự án này mới thấy rằng với những dự án có tác động môi trường lớn nếu phải huy động vốn đầu tư tư nhân cũng phải rất cẩn thận, thưa Phó thủ tướng?
– Đúng thế. Hiện nay, ở đâu địa phương nào cũng có kêu khó khăn về hạ tầng, nhưng vốn ngân sách không đủ khả năng nên phải huy động, xã hội hoá. Nhưng khi quyết định phải hết sức thận trọng, vội vàng dễ gây sai hỏng.
 

Xây dựng tiền lệ tốt trong ứng xử với môi trường
Tôi vẫn nói đi nói lại rất nhiều lần và nói đến cuối cùng thì việc lấp sông Đồng Nai làm dự án là không thể làm được. Nó không còn là vấn đề của một dự án cụ thể mà quan trọng hơn, đó là việc bảo vệ các dòng sông, ý thức trách nhiệm của con người đối với môi trường, hệ sinh thái… Đánh giá, tính toán lại về mặt kỹ thuật chỉ là một vấn đề nhỏ trong toàn bộ câu chuyện về dự án lấp sông Đồng Nai, vì dự án này không chỉ sai về mặt kỹ thuật mà còn về bản chất, tính pháp lý.
TP.HCM tuần rồi đã quyết định khôi phục lại nguyên trạng kênh Hàng Bàng như 15 năm trước để giải quyết vấn đề ngập úng, phải giải toả đến 3.000 căn nhà. Trở lại câu chuyện ở Đồng Nai, tôi cho rằng phải làm rõ ra nếu thực hiện thì ai được hưởng lợi? Bản chất dự án đó là gì và nó sẽ tạo thành tiền lệ xấu như thế nào? Tôi cũng được biết quan điểm của các nhà lãnh đạo cấp cao của chúng ta là muốn dừng hẳn dự án này. Tôi ủng hộ quan điểm này vì rõ ràng các vị lãnh đạo muốn bảo đảm cho một tương lai phát triển bền vững, công bằng cho mọi người trong việc bảo vệ và sử dụng nguồn tài nguyên chung của cộng đồng. Quan trọng nhất ở đây chính là chúng ta đang xây dựng một tiền lệ tốt trong cách ứng xử văn minh với môi trường, cụ thể ở trường hợp này là dòng sông và hệ sinh thái ven sông.
TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC)
Cần phải xử lý nhanh đất đá lấp sông
Vấn đề nhức nhối đau đầu nhất hiện nay phải xử lý ngay hàng ngàn tấn đất đá đã đổ xuống sông Đồng Nai, nếu không theo thời gian sẽ gây hại đến lòng sông và môi trường cảnh quan ven sông.
Tôi nghĩ trước mắt cần hành động khẩn trương, xử lý nhanh, cho máy móc múc số đất đá đó lên, thu gọn lại vào ven bờ và sớm tổ chức đoàn tư vấn khoa học đáng tin cậy hơn, có trách nhiệm và có lương tâm hơn để nghiên cứu đánh giá cho ý kiến tư vấn cho UBND tỉnh Đồng Nai về việc điều chỉnh dự án, xây dựng bờ kè như thế nào. Việc này theo tinh thần của hội nghị ngày 8.9 tại Hà Nội, UBND tỉnh Đồng Nai đang có trách nhiệm sớm tổ chức một đoàn tư vấn như vậy để có cơ sở khoa học cho việc ra quyết định cuối cùng. Tôi nghĩ Bộ TN-MT cũng đã tư vấn cho UBND tỉnh về việc lựa chọn này.
TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, đại diện khu vực phía nam của Mạng lưới sông ngòi VN (VRN)
Chí Nhân (ghi)

 

Mạnh Quân 
(thực hiện)