Thuỷ điện trong mắt các nạn nhân
Một số người dân ở bốn tỉnh miền Trung và Tây nguyên đã được phát máy ảnh để ghi lại hình ảnh cuộc sống của chính mình bị đảo lộn như thế nào từ khi có thuỷ điện…
Thuỷ điện trong mắt các nạn nhân
Một số người dân ở bốn tỉnh miền Trung và Tây nguyên đã được phát máy ảnh để ghi lại hình ảnh cuộc sống của chính mình bị đảo lộn như thế nào từ khi có thuỷ điện…
Sau hơn bảy năm di dời nhường đất xây dựng thuỷ điện Đắk Mi 4, cuộc sống của người dân ở thôn Nước Lang, xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: người dân thôn Nước Lang trồng keo, tràm để cải thiện thu nhập vì đất đai không thể trồng hoa màu – Ảnh: Hồ Văn Tất |
Nguồn nước ô nhiễm, cá tôm bị giảm sút, ruộng nương bị ngập úng, nhà ở tái định cư tạm bợ…
Đó là những thông điệp phản ảnh những tác động về môi trường tại khu vực miền Trung – Tây nguyên, do chính những người dân bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng các thuỷ điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn ở Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế ghi lại bằng hình ảnh.
Ông Lê Văn Trọng (61 tuổi, ở thôn Ea Tung, xã Ea Na, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) cho biết trước khi có thuỷ điện Buôn Kuôp, gia đình ông có 2ha đất trồng cà phê, chăn nuôi gia súc gia cầm. Nguồn nước trong lành và cuộc sống bình yên. Nhưng từ khi có thuỷ điện, gia đình ông nợ nửa tỉ đồng vì phải mua đất canh tác nơi khác.
“Chúng tôi bị thiệt thòi nhiều thứ vì thủy điện nên đã chụp ảnh đúng với những gì đang xảy ra để mong các cấp chính quyền sớm giải quyết”. Ông Trọng cũng chỉ là một trong số hàng trăm hộ dân ở xã Ea Na chịu ảnh hưởng bởi tác động của thuỷ điện.
Bà Lâm Thị Thu Sửu – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển xã hội (CSRD), đơn vị hướng dẫn dự án – cho biết hiện trung tâm đã và đang thu thập được hơn 300 bức ảnh do hàng trăm người dân của bốn tỉnh miền Trung – Tây nguyên nói trên chụp và gửi về.
Những bức ảnh sinh động nhất sẽ được biên tập để in thành tập sách ảnh có tên Tiếng nói từ cộng đồng, do Tổ chức Rosa Luxemburg Stiftung (Đức) tài trợ.
Người dân ở xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đã quen thuộc với cảnh tượng “chạy lũ” khi dòng nước đổ về. Việc xả lũ của thuỷ điện khiến họ luôn ở trong tâm trạng hoang mang khi đến mùa mưa lũ – Ảnh: Bá Quốc |
Vợ chồng ông Trần Mỹ và bà Lê Thị Chi (xã Dương Hòa, thị xã Hương Thuỷ, Thừa Thiên – Huế), đánh bắt cá trên sông Tả Trạch gần 40 năm, tâm sự: “Trước đây, đánh bắt thủy sản rất thuận tiện, nhưng bây giờ không thể đi qua đập thuỷ điện nên chúng tôi phải dọn nhà sống lênh đênh trên lòng hồ”- Ảnh: Lê Văn Thanh |
Ông Búa (92 tuổi) và vợ (83 tuổi) ở khu tái định cư Bến Ván phải vào rừng kiếm củi bán hằng ngày – Ảnh: Bá Quốc |
Đánh cá trên lòng hồ thuỷ điện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) – Ảnh: Hồ Văn Trợ |
Thủy điện Đắk Mi 4 chặn dòng, tích nước khiến hạ lưu sông Vu Gia đoạn qua xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) thưa vắng người làm nghề chài lưới – Ảnh: Lê Văn Tam |
Mực nước sông Sêrêpók dâng cao, ảnh hưởng tới cuộc sống và sản xuất của người dân thôn Ea Tung, xã Ea Na, huyện Krông Ana (Đắk Lắk) – Ảnh: Lê Văn Quý |
Vẻ đẹp của sông Long Đại (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đang đứng trước quy hoạch xây dựng sáu dự án thuỷ điện trên dòng sông này – Ảnh: Nguyễn Văn Tráng |
Người dân xã Dương Hòa, thị xã Hương Thuỷ (Thừa Thiên – Huế) thu hoạch đậu phộng. Theo người dân do ảnh hưởng của thuỷ điện Tả Trạch nên đất đai khô cằn, năng suất hoa màu kém hơn – Ảnh: Trương Văn Huy |
Khi xây dựng đập thuỷ điện Đắk Mi 4C, 41 hộ dân ở thôn 2, xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) di dời tới khu tái định mới nằm trên đồi, cách xa sông suối – Ảnh: Trần Bá Quốc |
Giếng sát bờ sông Tả Trạch, xã Dương Hoà dùng để lọc nước sông trước khi bơm vào dùng – Ảnh: Nguyễn Thị Thuỷ |
Cuối năm 2005, công trình thuỷ điện – thuỷ lợi Tả Trạch xây dựng khiến người dân xã Dương Hoà (thị xã Hương Thuỷ, Thừa Thiên – Huế) bị mất đất sản xuất. Cuộc sống khu tái định cư mới thiếu nước sinh hoạt – Ảnh: Nguyễn Văn Thanh |
Mực nước trên sông Vu Gia tại bến đò 14, địa phận xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) ngày 18-10-2013 – Ảnh: Bá Quốc |