29/11/2024

Cuộc săn lùng kho báu thành Rome

Chính quyền thành phố Cosenza ở Ý đã bật đèn xanh cho các nhà khảo cổ truy tìm kho báu khổng lồ được chôn cất cạnh thi hài của hoàng đế Alaric.

 

Cuộc săn lùng kho báu thành Rome

 

Chính quyền thành phố Cosenza ở Ý đã bật đèn xanh cho các nhà khảo cổ truy tìm kho báu khổng lồ được chôn cất cạnh thi hài của hoàng đế Alaric.


 


Một đoạn sông Busento, gần nơi hợp lưu với sông Crati ở thành phố Cosenza của Ý - Ảnh: GianlucacsMột đoạn sông Busento, gần nơi hợp lưu với sông Crati ở thành phố Cosenza của Ý – Ảnh: Gianlucacs
Theo truyền thuyết, thi hài hoàng đế Alaric, người đánh chiếm thành Rome của đế chế La Mã trong thế kỷ thứ 5, được chôn cất tại nơi hợp lưu của hai con sông thuộc thành phố Cosenza ở vùng Calabria, miền nam nước Ý, cùng hàng tấn vàng bạc và cả giá cắm nến Menorah vô giá mà người La Mã chiếm được từ Ngôi đền Thứ hai ở Jerusalem trong năm 70.
Alaric là vị hoàng đế đầu tiên của bộ tộcVisigoth – một trong hai nhánh của người Goth, cầm quyền trong giai đoạn 395 – 410. Ông lãnh đạo đội quân tràn vào thành Rome hồi tháng 8 năm 410. Lần đầu tiên trong 8 thế kỷ, thành phố Rome bị chiếm đóng và đây là sự kiện lớn đánh dấu quá trình suy tàn của đế chế La Mã. Người ta cho rằng hoàng đế Alaric rời Rome với chiến lợi phẩm là nhiều xe ngựa chứa 2 tấn vàng, 13 tấn bạc, 4.000 mảnh lụa, 3.000 bộ lông cừu và gần 1.500 kg hồ tiêu. Còn theo các nhà khảo cổ học Ý, có tới 25 tấn vàng trong kho báu. Sau đó, hoàng đế Alaric đưa quân tiến về phía nam nhằm chinh phục nhiều vị trí cố thủ khác của người La Mã, đồng thời lên kế hoạch thu gom các sản vật ở vùng Sicily và tiếp đến là đánh chiếm Bắc Phi. Tuy nhiên, tham vọng mở rộng bờ cõi của hoàng đế Alaric bất thành do vị thủ lĩnh 40 tuổi được cho là đã bỏ mạng tại vùng Calabria cùng năm đó, do tử trận hoặc do bệnh tật, có thể là sốt rét hoặc sốt cảm hàn.
Giết người diệt khẩu
 
 
Kho báu ám ảnh Hitler
Vào thế kỷ 20, câu chuyện về kho báu của Alaric đã thật sự thu hút Hitler. Ông trùm Đức Quốc xã đã ra lệnh cho Heinrich Himmler, chỉ huy trưởng của lực lượng vũ trang SS khét tiếng và một nhóm các nhà khảo cổ sang Ý truy lùng kho báu vào năm 1937. Tuy nhiên, họ đã trắng tay và lặng lẽ quay về như những người tìm kiếm trước đó.

 

Truyền thuyết cho rằng Alaric được chôn cùng với kho báu chiếm được ở Rome tại hợp lưu của các con sông Busento và Crati – một điểm hiện nằm ở khu trung tâm thành phố Cosenza. Một đám tù binh đã được huy động để tạm thời chuyển hướng dòng chảy của sông Busento, sau đó đào một ngôi mộ đủ lớn chứa thi hài nhà vua, chiến mã của ông cùng kho báu khổng lồ. Khi ngôi mộ được đào xong, dòng chảy sông được đưa về hiện trạng cũ để đảm bảo rằng ngôi mộ mãi mãi nằm sâu trong lòng sông, tránh nguy cơ bị khai quật, cướp bóc. Người ta nói rằng binh lính của hoàng đế Alaric sau đó đã giết hết những người nô lệ xây mộ để diệt khẩu, bảo đảm vị trí ngôi mộ vẫn mãi là ẩn số.

Sử gia Jordanes, chuyên viết về người Goth hồi thế kỷ thứ 6, cũng đã đề cập điều này trong cuốn sách mang tên De origine actibusque Getarum (tạm dịch: Nguồn gốc và kỳ tích của người Goth) xuất bản năm 551. “Tạm thời đổi dòng chảy sông Busentus (Busento) gần thành phố Cosentia (Cosenza), họ dẫn theo đám tù binh ra giữa lòng sông đào mộ chôn vị hoàng đế của mình. Trong huyệt sâu, họ chôn cất thi hài Alaric cùng với nhiều vàng bạc châu báu, phục hồi dòng chảy, rồi sau đó thủ tiêu hết những người đào mộ để không còn ai biết về nơi chôn cất mộ hoàng đế”, theo tờ The Telegraph dẫn lời mô tả của sử gia Jordanes trong cuốn sách.
Nỗ lực truy tìm
Giữa thế kỷ 18, một dự án lớn đã được triển khai để truy lùng ngôi mộ của Alaric nhưng người ta không tìm thấy gì. Rồi đến đầu thế kỷ 19, nhiều người dân thời đó cũng đổ xô đến Cosenza theo sau một trận động đất lớn rút hết nước ở sông Busento để đào bới tìm kiếm kho báu, song họ đã phải ra về tay không. Và nay, chính quyền thành phố Cosenza đã hạ quyết tâm tìm kho báu của người xưa cho dù nhiều chuyên gia lịch sử hoài nghi về sự tồn tại của nó.
“Các thông tin lịch sử và nhiều đầu mối xác nhận rằng kho báu của Alaric đã được chôn tại Cosenza. Kho báu bao gồm khoảng 10 xe chất đầy vàng bạc, và có lẽ cả giá cắm nến Menorah linh thiêng của người Do Thái”, Mario Occhiuto, Thị trưởng Cosenza, nói với tờ The Telegraph. Ông khẳng định: “Hội đồng thành phố và chính quyền tỉnh đã lần đầu tiên khởi xướng kế hoạch săn lùng kho báu một cách có hệ thống, với sự hỗ trợ của các thiết bị khoa học kỹ thuật tân tiến”. Chính quyền Cosenza đã uỷ thác một nhóm khảo cổ học truy lùng và hy vọng khi kho báu được tìm thấy, nó sẽ giúp vùng này – vốn đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế – phát triển du lịch khi thu hút nhiều du khách tới đây.
25 tấn vàng ?
Qua đối chiếu sử sách với hiện trạng địa lý trong vùng, các nhà khoa học Ý đến nay đã xác định được 5 địa điểm nghi chứa kho báu hơn 1.600 năm tuổi. Chúng bao gồm một dải sông dài 2,4 km chảy qua Cosenza và cả những hang động gần thành phố Mendicino ở kế bên. Bên trong một hang động, các chuyên gia đã tìm thấy một ký hiệu cổ xưa mà họ cho là giống giá cắm nến bảy nhánh, một trong những biểu tượng lâu đời nhất của Do Thái giáo. Các nhà địa chất cũng cho rằng thi hài của hoàng đế Alaric cùng kho báu được chôn ở độ sâu tới 8 m trong lòng đất, đủ để kho báu không bị nước sông cuốn trôi.
Nhà địa chất học Amerigo Giuseppe Rota, trưởng nhóm dự án khai quật, chia sẻ rằng nhóm chuyên gia sẽ sử dụng máy bay không người lái, ra đa, công nghệ tia hồng ngoại và nhiều thiết bị điện từ để tìm kho báu chôn cất cùng hoàng đế Alaric. Cũng theo ông Rota, chi phí tìm kiếm không quá tốn kém, chỉ chừng vài ngàn euro. “Chúng tôi hy vọng kết quả đầu tiên từ cuộc khảo sát sẽ có trong 6 tháng tới”, ông Rota nói. Nhóm khảo cổ hy vọng có được sự giúp đỡ từ hải quân Ý, vốn sở hữu nhiều loại máy bay trực thăng trang bị thiết bị cảm biến có chức năng dò tìm tàu ngầm đối phương. Một vài nghị sĩ Ý trong tuần này còn lên tiếng hối thúc chính phủ rót tiền cho dự án săn tìm kho báu.
Các nhà nghiên cứu tin rằng nếu sử sách thời thế kỷ thứ 5 là chính xác thì có tới 25 tấn vàng trị giá khoảng 1 tỉ euro cùng với bạc và đá quý chờ được khai quật. “Nhờ có công nghệ hiện đại, lần đầu tiên chúng ta có cơ hội mở chiến dịch tìm kiếm có hệ thống kho báu của Alaric”, Thị trưởng Mario Occhiuto cho biết.
Ông chia sẻ truyền thuyết về những kho báu bị chôn vùi có vẻ không tưởng nhưng đã có những khám phá khảo cổ học đáng ngạc nhiên tương tự trong quá khứ. “Thành Troy vẫn chỉ là một truyền thuyết cho đến khi nó được phát hiện (vào thập niên 1870). Và thành cổ Pompeii đã được tìm thấy một cách gần như tình cờ vào thế kỷ 18. Chúng tôi thực sự rất quyết tâm. Đây có thể là kho báu lớn nhất trong lịch sử của nhân loại. Nó là một phần di sản của thế giới”, Thị trưởng Cosenza nhấn mạnh.
Chiến dịch của chính quyền địa phương vấp phải sự hoài nghi của không ít nhà khảo cổ học vốn lý giải rằng ngay cả khi ngôi mộ tồn tại, thì Alaric là một kẻ xâm lược man rợ, tốt nhất nên bị quên lãng. Thế nhưng Thị trưởng Antonio Palermo của Mendicino, nơi việc săn lùng ngôi mộ sẽ bắt đầu, lập luận: “Hoàng đế Alaric là một phần quan trọng của lịch sử Calabria và nước Ý nói chung. Bạn không thể nói rằng có một vài sự kiện lịch sử nên bỏ qua và số khác có giá trị cần nghiên cứu tìm hiểu”.
Bảo tàng tôn vinh Alaric

Bên cạnh việc khai quật mộ, chính quyền Cosenza còn ấp ủ một kế hoạch xây dựng một bảo tàng để tôn vinh hoàng đế Alaric và lưu trữ tài liệu lịch sử của người Goth. Theo kế hoạch, nhà chức trách sẽ cho phá một khách sạn, được xây vào những năm 1950, nằm ở điểm giao nhau của hai con sông Busento và Crati. Thay vào đó là một viện bảo tàng cùng một bức tượng khổng lồ của vị hoàng đế đang cưỡi chiến mã sẽ được đặt tại đây.

Một số người dân địa phương và nhiều nhà sử học đã phản đối dự án trên, cho rằng thật là sai lầm khi tôn vinh hoàng đế Alaric vì lính của ông đã giết nhiều người dân trong vùng. Tuy nhiên, Thị trưởng Mario Occhiuto lập luận rằng Alaric là một nhân vật lịch sử, người đóng vai trò quan trọng trong sự suy tàn của đế chế La Mã và sớm mở ra thời kỳ Trung cổ. Và ông ta có thể rất quý giá đối với Cosenza như Romeo và Juliet ở Verona hoặc quái vật hồ Loch Ness tại Scotland.

 

Danh Toại