11/11/2024

Giới thiệu Bản thảo cuốn Niên Giám GHCGVN 2015

Chúng tôi vừa biên soạn xong bản thảo cuốn Niên Giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2015. Sau đây là Lời Nói đầu và Mục lục của cuốn sách. Xin giới thiệu để các bạn cùng vui chung và góp ý với chúng tôi nếu thấy có điều gì không ổn để bản in sách này được hoàn chỉnh tối đa.

 Lời nói đầu

Quý Bạn đọc thân mến,

Nhân dịp kỷ niệm 400 năm Giáo hội Công giáo Việt Nam chính thức đón nhận Phúc Âm từ đoàn Thừa sai Dòng Tên (1615-2015), Hội đồng Giám mục Việt Nam thực hiện cuốn Niên giám Giáo Hội Công giáo Việt Nam 2015 này.

Để giúp bạn đọc dễ dàng sử dụng cuốn sách, chúng tôi xin giới thiệu đôi lời về mục đích, bố cục, công tác biên soạn, vài chỉ dẫn cần thiết và cả những khó khăn tồn tại trong quá trình thực hiện cuốn sách này.

1. Mục đích

Qua cuốn Niên giám này, Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi toàn thể cộng đồng tín hữu Công giáo Việt Nam nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua để cảm tạ Chúa vì sự an bài đầy yêu thương của Ngài. Đồng thời, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng khuyến khích mọi người cùng can đảm dấn thân vào con đường Tân Phúc Âm hoá như Đức Giáo hoàng Phanxicô đề ra trong Thông điệp Evangelii Gaudium (Niềm vui Phúc Âm) của ngài.

Đối với anh em đồng bào ngoài Công giáo, đây cũng là dịp giới thiệu Giáo hội Công giáo toàn cầu cũng như Giáo hội ở Việt Nam với các thành phần, cơ cấu tổ chức và hoạt động trong nhiều lĩnh vực để cùng hiểu biết và thông cảm lẫn nhau.

2. Bố cục

Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2015 dựa trên bố cục của Niên giám 2005 đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam chấp thuận: gồm 3 phần chính với đôi chút sửa đổi và cập nhật hoàn toàn.

Phần I, gồm 9 chương, trình bày về Giáo hội Công giáo toàn cầu như người mẹ sinh ra các con trên khắp thế giới, trong đó có người con Việt Nam.

Phần II, gồm 14 chương, trình bày cách tổng quát về Giáo hội Công giáo Việt Nam với quá trình lịch sử hình thành, cách tổ chức và hoạt động của các thành phần Dân Chúa trong Giáo Hội tại Việt Nam.

Phần III, gồm 27 chương, trình bày về hiện tình Giáo hội Công giáo Việt Nam ở 26 giáo phận trong nước và chương cuối cùng là hiện tình các cộng đồng Công giáo Việt Nam ở ngoài nước như những người con xa nhà.

Như thế, toàn bộ Niên giám 2015 gồm 50 chương với hơn 1.000 trang sách như cuốn chỉ nam cung cấp các thông tin tổng hợp mới nhất về Giáo Hội toàn cầu và Giáo Hội ở Việt Nam.

3. Công tác biên soạn

Để thực hiện công tác biên soạn với yêu cầu cập nhật cho phù hợp với hiện tình Giáo Hội, chúng tôi đã thành lập một Ban Biên soạn mới. Đứng đầu là Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, tiếp theo là Gm. Micae Hoàng Đức Oanh, Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Đô. Giuse Mai Đức Vinh (Pháp), Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu (Đức), Lm. Giuse Phan Trọng Quang, MF, Lm. Phanxicô Xaviê Đào Trung Hiệu, OP, cô Anna Nguyễn Thị Tuyết Lê và cô Maria Têrêsa Nguyễn Thị Liên Phương.

Chúng tôi giữ nguyên tên các biên tập viên đã đóng góp vào công tác biên soạn của cuốn Niên giám GHCGVN 2005 là Đô. P. Borgia Trần Văn Khả, Lm. Giuse Đỗ Quang Chính SJ. (…), Lm. Felippe Gomez SJ., Lm. Giuse Đặng Xuân Thành (…), Lm. Gioakim Trần Quý Thiện, Lm. Louis Nguyễn Phúc Kim (Canada), Lm. Trần Anh Dũng (Pháp) và Lm. Giuse Phạm Đức Dũng (Pháp), ông Antôn Nguyễn Hữu Nghiêm (Hoa Kỳ), bà Maria Ngô Thị Nhật, thầy G.B Nguyễn Văn Hậu, Nt. Têrêsa Phạm Thị Thanh Huyền, SPC, cô Madalena Trần Thị Diệu Nga, Nt. Maria Phạm Thị Mỹ Tửu (…), bà Maria Lê Tứ Huyền Vi, thầy Dom. Lương Viết Hưng, bà Lê Nhung vì nhiều điều trong nội dung của Niên giám đó được lấy lại cho Niên giám mới.

Chúng tôi chân thành cám ơn các tác giả cộng tác biên soạn cuốn Niên Giám 2015 này: Lm. G. Trần Đức Anh, OP (Roma), Lm. Antôn-Phaolô Trần Quốc Anh, SJ (Hoa Kỳ), Lm. P.X Nguyễn Hữu Hiến (Nhật Bản), Lm. Gioan Trần Công Nghị (Hoa Kỳ), Lm. Nguyễn Hữu Quảng, SBD (Úc châu), Lm. Nguyễn An Ninh (Hoa Kỳ), Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Tuyến (Đan Mạch), Lm. Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn, Nt. Maria Têrêsa Phạm Thị Dự, MTG Gò Vấp, Cô Elizabeth Minh Thuỵ. Với tấm lòng biết ơn, chúng tôi không thể không nhắc đến các tác giả ảnh đóng góp cho cuốn Niên Giám 2015 này như Nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ, Báo Công giáo và Dân tộc và nhiều tác giả khác mà chúng tôi không thể tiếp xúc khi lấy các hình ảnh lịch sử từ mạng Internet.

Chúng tôi chân thành cảm tạ các tác giả, cộng tác viên, Quý Hồng y, Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân của Giáo hội Công giáo Việt Nam, trong nước cũng như ngoài nước, đã đóng góp rất nhiều công sức và thời giờ quý báu để viết thành bài giới thiệu từng giáo phận, các tổ chức đời thánh hiến, các uỷ ban trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, các hội đoàn Công giáo Tiến hành và các cộng đồng Công giáo Việt Nam ở nước ngoài trong cuốn Niên giám 2015 này.

Chúng tôi đặc biệt cám ơn Nhà Xuất bản Our Sunday Visitor ở tiểu bang Indiana, Hoa Kỳ, đã cho phép trích dịch các bài trong các cuốn Catholic Almanac từ năm 1999 đến 2015. Chúng tôi cũng chân thành cám ơn Ban Tôn giáo Chính phủ, Nhà Xuất bản Tôn Giáo, các cơ quan ban ngành đã góp phần làm nên cuốn Niên giám này qua việc khích lệ, giới thiệu và cung cấp các dữ liệu cần thiết.

Như thế, cuốn Niên giám 2015 không phải là thành quả làm việc của riêng Ban Biên soạn, nhưng là của chung mọi người thành tâm thiện chí muốn đóng góp cho sự phát triển tốt đẹp của dân tộc và Giáo hội Công giáo Việt Nam.

4. Vài chỉ dẫn cần thiết

Trong Niên giám 2015 có hơn 10.000 tên riêng, hơn 7.000 địa chỉ, số điện thoại, email của cá nhân và tập thể thay đổi theo từng miền, từng nước trong suốt 2000 năm lịch sử của nhân loại, cũng như hơn 20.000 số thống kê của Giáo hội toàn cầu và Giáo hội Việt Nam. Vì thế, chúng tôi xin lưu ý độc giả vài chỉ dẫn sau đây:

4.1.Về cách viết tên riêng tiếng nước ngoài

– Chúng tôi theo đúng Quy định số 240/QĐ, ngày 5/3/1984, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục về Chính tả tiếng Việt, về Thuật ngữ tiếng Việt và quy định số 09/1998QĐ-VPCP, ngày 25/11/1998, của Văn phòng Chính phủ về Cách Viết hoa các Tên riêng.

– Chúng tôi theo sát các nguyên tắc, các từ ngữ đã được trình bày trong bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam do Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn, phổ biến năm 2005, và Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, do Nhà Xuất bản Đà Nẵng phát hành năm 2005.

– Cụ thể là chúng tôi viết nguyên ngữ theo tiếng Latinh, viết liền các âm tiết, không có dấu giọng và cũng không viết phiên âm trong ngoặc đơn. Thí dụ: Marcus, Aurelius, Washington, Bastille. Chúng tôi giữ nguyên những địa danh đã được Việt hoá quá quen thuộc như: Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha… Chúng tôi giữ hình thức chuyển ngữ sang tiếng Latinh đối với những tên bản ngữ không phải là tiếng Latinh như: Poutine, Araphat, Tagore.

– Đối với các tên riêng của Công giáo Việt Nam, chúng tôi theo sát cách viết đã được giới thiệu trong cuốn Từ điển Công giáo 500 mục từ của Uỷ ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, xuất bản năm 2011.

4.2.Về việc đánh dấu giọng trên nguyên âm

Dù đã được khoa ngôn ngữ học hướng dẫn qua các bộ từ điển giá trị để đánh dấu giọng đúng trên nguyên âm, nhưng trong mạng lưới truyền thông đại chúng, như trên sách báo, truyền hình, cho đến thời điểm hiện nay, người ta vẫn thấy nhiều người đặt sai dấu giọng trên một số âm tiết như oa, oe, uê, uơ, uy. Lý do là người ta chưa phân biệt được chữ i, o, u có thể là nguyên âm /i, o, u/ và cũng có thể là phụ âm /j, w/. Vì dấu giọng tiếng Việt chỉ đánh trên nguyên âm, nên chúng tôi đánh dấu giọng trên các từ như sau: hoà /hwà/, hoè /hwè/, huệ /hwệ/, thuở /θwở/ thuỷ / θwỉ/… Trong Anh ngữ chúng ta cũng thấy các âm tương tự như only /onli/ và one /wun/; unmake /unmak/và unit /junit/… Nếu tìm lại các từ trong Từ điển Việt Bồ La của Alexandre de Rhodes, xuất bản năm 1651, chúng ta thấy tác giả đã đánh dấu rất chuẩn ngay từ thuở đầu tiên khai sinh chữ Việt.

4.3.Về các chữ viết tắt

Để tránh việc lặp đi lặp lại các từ cũng như để trình bày bản văn gọn gàng hơn, chúng tôi xin phép được viết tắt một số từ thường dùng trong mỗi chương. Chữ viết tắt được đặt ngay sau từ muốn viết tắt, trong ngoặc đơn và được viết hoa tất cả các chữ đầu của âm tiết. Thí dụ: Giáo hội Công giáo (GHCG). Một số chữ viết tắt thông dụng như: x. (xem), tr. (trang), sđd (sách đã dẫn), Đt (Điện thoại), Gm. (Giám mục). Lm. (linh mục)… chúng tôi hy vọng bạn đọc dễ dàng nhận ra. Chúng tôi dùng các chữ viết tắt hay ký hiệu các sách Thánh Kinh theo Từ điển Công giáo 500 mục từ.

4.4.Về thời điểm các số thống kê

Đối với các số thống kê, chúng tôi cố gắng truy tìm các dữ liệu gần nhất, mới nhất, kèm theo thời điểm và cả nguồn trích dẫn để giúp độc giả có thể truy tìm, kiểm chứng.

5. Những khó khăn, thiếu sót tồn tại

Cuối cùng, chúng tôi phải khiêm tốn nói với bạn đọc rằng dù Ban Biên soạn và nhiều cộng tác viên làm việc miệt mài trong suốt hai năm qua, chúng tôi vẫn còn gặp thấy những khó khăn và thiếu sót để hoàn thành tác phẩm này theo đúng lòng mong ước của bạn đọc.

Trong suốt dòng lịch sử 2000 năm của Giáo hội Công giáo, có nhiều hoạt động phong phú và nhiều vấn đề phức tạp nên không thể kể hết trong cuốn sách này. Hơn nữa, với khả năng giới hạn, phương tiện yếu kém, chúng tôi có thể bỏ sót điều này, quên lãng việc khác. Chúng tôi rất mong được bạn đọc thông cảm và góp ý cho chúng tôi để điều chỉnh trong những cuốn niên giám sau này.

Cùng với lời tạ ơn Thiên Chúa của Giáo hội Việt Nam nhân dịp kỷ niệm này, Ban Biên soạn hết lòng cám ơn mọi người đã cộng tác để hoàn thành cuốn Niên giám 2015.

Cầu chúc Quý Bạn đọc luôn an mạnh, dồi dào phúc lành của Thiên Chúa.

TM. Ban Biên soạn

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn


NIÊN GIÁM

GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM

2015

 

MỤC LỤC

 

Hình Đức Thánh Cha Phanxicô và các giám mục Việt Nam………………………..    9-32

Lời giới thiệu của Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc………………………………………. 33

Lời giới thiệu của Nhà Xuất bản Tôn Giáo…………………………………………………35

Lời nói đầu…………………………………………………………………………………………….37

PHẦN I

GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TOÀN CẦU

Chương 1: ĐÔI NÉT LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO……………………………..42

Chương 2: NIÊN BIỂU LỊCH SỬ GIÁO HỘI………………………………………………48

Chương 3: CÁC VỊ GIÁO HOÀNG TRONG GIÁO HỘI………………………………..63

Chương 4: CÁC CÔNG ĐỒNG CHUNG VÀ THƯỢNG HỘI ĐỒNG TRONG LỊCH SỬ…………………………………………………………………………………. 88

1. Một vài khái niệm về Công đồng………

2. Danh sách 21 Công đồng chung……………………….

3. Vài nét khái quát về Công đồng chung Vaticanô II……………………..

4. Thượng Hội đồng Giám mục…………………………………………

Chương 5: PHẨM TRẬT VÀ TỔ CHỨC TRONG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO…… 96

1. Phẩm trật trong Giáo Hội…………………………………………..

2. Giáo triều Roma: các Bộ, Toà án, Hội đồng, Văn Phòng, Cơ quan, Uỷ ban…………………

3. Quốc gia Vatican…………………………………………………………………

4. Các tổ chức Công giáo Quốc tế (69 tổ chức)……………………..

Chương 6: GIÁO HỘI TRONG TÌNH HIỆP THÔNG ………………. 119

1. Các Giáo hội Công giáo Đông Phương……………………..

2. Các Giáo hội Đông Phương tách biệt………………………………….

3. Các Giáo hội Cải cách………………………………………………………..

4. Đại kết Đông phương, Đại kết Kitô giáo, các cơ quan đại kết………

5. Đối thoại liên tôn: Do Thái giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo,

Phật giáo và các tôn giáo khác……………………………

Chương 7: ĐỨC TRINH NỮ MARIA LÀ MẸ GIÁO HỘI…………………………… 136

                    1. Nỗi lòng Người Mẹ qua những lần hiện ra……………………

              2. Tước hiệu Mẹ Giáo Hội………………………………

              3. Bí mật thứ ba của Fatima 

Chương 8: LỊCH PHỤNG VỤ ROMA VÀ NHỮNG NGÀY LỄ CÔNG GIÁO Ở VIỆT NAM………………………………………………………………………144

       – Bảng tính lịch Phụng vụ (2015-2039)………………………………

Chương 9: SỐ LIỆU THỐNG KÊ VỀ GIÁO HỘI TOÀN CẦU…………………… 155

 - Số liệu thống kê về Công giáo ở các nước trên thế giới (207 nước và cộng đồng).

       – Tổng kết thống kê GHCG toàn cầu về nhân sự, giáo dục, xã hội, bí tích

       – Thống kê về một số tôn giáo lớn………………………………………

PHẦN II

GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TRONG DÒNG LỊCH SỬ

Chương 10: LƯỢC SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM……………………. 169

1. Con đường Nhập thể – Cứu độ…………………………………..

2. Thời kỳ khai sinh (1533-1659)……………………………….

3. Thời kỳ tăng trưởng (1659-1802)………………………………………………..

4. Thời kỳ phát triển (1802-1960)…………………………………………………

5. Thời kỳ trưởng thành (1960- đến nay)…………………………………….

Chương 11: NIÊN BIỂU CÔNG GIÁO VIỆT NAM…………………… 188

Chương 12: CÁC THÁNH VIỆT NAM………………………………………. 195

      1. Danh sách 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam……………………

      2. Các vị Thánh khác……………………………………………

Chương 13: GIÁO HỘI VIỆT NAM VÀ CÔNG CUỘC TÂN PHÚC ÂM HOÁ..205

1. Công cuộc quan trọng, cần thiết và cấp bách

2. Tân Phúc Âm hoá là gì?

3. Tân Phúc Âm hoá nhắm mục đích gì?

4. Ba yếu tố trong công cuộc Tân Phúc Âm hoá

5. Ra khơi để Tân Phúc Âm hoá

Chương 14: DANH SÁCH CÁC GIÁO TỈNH GIÁO PHẬN HIỆN NAY……… 213

1. Sơ đồ phát triển các giáo phận ở Việt Nam

2. Bản đồ 26 giáo phận

3. Địa chỉ các giáo phận hiện nay

Chương 15: DANH SÁCH CÁC GIÁM MỤC………………………………………….221

1. Các giám mục GHCGVN sắp theo giáo phận từ lúc thành lập đến nay.

2. Các giám mục Việt Nam từ 1933-2015 sắp theo mẫu tự       

3. Các giám mục Việt Nam từ 1933-2015 sắp theo ngày được bổ nhiệm

3. Các vị Khâm sứ Toà Thánh và quan hệ ngoại giao từ 1925-2015

Chương 16: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM…………………………………… 236

1. Cơ cấu tổ chức

2. Hoạt động của các cơ quan trực thuộc 

3. Danh sách Ban Thường vụ và các Uỷ ban từ 1980-201

4. Tên các trang web gần gũi với tín hữu Công giáo Việt Nam 

Chương 17: CÁC CHỦNG VIỆN Ở VIỆT NAM……………………………………… 247

                1. Lược sử từ đầu đến 1975

                 2. Các chủng viện Việt Nam sau năm 1975

                 3. Chương trình đào tạo linh mục tại các Đại chủng viện

Chương 18: CÁC TỔ CHỨC SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN Ở VIỆT NAM……….263

1. Giới thiệu các tổ chức sống đời thánh hiến

2. Các tổ chức dành cho nam giới (47 tổ chức)

3. Các tổ chức dành cho nữ giới (98 tổ chức)

Chương 19: CÁC TỔ CHỨC CÔNG GIÁO TIẾN HÀNH…………………………. 340

           1. Giới thiệu chung về các tổ chức CGTH…………………….

           2. Giới thiệu từng tổ chức  (22 tổ chức)………………………

           3. Danh sách các đoàn thể và giới tông đồ giáo dân của TGP.TP.HCM

Chương 20: GIÁO HỘI VÀ CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở VIỆT NAM………. 373

1. Đôi nét về các dân tộc thiểu số ở Việt Nam

2. Vài nét về lịch sử truyền giáo cho các dân tộc thiểu số ở Việt Nam

3.Tiếp bước thừa sai giữa người sắc tộc thiểu số Việt Nam

Chương 21: GIÁO HỘI VIỆT NAM TRONG TÌNH HIỆP THÔNG…………………… 389

               1. Sự hiệp thông dựa vào hiện trạng tôn giáo của Việt Nam

               2. Thực hiện chương trình hiệp thông

               3.Những lĩnh vực hiệp thông mới…………………………

Chương 22: MẸ MARIA LÀ MẸ GIÁO HỘI VIỆT NAM……………………………. 396

      1. Những khuôn mặt nữ thần mang tính tiên tri

      2. Chân dung Mẹ Maria trong buổi truyền giáo ban đầu

      3. Những lần can thiệp của Mẹ Maria trong dòng lịch sử dân tộc 

      4. La Vang, Trung tâm Thánh mẫu toàn quốc

      5. Đức Thánh giáo Hoàng Gioan Phaolô II với Đức Mẹ La Vang

 

Chương 23: CÁC SỐ LIỆU THỐNG KÊ VỀ HIỆN TÌNH GIÁO HỘI VIỆT NAM …. 405

1. Tổng kết số liệu 26 giáo phận Việt Nam năm 2015

 (diện tích, dân số, nhân sự, giáo xứ, tình trạng bí tích, cơ sở giáo dục, bác ái, từ thiện)

2. Số liệu của Giáo tỉnh Hà Nội

3. Số liệu của Giáo tỉnh Huế.

4. Số liệu của Giáo tỉnh TPHCM

PHẦN III

HIỆN TÌNH GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM

 

GIÁO TỈNH HÀ NỘI

Chương 24:  GIÁO PHẬN BẮC NINH

Chương 25: GIÁO PHẬN BÙI CHU

Chương 26: TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI

Chương 27: GIÁO PHẬN HẢI PHÒNG.

Chương 28: GIÁO PHẬN HƯNG HOÁ

Chương 29: GIÁO PHẬN LẠNG SƠN

Chương 30: GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM

Chương 31: GIÁO PHẬN THÁI BÌNH

Chương 32: GIÁO PHẬN THANH HOÁ………………………………………………………………………………

Chương 33: GIÁO PHẬN VINH

GIÁO TỈNH HUẾ

Chương 34: GIÁO PHẬN BAN MÊ THUỘT

Chương 35: GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG

Chương 36: TỔNG  GIÁO PHẬN HUẾ

Chương 37: GIÁO PHẬN KONTUM  

Chương 38: GIÁO PHẬN NHA TRANG

Chương 39: GIÁO PHẬN QUY NHƠN

GIÁO TỈNH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Chương 40: GIÁO PHẬN BÀ RỊA

Chương 41: GIÁO PHẬN CẦN THƠ.

Chương 42: GIÁO PHẬN ĐÀ LẠT

Chương 43: GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

Chương 44: GIÁO PHẬN MỸ THO.

Chương 45: GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

Chương 46: GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG.

Chương 47: TỔNG GIÁO PHẬN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Chương 48: GIÁO PHẬN VĨNH LONG

Chương 49: GIÁO PHẬN XUÂN LỘC……………..

Chương 50: CỘNG ĐỒNG CÔNG GIÁO VIỆT NAM HẢI NGOẠI

 1. Những cuộc xuất hành trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa

 2. Lịch sử hình thành cộng đồng Công giáo Việt Nam Hải ngoại

3. Cộng đồng Công giáo Việt Nam tại các quốc gia

4. Danh sách và địa chỉ các linh mục Việt Nam hải ngoại (1.096 Lm)