29/11/2024

Có một Sài Gòn nghĩa tình – Kỳ 1: Nhịp cầu cho người “hồi gia”

Sài Gòn từ khi hình thành đã là vùng đất rộng mở cơ hội làm ăn sinh sống với người dân muôn xứ. Nhưng để trở thành vùng đất lành, Sài Gòn còn có những nghĩa tình, những tấm lòng tự nhiên cho – nhận.

  

Có một Sài Gòn nghĩa tình – Kỳ 1: Nhịp cầu cho người “hồi gia”

 

 

Sài Gòn từ khi hình thành đã là vùng đất rộng mở cơ hội làm ăn sinh sống với người dân muôn xứ. Nhưng để trở thành vùng đất lành, Sài Gòn còn có những nghĩa tình, những tấm lòng tự nhiên cho – nhận. 




Bà Liên trong buổi tư vấn tại Trung tâm Đức Hạnh - Ảnh: Mai Hoa
Bà Liên trong buổi tư vấn tại Trung tâm Đức Hạnh – Ảnh: Mai Hoa

Và truyền thống ấy đang được tiếp tục xây dựng, vun đắp để tạo nên một thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình…

Bà Nguyễn Thị Ngọc Liên             - Ảnh: Mai Hoa
Bà Nguyễn Thị Ngọc Liên
– Ảnh: Mai Hoa

Một nam thanh niên vừa từ trung tâm cai nghiện trở về. Chờ tới tối, bà Liên tìm sang nhà để trò chuyện, động viên. Vừa thấy bóng dáng “cán bộ”, cậu thanh niên bèn tuột quần xuống, vẻ mặt thách thức, bất cần.

Bà Liên mặt không biến sắc, giọng đanh lại: “Đàng hoàng tử tế đi nha con. Con mà cứ vầy, cô sẽ…”.

Biết làm sao đây?

Đó chỉ là một trong vô số những chiêu trò “cù nhây”, chống đối của nhiều thanh niên cai nghiện ma tuý hồi gia, người nhiễm HIV dùng để đối phó với bà Nguyễn Thị Ngọc Liên (59 tuổi) – cán bộ chuyên trách tệ nạn xã hội P.Bình Trưng Tây (Q.2, TP.HCM).

Chín năm công tác, bà thuộc nằm lòng hết những chiêu trò ấy, bà bảo cao tay là một chuyện, nhưng cũng phải có tình cảm, tình thương với người ta thì người ta mới chịu nghe mình. Người thanh niên ấy theo lời bà, giờ đây đã trở thành một người đàng hoàng tử tế rồi…

Một buổi chiều, sau một cơn mưa lớn, bà Liên chạy xe từ uỷ ban phường đi thăm nhà một vài người nghiện mới về. Bà ghé nhà V. trước, hỏi xem hôm rày đi xin việc đã có chỗ nào nhận chưa. Nhà V. còn một cô em gái bị nhiễm HIV, đang điều trị ARV theo sự giới thiệu của bà Liên.

Hai người bệnh chào bà Liên rồi quay xuống dưới nhà, chỉ còn bà mẹ tiếp chuyện. Dưới nền nhà, con của V. ngồi lê lết, cầm bàn chân nhét vào miệng mút chùn chụt.

Cậu bé gần 5 tuổi, bị bệnh từ nhỏ, không đứng dậy được, chỉ di chuyển bằng cách bò lết trên sàn. Cậu cho vào miệng bất cứ thứ gì. Bà nội quấn băng ở tay lại thì cậu mút chân. Băng hai bàn chân lại thì gặm đầu gối. Buộc gối lại thì đưa vai lên gặm đến trợt da.

Bà Nh. (mẹ của V.) vừa nhìn đứa cháu nội, vừa kể về đứa con gái. Hai hôm nay chị bệnh nặng hơn, dịch vàng nâu từ trong người chảy ra không ngớt, ho khạc suốt cả ngày, nói đi khám bệnh coi sao nhưng chị chưa chịu.

Kể rồi, giọng bà Nh. chùng xuống: “Lớp con vầy, lớp cháu vầy, tui mà gục xuống thì biết làm sao đây cô Liên ơi?”.

“Biết làm sao đây?” cũng là câu hỏi thường trực mà bà Liên luôn đặt ra cho mình. Phụ trách công việc quản lý những người nghiện hồi gia, người nhiễm HIV, nhưng bà không chỉ gói gọn công việc mình ở đó. Bà chủ động đi tìm những người cần giúp đỡ, vì biết rằng khi đã nghiện, khi đã nhiễm HIV thì người ta tự ti lắm, muốn trốn tránh xã hội lắm.

L. bị nhiễm HIV, thân hình tàn tạ, gia đình tưởng đâu cô sắp chết. Bà Liên cứ miệt mài qua tỉ tê tâm sự, cuối cùng cô mới chịu đi điều trị ARV. Bây giờ, L. khỏe khoắn, đang làm nhân viên bán hàng trong trung tâm thương mại.

Bà Ng., mẹ của một người nhiễm HIV, kể chính bản thân bà cũng được bà Liên động viên dữ lắm, nếu không còn ngã gục trước cả con khi biết con nhiễm bệnh.

“Tối tối, bả hay tới nhỏ to chuyện với thằng T.. Tui nhớ nhất là mỗi khi tới, bà hỏi rất nhẹ nhàng: “T. à, khoẻ hôn con?” rồi mới nói chuyện. Đơn giản vậy mà nhiều khi nghe thương lắm, rớt nước mắt. Chắc bởi vậy thằng T. nó mới chịu nghe lời” – bà Ng. nói.

Sau mấy tháng điều trị tích cực, T. đã tăng 14kg. Khi chúng tôi tới thăm, T. đang giúp mẹ cột những tấm gỗ trong góc bếp cho gọn gàng.

Bà Liên nói bí quyết của bà đơn giản là sự đồng cảm, thương và chia sẻ. Ai cũng có những nỗi buồn, những góc khuất riêng của cuộc đời không ai giống ai. Suy nghĩ, cảm nhận mỗi người cũng khác, nhưng điểm chung là dễ dàng yếu đuối buông xuôi khi đã lỡ sa chân vào con đường sai mà không được những người xung quanh động viên, hỗ trợ.

Trong khi hấp lực của ma tuý lớn lắm, đi cai nghiện về khoẻ mạnh đàng hoàng rồi, mà đi ngang qua chỗ chân cầu nơi mình từng chích ở đó là cảm giác thèm nhớ lại dội về, đưa lối dẫn đường bắt mình quay lại.

Bởi vậy, bà thường tới nhà các đối tượng vào buổi tối “để người ta đỡ ngại với hàng xóm”. Công an khu vực muốn theo bà đến nhà để nắm tình hình, địa bàn, bà nói “con đừng mặc đồ cảnh sát người ta sợ, mặc đồ sơmi lịch sự là được rồi”.

Niềm tin không mất

Buổi chiều muộn, khi trở về trên con đường hối hả người qua lại, bà Liên chợt thở dài: “Làm công việc này phải kiên trì, nếu không riết rồi chẳng dám tin ai nữa con à”.

Có anh chàng thủ thỉ tâm tình ngọt ngào lắm, nói “cô ơi cho con mượn 10 triệu đồng mua cái xe chở rác, con đi làm kiếm tiền đặng nuôi má”. Bà thương tình, vận động khắp các đoàn thể cho vay. Chưa được một tuần thì anh chàng bị bắt quả tang đang chích trong một chung cư cũ, lại vô trại.

Anh X. đi cai về. Thương hoàn cảnh anh nghèo khó, bà Liên có rẫy ở Phú Túc, nói X. lên đó mà làm ăn, lấy ngắn nuôi dài. X. nghe lời, cũng lên rẫy. X. báo cáo với bà Liên là đã cắt cỏ tinh tươm cả khu rẫy rồi.

Bà mừng lắm, bàn bạc với gia đình mua cặp heo để X. nuôi làm vốn. Chưa kịp mua thì người ta báo lại là X. chẳng làm ăn gì trên ấy cả, thôi bà đừng giúp chi nữa mất công…

Dù vậy, bà nói sẽ làm công việc này cho tới khi nào tìm được người kế cận. Bà bảo: “Coi vậy chứ nhiều đứa tội nghiệp lắm. Mình già rồi nói tụi nó mới nghe, mấy em trẻ vô làm nói không được”. Năm 2009, khi được phân công phụ trách mảng công việc này, bà đã muốn “nghỉ cho rồi, nhưng thôi ráng làm coi sao”.

Làm riết, rồi những tay anh chị bặm trợn, xăm trổ đầy mình cứ răm rắp “má Liên, má Liên”. Mải làm, bén duyên, đến tuổi hưu rồi mà hình như bà cũng quên mất. Trung tâm Y tế dự phòng Thủ Đức đã quen lắm mỗi khi có người từ Q.2 qua uống methadone. Họ hỏi: “Bình Trưng Tây hả?”, “Lính bà Liên phải không?”…

Hồi tháng 7, Thành đoàn TP.HCM tổ chức một buổi tư vấn, chia sẻ với các học viên sắp rời Trung tâm chữa bệnh Đức Hạnh (một cơ sở cai nghiện, chữa bệnh của TP.HCM, đặt tại Bình Phước). Mọi người ngồi thành từng bàn để tư vấn về hộ khẩu, về việc làm sau ngày ra trại. Nhưng bàn của bà Liên là đông nhất.

Có những gương mặt của Q.2 đã quen mặt lắm. Người ta gặp chỉ để nói xin lỗi má Liên, rồi cúi gằm mặt xuống. Bà rền rĩ: “Trời đất ơi, tao vô đây một hai lần đường rừng đường núi tao thấy ớn mà tụi bây ra vô hoài không thấy ngán sao? Thôi tụi bây đừng có hứa nữa”.

Bà nói vậy, mà có bạn trẻ phải quay mặt đi để không ai nhìn thấy mình rơi nước mắt.

Từ khi phụ trách công tác tệ nạn xã hội, bà Liên đã giúp 98 người tái hoà nhập cộng đồng. Trong đó có 11 người nhiễm HIV. Bà nói trong số ấy có người hung hăng bất cần, nhưng cũng có người thật tội nghiệp.

Mới chục ngày trước, bà nhận được cuộc gọi nức nở giữa khuya. Một phụ nữ trẻ bị lây nhiễm HIV từ chồng lúc nào không hay biết. Bà động viên mãi để chị này tới gặp, bà giới thiệu đi điều trị thuốc ARV. Cô gái trẻ vâng dạ nhưng rồi mấy hôm nay bà gọi lại không thấy nghe máy nữa. Bà phải tiếp tục với ca này thôi…

Bà Hồ Thị Phước, phó chủ tịch UBND P.Bình Trưng Tây, nói điều mọi người “bái phục” bà Liên chính bởi cách tiếp cận, dẫn dắt tuyệt vời của bà với mọi đối tượng. Thời điểm hiện tại bà là người không ai có thể thay thế được. Có lẽ vì vậy mà ở các phường bên cạnh đã thay đến 7 – 8 “đời cán bộ” chuyên trách tệ nạn, còn ở P.Bình Trưng Tây vẫn một mình bà bám trụ suốt chín năm nay.

__________

 

MAI HOA