28/11/2024

Cất lên “tiếng nói của dân”

Trong căn nhà nhỏ cuối đường Cao Bá Quát của thành phố Huế, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan sau một hồi lục tìm đã bất ngờ mang ra cho chúng tôi mấy số báo Tiếng Dân nguyên bản.

 HUỲNH THÚC KHÁNG – MỘT ĐỜI CÙNG VẬN NƯỚC – KỲ 2:

Cất lên “tiếng nói của dân”

 

Trong căn nhà nhỏ cuối đường Cao Bá Quát của thành phố Huế, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan sau một hồi lục tìm đã bất ngờ mang ra cho chúng tôi mấy số báo Tiếng Dân nguyên bản. 




Ông Hồ Tấn Phan và những số báo Tiếng Dân có chữ ký của cụ Huỳnh - Ảnh: L.Đ.Dục
Ông Hồ Tấn Phan và những số báo Tiếng Dân có chữ ký của cụ Huỳnh – Ảnh: L.Đ.Dục

Càng đặc biệt hơn, đấy chính là những số báo mà cụ Huỳnh đã ký vào manchette kèm con dấu để đem nộp cho kho lưu trữ toà khâm (dépôt légan Indochine).

Thời sự thế kỷ

Báo Tiếng Dân với bốn trang khổ A2 (lớn gấp đôi khổ tờ báo Tuổi Trẻ hiện nay) có cách đánh số trang không như bây giờ. Trang 1 (như vị trí trang 4 hiện nay) với manchette TIẾNG DÂN in đứng, cứng cáp và khẳng khái chạy tràn gần hết sáu cột báo, bên dưới có thêm phụ ngữ bằng chữ Pháp “La Voix du Peuple” và chữ Hán “Dân Thanh” (tiếng nói của dân). Góc trái ghi rõ chủ nhiệm kiêm chủ bút: Huỳnh Thúc Kháng, quản lý: Trần Đình Phiên, góc phải là địa chỉ trụ sở: báo quán – 123 đường Đông Ba, Huế.

Trang 2 của báo tương đương vị trí trang 1 bây giờ, còn trang 3 và 4 lại nằm bên trong. Theo các tài liệu để lại, ban đầu cụ Huỳnh dự định đặt tên báo làTrung Thanh - tiếng nói của dân miền Trung – vì khi đó cụ đang là viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, tuy nhiên sau đó đổi lại Dân Thanh (tiếng nói của dân).

Cuối cùng cụ Phan Bội Châu, bấy giờ đang bị Pháp đưa về an trí tại Huế, góp ý: gọi luôn là Tiếng Dân chứ không nên gọi là Dân ThanhTiếng Dân, tờ báo đầu tiên mang đầy đủ phẩm chất của một tờ báo đại diện cho tiếng nói người dân ở Trung kỳ đã ra đời như thế ngay tại kinh đô Huế.

Và tuyên ngôn của tờ báo, như cụ Huỳnh viết trong số báo đầu tiên, trải gần một thế kỷ vẫn khiến chúng ta kinh ngạc về phẩm giá của người làm báo: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”.

Mười sáu năm tồn tại của Tiếng Dân (1927 – 1943), đứng về phía lợi quyền dân tộc là một lựa chọn dũng cảm của cụ Huỳnh và đồng sự trước cường quyền của bộ máy cai trị người Pháp.

Trên những số báo Tiếng Dân mà chúng tôi có được, bất cứ số báo nào cũng có những tiếng nói của người dân thấp cổ bé họng. Ví như trên số báo ra ngày 14-1-1937, ngoài những bài viết có tính chất khai sáng, bình luận các vấn đề lớn như “Nước Pháp với thuộc địa – bao giờ liên lạc với nhau?”, “Luật lao động”, “Thanh niên với vấn đề cải tạo xã hội”, hai cột tin tức chính là “Việc thế giới” và “Việc trong nước”, những tin tức ở “Việc trong nước” hầu hết là những sự việc chỉ đọc tít tựa thôi đã thấy đầy sức chiến đấu và tinh thần chống tiêu cực như cách nói của báo chí bây giờ: “Lại bắt dân chịu”, “Ngắn cổ kêu ai”, “Quan đã thấu nỗi khổ dân chăng?”, “Dân lấy làm ức cho lý trưởng bị lưu dịch”.

Không chỉ đậm đặc những tin tức phản ánh tiếng nói của người dân, nhiều bài báo trên Tiếng Dân từ thuở ấy đến hôm nay vẫn còn tính thời sự.

Nếu bây giờ giới xuất bản đang báo động truyện ngôn tình của Trung Quốc đang là “ẩn họa” với bạn đọc trẻ Việt Nam, thì gần một thế kỷ trước trên báoTiếng Dân của cụ Huỳnh cũng từng lên tiếng với các bài báo như “Những tiểu thuyết và ngoại truyện nhảm của nhà văn Tàu gieo độc đến học giới ta”.

Cũng trên Tiếng Dân đã có bài viết “Cái tính ham làm thi (thơ) của người Nam ta” do chính cụ chấp bút. Cụ Huỳnh điểm rất đích đáng: “Các ông đi sứ Tàu về việc bang giao không rõ thế nào chứ ông nào cũng mang một tập thi về cả. Nghề thi với việc nước, nhất là việc ngoại giao quan trọng, có ăn nhập gì với văn chương mà chọn người “hay thi” đi, rốt cuộc mỗi ông đều mang một tập thi về”.

Nhưng “tính chiến đấu” của Tiếng Dân được làng báo lưu truyền đến tận ngày nay là những trang báo, bài báo để trắng nếu bị kiểm duyệt.

Những nội dung trên báo Tiếng Dân bị kiểm duyệt đục bỏ được thư ký tòa soạn chép lại và lưu giữ - Ảnh: Thái Lộc
Những nội dung trên báo Tiếng Dân bị kiểm duyệt đục bỏ được thư ký toà soạn chép lại và lưu giữ – Ảnh: Thái Lộc

Những trang báo bị đục bỏ

Như đã nói, dù đồng ý cho cụ Huỳnh ra báo nhưng mỗi số báo Tiếng Dân cụ Huỳnh phải nộp cho Sở Liêm phóng hai “bản vỗ” bằng hai thứ tiếng Việt và Pháp để họ kiểm duyệt. Nếu bài nào bị Sở Liêm phóng đục bỏ thì phải thay thế bằng bài khác “mềm mại” hơn, nhưng tòa soạn của cụ Huỳnh không ngoan ngoãn theo lối ấy.

Với những bài báo bị đục bỏ cụ cứ để trống như thế, và người đọc sẽ đọc được “rất nhiều thông tin” từ ô trống trên trang báo ấy. Tìm cho ra những “trang trắng” bị Sở Liêm phóng đục bỏ trên báo Tiếng Dân thuở ấy quả là chuyện không dễ dàng.

May sao, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan lại “cứu” chúng tôi thêm một lần nữa! Không chỉ sở hữu những tờ báo Tiếng Dân bản gốc có chữ ký bằng mực tím của cụ Huỳnh và con dấu của kho lưu trữ tòa khâm, trong sưu tập của ông Phan còn có một tập báo Tiếng Dân với những dòng chữ bị đục bỏ bởi kiểm duyệt liên quan đến một sự kiện lớn của Huế: ngày cụ Phan Bội Châu qua đời!

Cụ Phan Bội Châu sau khi bị thực dân Pháp bắt cóc ở Thượng Hải vào tháng 6-1925 đưa về nước xử án tù chung thân.

Trước phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu của nhân dân cả nước, Toàn quyền Varenne đã can thiệp đưa ông về an trí (thật ra là giam lỏng) ở Bến Ngự (Huế). Từ năm 1925 cho đến khi mất, cụ Phan là một cộng sự quan trọng cho Tiếng Dân, kể cả manchette báo cũng do cụ Phan gợi ý.

Ngày 29-12-1940 cụ Phan qua đời tại Huế, báo Tiếng Dân mỗi ngày nhận hàng trăm điện văn, câu đối, lời điếu của người dân cả nước gửi về. Những ngày cụ Phan mất, trên mỗi số báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh đều dành để đăng những tình cảm đó của đồng bào với người chí sĩ cách mạng.

Và tất nhiên Sở Liêm phóng không thể nào chấp nhận lời điếu, những điện văn ca ngợi cụ Phan. Và nhiều câu văn, bài thơ, câu đối bị Sở Liêm phóng Trung kỳ đục bỏ không thương tiếc.

Để nguyên những trang báo với ô trống đục bỏ như thế chính là bày tỏ một thái độ với chế độ cầm quyền cai trị, nhưng chỉ như thế thì hậu thế làm sao biết được Sở Liêm phóng đã đục bỏ những gì?

May mắn thay, sau khi phát hành những số báo bị đục bỏ ấy, các thư ký toà soạn của Tiếng Dân (và cũng có thể là chính cụ Huỳnh) đã lấy các số báo lưu lại toà soạn và lấy bút viết lên những ô trống bị đục bỏ ấy những câu chữ đã bị cắt bỏ khi kiểm duyệt.

Sau gần một tuần lục tung căn nhà bừa bộn những sách vở và chai hũ đồ cổ chật kín, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan đã tìm ra cho chúng tôi tư liệu cực kỳ quý giá này: Những số báo Tiếng Dân ấn hành trong giai đoạn đám tang cụ Phan Bội Châu với khoảng trống bị đục bỏ được những thư ký nắn nót chép lại từ những bản thảo mà người mến mộ cụ Phan gửi về.

Ví như trong “Bài văn sanh vãn cụ Phan Sào Nam” do chính cụ Huỳnh soạn, những từ như “hi sinh”, “hướng lộ”, “vĩ nhân” đều bị xoá. Và tất nhiên, trang báo Tiếng Dân cũng cứ thế để trống.

Có đoạn để trống cả một khổ thơ viếng, được chép lại nắn nót. Một trang báo khác, bài thơ của bạn đọc Lê Vũ Hồn (Vinh) gửi về điếu cụ cũng bị đục bỏ mất một khổ thơ: “Họ nếu nghe ông trời đã vá/Con từ mất mẹ hận chưa nguôi/Khôn đem huyết lệ tô sông núi/Non nước vì ai những ngậm ngùi”.

Và cũng như những lời bàn chuyện về sách nhảm Tàu đầu độc học giới nước Nam, chuyện làm thơ mà quên việc nước đến nay vẫn còn thời sự, chủ quyền Hoàng Sa cũng được cụ Huỳnh quan tâm đặc biệt trên những số báo Tiếng Dân.

__________

Kỳ tới: Cụ Huỳnh và chủ quyền biển đảo

LÊ ĐỨC DỤC – THÁI LỘC