01/11/2024

Công bố Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn 2016

VATICAN – ĐTC Phanxicô cảnh giác rằng “dửng dưng và im lặng đối với thảm cảnh người di cư và tị nạn là mở đường cho sự đồng loã, khi chúng ta chứng kiến như khán giả cái chết vì ngộp thở, vì kiệt lực, bạo lực và đắm tàu”. Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp công bố sáng ngày 1-10-2015, nhân Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn sẽ được cử hành vào ngày 17-1 năm tới, 2016, với chủ đề “Người di cư và tị nạn gọi hỏi chúng ta. Câu trả lời của Tin Mừng Lòng Thương Xót”.

Công bố Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn 2016
 
VATICAN – ĐTC Phanxicô cảnh giác rằng “dửng dưng và im lặng đối với thảm cảnh người di cư và tị nạn là mở đường cho sự đồng loã, khi chúng ta chứng kiến như khán giả cái chết vì ngộp thở, vì kiệt lực, bạo lực và đắm tàu”.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp công bố sáng ngày 1-10-2015, nhân Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn sẽ được cử hành vào ngày 17-1 năm tới, 2016, với chủ đề “Người di cư và tị nạn gọi hỏi chúng ta. Câu trả lời của Tin Mừng Lòng Thương Xót”. Sứ điệp được giới thiệu trong cuộc họp báo tại Vatican do ĐHY Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Mục vụ Di dân và Người lưu động, cùng với vị Tổng Thư ký là Đức cha Joseph Kalathiparampil.

Trong sứ điệp, ĐTC nói đến “làn sóng di dân liên tục gia tăng ở mọi miền trên thế giới. Càng ngày càng có những nạn nhân của bạo lực và nghèo đói rời bỏ nguyên quán, chịu sự hành hạ của những kẻ buôn người trong hành trình tiến về giấc mơ một tương lai tốt đẹp hơn. Và rồi, giả sử họ sống còn sau những lạm dụng và nghịch cảnh, họ lại phải đương đầu với những thực tại trong đó có tiềm ẩn những nghi ngờ và sợ hãi. Sau cùng, nhiều khi họ gặp tình trạng thiếu những quy luật rõ ràng và khả thi, điều hành việc đón tiếp… Hơn mọi thời đại trước đây, ngày nay Tin Mừng về lòng thương xót đánh động lương tâm, ngăn cản chúng ta đừng trở nên quen thuộc với những đau khổ của người khác, và chỉ dẫn những con đường đáp ứng, ăn rễ sâu trong các nhân đức đối thần tin, cậy, mến và được diễn tả qua các hoạt động từ bi bác ái về tinh thần cũng như thể lý”.

ĐTC nhắc nhở cho các tín hữu rằng “những người di cư là anh chị em chúng ta đang tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, tránh được nạn nghèo đói, nạn bóc lột và bất công trong việc phân phối tài nguyên thế giới”.

Ngài cũng khẳng định: “Sự hiện diện của những người di cư và tị nạn đang đặt những câu hỏi nghiêm trọng cho các xã hội đón tiếp họ… Làm thế nào để sự hội nhập người di cư và tị nạn ấy làm cho nhau được phong phú, mở ra những con đường tích cực cho cộng đoàn, và vượt thắng những nguy cơ phân biệt đối xử, kỳ thị chủng tộc, quốc gia chủ nghĩa thái quá và nạn bài người ngoại quốc.”

ĐTC lấy làm tiếc vì trong dư luận tại nhiều nước ngày nay chỉ nổi bật những cuộc thảo luận về những điều kiện và những giới hạn cần đề ra cho việc đón tiếp người di cư và tị nạn, không những trong các chính sách của Nhà nước, nhưng cả trong một số cộng đoàn giáo xứ, cho rằng sự yên hàn theo truyền thống của mình bị đe doạ.

Sau cùng, ĐTC mời gọi toàn thể Giáo Hội hãy hành động theo gương lời nói và hành động của Chúa Giêsu Kitô đối với người di cư và tị nạn. Câu trả lời của Tin Mừng chính là lòng từ bi thương xót… Không thể thu hẹp các vấn đề di dân vào chiều kích chính trị và quy luật, vào những khía cạnh kinh tế hoặc sự đồng hiện diện của các nền văn hoá khác nhau trên cùng một lãnh thổ. Các khía cạnh này chỉ có tính chất bổ túc cho sự bảo vệ và thăng tiến con người, cho nền văn hoá gặp gỡ của các dân độc và hiệp nhất, trong đó Tin Mừng về lòng từ bi thương xót soi sáng và khích lệ những hành trình đổi mới và biến đổi toàn thể nhân loại. (SD 1-10-2015)

 

G. Trần Đức Anh OP