28/11/2024

Tam Hải ký sự: Săn tìm kho báu dưới đáy biển

Ngư dân liên tục phát hiện cổ vật tại vùng biển Tam Hải khiến nhiều người nghĩ đến khu vực quanh hòn đảo là “tử địa” của những tàu gỗ bị đắm cách đây hàng trăm năm.

  

Tam Hải ký sự: Săn tìm kho báu dưới đáy biển

 

 

Ngư dân liên tục phát hiện cổ vật tại vùng biển Tam Hải khiến nhiều người nghĩ đến khu vực quanh hòn đảo là “tử địa” của những tàu gỗ bị đắm cách đây hàng trăm năm.



 

Nhiều cổ vật được phát hiện ở vùng biển Tam Hải - Ảnh: Hoàng SơnNhiều cổ vật được phát hiện ở vùng biển Tam Hải – Ảnh: Hoàng Sơn
Bốn tàu đắm gần nhau
Sau một thời gian dài im ắng, ngư dân Tam Hải không còn để ý đến chuyện “săn” tìm cổ vật dưới đáy biển nữa thì vào năm 2013, “cơn sốt” cổ vật lại trỗi lên khi một số người dân Quảng Ngãi lặn biển tình cờ phát hiện một con tàu đắm tại khu vực cách Bàn Than khoảng 200 m. Ngay sau đó, hàng chục ngư dân ở xã đảo đã điều phương tiện ra lặn tìm cổ vật đem bán. Cũng từ năm 2013, nhiều “toạ độ” nghi ngờ có tàu cổ bị đắm được người dân sục sạo tìm kiếm. Thông tin về 3 con tàu cổ khác, trong đó có chiếc từng được phát hiện trong lịch sử, dần trở thành câu chuyện nóng bỏng của giới “thợ săn”. Ngư dân Đinh Tấn Tàu (40 tuổi) khẳng định, vùng biển Tam Hải có ít nhất 4 chiếc tàu cổ bị đắm ở những địa điểm chỉ cách nhau vài hải lý. Trong đó, con tàu được phát hiện vào năm 2013 gần bờ nhất. Cũng trong năm 2013, ngư dân còn phát hiện “lại” tại Cửa Lở có một con tàu đắm khác với nhiều mảnh vỡ thân tàu khá lớn.
Con tàu thứ 3 được người già trong làng nhắc đến nhiều nhất bởi nó được phát hiện khá sớm. Đây được cho là con tàu “giàu nhất” với 3 khoang chở rất nhiều chì miếng (to cỡ bằng cuốn vở) trên đó có khắc hình chữ Hán và bạc thỏi. Những năm 80 thế kỷ trước, ngư dân Quảng Ngãi đã tìm thấy nó ở vị trí cách mũi Bàn Than khoảng 3 hải lý về hướng đông bắc và “trúng đậm” nhờ vớt được hàng tạ bạc. Ngoài 3 chiếc tàu cổ đã nêu, ngư dân còn cho biết có một chiếc tàu khác nguyên vẹn nằm cách Cửa Lở khoảng 500 m về phía tây bắc.
Vấn đề tại sao tàu bị đắm và tập trung tại khu vực Tam Hải? Ngư dân Nguyễn Hữu Khoa cho rằng, với kiểu đóng tàu ngày xưa, người đi biển dễ gặp nguy hiểm vì tàu nhỏ và thường dùng buồm để đi từ bắc vào nam. Tàu dùng sức gió nên đi theo hình dích dắc sát bờ nhờ đón gió tây và gió đông. Trong hải trình qua biển Tam Hải có thể nhiều tàu đã gặp nạn do lốc tố hoặc va phải đá ngầm. Ngày nay, các con tàu được phát hiện thường rất gần bờ và ở mực nước nông, có thể đó là những ghe bầu cỡ lớn.
Nhiều cổ vật được vớt tại biển Tam Hải còn nguyên vẹn nên có giá cao

Nhiều cổ vật được vớt tại biển Tam Hải còn nguyên vẹn nên có giá cao

Săn “kho báu” dưới đáy biển
Tìm được cổ vật tại vùng biển Tam Hải không khó khi khu vực này được cho là có đến 4 tàu bị đắm nằm khá sát nhau. Quá trình sóng đánh, cổ vật bị phân tán trên diện rộng. Đó là chưa kể một số con tàu khác được cho là có nhiều cổ vật quý hiếm do các ngư dân phát hiện và giữ làm “của riêng”. Ngư dân N.V (42 tuổi) là một trong những người lặn tìm cổ vật từ 20 năm trước nên kinh nghiệm định vị và “định giá” cổ vật ông có thừa. Năm 2013, ông đã cùng một số anh em lặn được hàng trăm cổ vật tại con tàu đắm gần bờ. “Mới đây, tui bán 2 cái tráp phấn, 4 chén, 4 hũ kiếm được 1 triệu đồng. Nói chung, tuỳ theo tình trạng cổ vật mà giá bán ra khác nhau. Trúng mánh thì cũng kiếm được kha khá”, ông V. thật thà. Ông kể, có ngày ông lặn được cả 100 cái hũ to bằng nắm tay, tráng men xanh rất đẹp. Tuy nhiên, những món đồ này kém giá trị vì giá bán ra thường không quá 400.000 đồng/hũ. Dù vậy, nhờ vớt được cả ngàn hũ nên ông V. thu về số tiền không nhỏ.
Không chỉ giới buôn cổ vật đổ xô về địa phương săn tìm mà tại Tam Hải còn xuất hiện nhiều người đi mua mảnh chén, bình, hũ… bị vỡ làm 2, làm 3. Trong đó người mua chủ yếu đến từ Huế, Hội An. Họ mua với số lượng lớn, người bán chỉ việc cân lên rồi tuỳ kích cỡ mảnh vỡ mà có giá từ 16.000 – 28.000 đồng/kg. Ông V. tiếp lời: “Qua hỏi chuyện, tôi được biết, họ mua về để ốp vào các công trình thờ tự”.
Những “thợ săn” đồ cổ dưới đáy biển thường làm việc theo nhóm. Họ tranh thủ lặn, tích trữ sẵn trong nhà và chờ người đến mua. Khách hàng ghé xã đảo đến từ nhiều địa phương như: Hà Hội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… Ông V. kể, nhiều năm về trước, ông có tham gia lặn vớt cho 2 người đàn ông một “khối” đồ cổ bị kết dính. Khi đem về, 2 người này dùng hóa chất để phân rã trong vòng 1 ngày đêm và lấy được hàng chục chiếc đĩa còn nguyên vẹn, thu lời to. Con tàu này sau đó tiếp tục được nhiều người tìm thấy bạc khối và nhanh chóng được lấy hết, đem bán sạch. Giới thạo tin ở Tam Hải cho hay, ông V. còn vớt được một chiếc bình cổ có hình “củ cà rốt” và đã bán đi với mức giá hàng chục triệu đồng.
Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam, cho hay tỉnh đã có văn bản gửi biên phòng và chính quyền H.Núi Thành bảo vệ, quản lý cổ vật dưới biển Tam Hải từ lâu. “Có thể người dân đã vi phạm về luật Di sản nhưng do họ không am hiểu nên mới lấy thôi. Nói gì thì nói, chứ người ta đã vớt lên, đưa về nhà rồi thì đó trở thành tài sản và công lao của họ. Chỉ khi nào người ta mua bán bị bắt quả tang thì khi đó họ đã vi phạm. Những cổ vật ngư dân để trong nhà thì ngành chức năng không thể lấy được. Muốn có được thì phải có một thỏa thuận chuyển nhượng như thế nào đó với người dân”, ông Tịnh nói.
 

Ngư dân chơi cổ vật
Từ chỗ là một thợ lặn tìm cổ vật dưới nước, sau vài năm, ông Đinh Tấn Tàu (40 tuổi) đã có trong tay một “bộ sưu tập” nhỏ.
Năm 2013, ông Tàu cùng đội thợ lặn của mình tổ chức trục vớt hơn 2 tháng và thu được nhiều hiện vật như: tô, chén, bình… Sau đó, vì hao tổn tiền dầu máy quá lớn nên khi có người hỏi mua, ông đã bán bớt để chi trả cho anh em. Dù vậy, ông vẫn cất giữ cẩn thận một bộ sưu tập nhỏ để thoả mãn sở thích của mình. Trong đó, có nhiều cổ vật như bình trà tráng men màu da bò được ông vớt lên tại cửa An Hòa cùng nhiều chén, đĩa, tô… có lớp men màu xanh, màu xám vẽ hoạ tiết hoa văn hình hoa dây. Một số chuyên gia khi đến nhà ông hỏi chuyện và xem qua các cổ vật đã đưa ra nhận định số cổ vật của ông có niên đại từ thế kỷ 15.
Ông Đinh Tấn Tàu “khoe” số cổ vật đã vớt được

Ông Đinh Tấn Tàu “khoe” số cổ vật đã vớt được

 

Hoàng Sơn