28/11/2024

Lầu Năm Góc muốn xây căn cứ trên quỹ đạo địa tĩnh

Viễn cảnh các chuyến bay không gian được phục vụ mọi dạng dịch vụ tại một căn cứ cắm trên quỹ đạo trái đất hiện là mục tiêu mới nhất của Lầu Năm Góc.

 

Lầu Năm Góc muốn xây căn cứ trên quỹ đạo địa tĩnh

 

 

 Viễn cảnh các chuyến bay không gian được phục vụ mọi dạng dịch vụ tại một căn cứ cắm trên quỹ đạo trái đất hiện là mục tiêu mới nhất của Lầu Năm Góc.


 

 

 


Hình minh họa dự án Phượng Hoàng của DARPA - Ảnh: DARPAHình minh hoạ dự án Phượng Hoàng của DARPA – Ảnh: DARPA
Sử dụng một căn cứ trên quỹ đạo để chế tạo, sửa chữa, tiếp liệu, nâng cấp và chuyên chở tàu không gian trong tương lai mà không cần bàn tay của con người là ý tưởng thoát thai từ phim ảnh khoa học viễn tưởng.
Trong một tuyên bố mới, các nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng hiện đại Mỹ (DARPA) của Lầu Năm Góc đang hướng đến mục tiêu xây dựng một đầu nút giao thông khổng lồ ở độ cao 36.000 km so với mặt nước biển, có nghĩa là thuộc phạm vi của quỹ đạo địa tĩnh (GEO).
Kể từ khi phóng phi thuyền khỏi trái đất vào thập niên 1970, nhân loại từ lâu vẫn ôm mộng xây dựng các căn cứ trên không gian. Giờ đây, DARPA tuyên bố đang nghiên cứu và lắp ráp một cỗ máy có thể cho phép xây dựng những trung tâm chuyển tiếp giao thông trên quỹ đạo địa tĩnh, theo trang tin Space.com dẫn lời Pam Melroy, cựu phi hành gia của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và hiện là Phó giám đốc Văn phòng Công nghệ tác chiến của DARPA.
Bà Melroy cho hay để có thể xây dựng một căn cứ không gian mới, cần phải chế tạo một dạng cánh tay rô bốt có khả năng hoạt động thành thạo. Và DARPA đang triển khai công trình chế tạo cánh tay rô bốt này theo dự án có tên Phượng Hoàng.
Các vệ tinh trong phạm vi GEO, bao gồm những vệ tinh viễn thông, hoàn tất vòng quay bằng với thời gian để trái đất xoay quanh trục của nó, nên các vật thể ở đây dường như không bao giờ di chuyển dưới mắt thường. Theo Phó giám đốc Melroy, việc xây một trung tâm điều phối giao thông ở GEO phù hợp hơn so với quỹ đạo thấp của trái đất (LEO), vốn rơi vào phạm vi độ cao 300 – 600 km.
Lý do rất đơn giản, vận tốc quỹ đạo tại GEO thấp hơn, giảm được nguy cơ va chạm nghiêm trọng với rác vũ trụ. GEO cũng là quỹ đạo có độ ổn định cao, do các vệ tinh ở đây hầu như không bị ảnh hưởng bởi lực kéo từ khí quyển. Để dễ so sánh, các vật thể ở LEO, như Trạm không gian quốc tế (ISS), sẽ tuột thẳng xuống bề mặt trái đất trong vòng 25 năm nếu không có sự nhúng tay của con người. Trong khi đó, vật thể ở GEO sẽ bám trụ trên quỹ đạo ban đầu cho đến 1 triệu năm sau.
Dù là nơi lý tưởng để đặt nút giao thông cho các hoạt động của tàu không gian, hàm lượng bức xạ vũ trụ ở đây lại quá cao so với sức chịu đựng của cơ thể người. Do vậy, trạm điều phối khổng lồ của Lầu Năm Góc sẽ được vận hành hoàn toàn bằng máy móc. Chìa khoá cho toàn bộ dự án này sẽ nằm trong lĩnh vực cơ khí hóa không gian tối tân, với đại diện là các cánh tay rô bốt. “Những cánh tay rô bốt này rất giống loại đã được sử dụng để xây dựng ISS, nhưng với độ tự hành cao hơn và phải an toàn hơn”, theo bà Melroy. Chuyên gia của Mỹ cũng thông báo tin vui rằng DARPA đang chế tạo cánh tay rô bốt đó, trong nỗ lực mở toang đường xa lộ nối liền bề mặt trái đất đến quỹ đạo thấp, quỹ đạo địa tĩnh và thậm chí còn vượt ngoài phạm vi địa cầu.
Được biết, những nhà điều hành vệ tinh thương mại trên toàn thế giới rất quan tâm đến dự án Phượng Hoàng. Viễn cảnh có thể tiếp liệu, cung cấp dịch vụ sửa chữa và nâng cấp vệ tinh trên GEO có thể giúp tiết kiệm hàng triệu USD bảo trì Intelsat và Eutelsat. Bản thân Lầu Năm Góc càng hứng thú hơn vì quân đội Mỹ hiện vận hành một hệ thống vệ tinh riêng trên GEO. Với mỗi vệ tinh phải hoạt động tối đa 30 năm, nhu cầu nâng cấp công nghệ mới nhất cho mảng quốc phòng của Mỹ càng thêm cấp thiết.

 

Hạo Nhiên

 

Nguồn: TNO