01/11/2024

Một năm bội thu, nhiều phát hiện quý về khảo cổ

“Một năm khảo cổ sôi nổi, thời sự, phong phú, đa dạng và rất hiệu quả!”. Đó là nhận xét của PGS.TS Bùi Văn Liêm, phó viện trưởng Viện Khảo cổ học.

 

Một năm bội thu, nhiều phát hiện quý về khảo cổ

 

“Một năm khảo cổ sôi nổi, thời sự, phong phú, đa dạng và rất hiệu quả!”. Đó là nhận xét của PGS.TS Bùi Văn Liêm, phó viện trưởng Viện Khảo cổ học.




Các đại biểu xem trưng bày kết quả khảo cổ học giai đoạn 2014-2015 chiều 17-9 - Ảnh: T.Lộc
Các đại biểu xem trưng bày kết quả khảo cổ học giai đoạn 2014-2015 chiều 17-9 – Ảnh: T.Lộc

“Những kết quả khảo cổ học của chúng ta cho thấy đây là một lịch sử có thật, thể hiện sự hào hùng của đất nước trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc!

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng (chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN)

Tại Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 50 – năm 2015 khai mạc ở Huế chiều 17-9 và diễn ra trong ba ngày (từ 17 đến 19-9) với sự tham gia của hàng trăm nhà chuyên môn khắp đất nước, có hơn 350 tham luận khoa học được đánh giá có nhiều thành tựu mới, đóng góp cho nền khảo cổ nước nhà…

Đây là lần đầu tiên hội nghị khảo cổ học có sự góp mặt của tiểu ban khảo cổ học dưới nước.

Một năm bội thu

Trong hàng loạt báo cáo kết quả khai quật, bản tham luận gây sự quan tâm của nhiều người là của GS Nam C. Kim (khoa nhân học ĐH Wisconsin – Madison, Hoa Kỳ) về những thành tựu nghiên cứu từ cuộc khai quật khảo cổ thành Cổ Loa – Hà Nội.

Trong đó, tác giả bước đầu đưa ra bằng chứng về sự tồn tại của một nhà nước thời tiền sử phát triển mạnh mẽ và trước hàng trăm năm so với các đế chế nổi tiếng khác ở Đông Nam Á như Angkor hay Champa.

Không như trước đây, một số học giả lập luận rằng không có thành phố hoặc nhà nước ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng cho đến sau khi người Trung Quốc tràn tới.

Đây là kết quả của cuộc khai quật khảo cổ ở ụ Hỏa Hồi và thành Nội có sự phối hợp giữa Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Viện Khảo cổ học và ĐH Wisconsin – Madison thực hiện trong năm 2015.

Ngoài ra, rất nhiều báo cáo cũng chính là nền tảng, mở ra cơ hội cho những giai đoạn khảo cổ kế tiếp… Chẳng hạn, kết quả khai quật tại di chỉ buôn Kiều và buôn Hàng Năm ở huyện Krông Bông, Đắk Lắk với nhóm hiện vật giai đoạn đá mới sớm, niên đại cách ngày nay 5.000 – 5.200 năm, trở thành những tư liệu “góp phần nhận thức mới về tiền sử Đắk Lắk và Tây nguyên”.

Trong khi đó, hai di tích khảo cổ Rạch Núi và Lò Gạch ở Long An vốn được xem có niên đại lần lượt là 3.000 và 2.500 năm trước. Kết quả khảo cổ học do Trung tâm khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội Nam bộ, Bảo tàng Long An và ĐH quốc gia Úc thực hiện trong năm 2015 đã “nối thêm” cả nghìn năm nữa, đó là từ khoảng 3.400 đến 3.200 năm trước.

Tương tự, kết quả khai quật lần sáu và bảy tại di tích thành cổ Luy Lâu (Bắc Ninh) lần đầu tiên tìm được dấu tích thuộc thành Nội.

Đặc biệt hơn nữa là sự phát hiện những mảnh khuôn đúc đồng nằm trong địa tầng ổn định, trở thành tư liệu quan trọng không chỉ đối với việc nghiên cứu di tích Luy Lâu, mà còn đối với lịch sử cả giai đoạn 1.000 năm đầu Công nguyên.

Tín hiệu mới 
của khảo cổ học

Đáng chú ý tại hội nghị lần này, bên cạnh bốn chuyên ngành khảo cổ học thời đại đồ đá, thời đại kim khí, lịch sử và Champa – Óc Eo là lần đầu tiên có sự tham gia của tiểu ban khảo cổ học dưới nước.

Chuyên ngành non trẻ này nhận được tám báo cáo tham luận. Đó là những tham luận về sưu tập gốm cổ tàu đắm Cù Lao Chàm (Quảng Nam); sưu tập hiện vật ở cửa biển Thuận An (Thừa Thiên – Huế), về những mỏ neo tàu cổ ở vùng biển Quảng Ngãi hay Thừa Thiên – Huế; khảo sát Cù Lao Chàm – Quảng Nam… Song nó mở ra một sự kỳ vọng rất mãnh liệt về một hướng đi mới, rất tiềm năng của khảo cổ.

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan – người có 40 năm sưu tầm hiện ,vật trục vớt từ lòng sông Hương và chuyên nghiên cứu về cổ vật dưới nước, không giấu nỗi kỳ vọng ấy, cho rằng tiềm năng khảo cổ học dưới nước cả sông lẫn biển ở Việt Nam vô cùng dồi dào.

“Nếu ngành khảo cổ học dưới nước được quan tâm hơn, thực hiện những cuộc khai quật khảo cổ nghiêm túc, chắc chắn sẽ đem lại những hiệu quả rất lớn, bổ sung các nhận thức lâu nay thu hoạch được.

Với những tín hiệu là nhiều sưu tập hiện vật khảo cổ học dưới nước được thực hiện tự phát nhiều nơi trên đất nước ta, cho thấy tiềm năng các di chỉ khảo cổ học dưới nước rất phong phú và dồi dào. Ngành khảo cổ học của nước ta quan tâm đến vấn đề này là một tín hiệu rất đáng mừng!” – ông Phan nói.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho biết sau hội nghị này sẽ lựa chọn và đề xuất việc thực hiện công trình tổng kết kết quả khảo cổ học trong vòng 50 năm, tương đương các ngành khoa học khác từng làm. Đồng thời hướng đến thực hiện cơ sở dữ liệu khảo cổ học, thực hiện bản đồ khảo cổ học cả nước nhằm phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội…

Phát hiện thành cổ Cửa Thiềng

Một trong những phát hiện mới được quan tâm là cuộc khảo sát mới đây của hai nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Phước Bảo Đàn và Nguyễn Thăng Long khẳng định sự tồn tại của thành cổ Cửa Thiềng ở thị xã Hương Trà, Thừa Thiên – Huế. Toà thành Champa bằng đất này có quy mô khá lớn, mỗi cạnh từ 1.000 – 1.200m đúng theo bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Kết quả này góp phần rất quan trọng cho công cuộc nghiên cứu nền văn hoá Champa ở miền Trung trong lịch sử…

THÁI LỘC ([email protected])