Xoá đi những mảnh đời bất hạnh
Bác sĩ McKay McKinnon đã đi nhiều nơi trên thế giới kết hợp cùng các tổ chức nhân đạo để chữa trị miễn phí cho các ca bệnh hiếm gặp, đặc biệt là các bệnh nhân bị khối u khổng lồ trên cơ thể.
Xoá đi những mảnh đời bất hạnh
Bác sĩ McKay McKinnon đã đi nhiều nơi trên thế giới kết hợp cùng các tổ chức nhân đạo để chữa trị miễn phí cho các ca bệnh hiếm gặp, đặc biệt là các bệnh nhân bị khối u khổng lồ trên cơ thể.
Bà Phạm Thị Dưa (giữa) khóc khi theo dõi ca mổ của con gái qua màn hình – Ảnh: DIỆU NGUYỄN |
Ngày 13-9, thông tin từ Bệnh viện FV TP.HCM cho biết sức khoẻ Trần Thị Mỹ Son (20 tuổi, Thừa Thiên – Huế) đã ổn định. Trước đó, ngày 11-9, Son được GS.BS McKay McKinnon cùng êkip bác sĩ của Bệnh viện FV phẫu thuật loại bỏ khối bướu đa sợi thần kinh ở chân.
Do thể trạng Son yếu và mất nhiều máu trong ca phẫu thuật nên đến nay vẫn nằm phòng hồi sức chăm sóc đặc biệt.
Êkip phẫu thuật ngoài GS.BS McKay McKinnon là phẫu thuật viên chính còn có BS Vincent Blondeau – trưởng khoa ngoại tổng quát, BS Henri Maries – trưởng khoa gây mê hồi sức Bệnh viện FV.
Ca mổ kéo dài hơn năm giờ, phần gốc rễ bó sợi thần kinh được cắt bỏ. Đây là nguyên nhân chính làm các khối bướu ở chân Son ngày càng phát triển to. Sau khi cắt bỏ các gốc rễ này, khối bướu không phát triển hoặc phát triển chậm lại.
Nước mắt người mẹ và ca mổ của con
Theo dõi ca mổ của con gái qua màn hình, bà Phạm Thị Dưa, 60 tuổi, mẹ của Son, khóc nức nở vì vừa mừng vừa lo. Chốc chốc bà Dưa lại khóc ngất khi chứng kiến toàn bộ ca phẫu thuật của con gái.
“Son là đứa con duy nhất của vợ chồng tôi. Con bị tật từ ngày mới sinh nhưng gia đình nghèo, kiếm cái ăn đã khó, có bao giờ nghĩ đến chuyện chữa bệnh cho con” – bà Dưa kể trong nước mắt.
Suốt nhiều năm Son di chuyển trên lưng mẹ, đi đâu mẹ cũng cõng đi. Năm 10 tuổi, mặc cảm với bạn bè cùng những cơn đau nhức hành hạ, Mỹ Son bỏ dở việc học hành.
Được hội từ thiện của một ngôi chùa tại địa phương tặng chiếc xe lăn, gánh nặng trên lưng người mẹ nhẹ bớt phần nào. Dành dụm được ít tiền, vợ chồng bà Dưa đưa con đến nhiều bệnh viện chữa nhưng nơi nào cũng từ chối.
Trước khi lên bàn mổ, cô gái chia sẻ ước mơ bé nhỏ là được tự lo cho chính mình, ba mẹ ngày càng lớn tuổi lại nay ốm mai đau, còn phải gánh vác mình trên lưng.
“Ca phẫu thuật của Bé (tên gọi ở nhà của Son) hết 31.000 đôla Mỹ, nghe đến số tiền thì chỉ muốn chết đi, tiền đâu mà lo. Nhưng may mắn toàn bộ số tiền đều được tài trợ, mình như chết đi sống lại” – bà Dưa lại khóc.
Kết thúc ca phẫu thuật lúc 18g, bác sĩ McKay McKinnon cho biết: “Do sức khoẻ Mỹ Son quá yếu nên chỉ cắt bỏ phần nào khối u, năm sau khi quay lại VN tôi sẽ tiếp tục thực hiện việc cắt bỏ các khối u khác ở hai chân và chỉnh hình chân, bàn chân cho Mỹ Son.
Tuy nhiên, phần quan trọng là gốc rễ các bó sợi thần kinh – nguyên nhân chính làm các khối bướu ở chân Mỹ Son ngày càng phát triển to và hai khối u lớn bên hông trái – đã được cắt bỏ”.
Chân của Mỹ Son trước ca mổ |
Những cơ hội sống mới
Trong đợt này, BS McKay McKinnon cùng êkip còn tái tạo gương mặt cho bệnh nhân Nguyễn Hoàng Thiên Ân (18 tuổi, ngụ Bà Rịa – Vũng Tàu, Tuổi Trẻngày 18-10-2014 đã đăng), Kiều Thị Mỹ Dung (21 tuổi, Lâm Đồng), Nguyễn Ngọc Thi (26 tuổi, Bình Thuận).
Nguyễn Hoàng Thiên Ân khi 7 tháng tuổi được gia đình phát hiện có khối u nhỏ bên vùng mặt phải, khối u phát triển nhanh, kéo lệch mũi, mắt, môi và phá hỏng toàn bộ vùng mặt phải của em.
Ngày 30-7-2013, bác sĩ McKinnon cùng bác sĩ Nguyễn Quảng Đại – trưởng khoa tai mũi họng Bệnh viện FV – và êkip phẫu thuật đã mổ bóc tách toàn bộ khối u và chỉnh hình gương mặt Thiên Ân. Ngày 24-9-2014, Ân được tái tạo phần mũi và mặt bị biến dạng.
Sau ca mổ, Ân đã có cuộc sống tốt hơn. Hiện Ân là sinh viên ngành dược Trường ĐH Nguyễn Tất Thành TP.HCM. Chiều 10-9-2015, bác sĩ McKinnon cùng êkip mổ của Bệnh viện FV tiếp tục chỉnh sửa gương mặt cho Ân.
Trường hợp Kiều Thị Mỹ Dung là một câu chuyện hồi sinh khác. Dung sinh ra nặng 1,5kg với đôi mắt to nhỏ không đều. Đến 3 tháng tuổi, khuôn mặt cô méo xệch khi khối u nhỏ gần mí mắt ngày càng lớn dần nhưng gia đình khó khăn đành chịu.
Trong ca mổ kéo dài 7 giờ ngày 6-1-2012, bác sĩ McKinnon đã bóc tách và tạo hình tỉ mỉ nhằm bảo tồn tối đa chức năng của mắt, mũi, miệng, tai và các thần kinh ở mặt. Khối u được bóc tách cân nặng gần 2kg.
Năm 2013 và năm 2014 bác sĩ McKinnon phẫu thuật lần nữa cho Mỹ Dung. Sau ca mổ Dung có gương mặt dễ nhìn hơn trước và mắt phải của Dung bị khối u che lấp được giữ lại.
Bệnh nhân Nguyễn Ngọc Thi bị khối u máu trong miệng và lưỡi từ khi còn rất nhỏ. Ban đầu khối u chỉ như hạt đậu ở lưỡi, sau đó lớn dần và gần như đẩy lưỡi ra ngoài, phá hủy toàn bộ môi dưới. Khối u thỉnh thoảng chảy máu khiến Thi rất đau đớn.
Ngày 26-9-2014, ca mổ đã thực hiện bóc tách khối u, cắt gọt bớt phần lưỡi bị khối u xâm lấn và chỉnh hình môi, gương mặt cho Thi. Sau ca mổ sáng 11-9-2015, Thi đã có gương mặt trông ưa nhìn hơn, lưỡi được đưa vào trong và ăn uống bình thường.
Các bà mẹ của bệnh nhân được sắp xếp ở cạnh nhau, mỗi người đều mang một hoàn cảnh riêng nhưng có chung cảnh nghèo và một niềm vui chung khi ca mổ thành công.
“Không chỉ những gương mặt hay thân hình được chữa trị và tái tạo mà cuộc đời các con cũng được tái tạo” – bà Nguyễn Thị Xuân Huyền, mẹ Dung, chia sẻ.
Năm 2012, bác sĩ McKay McKinnon phẫu thuật thành công tách bỏ hoàn toàn khối u khổng lồ nặng 90kg cho anh Nguyễn Duy Hải, sinh năm 1980, ngụ tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng. Hiện ông là giáo sư của Bệnh viện Saint Josepth ở Chicago, bang Illinois và Bệnh viện Children’s Memorial trực thuộc ĐH Y khoa Chicago (Hoa Kỳ). Ông đã đi nhiều nơi trên thế giới kết hợp cùng các tổ chức nhân đạo để chữa trị miễn phí cho các ca bệnh hiếm gặp, đặc biệt là các bệnh nhân bị khối u khổng lồ trên cơ thể. |