‘Thần đèn’ ở Trường Sa
Họ được gọi là “thần đèn” bởi mỗi đêm, trực canh chớp sáng hải đăng (còn gọi là đèn biển) chỉ đường dẫn lối cho những con tàu ngang qua quần đảo Trường Sa.
‘Thần đèn’ ở Trường Sa
Họ được gọi là “thần đèn” bởi mỗi đêm, trực canh chớp sáng hải đăng (còn gọi là đèn biển) chỉ đường dẫn lối cho những con tàu ngang qua quần đảo Trường Sa.
Nhưng rất nhiều người không biết về họ: Gần 100 công nhân hải đăng của Công ty bảo đảm an toàn hàng hải (BĐATHH) Biển Đông và Hải đảo, Tổng công ty BĐATHH miền Nam (Bộ GTVT) hơn 25 năm qua bám trụ trên 13 trạm hải đăng ở 13 đảo – nhà giàn.
Ánh sáng chủ quyền
|
Đầu tháng 6.1994, anh Trần Văn Ngữ (sinh năm 1968, quê ở Hoà Bình, Thuỷ Nguyên, TP.Hải Phòng) đang công tác tại hải đăng Vĩnh Thực (Hải Ninh, Quảng Ninh) thì được triệu tập về Công ty BĐATHH để nhận nhiệm vụ: “Ra Trường Sa tiếp nhận, đưa vào sử dụng hải đăng Đá Tây vừa xây dựng”.
Vào TP.Vũng Tàu, líu ríu bước lên con tàu vận tải chạy ven biển, những công nhân đến từ miền Bắc nghĩ đơn giản: “Cũng chỉ là ngọn hải đăng nằm đỉnh núi trên đảo, cũng xa dân – thị trấn và tuần vào bờ một lần, như Hòn Dáu, Long Châu, Cô Tô, Vĩnh Thực…”. Chỉ đến khi tàu thun thút thả neo sau 2 ngày đêm lật đật chống chọi với bão gió, những công nhân tỉnh cơn say sóng, nắm thắt lưng nhau bò ra boong ngắm “đơn vị công tác”, mới sững sờ trước mênh mông – vắng ngắt biển cả, duy nhất chóp nhà 3 tầng bê tông nằm chênh vênh trên bãi đá mới nhu nhú khỏi mặt nước, tít trên đỉnh là ngọn đèn biển quen thuộc…
Anh Vũ Sỹ Lưu (51 tuổi, ở Tiên Lãng, Hải Phòng) hiện đang là Trạm trưởng hải đăng An Bang (thuộc Công ty BĐATHH Biển Đông và Hải đảo, Tổng công ty BĐATHH miền Nam), vẫn nhớ ngày đầu “tò te” nhận công tác tại hải đăng Đá Tây, Đá Lát và cười hết cỡ khi nhận thư thăm hỏi của vợ gửi ra năm 1994: “Ngoài Trường Sa, lúa có tốt như ngoài quê mình không?”.
“Hồi mới xây dựng, các đảo Trường Sa rất thưa vắng và hải đăng đều biệt lập, cheo leo trên cồn san hô, bãi đá ngầm nhằm tránh bị che khuất tầm nhìn và cảnh báo chướng ngại, hiểm nguy trên biển”, anh Lưu kể vậy và tỉ mẩn: Việc quản lý, vận hành hải đăng ở Trường Sa khắt khe gấp nhiều lần so với các trạm gần bờ. Nếu thao tác ẩu, thiết bị hàng hải dễ gỉ sét, chập cháy, khiến đèn không hoạt động và việc phục hồi rất lâu bởi đưa thiết bị ra thay thế, bình thường mất cả tháng, mùa mưa bão phải chờ đến vài tháng; các tháp đèn cao trên dưới 40 m, công nhân làm việc rất vất vả do không gian chật hẹp, mùa nắng nhiệt độ 39 – 400C, khi gió bão tháp đèn rung lắc, lạnh buốt…
“Các đơn vị có ngày nghỉ cuối tuần, lễ tết nhưng chúng tôi thì không bao giờ!”, ông Nguyễn Duy Hiết, Giám đốc Công ty BĐATHH Biển Đông và Hải đảo, khẳng định vậy.
“Một tấc không đi, một li không dời”
Nguyễn Đức Huy là Trưởng phòng Kế hoạch của Công ty BĐATHH Biển Đông và Hải đảo (Tổng công ty BĐATHH miền Nam), gần 40 tuổi trẻ trung phong độ nhưng đã hơn 30 lần đi Trường Sa tiếp tế hàng hoá, trang thiết bị cho các trạm hải đăng. Vì thế, Huy rất rành rẽ: Hải đăng Đá Lát được Viện Nghiên cứu – thiết kế GTVT xây dựng trong gần 2 tháng, đi vào hoạt động tháng 7.1994 và là điểm nằm trên bãi chìm san hô, cách điểm đóng quân của bộ đội 30 phút chạy xuồng, nếu thời tiết tốt. Đá Lát vất vả nhất Trường Sa do công trình chật hẹp, nơi ăn ở, sinh hoạt chỉ 15 m2 cho 5 công nhân. Sử dụng đã lâu, kết cấu công trình bị độ ẩm, muối biển phá hoại nên hải đăng Đá Lát xuống cấp trầm trọng. Những ngày thời tiết xấu, sóng gió cấp 6 – 7 là công trình rung lắc rầm rầm, anh em phải di chuyển sang ở nhờ bộ đội…
Hải đăng Tiên Nữ nằm ở cực đông Tổ quốc – điểm đảo xa nhất trong quần đảo Trường Sa, chơ vơ trên bãi chìm san hô và là xa nhất điểm đóng quân của bộ đội: Hơn 1 tiếng đồng hồ chạy xuồng, trong điều kiện sóng yên biển lặng. Trạm trưởng hải đăng Đá Lát Trần Văn Ngữ kể: Phải sinh hoạt chen chúc, lấy chỗ trồng rau xanh cải thiện, mỗi ngày dành mấy tiếng đồng hồ sáng chiều để khênh các chậu rau ra ngoài đón nắng, tránh gió. Cả công trình có duy nhất 1 bể treo đựng nước ngọt, phải xin thêm mấy téc ra đựng nước và vào mùa khô, phải chia nước ngọt sinh hoạt theo định lượng, tận dụng nước tắm – vo gạo, rửa rau để tưới cây.
Đúc kết kinh nghiệm 23 năm công tác ở các trạm hải đăng Trường Sa, Trạm trưởng An Bang Vũ Sỹ Lưu ngắn gọn: “Khổ nhất là ở các đảo chìm Đá Tây, Đá Lát, Tiên Nữ nằm giữa bốn bề sóng nước, không gian sống của công nhân chật hẹp, trên dưới 20 m2. Mùa mưa bão, việc tiếp tế lương thực – thực phẩm bị gián đoạn, nhiều trạm thường xuyên lâm vào tình trạng thiếu cơm ăn – nước uống”. Trạm trưởng kể thêm: “Chuyện nấu cháo ăn thay cơm là bình thường trong mùa mưa bão, bởi sóng to gió lớn, tàu tiếp tế không ra nổi, trong khi lương thực – thực phẩm cũng cạn kiệt cơ số dự trữ mỗi ngày”…
Nỗi niềm người gác đèn
Mỗi lần đi công tác Trường Sa, tôi thường dành thời gian ghé qua các trạm hải đăng nằm cô độc đầu hay cuối đảo. Thấy khách đất liền ra thăm tận nơi, anh em mừng phát khóc và có đồ gì tươi ngon cũng mang ra thết đãi, rủ rỉ ngồi nói chuyện đến lúc tàu hú còi gọi về.
Trạm trưởng Vũ Sỹ Lưu bộc bạch: “Hồi nhận tin con gái đầu lòng ra đời, trong đầu đã đinh ninh là đang ngoài đảo, nhưng chân như bị thôi miên, cứ rảo bước ra cầu cảng khiến tôi phải chạy khắp đảo cho chân mỏi nhừ, không đi nổi!” và anh nghẹn giọng: “Anh em biền biệt xa nhà từ 9 – 12 tháng nên nhiều trường hợp vợ chồng ly dị, không có con, thậm chí còn ế vợ. Nếu như bộ đội đảo chỉ công tác một thời gian rồi về đất liền, thì anh em hải đăng bám trụ cả đời với Trường Sa, chỉ chuyển từ trạm này sang trạm khác, sau khi nghỉ phép. Do làm việc quá lâu ngoài biển nên khi trở về đất liền, nhiều người khó hoà nhập với đời thường, trở nên xa lạ với chính người thân”.
Trạm trưởng hải đăng Tiên Nữ (Trường Sa) Trần Văn Ngữ thì kể: “Trong suốt 21 năm công tác ở 9 hải đăng ngoài Trường Sa, mãi hồi tháng 5.2015 vừa qua, anh em mới được đón 1 tốp khách từ đảo chạy xuồng sang thăm hải đăng” và cười: “Các bác ấy hỏi: Có nguyện vọng gì? Tôi nói thẳng: Các bác đi đoàn ra Trường Sa, thi thoảng quá bộ sang thăm hải đăng chúng em, cho đỡ bị… lãng quên!”…
Luôn phòng bị nghiêm ngặt
Do các trạm hải đăng đa số đều nằm biệt lập, cách khá xa khu vực bộ đội đóng quân, đều là những điểm cao chiến lược, nên trong trường hợp có chiến sự rất dễ bị lực lượng biệt kích, người nhái của địch tấn công trước, từ đó làm bàn đạp tấn công các đơn vị bộ đội chủ lực trên đảo. Do vậy, các công nhân hải đăng luôn ý thức xây dựng, gia cố các điểm phòng thủ trên trạm, phân công ca kíp trực tuần tra canh gác ngày đêm hết sức nghiêm ngặt; thường xuyên giữ mối liên lạc, thông tin với bộ đội để phòng bị địch tấn công bất ngờ. Một số khu vực, tàu nước ngoài thường xuyên lai vãng, quấy rối gần các đảo của ta, anh em công nhân đã kịp thời thông báo với bộ đội cũng như phát tín hiệu cảnh cáo xua đuổi…
Ông Nguyễn Duy Hiết (Giám đốc Công ty BĐATHH Biển Đông và Hải đảo)
|
Mai Thanh Hải