Những ngày cuối cùng của hoàng đế Bảo Đại
Không khí cách mạng những ngày tháng 8.1945 ào lên như trào dâng. Ngày 23.8.1945, Việt Minh lãnh đạo nhân dân Huế khởi nghĩa giành chính quyền. Hoàng đế Bảo Đại đánh điện mời đại biểu của Chính phủ lâm thời vào kinh đô để trao ấn kiếm.
Những ngày cuối cùng của hoàng đế Bảo Đại: Cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chính phủ lâm thời
Không khí cách mạng những ngày tháng 8.1945 ào lên như trào dâng. Ngày 23.8.1945, Việt Minh lãnh đạo nhân dân Huế khởi nghĩa giành chính quyền. Hoàng đế Bảo Đại đánh điện mời đại biểu của Chính phủ lâm thời vào kinh đô để trao ấn kiếm.
Từ Hà Nội, ngày 25.8.1945, một phái đoàn của Chính phủ vào Huế dự lễ thoái vị của hoàng đế Bảo Đại – vị vua cuối cùng của nền quân chủ phong kiến VN.
Phái đoàn có 3 thành viên là: ông Nguyễn Lương Bằng – Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh, Thường trực Uỷ ban Dân tộc giải phóng (tức Chính phủ Cách mạng lâm thời sau đó); ông Trần Huy Liệu – Phó chủ tịch Uỷ ban Dân tộc giải phóng và ông Cù Huy Cận – Uỷ viên Uỷ ban Dân tộc giải phóng, đại diện Đảng Dân chủ VN.
Trong 3 thành viên này, Trần Huy Liệu (1901 – 1969) là người nhiều tuổi nhất. Xuất thân “con nhà Nho cũ”, ông từng tấp tểnh lều chõng thi Hương để đạt sở nguyện ghi tên vào bảng vàng, thăm vườn ngự uyển đất kinh đô. Nhưng rồi, người Pháp xoá bỏ kỳ thi Hán học, Trần Huy Liệu dấn thân vào hoạt động yêu nước. Ở tuổi 45, Trần Huy Liệu vào kinh đô để mang ấn kiếm – biểu tượng uy quyền của nền quân chủ nghìn năm, rời Thuận Hoá ra Hà Nội.
Nỗi lo của hoàng gia
Chiều 26.8, nhà vua làm lễ cáo yết thoái vị với tổ tiên tại Thế miếu, có thông báo mời đông đủ “văn võ bá quan” đến dự, nhưng chẳng ai đến trừ mấy người còn ở lại đến phút chót. Sau đó họ đến điện Kiến Trung để bái yết nhà vua và hoàng hậu lần cuối cùng. Họ xếp hàng đôi, hai tay chắp trước bụng, vái chào. Nhà vua nét mặt vẫn lạnh lùng, thản nhiên nhưng Nam Phương Hoàng hậu lặng lẽ khóc thầm, để yên những giọt nước mắt lăn trên gò má.
Là một phụ nữ từ thuở lọt lòng đến khi đi học, lấy chồng là vua, lên ngôi hoàng hậu, bà đã quen sống trong nhung lụa và lo sợ cho tính mạng của mình cùng người thân xung quanh. Khi biết tin phái đoàn Chính phủ vào Huế, bà càng lo sợ.
Bên ngoài, đường phố chuyển động, tiếng reo hò xen lẫn tiếng hô khẩu hiệu như sấm dậy. Trong Đại Nội, tâm trạng mọi người hoảng loạn. Lúc này “ngôi báu” cũng chẳng có nghĩa lý gì với mạng sống của mọi người trong hoàng gia.
Nhà vua và hoàng hậu cùng với bà Hoàng thái hậu Từ Cung cố tỏ ra điềm tĩnh nghe ngóng tình hình, nhưng mọi người không khỏi lo sợ quần chúng biểu tình ùa vào trong hoàng cung và một cuộc tàn sát có thể xảy ra.
Song, trừ những phần tử nguy hiểm cho cách mạng như Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Huân và Phạm Quỳnh được đưa đi không ngày trở về, tất cả hoàng gia đều bình yên sau ngày nhà vua thoái vị.
Buổi gặp gỡ đầu tiên
Trước khi gặp nhà vua, phái đoàn đã tiếp ông Phạm Khắc Hoè (luật sư, nhà văn, Đổng lý Ngự tiền văn phòng triều Bảo Đại), tại trụ sở UBND TP.Huế. Hai bên đã thống nhất với nhau mấy điều thuận ước sau khi nhà vua thoái vị:
1. Những lăng tẩm triều Nguyễn vẫn để nguyên như cũ, nhưng thuộc quyền sở hữu của quốc gia. Người trong hoàng tộc cũ vẫn có thể lui tới để phụng sự gia tiên của họ.
2. Ngoài những đồ dùng riêng của nhà vua, những đồ vật trong hoàng cung đều thuộc quyền quốc hữu. Sẽ có người kiểm đếm cẩn thận để ghi vào sổ sách. Tạm thời giao cho UBND Thuận Hóa quản nhận.
3. Nhà vua vẫn được quyền làm chủ những bất động sản mà danh nghĩa là của riêng mình.
4. Sau khi thoái vị, nhà vua cũng được hưởng tất cả những quyền tự do dân chủ như bao nhiêu công dân khác.
Đến chiều 29.8.1945, tại điện Kiến Trung, vua Bảo Đại tiếp đón phái đoàn Chính phủ. Một bên là 3 thành viên của phái đoàn, một bên là một mình nhà vua, ông Phạm Khắc Hòe cũng cáo lui. Không xưng “trẫm”, nhà vua xưng “tôi” và gọi 3 vị khách là “ông”. Ông Trần Huy Liệu nhắc lại những điều hứa đã nói với ông Phạm Khắc Hòe hồi sáng, rồi không quên kích thích tấm lòng yêu nước, yêu dân chủ của nhà vua. Vài phút sau, câu chuyện trở nên thân mật. Nhà vua thốt lên: “Tôi còn ở ngai vàng ngày nào thì còn bị bọn Pháp lợi dụng ngày ấy!”. Cuối cùng, hai bên thống nhất chiều hôm sau (30.8.1945) vua Bảo Đại sẽ làm lễ thoái vị ở trước cửa Ngọ Môn. Khi ra về, phái đoàn bắt tay nhà vua chặt chẽ.
Lễ thoái vị trước cửa Ngọ Môn
Đúng 16 giờ ngày 30.8.1945, vua Bảo Đại cùng phái đoàn đứng ở cửa Ngọ Môn. Trước máy thu thanh, bằng một giọng cảm động, nhà vua đọc bản chiếu tự nguyện thoái vị. Ông Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền, thay mặt Chính phủ lâm thời nhận sự thoái vị. Ông giơ hai tay đón nhận hai bảo vật tượng trưng quân quyền: một chiếc ấn vàng, một chiếc kiếm vàng nạm ngọc. Một tràng súng lệnh nổ. Trên kỳ đài, lá cờ vàng từ từ hạ xuống. Lá cờ đỏ sao vàng dâng lên giữa tiếng hô vang của nhân dân như sấm dậy.
Đáp từ lời tự nguyện thoái vị của vua Bảo Đại, ông Trần Huy Liệu tuyên bố cáo chung chế độ quân chủ chuyên chế trên đất VN và tuyên bố đường lối của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Trước sự chứng kiến của 5 vạn nhân dân nội thành Huế, với tư cách là Trưởng đoàn đại biểu, Bộ trưởng Trần Huy Liệu gắn dấu hiệu lá cờ đỏ sao vàng lên ngực ông Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại) – công dân mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Buổi lễ thoái vị kết thúc. Bên ngoài Ngọ Môn, dọc bờ Hương giang, quần chúng vẫn lần lượt diễu hành, hô vang các khẩu hiệu: “Hoan hô tinh thần dân chủ của công dân Vĩnh Thuỵ! Hoan hô đại biểu Chính phủ lâm thời! Việt Nam Dân chủ Cộng hoà muôn năm!”.
Ít ngày sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bút ký tờ Sắc lệnh đầu tiên của Chính phủ, bổ nhiệm ông Vĩnh Thuỵ làm Cố vấn tối cao và mời vị cựu hoàng ra Hà Nội – thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà làm việc. Ông Vĩnh Thuỵ dự các kỳ họp Hội đồng Chính phủ và với những kiến thức luật học của mình ông tham gia xây dựng dự thảo bản Hiến pháp đầu tiên.
Nguồn: Trích trong Đặc san Cứu quốc số đặc biệt ra ngày 19.8.1946
|
Kiều Mai Sơn