28/11/2024

Nhiều người vẫn ‘tận diệt’ cá

Lợi dụng đêm khuya, nước trên kênh rút cạn, nhiều người đi ghe máy ngang nhiên chích điện, thả lưới để bắt cá trên tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và kênh Tàu Hủ – Bến Nghé mà TP.HCM đang nỗ lực “xanh hoá”.

 

Nhiều người vẫn ‘tận diệt’ cá

 

 

Lợi dụng đêm khuya, nước trên kênh rút cạn, nhiều người đi ghe máy ngang nhiên chích điện, thả lưới để bắt cá trên tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và kênh Tàu Hủ – Bến Nghé mà TP.HCM đang nỗ lực “xanh hoá”.



Nhiều người tập trung câu cá trên đường Trường Sa, đoạn qua P.3, Q.Bình Thạnh, TP.HCM

Nhiều người tập trung câu cá trên đường Trường Sa, đoạn qua P.3, Q.Bình Thạnh, TP.HCM – Ảnh: Đức Tiến

23 giờ ngày 29.8, thuỷ triều bắt đầu xuống thì hai chiếc ghe đậu sẵn dưới cầu Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh) bắt đầu chia nhau đi dọc hai bên thành kênh để chích điện bắt cá. Trên mỗi chiếc ghe được trang bị đèn pin, bình điện và dụng cụ đựng cá. Đi tới đâu, những người này cầm cây dài chích điện tới đó. Những con cá lóc, rô phi… bị dính điện nổi lên mặt nước, nhanh chóng được vớt bỏ lên ghe. Hai chiếc ghe này liên tục quần đảo từ cầu Bùi Hữu Nghĩa đến cầu Hoàng Hoa Thám. Mỗi khi đến đoạn đèn sáng, những người này không chích điện mà để ghe chạy qua thật nhanh hòng tránh sự chú ý của người dân và công an địa phương. Đến 1 giờ sáng 30.8, hai chiếc ghe này nổ máy chạy về hướng cầu Thị Nghè, mất hút.

 
 

Tịch thu hàng chục cần câu

 
Tại Q.Bình Thạnh, bà Hà Thị Vân, Chủ tịch UBND P.19 cho biết lực lượng liên ngành của phường đã tịch thu 15 cần câu tay, một tấm lưới 3 màng của dân chuyên “tận diệt” cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Tại Q.3, Công an P.13 trong 3 tháng gần đây đã tịch thu hơn 30 cần câu của những người cố tình không chấp hành lệnh cấm; Công an P.14 đã tịch thu 1 cái lưới và hàng chục cần câu của những người cố tình vi phạm.

 

 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người hành nghề chích điện bắt cá trên kênh Nhiêu Lộc chia thành 2 nhóm. Một nhóm ở khu vực dưới cầu Thị Nghè, một nhóm sống ở rạch Xuyên Tâm (đoạn gần cầu Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thạnh). Cá chích điện được mang về bán lại cho các đầu nậu ở khu vực chợ tự phát gần chợ Bà Chiểu. Cá rô phi bán với giá 50.000 đồng/kg, cá lóc từ 90.000 – 120.000 đồng/kg.
Ngoài ra, theo phản ánh của các công nhân thuộc Công ty môi trường đô thị TP.HCM, trên kênh Tàu Hủ – Bến Nghé (đoạn dưới chân cầu Calmette nối liền Q.1 và Q.4), cứ vào rạng sáng khi thuỷ triều rút cũng có hai ghe máy từ sông Sài Gòn chạy vào chích điện và thả lưới bắt cá.
Hỏi một người dân đang câu cá trên kênh Tàu Hủ, ông này vừa thanh minh vừa tố cáo: “Tôi đến đây câu để giải trí cho vui. Tận diệt cá trên kênh phải nói là mấy thằng chích điện, dùng chài đó. Cá lớn, cá bé gì bọn nó bắt sạch, không khác gì cô hồn sống giật đồ cúng”.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Văn Sơn, Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (Sở NN-PTNT), cho biết theo chỉ đạo của UBND TP, các quận, huyện đang đồng loạt ra quân dẹp nạn câu cá trên kênh rạch. Chi cục đã hoàn tất dự thảo về cấm đánh bắt cá trên kênh rạch ở khu vực trung tâm TP. Theo đó, cấm khai thác cá dưới mọi hình thức trên 3 tuyến kênh: Nhiêu Lộc – Thị Nghè; Tàu Hủ – Bến Nghé (Q.1, Q.4, Q.8, Q.5…), Tân Hoá – Lò Gốm (Q.6, Q.11…).
Sau 2 giờ hoạt động, những người chích điện trên kênh Nhiêu Lộc nổ máy rời đi

Sau 2 giờ hoạt động, những người chích điện trên kênh Nhiêu Lộc nổ máy rời đi

Ngoài xử phạt những hành vi vi phạm đã được quy định sẵn trong nghị định của Chính phủ, TP đề xuất bổ sung phạt hành vi bắt cá trên kênh rạch tuỳ theo trọng lượng cá bị đánh bắt trái phép: dưới 10 kg phạt 500.000 – 1 triệu đồng; 10 – 20 kg phạt từ 1 – 2 triệu đồng; từ 20 – 50 kg phạt 2 – 3 triệu đồng; trên 50 kg phạt từ 3 – 5 triệu đồng. Thẩm quyền xử phạt sẽ giao chủ tịch UBND các cấp, thanh tra chuyên ngành thuỷ sản và công an thực hiện.

Thanh Niên