28/11/2024

Báo chí Việt Minh liên minh với Mỹ

Hơn 200 hình ảnh, hiện vật được trưng bày trong triển lãm chuyên đề Sưu tập báo chí cách mạng VN 1925-1945, khai mạc ngày 28.8 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia ở Hà Nội.

 

Báo chí Việt Minh liên minh với Mỹ

 

 

Hơn 200 hình ảnh, hiện vật được trưng bày trong triển lãm chuyên đề Sưu tập báo chí cách mạng VN 1925-1945, khai mạc ngày 28.8 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia ở Hà Nội.



Những họa bản báo Việt Nam độc lập quý hiếm tại triển lãm - Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia cung cấp

Những hoạ bản báo Việt Nam độc lập quý hiếm tại triển lãm – Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia cung cấp

Triển lãm báo chí cách mạng 1925-1945 giúp công chúng được nhìn thấy tận mắt sự góp công của báo chí và con đường đi đến khởi nghĩa tháng 8.1945.
Những trang báo quý
Những tờ báo đã úa màu thời gian. Trong đó, tất nhiên không thể thiếu báo Thanh Niên – cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tờ báo ra đời vào tháng 6.1925 đã khơi dòng cho báo chí cách mạng nước nhà. Những Tạp chí Đỏ, Tranh Đấu, Tiến Lên, Cờ vô sản, Giác ngộ… giúp người dân hiểu hơn thế nào là giai cấp vô sản, là Đảng Cộng sản…
Những bản báo cho thấy chúng được xuất bản bằng nhiều cách khác nhau qua các thời kỳ: bút thép trên giấy sáp; đánh máy trên giấy sáp; cũng có lúc báo được xuất bản bằng cách viết mực tím trên giấy, rồi in trên bàn thạch, hay đất sét, chép tay làm nhiều bản. “Trong điều kiện hoạt động bí mật, bất hợp pháp, nên mỗi tờ báo khuôn khổ các số không đều nhau. Loại giấy cũng không thống nhất, lúc giấy tốt, khi giấy xấu, khi bị nhoà nhiều, khi không định kỳ…”, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết.
Cũng tại triển lãm, các bản Le Travail, Tân xã hội, Nhành Lúa, Rassemblement, Kinh tế Tân Văn, L’avant garde, Le Peuple, En avant… cho thấy chúng ta đã linh hoạt thế nào trong việc chèo lái để báo chí cách mạng được xuất bản.
Trong đó, hành trình của chỉ một tờ báo thôi cũng cho thấy rất nhiều điều. Đó chính là trường hợp của bộ báo Việt Nam độc lập. “Bảo tàng Lịch sử quốc gia là nơi có bộ sưu tập báo Việt Nam độc lập đầy đủ nhất, tuy vẫn còn thiếu một vài số”, bà Tường Khanh, một trong những người phụ trách nội dung trưng bày của triển lãm lần này cho biết.
Báo hướng dẫn cứu phi công Mỹ
Cũng theo bà Khanh, xem những tờ Việt Nam độc lập này, chúng ta thấy rõ chiến lược ngoại giao mà Mặt trận Việt Minh đã thực hiện ra sao. Việt Minh thời đó đã đặt rất cao vai trò của Mỹ và muốn liên minh với Mỹ. Tư liệu nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng cho thấy, lúc đó Sở Công tác chiến lược Mỹ ở Hoa Nam (khu vực miền Nam Trung Quốc) nhận định chỉ có Mặt trận Việt Minh là tổ chức cách mạng duy nhất có thực lực và cơ sở trong nước. Vì thế, sở này dù muốn hay không cũng phải hợp tác với Việt Minh để chống lại Nhật Bản.
Theo các nhà nghiên cứu, Mỹ và Việt Minh đã đạt được những thỏa thuận về sự hợp tác chống Nhật. Hai tháng sau, khi lãnh tụ Hồ Chí Minh về đến Cao Bằng, nhóm tình báo Con Nai của Mỹ đã nhảy dù xuống làng Kim Lung, Tuyên Quang. Theo thoả thuận, nhóm tình báo này mang theo thuốc men, có nhiệm vụ huấn luyện điện đài, vũ khí cho các lực lượng Việt Minh. Ngược lại, Việt Minh sẽ hợp tác trong việc cứu phi công Mỹ bị Nhật bắn rơi và cung cấp thông tin thời tiết cùng tình hình di chuyển, điều động quân của Nhật ở Đông Dương cho Con Nai.
Sự hợp tác này được thể hiện rất rõ trong các bản báo Việt Nam độc lập. Báo Việt Nam độc lập số 123, ngày 21.4.1942 viết: “Anh, Mỹ đứng về phe chống xâm lược với Nga, nên phe Anh – Mỹ là chính đáng”. Bản báo Việt Nam độc lập số 190, ngày 1.4.1944 khẳng định: “Họ (Mỹ – NV) là bạn của chúng ta”, “Chúng ta với họ là bạn đồng minh”.
Theo bà Tường Khanh, báo Việt Nam độc lập cũng cho thấy hợp tác Việt – Mỹ tăng dần. Hoạ  bản ra tháng 7.1945 của báo đã tuyên truyền về nhiệm vụ của Việt Minh là cứu phi công Mỹ. Báo đưa ra những hướng dẫn bằng hình ảnh khi cứu phi công Mỹ rất cụ thể.
Số họa bản này được in bằng các màu đen, đỏ, xanh, trên khổ giấy kích thước (29×39) cm. Ở góc trái phía trên in cờ Mỹ. Góc phải phía trên in cờ VN. Tên báo Việt Nam độc lập viết chữ to màu đen, phía dưới tên báo có hai câu thơ lục bát: “Quân đội Mỹ là bạn ta/Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh”. Phía dưới hai câu thơ là lời động viên của toà báo: “Ai cứu được phi công Mỹ, đoàn thể Việt Minh sẽ trọng thưởng”.
Họa bản gồm tám bức tranh vẽ đen trắng theo kiểu liên hoàn, hướng dẫn trình tự cứu một phi công. Đầu tiên là phát hiện phi công bằng các dấu hiệu máy bay bị nạn và phi công nhảy dù xuống mặt đất. Việc làm tiếp theo là đi tìm rồi đưa quần áo cho phi công thay. Sau đó, đưa phi công đến nơi kín đáo và báo cáo với Việt Minh. Cuối cùng phải có vũ trang để đưa phi công sang Trung Quốc, giao cho bộ đội. “Hoạ bản của báo Việt Nam độc lập là bản quý hiếm, lần đầu Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu. Chúng ta vẫn nghe nói Bác Hồ từng muốn làm đồng minh với Mỹ, thì với triển lãm này, sự thật đã được khẳng định”, bà Khanh nói.
Theo PGS-TS Đỗ Kim Cương, Viện Sử học, thì việc linh hoạt trong liên minh, hội nhập quốc tế là một nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945. Triển lãm báo chí lần này một lần nữa khẳng định điều đó, bên cạnh nhiều nguyên nhân thắng lợi khác.
Các hiện vật trưng bày lần này được lấy từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Thái Nguyên, Bảo tàng Sơn La. Nội dung trưng bày triển lãm gồm 5 phần: Báo chí cách mạng qua các thời kỳ: giai đoạn 1925-1930, giai đoạn 1930-1936, giai đoạn 1936-1939, giai đoạn 1939-1945 và cuối cùng là sưu tập truyền đơn thời kỳ Cách mạng Tháng tám 1945.

Trinh Nguyễn