14/11/2024

Internet ngầm hắc ám

Đang tồn tại một dạng internet “ngầm” nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền và là nơi cất giấu những gì đen tối nhất của con người.

 

Internet ngầm hắc ám

 

 

Đang tồn tại một dạng internet “ngầm” nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền và là nơi cất giấu những gì đen tối nhất của con người.



Internet ngầm  hắc ámẢnh minh hoạ sự tồn tại của Deep Web – Ảnh: Brandpower.com
 
 
Hàng chục triệu người lo sợ
Deep Web lại đang trở thành tâm điểm chú ý mới sau khi nhóm tin tặc mang tên Impact Team tung ra toàn bộ dữ liệu của 37 triệu người sử dụng “website ngoại tình” Ashley Madison. Đây là website nổi tiếng về tư vấn và kết nối hẹn hò chuyên dành cho những người đã có gia đình nhưng muốn ngoại tình. Trong các thông tin bị lấy cắp có đầy đủ nhân thân, nơi làm việc, ảnh “nóng” và xu hướng tình dục của các thành viên. Tuy thông tin chỉ mới xuất hiện trong Deep Web nhưng hàng chục triệu người đang điêu đứng, hoang mang khi đối mặt với nguy cơ gia đình tan vỡ lẫn bị tống tiền. Đáng chú ý là theo CBS News, trong số những người tham gia Ashley Madison có hàng chục ngàn binh sĩ và viên chức Mỹ cũng như các ngôi sao giải trí, thể thao lẫn chính trị gia. 

 

Được bao phủ trong tấm màn bí mật cực dày, cái gọi là Deep Web (tạm dịch: web sâu) hoặc Dark Web (web tối) luôn là điều hết sức bí hiểm đối với người dùng internet thông thường.

Đây là thế giới ưa thích của tin tặc, tội phạm, những kẻ biến thái về tình dục và cả những người chuyên phanh phui tài liệu mật của các chính phủ nhưng “chống chỉ định” với những người yếu tim. Lý do là Deep Web ẩn chứa những gì phi pháp nhất, bệnh hoạn nhất, che giấu những dạng tội ác vượt xa sức tưởng tượng của các công dân mạng chỉ quen với thế giới tươi sáng của Google và Facebook.
Theo trang tin công nghệ Gizmodo, Deep Web là một phần của internet nhưng những trang web này sẽ không xuất hiện trên các công cụ tìm kiếm thông thường như Google. Muốn truy cập phải biết địa chỉ chính xác và dùng các phần mềm mã hoá rất phức tạp.
Giới tin tặc đã viết ra rất nhiều công cụ để che giấu nội dung website này cũng như xoá sạch mọi dấu vết sau khi truy cập. Ban đầu, có nhiều ý kiến xem Deep Web là một cách bảo vệ tự do trên internet và chống lại sự kiểm duyệt thông tin của chính quyền. Tuy nhiên, dần dà người ta đã nhận ra sự nguy hiểm của một dạng internet không hề bị giám sát cũng như không có bất cứ giới hạn pháp lý lẫn đạo đức nào.
“Không thể tưởng tượng”
Thế giới lần đầu tiên chú ý đến Deep Web vào năm 2007 từ vụ sát nhân hàng loạt ở thành phố Dnipropetrovsk, miền trung Ukraine. Từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7.2007, Viktor Sayenko và Igor Suprunyuk đã phục kích, bắt cóc, tra tấn và sát hại 21 người chỉ vì “buồn chán” và “muốn chứng tỏ sức mạnh”. Cả hai tên bị bắt vào cuối tháng 7 và sau đó lĩnh án tù chung thân. Điều đáng nói là Sayenko và Suprunyuk còn quay phim, chụp ảnh lại toàn bộ quá trình gây tội ác của mình. Tất cả đều đã bị nhà chức trách Ukraine tịch thu, nhưng vẫn có một đoạn phim rò rỉ lên Deep Web và từ đó phát tán khắp nơi, trở thành một trong những hình ảnh đáng sợ nhất trên internet. Sau vụ này, nhiều người mới biết đến sự nguy hiểm của Deep Web. Một nhà báo của tờ The Times đã tìm cách truy cập để tìm hiểu thực hư và sau đó bà viết: “Tôi đã chứng kiến những điều kinh dị không thể tưởng tượng được”.
Theo Gizdomo, trong Deep Web tồn tại hàng trăm website chuyên đăng tải những hình ảnh gây sốc, những đoạn phim quay cảnh tra tấn giết người, tự sát hoặc tự hành xác hoàn toàn thật như trong vụ ở Dnipropetrovsk. Bên cạnh đó là những diễn đàn trao đổi, mua bán những nội dung khiêu dâm lệch lạc nhất, bất thường nhất mà con người có thể nghĩ ra được.
Dĩ nhiên, nơi đây cũng trở thành “thiên đường” cho bọn tội phạm và khủng bố với đủ các hoạt động phi pháp. Trong đó có mua bán ma tuý, vũ khí, giấy tờ giả. Thậm chí có cả “thị trường ám sát”, nơi người ta có thể tìm kiếm và thuê sát thủ lấy mạng ai đó.
Ngoài ra, những người tham gia vụ rò rỉ WikiLeaks được cho là đã sử dụng Deep Web để lưu truyền các tài liệu mật của chính quyền Mỹ trong một thời gian dài trước khi chính thức công khai chúng vào năm 2010.
Nơi không có luật pháp
Trong thời gian qua, chính quyền nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, đã rất nỗ lực đưa Deep Web vào vòng cương toả. Tuy nhiên, họ gặp rất nhiều thách thức lớn do dạng internet ngầm này quá rộng lớn và được che giấu kỹ lưỡng, thay đổi cách thức truy cập và xoá dấu vết liên tục. Chưa kể người truy cập đều nặc danh và giao dịch với nhau bằng các dạng tiền ảo chẳng hạn như BitCoin, thậm chí có cả dịch vụ “rửa” tiền ảo, cho phép ẩn hoàn toàn giao dịch.
“Bạn cứ tưởng tượng Deep Web giống như miền tây nước Mỹ thời xưa, nơi không hề tồn tại luật pháp và người ta có thể làm bất cứ thứ gì mình muốn”, tờ The Los Angeles Times dẫn lời Phó giám đốc điều hành Vụ Điều tra của Bộ An ninh nội địa Mỹ, Peter Edge nói.
Năm 2013, cảnh sát Mỹ đã lập chiến công lớn khi đánh sập được website Silk Road (Con đường tơ lụa), từng được xem là một trong những website giao dịch hàng cấm và thuê mướn sát thủ lớn nhất Deep Web, theo Forbes. Chủ trang này là Ross William Ulbricht, 31 tuổi, đã bị kết án tù chung thân hồi tháng 5.2015 vì các tội danh rửa tiền, tin tặc và buôn bán ma tuý. Ban đầu, người này còn bị cáo buộc bỏ ra gần 800.000 USD để thuê sát thủ giết 6 người nhưng toà không tìm được bằng chứng về vụ này.

Thuỵ Miên