27/11/2024

Chương trình đào tạo mục vụ cho người giáo dân

Trong 2 năm đầu tiên này, Ban Nghiên Huấn của Uỷ ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam nhắm tới việc đào tạo mục vụ căn bản cho người tín hữu giáo dân về những hành động rất cụ thể trong đời sống thường ngày. Tất cả đều nhằm mục đích là xây dựng nền văn minh tình yêu bằng nền văn hoá sự sống theo Kitô giáo.

 

 

Chương trình đào tạo mục vụ cho người giáo dân

 

Sáng thứ sáu ngày 11/05/2018, Ban Nghiên Huấn của Uỷ ban Giáo dân, trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã họp nhau để cùng bàn luận về chương trình đào tạo cho người tín hữu giáo dân, thông qua Hội đồng Mục vụ giáo xứ. Chương trình đào tạo gồm 4 lĩnh vực: Kính Thánh, Tín lý, Mục vụ và tu đức. Sau đây là phần đào tạo mục vụ do linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn phụ trách:

 

Lời giới thiệu

Anh chị em thân mến,

Trong 2 năm đầu tiên này, Ban Nghiên Huấn của Uỷ ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam nhắm tới việc đào tạo mục vụ căn bản cho người tín hữu giáo dân về những hành động rất cụ thể trong đời sống thường ngày như ăn uống, ngủ nghỉ, học hành, làm việc, vui chơi, nói năng, viết lách, đi lại, mua sắm… Tất cả đều nhằm mục đích là xây dựng nền văn minh tình yêu bằng nền văn hoá sự sống theo Kitô giáo.

Đây là điểm hướng tới được trình bày trong các văn kiện của Giáo Hội toàn cầu, từ Công đồng Vaticanô II đến nay, qua các tài liệu chính thức như Hiến chế Gaudium et Spes (1965), Giáo lý Hội Thánh Công giáo (1992), Tóm lược Học thuyết Xã hội của Hội Thánh Công giáo (2004)…, cũng như trong giáo huấn của các giáo hoàng gần đây như Thánh Gioan XXIII, Chân phước Phaolô VI, Thánh Gioan Phaolô II, Bênêđictô XVI, Phanxicô. Giáo hội Việt Nam, qua Đại hội Dân Chúa năm 2010, cũng đã trình bày đường hướng này trong Thư chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010, với chủ đề: “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”, công bố ngày 01/05/2011.

Thật vậy, người Công giáo Việt Nam ngày nay cần phải trình bày cho đồng bào mình bản sắc văn hoá Công giáo, mà cha ông chúng ta đã tốn nhiều công sức và hy sinh cả mạng sống để giới thiệu và chứng minh bản sắc này. Trong hàng ngàn năm qua, kể từ thời bị người Trung Quốc đô hộ cho đến khi thiết lập nền dân chủ (năm 111 TCN đến năm 1945), nước ta theo chế độ quân chủ chuyên chế, vua có toàn quyền sinh sát trong tay, xã hội phong kiến, nam nữ bất bình đẳng, hôn nhân đa thê, dân tộc lạc hậu, chữ viết lệ thuộc người Tầu với chữ Hán, chữ Nôm và cách học từ chương nên văn hoá, khoa học lạc hậu. Người Công giáo Việt Nam, từ năm 1615 trở đi, đã giới thiệu một nền văn hoá mới, lấy tình yêu Thiên Chúa là nền tảng, và các giá trị mới về chính quyền dân chủ, về con người bình đẳng nam nữ, về gia đình một vợ một chồng, về khoa học tiến bộ, về chữ Việt viết theo ngôn ngữ Latinh dễ dàng tiếp cận văn hoá và khoa học của toàn thể nhân loại…

Tuy nhiên, khi cả dân tộc Việt Nam đón nhận những giá trị này, thì rất nhiều người tín hữu Công giáo Việt đã dừng lại, tự mãn về những gì mình đóng góp cho dân tộc, không tiếp tục con đường tình yêu, sự thật và sự sống của Chúa Giêsu Kitô để giới thiệu những giá trị mới cho đồng bào. Họ chọn cách sống thụ động, cầu an.

Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong buổi triều yết Đức Giáo hoàng Phanxicô, ngày 5/3/2018, dịp đi Ad Limina ở Rôma, đã nói đến điều này trước toàn thể Giáo Hội rằng: “Sau hàng nửa thế kỷ phải trải qua những giờ phút đầy thử thách của một cuộc chiến tranh ý thức hệ (1920-1975), giờ đây chúng con đang phải đương đầu với một cuộc chiến mới: cuộc chiến chống lại tinh thần cầu an. Những cuộc bách hại nếu đã tôi luyện đức tin của chúng con, thì về phương diện nhân loại, cũng khiến chúng con rơi vào tình trạng thủ thân, khép kín. Vì thế mà từ khi chiến tranh chấm dứt năm 1975, con số bảy triệu người Kitô hữu tại Việt Nam hầu như không gia tăng” (x. Diễn từ triều yết của TGM Giuse Nguyễn Chí Linh tại Rôma, ngày 5/3/2018).

Thái độ sống cầu an này đã gây nên những tổn hại lớn lao cho dân tộc. Ai cũng thấy nền đạo đức, luân lý của xã hội Việt Nam đang xuống dốc với đủ loại tội ác ghê rợn được thông báo hằng ngày trên các phương tiện truyền thông xã hội. Thái độ đó cũng làm cho chính đồng bào Công giáo Việt Nam mất đi ảnh hưởng tốt đẹp và vị trí đặc biệt trong lòng dân tộc khiến từ năm 1885 đến nay, tỷ lệ dân số theo đạo Công giáo vẫn giữ nguyên 7% dân số.

Nếu người Công giáo Việt Nam chúng ta quyết tâm sống theo bản sắc tích cực của mình để xây dựng nền văn minh tình yêu bằng nền văn hoá sự sống, chúng ta chắc chắn sẽ làm cho đất nước Việt Nam phát triển về mọi mặt, dân tộc ta sẽ giàu mạnh, hưởng được tự do hạnh phúc hơn nhiều. Điều này anh chị em Công giáo Hàn Quốc đã thực hiện được cho dân tộc của mình trong vòng 50 năm qua để từ một nước nghèo khổ, lạc hậu, thua xa Việt Nam Cộng hoà vào những năm 1960-1970, bây giờ đang là một trong mười nước phát triển hàng đầu thế giới.

Chính trong tinh thần đó, chúng tôi sẽ trình bày tiến trình xây dựng bản sắc Công giáo Việt Nam theo 20 đề tài sau đây:

1. Con đường tình yêu mở rộng cho mọi người.

2. Đức Giêsu Kitô là con đường sự thật và sự sống.

3. Thở được linh khí của Trời.

4. Giải được nghĩa tình yêu.

5. Nền văn hoá toàn diện và liên đới.

6. Sống đẹp từng giây phút trong đời.

7. Học với Người Thầy tuyệt vời.

8. Mặc lấy Chúa Kitô.

9. Ăn để chuyển hoá và thăng hoa vạn vật.

10. Hồn lành trong xác mạnh (Thể dục và thể thao).

11. Đi lại (Văn hoá giao thông).

12. Tin giả – tin thật (sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội).

13. Lời thật (văn hoá nói của Kitô giáo).

14. Chữ Việt (văn hoá viết của Kitô giáo).

15. Uống suối ân tình.

16. Lao động là vinh quang.

17. Nghỉ ngơi ngày Chủ Nhật.

18. Mua sắm cuối tuần (sở hữu và hiện hữu).

19. Người Việt Nam mới.

20. Tạ ơn Trời – Cảm ơn người.

Chúng tôi hy vọng sẽ trình bày những đề tài gần gũi với đời sống này bằng những câu từ đơn sơ, dễ hiểu trong tinh thần hội nhập văn hoá dân tộc Việt Nam và các nước trên thế giới.

Chúng tôi rất mong ước nhận được sự góp ý của các bạn để những bài viết mang lại những hiệu quả tốt đẹp cho cộng đồng giáo xứ.

Chân thành cảm tạ các bạn và cầu chúc từng người luôn an lành, mạnh khoẻ và tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần.

Trân trọng,

Sài Gòn, ngày 19/5/2018, Vọng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống,

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn