TP.HCM sẽ còn ngập dài dài vì cái gì cũng thiếu và yếu
Quy hoạch chống ngập do triều, mưa mới đạt 10-40%, trong khi nhiều nơi TP.HCM đang lún, nước biển dâng, công trình chống ngập lỗi thời… Tình hình ngập được dự báo còn kéo dài.
TP.HCM sẽ còn ngập dài dài vì cái gì cũng thiếu và yếu
Quy hoạch chống ngập do triều, mưa mới đạt 10-40%, trong khi nhiều nơi TP.HCM đang lún, nước biển dâng, công trình chống ngập lỗi thời… Tình hình ngập được dự báo còn kéo dài.
TP.HCM chưa đầu tư cống thoát nước đủ so với yêu cầu nên dự báo ngập vẫn còn kéo dài. Trong ảnh, ngập nước đường Nguyễn Hữu Cảnh sau cơn mưa ngày 7-5 – Ảnh: HỒNG LÝ
Những thông tin trên được đưa ra tại hội nghị chuyên đề “Giải pháp quy hoạch cao độ nền và thoát nước TP.HCM” do Sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM tổ chức chiều 17-5.
Vừa thiếu vừa lạc hậu
Tại hội nghị, ông Đỗ Tấn Long – trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa thuộc Trung tâm điều hành chống ngập nước TP.HCM – nhìn nhận một trong những nguyên nhân gây ngập hiện nay là do việc triển khai quy hoạch chống ngập quá chậm, hệ thống cống thoát nước đầu tư chưa đạt yêu cầu.
Quy hoạch thoát nước mưa (quy hoạch 752) xác định đến năm 2020 sẽ xây dựng 6.000km cống nhưng theo ông Long hiện nay chỉ khoảng 2.590km được đầu tư.
Quy hoạch cũng xác định xây dựng 140 hồ điều tiết hỗ trợ thoát nước nhưng chưa có hồ nào hoàn thành. Việc nạo vét kênh rạch cũng chỉ đạt được 1% so với kế hoạch đặt ra.
Tương tự, Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP.HCM (quy hoạch 1547) xác định triển khai trên địa bàn TP 10 cống kiểm soát triều, đến nay chỉ mới đưa vào vận hành cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè, các cống còn lại đang triển khai dở dang.
Đã vậy, công tác dự báo không lường hết được diễn biến biến đổi khí hậu. Quy hoạch thoát nước mưa dựa vào yếu tố mưa trong 3 giờ tối đa đạt vũ lượng 95,91mm – tương ứng với đỉnh triều 1,32 mét.
Trên thực tế có những trận mưa trong một giờ đạt từ 100-122mm và đỉnh triều đã đạt tới 1,72.
“Do thông số quy hoạch không còn phù hợp thực tế nên một số cống đầu tư trong thời gian qua trở nên quá tải dẫn đến ngập nước”, ông Long nhận định.
Cũng theo ông Long một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai quy hoạch do các dự án chống ngập có nguồn vốn lớn, trong khi nguồn lực thành phố có hạn, ngân sách không đủ đáp ứng nhu cầu xây dựng.
Để giải quyết vấn đề ngập nước tại TP.HCM trong thời gian tới, ông Long cho rằng cần triển khai hoàn thành quy hoạch 752 và quy hoạch 1547. Dự kiến tổng vốn cho hai quy hoạch này lên tới 97.000 tỉ đồng nhưng huy động từ đâu, bằng cách nào thì chưa được đề cập.
Ông Nguyễn Đình Hưng – Phó giám đốc Sở Quy hoạch – kiến trúc (đứng bên trái) phát biểu tại hội nghị – Ảnh: QUANG KHẢI
Đại diện liên doanh tư vấn quốc tế Sweco – Sudio Nihon (tư vấn rà soát quy hoạch) cho hay, quy hoạch 752 đã được lập 20 năm trước hiện không còn phù hợp.
Bên cạnh đó nhiều thách thức mới đặt ra như hiện tượng lún đất, mực nước dâng do biến đổi khí hậu… đòi hỏi quy hoạch trên phải được cập nhật, điều chỉnh gấp.
Lún làm cao độ chuẩn sai lệch
PGS.TS Lê Văn Trung – chủ nhiệm bộ môn Hệ thống Thông tin tài nguyên và môi trường, phó chủ tịch Hội Trắc địa – bản đồ TP.HCM – cảnh báo công tác chống ngập tại TP.HCM hiện đang đối diện với nhiều thách thức khác, trong đó có tình trạng lún mặt đất và sự dâng lên của mực nước biển.
PGS – TS Lê Văn Trung: Tình trạng lún, sai lệch cao độ làm sai lệch các công trình xây dựng, thoát nước – Ảnh: QUANG KHẢI
Cụ thể, ông Trung cho biết kết quả phân tích bằng kỹ thuật INSAR vi phân cho thấy tình trạng lún đất diễn ra tại các huyện Bình Chánh, nam quận Bình Tân, quận 8, tây quận 7, tây bắc quận 2, đông quận 12, tây nam quận Thủ Đức, tây bắc huyện Nhà Bè… với mức 5-10mm/năm.
Theo Sở Giao thông vận tải, căn cứ pháp lý xác định các cao độ khi nâng đường, làm dự án chống ngập dựa theo quy hoạch 752, quy hoạch 1547 và quy hoạch 24 (Quy hoạch điều chỉnh xây dựng chung TP đến năm 2025).
Theo các quy hoạch này, cao độ xây dựng cho nhiều công trình hạ tầng (chứ không riêng các dự án nâng đường) tối thiểu là 2m, đối với một số nơi (ngoài khu vực bảo vệ quy hoạch 1547) cao độ quy định còn phải đạt 2,5 – 3m.
Tuy nhiên theo PGS.TS Lê Văn Trung, tình trạng lún làm sai lệch cao độ chuẩn. Qua kiểm tra của Bộ Tài nguyên và môi trường có 4/11 mốc độ cao hạng I có dấu hiệu sụt lún cục bộ, dẫn tới sai số độ cao đo kiểm tra chênh so với độ cao gốc từ 0,2m tới 0,6m.
Không chỉ cao độ mặt đất, PGS.TS Trịnh Công Vấn cho biết quá trình triển khai các công trình thủy lợi cũng phát hiện cao độ mặt nước có sự sai lệch với thực tế khoảng 20cm.
“Vấn đề này tôi đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và môi trường nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”, ông Vấn cho hay.
Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng triển khai các dự án chống ngập của TP.HCM, trong khi mực nước biển dâng 3mm/năm.
“Ví dụ có những tuyến đường khu dân cư mới làm cao độ 2 mét nhưng thực tế chỉ 1,4 mét dẫn tới bị ngập nước. Vì vậy, tiêu chuẩn thoát nước và chống ngập của thành phố cần phải tính đến ảnh hưởng đồng thời của sự hạ thấp mặt đất và sự dâng cao của mực nước biển dâng”, PGS.TS Lê Văn Trung đề nghị.
Xác định một trong những nguyên nhân gây lún do khai thác nước ngầm quá mức, ngoài đề xuất chính sách cấm khai thác, ông Trung còn đề nghị triển khai nhanh các hồ điều tiết để vừa hỗ trợ thoát nước mưa và bổ cập cho nguồn nước ngầm.