|
|
Các “thợ phá xe” thay ruột cho khách với giá cắt cổ – Ảnh: Tiến Nhơn
|
Đoạn đường từ ngã tư Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống đến khu vực hầm Thủ Thiêm (Q.2) chỉ dài khoảng 5 km nhưng có đến cả chục “tiệm” sửa, vá xe di động. Nhóm người này hành nghề xe ôm kiêm luôn vá xe, thay ruột, bán xăng. Xe của họ được gắn thêm một hộp lớn đựng đồ nghề, mà theo lời một “thợ” thì: “Như vậy cho gọn nhẹ, nếu đô thị có tới thì chạy cho nhanh. Chứ lơ ngơ là bị hốt liền”.
Không lủng bánh cũng phải thay ruột !
|
|
“Chặt chém” gấp 3 Sáng 4.8, chúng tôi đem hình ảnh vỏ bao bì đựng ruột xe mà nhóm người ở đại lộ Mai Chí Thọ sử dụng đến gặp một chủ cửa hàng phụ tùng xe máy trên đường Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thì được người này cho biết “chưa từng thấy loại nhãn hiệu này ngoài thị trường”. “Theo kinh nghiệm bán hàng lâu năm của tôi thì đây là ruột dỏm, được những người làm ruột giả bỏ mối cho các tiệm vá xe lề đường. Loại này mỗi cái giá chừng 15.000 – 20.000 đồng”. Tương tự, anh Xoán, chủ một tiệm chuyên kinh doanh ruột xe trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh), cho hay anh cũng chưa từng thấy nhãn hiệu ruột xe mà chúng tôi cung cấp và nhận định “loại ruột này không quá 30.000 đồng/cái”.
|
|
|
Ngày 3.8, chúng tôi tự xì hơi cho xẹp bánh xe rồi dắt bộ trên đường Mai Chí Thọ. Đi được 100 m thì có một người đàn ông tên Tư ra mời chào vá xe. Ông này liên tục bơm xả ruột để tìm kiếm lỗ thủng nhưng không thấy, cuối cùng chỉ vào lỗ vá sẵn trước đó và nói: “Bị rách lỗ vá cũ nên không vá được”. “Sao không thấy vết rách?”, chúng tôi vừa tìm vết rách ở ruột xe vừa hỏi. Ông này liền nói: “Không rách thì chắc nó bị dập ruột. Cái này không vá được. Phải thay ruột mới”. Nói xong, chưa biết khách đồng ý hay không, ông ta lấy ra một ruột mới, bao bì ghi hiệu “No1”, không có tên công ty hay địa chỉ nhà sản xuất, để thay và đòi 90.000 đồng.
Trước đó, ngày 28.7, chúng tôi cũng tự làm xẹp bánh xe và dắt bộ trên đoạn đường này. Đi được một đoạn thì có một thanh niên chạy ra dặn: “Nếu cảm thấy xe còn chạy được thì ráng chạy thêm 4 – 5 km nữa tìm tiệm sửa xe đàng hoàng. Đừng vá chỗ mấy thằng lưu động, không lủng tụi nó cũng làm cho lủng, rồi đâm 3 – 4 lỗ bắt em thay ruột. Mà toàn là ruột dỏm chạy vài bữa là phải thay lại. Anh thấy tội cho người đi đường nên nói, chứ để tụi nó biết là anh sống không yên đâu”.
Khi chúng tôi vừa dắt xe đến đoạn ngã tư Mai Chí Thọ – Trần Não, một thanh niên đi xe máy chạy tới hỏi: “Có vá xe không? Ở đoạn đường này không có ai vá đâu. Muốn tìm được tiệm sửa xe phải dắt bộ 4 – 5 km nữa, chết luôn á!”. Thấy người này không có dụng cụ sửa xe nên chúng tôi tiếp tục dắt xe đi. Ngay sau đó, có 2 người đàn ông đi xe máy chở ống bơm và túi đựng “đồ nghề” chạy tới tiếp tục mồi chài. Chúng tôi thắc mắc sao sửa xe mà không có tiệm, để lốp tượng trưng cho người đi đường biết, thì một trong hai trả lời: “Ở đây mà đem máy bơm với đồ nghề ra nhiều thì công an hốt liền”.
Sau khi đưa xe chúng tôi dựng bên lề đường, hai người này chụm vào thay nhau tháo ốc, lôi ruột xe ra rồi hì hục bơm. Chỉ ít phút sau, thêm một người đàn ông khác tới hỗ trợ vá ruột xe. Theo quan sát của chúng tôi, những người này không có chậu nước để thử, mà chỉ lấy tay rà vuốt dọc ruột xe tìm lỗ thủng. Quá trình thử ruột xe, một người bắt chuyện với chúng tôi để thu hút sự chú ý cho người còn lại bẻ, xoay vòng đầu chân van, khiến ruột hở ra một lỗ lớn. Sau đó, ông ta nói: “Ruột này bị lủng ngay đầu chân van nên không vá được. Phải thay ruột mới thôi”. Nói xong, ông ta lấy ra 1 ruột xe đã chuẩn bị từ trước, thay vào xe chúng tôi và “hét” giá 90.000 đồng.
Người “thợ” này liên tục bẻ, xoay đầu chân van, khiến cho ruột xe bị hở ra một lỗ lớn, buộc chúng tôi phải thay ruột mới
“Xử” bất cứ ai xâm chiếm địa bàn
Nhóm “thợ phá xe” đóng quân ở đây đã tự quy định những “luật ngầm” và sẵn sàng “xử” bất cứ ai xâm chiếm địa bàn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực từ ngã tư Đồng Văn Cống về cầu Cá Trê 1 là của một “thợ” tên B. (47 tuổi, quê Bình Định); từ đây đến cầu Cá Trê 2 là của hai thanh niên khác; tiếp đó cho đến ngã tư Mai Chí Thọ – Trần Não là của 2 anh em ruột tên Tân (quê Bến Tre) và nhóm người của ông Tư (quê Vĩnh Long). Các nhóm “thợ phá xe” này chia địa bàn để “chém” người đi đường. Ngoài ra, khu vực này còn có một nam chuyên “cò mồi”, cảnh giới. Mỗi ngày, người này chỉ việc lấy xe máy chạy lòng vòng tìm khách rồi báo cho những người còn lại và được chia chác số tiền “chặt chém” được.
“Ở đây nhìn vậy nhưng có phân chia ranh giới cả đấy. Mỗi người một khu, khách đến khu của ai thì người đó làm. Mình không khéo thì tụi nó đánh bể đầu ngay”, vợ ông B. giải thích. Cũng theo bà này, để “hành nghề” lâu dài, mỗi người phải tuân theo “luật ngầm”. “Ví như em đang đứng chờ mà thấy khách tiến đến gần mình nhưng “địa phận” đó của người khác thì em không được vá, mà phải gọi cho người phụ trách địa bàn chạy tới vá hoặc yêu cầu khách dắt xe quay lại nơi người kia đang đứng. Làm ăn ở đây thì phải tuân thủ chứ không thì có ngày sứt đầu mẻ trán”, bà này nói.
Theo lời những người buôn bán hàng rong ở khu vực này, mỗi ngày nhóm “thợ phá xe” cát cứ ở khu vực đường Mai Chí Thọ kiếm được tiền triệu từ việc thay ruột xe với giá “cắt cổ”. “Có nhiều người thấy dễ ăn nên bỏ luôn công việc buôn bán trái cây, đồ chơi trẻ em để hành nghề… phá xe. Trong đó ông B. là “lính mới” nhưng có nhiều mánh khoé để moi tiền của khách”, một người buôn bán ở khu vực này cho biết. Cũng theo chị này: “Chặt chém người ta đã đành rồi còn dùng ruột dỏm nữa. Ở đây, ngày nào cũng có một thằng chở ruột xe dỏm đi bỏ mối lại cho nhóm sửa xe này”.
Cô lập tổ thanh niên vá xe tình nguyện
Trạm vá xe lưu động ở đường Mai Chí Thọ vắng vẻ vì bị chèn ép, hăm doạ
Trao đổi với chúng tôi, chị Ngọc Hương, Bí thư Đoàn P.Bình Khánh (Q.2) – đơn vị trực tiếp quản lý đội rà hút đinh, vá xe lưu động trên đường Mai Chí Thọ, xác nhận có tình trạng nhóm người hành nghề xe ôm kiêm vá xe ở khu vực này “chặt chém” người đi đường, thậm chí trong nhóm này còn có một nam nghiện ma tuý, thường xuyên chèn ép, hăm doạ nhân viên vá xe, hút đinh lưu động. “Nhóm người này còn móc nối với những người bán nước ngọt tranh giành khách, cô lập tổ thanh niên vá xe tình nguyện. Sắp tới chúng tôi sẽ triển khai lắp đặt biển báo và số điện thoại của tổ vá xe tình nguyện trên tuyến đường này để hỗ trợ người đi đường”, chị Hương nói.
|