Nung vôi ‘gặp’ người tiền sử
Sọ người cổ khai quật từ di chỉ Bàu Dũ (Quảng Nam) niên đại trên 5.000 năm được phát hiện rất tình cờ từ những người xúc sò điệp để nung vôi bón ruộng.
Bất ngờ lòng đất – Kỳ 2: Nung vôi ‘gặp’ người tiền sử
Sọ người cổ khai quật từ di chỉ Bàu Dũ (Quảng Nam) niên đại trên 5.000 năm được phát hiện rất tình cờ từ những người xúc sò điệp để nung vôi bón ruộng.
“GS Trần Quốc Vượng đã dùng thuật ngữ rất hay khi nhận định về di chỉ Bàu Dũ, là “đá mới trước gốm”, tức thời đại đá mới trước khi có đồ gốm”, ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, bắt đầu câu chuyện về di chỉ cồn sò điệp nổi tiếng. Sọ người cổ phục chế sau đợt khai quật mới nhất được Bảo tàng Quảng Nam đưa ra trưng bày từ cuối tháng 3.2015 đã gây chú ý đặc biệt. Bởi đã hơn 30 năm kể từ ngày GS Trần Quốc Vượng tham gia khai quật tại Bàu Dũ (năm 1984), công chúng ở Quảng Nam mới có dịp tiếp cận loại hình di tích “Đống rác bếp” hay “Đống sò điệp”, “Cồn sò điệp” kỳ lạ này. Đây là loại hình di tích thường xuất hiện ở vùng ven biển vào cuối thời đá cũ và thời đá mới, riêng số lượng di tích tại VN phát hiện chưa nhiều, mà Bàu Dũ lại là di tích đầu tiên được nghiên cứu ở các tỉnh phía nam.
Bón ruộng bằng sò điệp nghìn năm
Ông Hồ Xuân Tịnh là người đầu tiên tham gia khảo sát Bàu Dũ hồi năm 1982. Đấy là một gò đất thấp ở xã Tam Xuân 1 (H.Núi Thành), ruộng lúa bao bọc xung quanh một miếu thờ. Gò cao này từng là nơi người dân địa phương lánh nạn trong trận lũ lụt kinh hoàng năm 1964. Ở đây, vô số vỏ sò điệp lộ thiên chất thành đống, trở thành nguồn “nguyên liệu” để người dân xúc về nung vôi bón ruộng. Nhưng nhiều người không biết rằng mình đã chạm đến di chỉ hàng nghìn năm, xúc cả những mảnh xương vụn, hiện vật đá…, cho đến khi ông Lê Văn Chỉnh, công tác tại Phòng Bảo tồn trưng bày Sở VH-TT Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) có nhà ở gần đấy hay biết. “Anh Chỉnh đến xem, thấy nhiều hòn đá đẹp và các vỏ ốc chặt đuôi, sò điệp… nên đề nghị khảo sát. Tôi và anh Chỉnh liền tiến hành đào thám sát, đến năm 1983 lại thám sát lần nữa. Năm 1984, chúng tôi mời Bảo tàng Lịch sử VN, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội tổ chức khai quật khảo cổ. GS Trần Quốc Vượng đã tham gia đợt này”, ông Hồ Xuân Tịnh nhớ lại.
Hàng trăm hiện vật đá gốm, dấu tích 3 mộ táng, di cốt người và động vật… cùng nghi thức tục chôn bó gối đã hé lộ về một giai đoạn lịch sử hàng nghìn năm trước, giúp phác hoạ sinh cảnh của người cổ ở một vùng cửa sông ven biển. Niên đại di chỉ được các nhà khoa học xác định ở vào khoảng 5.030 ± 60 năm, và Bàu Dũ xếp thành một loại hình riêng nằm ở bước chuyển sau Hoà Bình, gọi là “đá mới sau Hoà Bình”.
“Sẽ viết thêm trang sử mới”
Cuối tháng 4.2015, PGS-TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ VN, Phó chủ tịch Hội Cổ sinh địa tầng VN, mới hoàn tất báo cáo nghiên cứu sau khi phục chế sọ người cổ từ đợt khai quật mới nhất ở Bàu Dũ vào tháng 8.2014. Nhưng ông quả quyết đây là thành tựu mới bởi những cuộc khai quật trước chỉ tìm thấy di cốt người cổ và xương động vật đa phần bị hư nát. “Di cốt ở miền Trung thường không có nhiều như miền Bắc, vì vậy đợt khai quật tại Quảng Nam như thế này là rất quý. Tôi đánh giá cao sự phát hiện sọ người cổ khá nguyên vẹn của Bảo tàng Quảng Nam”, PGS-TS Nguyễn Lân Cường nói.
Những gì tìm thấy từ hai hố khai quật không lớn ở gò Bàu Dũ (32 m2), nhất là hộp sọ người cổ khá nguyên vẹn, đã khiến chuyên gia nhân chủng học hàng đầu VN Nguyễn Lân Cường ngạc nhiên về tục nhổ răng cửa hàm dưới. Di cốt cũng cho thấy chủ nhân là một người khá trẻ, và tuổi thọ chung của người cổ Bàu Dũ cũng không cao (độ 40 – 50 tuổi). Ông Cường cho biết, loại hình di chỉ Bàu Dũ đã gợi nhớ lại cuộc tranh luận của ông cách đây hơn 30 năm về nguyên nhân hình thành cồn sò điệp. Ông phản đối kiến giải của một nhà nghiên cứu cho rằng cồn sò điệp hoàn toàn do con người tạo nên, mà đúng ra phải kết hợp cả 2 yếu tố: đầu tiên do thiên nhiên tác động (sóng cuốn tạo thành cồn), sau đó con người mới tìm đến trú ngụ. Những dấu hiệu về sò điệp chết tự nhiên, lại thấy xen lẫn các công cụ rìu đá trong đống vỏ sò, đã giúp ông củng cố quan điểm này.
PGS-TS Nguyễn Lân Cường tỏ ra hào hứng khi biết manh mối phát hiện di chỉ Bàu Dũ vốn rất tình cờ từ những người nung vôi. Ông nhắn gửi qua Báo Thanh Niên: “Trên khắp đất nước ta có nhiều di chỉ, đặc biệt những di chỉ ở miền Trung rất quý. Khi phát hiện di cốt hay các hiện vật bằng đá, mọi người hãy báo về cho cơ quan chuyên môn để chúng tôi có thể tham gia nghiên cứu và sẽ góp phần viết thêm những trang sử mới cho địa phương đó”.
Nhận dạng người cổ
Di cốt người cổ phát hiện khá nguyên vẹn lần này (6 cụm di cốt người cổ, trong đó có di cốt còn nguyên hộp sọ) cùng với nhiều hiện vật đá, đã cho phép PGS-TS Nguyễn Lân Cường đưa ra nhận dạng ban đầu về người cổ. Ngoài tục nhổ răng dưới và chết trẻ, di cốt cho thấy người cổ ở Bàu Dũ sử dụng đồ ăn tươi sống nhiều, khoảng 25 – 30 tuổi răng đã mòn. Riêng tục chôn bó gối tại Bàu Dũ khiến ông liên hệ đến câu khấn của một số bộ tộc ở châu Phi khi chôn cất theo kiểu này: “Mong người không quay trở về để làm hại chúng tôi”.
|
Hứa Xuyên Huỳnh