Sẽ nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình
Ngày 4-8 tại Đại học Y dược TP.HCM, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị sơ kết đề án thí điểm bác sĩ gia đình (BSGĐ) và xây dựng đề án nhân rộng mô hình BSGĐ giai đoạn 2016 – 2020.
Sẽ nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình
Ngày 4-8 tại Đại học Y dược TP.HCM, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị sơ kết đề án thí điểm bác sĩ gia đình (BSGĐ) và xây dựng đề án nhân rộng mô hình BSGĐ giai đoạn 2016 – 2020.
Khám bệnh tại phòng khám bác sĩ gia đình Bệnh viện Q.10, TP.HCM – Ảnh: HỮU KHOA |
Sau hai năm thực hiện đề án thí điểm mô hình BSGĐ, cả nước đã có sáu tỉnh thành (TP.HCM, Hà Nội, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Tiền Giang) tổ chức thực hiện mô hình này với 240 phòng khám BSGĐ. Dù vậy, theo bộ trưởng Bộ Y tế, mô hình BSGĐ vẫn chưa định hình ở VN.
Không phải là chữa bệnh tại nhà
Theo báo cáo tại hội nghị, trong hai năm thí điểm phòng khám BSGĐ được xây dựng theo ba mô hình: phòng khám BSGĐ lồng ghép ở trạm y tế phường, xã; phòng khám BSGĐ ở bệnh viện quận, huyện, trung tâm y tế và phòng khám BSGĐ trong các phòng khám tư nhân.
Dù hàng trăm phòng khám BSGĐ đã hoạt động trên cả nước, nhưng nhiều ý kiến cho rằng người dân vẫn chưa hiểu về BSGĐ và chưa mặn mà với mô hình này. Người dân cứ nghĩ BSGĐ là phải đến tận nhà khám, trong khi theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, BSGĐ là BS đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, là BS hướng về gia đình, biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khoẻ của người bệnh và lối sống của người đó trong cộng đồng.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng: mô hình BSGĐ là hệ thống y tế cơ sở, là xương sống, là hệ thống chăm sóc gần dân nhất. Mô hình BSGĐ sẽ giúp người dân phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ người dân liên tục, toàn diện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Bộ trưởng cho rằng BSGĐ phải quản lý được sức khoẻ của bệnh nhân, của gia đình bệnh nhân. Khi bệnh nhân chuyển viện, BSGĐ sẽ liên hệ với hệ thống y tế tiếp nhận bệnh nhân để khi bệnh nhân đến đã có người đón. Đó là một trong những quyền lợi của người tham gia mô hình BSGĐ.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều cơ sở y tế ứng dụng công nghệ thông tin còn rất hạn chế nên thông tin về bệnh nhân còn chưa được kết nối, thông suốt giữa hệ thống các cơ sở y tế tham gia mô hình BSGĐ.
17.000 phòng khám tư thành “bác sĩ gia đình”?
PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp – trưởng bộ môn y học gia đình Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, thành viên Hội BSGĐ thế giới – cho biết mô hình BSGĐ không mới, thế giới đã làm cách đây hơn 80 năm. Việc triển khai hệ thống BSGĐ sẽ giúp cải tổ hệ thống y tế. Khi đó sẽ lập lại trật tự chăm sóc ngoại trú, nội trú, cân đối lại bảo hiểm y tế của từng khu vực, từng tuyến. Nếu như thành lập được một mạng lưới BSGĐ sẽ giảm được rất nhiều bệnh nhân nhập viện.
Cả nước hiện có 240 phòng khám BSGĐ thì riêng tại TP.HCM đã có 149 phòng khám. Dù đã thành lập được nhiều phòng khám BSGĐ nhất trong cả nước nhưng theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tình hình các phòng khám BSGĐ ở TP mới chỉ chú trọng khám chữa bệnh đối với bệnh lý nội khoa mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, động mạch vành…
Các hoạt động khác như sơ cứu, cấp cứu, khám chữa bệnh cấp tính chưa được phát huy do số lượng bệnh nhân đến phòng khám BSGĐ còn hạn chế. Số lượng người dân được lập hồ sơ quản lý sức khoẻ một cách toàn diện liên tục và được khám sàng lọc tại phòng khám BSGĐ còn khiêm tốn. Người dân chưa hiểu biết về mô hình BSGĐ, chưa quan tâm đến việc quản lý sức khoẻ, khám sàng lọc phát hiện bệnh tật…
Các tỉnh thành cũng đã nêu ra những khó khăn trong quá trình thực hiện như nguồn nhân lực có chuyên môn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu hiện tại. Phòng khám BSGĐ lồng ghép với trạm y tế còn gặp nhiều khó khăn do người dân chưa tin tưởng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại trạm y tế nên không đến khám, chữa bệnh tại phòng khám…
Bộ trưởng Bộ Y tế đặt vấn đề: Liệu các trạm y tế và 17.000 phòng mạch tư tại TP.HCM có nhân lên mô hình BSGĐ được không?
Bộ trưởng cho biết tới đây, Bộ Y tế sẽ thành lập một ban soạn thảo để xây dựng một đề án, sau đó nhân rộng mô hình BSGĐ trong cả nước.