28/11/2024

“Chạy biển”, “chạy sông”

Ngay cả những vùng đất được tiếng ôn hoà thì đến nay thiên nhiên bắt đầu “đổi tánh”, lấy đất, lấy rừng, với tốc độ nhanh chưa từng có.

 

Miền Tây điêu đứng vì biến đổi khí hậu – Kỳ 3: “Chạy biển”, “chạy sông”

 

Ngay cả những vùng đất được tiếng ôn hoà thì đến nay thiên nhiên bắt đầu “đổi tánh”, lấy đất, lấy rừng, với tốc độ nhanh chưa từng có.



Một người dân ở khu vực biển Ba Động (huyện Duyên Hải, Trà Vinh) bên hàng thông chắn sóng đã bị biển đánh trơ gốc- Ảnh: Kiên Thành
Một người dân ở khu vực biển Ba Động (huyện Duyên Hải, Trà Vinh) bên hàng thông chắn sóng đã bị biển đánh trơ gốc- Ảnh: Kiên Thành

Hàng vạn dân khắp các tỉnh khu vực ĐBSCL phải sống cảnh “chạy biển”, “chạy sông”. 

Nhóm thanh niên ngồi túm tụm bên mỏm đất “hàm ếch” ở đầu cồn Châu Ma (xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) lặng thinh nhìn về hướng nước chảy từ thượng nguồn sông Tiền đổ về.

Trong câu chuyện của mình, họ nhắc về những ngôi nhà trong các xóm làng đã mất. Mới đây, cũng tại nơi này, hàng loạt ngôi nhà đã bị sóng đánh trôi. Người dân sống trên cồn Châu Ma biết rõ đó không phải là những ngôi nhà cuối cùng trên cồn bị sông nuốt chửng.

Thiên nhiên “trở mặt”

Lúc chúng tôi đến, ông Phạm Văn Lầm (67 tuổi) đang chuẩn bị cho những ngày cuối cùng của mình trong căn nhà nơi đầu cồn. Vì lão nông chắc chắn cứ tình trạng này, không lâu sau sóng sẽ đánh tới nhà ông.

Theo “kịch bản” của ông Lầm dự đoán, cơn thịnh nộ của thủy thần sẽ còn chưa dừng lại tại ngôi nhà “run rẩy” của ông mà sẽ còn “ăn qua vườn bạch đàn giống của anh Nguyễn Hoàng Vũ ở kế cạnh, sóng sẽ xuyên qua khóm tre, uy hiếp những xóm làng lân cận”.

Thoáng ngậm ngùi, anh Đồng Văn Mỹ (ấp Phú Trung, xã Phú Thuận B), người dân sinh sống trên cồn Châu Ma, nói cuộc sống thanh bình ở cồn này chấm dứt khi sông mẹ Mekong từ chỗ mang phù sa bồi lấp cho cồn thì bỗng “quay đầu” tấn công vườn cây, nhà cửa của dân.

Đã có hàng trăm người bị sông “gặm” mất nhà, phải đi nơi khác sinh sống. Ông Mỹ nói hơn 10 năm trước cồn Châu Ma còn cách xa trên 1km về phía thượng nguồn, nhưng bảy năm trở lại đây tốc độ sạt lở nhanh đến mức năm nào cũng có nhiều người dân trên cồn phải “chạy sông”.

Gia đình những người như ông Bảy Khô, Ba Nhĩ, Hồng Chương, Tư Dứt, Ký Sây… được nhắc đến như là các hộ dân gần nhất rơi vào cảnh nhà tan cửa nát.

Cồn Châu Ma ngày trước là một cồn lớn trên sông Tiền, chiều dài lên đến 3km, rộng gần 500ha. Năm 1994, cồn Châu Ma là một xã có tên là xã Phú Trung (thuộc huyện Hồng Ngự), có khoảng 5.000 dân. Thế nhưng, xã này chỉ tồn tại được sáu năm thì bị xoá sổ.

Một lãnh đạo UBND xã Phú Thuận B cho biết xã Phú Trung (cũ) bị xoá là vì cồn Châu Ma sạt lở mất đến 70% diện tích, phần diện tích còn lại chỉ còn đủ một ấp và sáp nhập vào xã Phú Thuận B.

Chuyện biển “quay đầu” nuốt động cát, tài sản của người dân ở vùng Ba Động (huyện Duyên Hải, Trà Vinh) trước nay chưa có tiền lệ. Khu vực này biển vốn bồi lắng, chạy dài theo bờ phía đông tỉnh Trà Vinh thiên nhiên đã tích tụ nên những động cát khổng lồ, cao quá nhà dân.

Các động cát này vốn là nét đẹp độc đáo vùng Ba Động và là một trong những thắng cảnh du lịch nổi tiếng của ĐBSCL.

Đối với người dân nơi đây, các động cát là “con đê tự nhiên” giữ vai trò chắn sóng gió, che chở làng xóm nhà cửa, ruộng rẫy. Năm 1994, phía sau các động cát này, địa phương đã trồng hàng loạt cây dương (thông) để phòng hộ và tạo cảnh quan.

Thế nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, khu vực Cồn Trứng đã diễn ra hiện tượng bất thường: biển không bồi lắng mà “ăn” luôn động cát. Năm 2005, Ban phòng chống lụt bão tỉnh Trà Vinh đã xuất kinh phí be đắp phần bị lở, thế nhưng công trình này không thể chống chọi được sóng.

Năm 2007, biển lấy mất động cát, năm sau lấy luôn rừng thông. Không còn được che chắn, nhà cửa của dân dần bị biển tấn công. Không bao lâu, biển đã “ăn” sâu vào đất liền hơn 100m, dài khoảng 3,5km, đẩy hàng trăm hộ dân ở đây vào cảnh nguy hiểm.

Công trình bờ kè bêtông được xây dựng tại một số nơi bị sạt lở ở Ba Động, nhưng chỉ đến năm 2013 sóng biển tấn công làm hư hại bờ kè. Dân Ba Động lại đứng trước mối đe doạ của sóng biển.

Diện tích đất sản xuất bị thiệt hại theo đỉnh triều cường dâng ở Cà Mau - Đồ họa: Tấn Đạt
Diện tích đất sản xuất bị thiệt hại theo đỉnh triều cường dâng ở Cà Mau – Đồ hoạ: Tấn Đạt

1 triệu người sẽ bị 
tác động trực tiếp

Theo tính toán, toàn khu vực ĐBSCL có trên 10.000 hộ dân sống trong khu vực bị đe doạ sạt lở ven sông, biển (Cà Mau trên 3.300 hộ, Đồng Tháp gần 4.000 hộ, An Giang trên 2.200 hộ, Bạc Liêu gần 2.000 hộ…), đồng nghĩa với hàng vạn hộ dân đã và đang sống trong sự đe doạ của nạn sạt lở.

Ông Tô Quốc Nam, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình hình sạt lở ở tỉnh này đang diễn ra phức tạp cả ven biển và ven sông.

Cũng theo ông Nam, từ năm 2007, toàn tuyến biển ven bán đảo Cà Mau dài 254km trên địa bàn tỉnh này cứ mỗi năm sạt lở 15m, có nơi biển ăn vào đến 50m. Thống kê từ cơ quan này cho thấy mỗi năm Cà Mau mất trên 300ha rừng phòng hộ ven biển.

“Nếu không có giải pháp hữu hiệu thì không bao lâu nữa rừng phòng hộ sẽ bị xoá sổ” – ông Nam lo ngại.

Không những biển “nuốt” rừng, biển còn “đuổi” nhiều xóm dân, phá vỡ nhiều đoạn đê phòng hộ biển Tây. Ông Nguyễn Long Hoai, chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Cà Mau, cho hay tuy mùa mưa mới bắt đầu nhưng sóng biển đã nhiều lần uy hiếp đê biển Tây, nhiều đoạn trở thành “điểm nóng” gay gắt.

Theo TS Đào Trọng Tứ – cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, hiện khu vực ĐBSCL có 265 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài hơn 450km. Hầu hết bờ biển của ĐBSCL đều bị xói lở.

“Mỗi năm sạt lở đã ngốn đến 500ha đất của vùng với tốc độ sạt lở dọc theo bờ biển lên đến 30 – 40 m/năm” – TS Tứ nói. Dự báo đến năm 2050 sẽ có khoảng 1 triệu người bị tác động trực tiếp bởi xói lở ven bờ và mất đất tại ĐBSCL.

Một diễn đàn về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL tổ chức tại Cần Thơ cách nay ít lâu, ông Marc Goichot, chuyên gia thuộc Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), đưa ra con số thực tế: ở phía đông (khu vực Bến Tre, Trà Vinh) có đến 48% khu vực bờ biển có biểu hiện thoái lui, trong khi chỉ có 22% có biểu hiện lấn ra biển;

Trong khi khu vực phía tây (vùng bán đảo Cà Mau) nơi trước đây có tỉ lệ lấn ra biển cao thì nay đến 70% diện tích có diễn biến thoái lui, trung bình 12,2 m/năm. Ông Marc Goichot cho rằng: “Nếu không được bảo vệ hiệu quả thì một phần ĐBSCL sẽ biến mất”.

Theo GS.TS Bùi Cách Tuyến – thứ trưởng Bộ TN&MT, một trong các nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi lượng nước, suy thoái đất và suy giảm đa dạng sinh học ở vùng ĐBSCL là do những năm gần đây việc phát triển nhanh chóng nguồn năng lượng thuỷ điện trên sông Mekong đã làm thay đổi số lượng và chất lượng trầm tích, gây tác động tiêu cực lên môi trường ĐBSCL.

ĐBSCL đang “chìm”

Cách nay ít lâu, các chuyên gia của Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy (NGI) đưa ra một con số khiến nhiều người phải giật mình: mỗi năm, tỉnh Cà Mau sụt lún 1,56 – 2,3cm.

Các chuyên gia của NGI nhận định nguyên nhân sụt lún là do vùng này nước ngầm đã bị khai thác quá mức. Vấn đề đang xảy ra rõ nét nhất ở những nơi có đất sét mềm, dễ nén liên kết với tầng đất sâu hơn tầng sỏi.

Từ chuyện sụt lún này, Cà Mau và vùng lân cận có thể sẽ đối diện với tình trạng mất đất, bờ biển sẽ bị sạt lở mạnh, mất rừng; mặn sẽ xâm nhập sâu vào các sông và tấn công tầng nước ngầm…

“Nếu không hạn chế hoặc dừng việc bơm nước ngầm thì toàn bộ tỉnh Cà Mau có thể biến mất hoàn toàn trong vài thập niên tới” – NGI khuyến cáo.

Mới đây, một báo cáo của Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết hằng năm tỉnh phải chi ra hàng trăm tỉ đồng để đối phó với tình trạng sạt lở, sụt lún, nước dâng.

Qua nhiều năm quan trắc, khảo sát, Sở đưa ra những con số: trong vòng năm năm, mực nước tại cửa sông Gành Hào đã dâng cao 0,73m. Cụ thể, năm 2007 mực nước đo được tại cửa sông này là +1,5m, năm 2012 mực nước lên +2,23m.

Sở nhận định nếu mực nước tiếp tục dâng như hiện nay thì trong thời gian tới có khoảng 90.000ha đất sản xuất (tương đương 1/6 diện tích của tỉnh) có nguy cơ bị ngập, nhất là hai huyện cực nam Năm Căn và Ngọc Hiển.

Ông Nguyễn Long Hoai, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết nguyên nhân gây ngập là do việc khai thác nước ngầm quá mức làm sụt lún đất cộng với triều cường nước dâng.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu ĐBSCL, cho rằng dẫn đến tình trạng ngập tại vùng này là do hai nguyên nhân: nước biển dâng lên, còn đất thì đang lún xuống.

Tình trạng này không chỉ xảy ra đối với riêng Cà Mau mà cả khu vực ĐBSCL. Sụt lún diễn ra nhiều nơi, nhưng riêng vùng bán đảo Cà Mau do người dân sử dụng quá nhiều nước ngầm để làm giảm độ mặn cho nước nuôi tôm đã làm tình trạng sụt lún càng nghiêm trọng.

Ngoài nguyên nhân do nước ngầm bị sụt giảm làm sụt lún đất, gây ra tình trạng vùng đất phía nam đang “chìm” dần, ông Tuấn cũng cho rằng vì vùng đất này là vùng đất mới được bồi lắng, chưa ổn định.

Việc xây dựng ở đây nhiều công trình đã làm tăng gia tải trên nền đất yếu cũng là nguyên nhân góp phần dẫn đến sụt lún diễn ra nhanh hơn.

Cùng với những thiệt hại về kinh tế khi nước ngập làm mất đất sản xuất, cuộc sống của người dân vùng ngập cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề. Các tỉnh vùng ĐBSCL nhiều năm đã di dời số lượng lớn người dân đến nơi an toàn.

KIÊN THÀNH (còn tiếp)