28/11/2024

Sự sống ở “Trái đất” thứ hai ra sao?

Các nhà thiên văn học chuyên săn lùng những hành tinh ngoài hệ mặt trời vừa phát hiện một hành tinh có nhiều đặc điểm rất giống hành tinh xanh của chúng ta.

 

Sự sống ở “Trái đất” thứ hai ra sao?

 

Các nhà thiên văn học chuyên săn lùng những hành tinh ngoài hệ mặt trời vừa phát hiện một hành tinh có nhiều đặc điểm rất giống hành tinh xanh của chúng ta.  


Niềm hi vọng về khả năng tìm thấy sự sống ngoài Trái đất tiếp tục bừng lên.

Hình vẽ của NASA minh họa hành tinh Kepler 452b xoay quanh ngôi sao chủ giống Mặt trời - Ảnh: Reuters
Hình vẽ của NASA minh hoạ hành tinh Kepler 452b xoay quanh ngôi sao chủ giống Mặt trời – Ảnh: Reuters

Theo AFP, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết hành tinh Kepler 452b nằm cách Trái đất khoảng 1.400 năm ánh sáng, thuộc chòm sao Cygnus. Nó di chuyển trong “vùng ở được” xung quanh một ngôi sao chủ tương tự Mặt trời của chúng ta.

Trong “vùng ở được”, nhiệt độ trên bề mặt hành tinh cho phép nước tồn tại ở dạng lỏng, điều kiện tiên quyết của sự sống.

Ngôi sao chủ có độ tuổi 6 tỉ năm (Mặt trời hiện 4,6 tỉ năm tuổi). Kepler 452b lớn hơn Trái đất khoảng 60% và mỗi năm trên hành tinh này dài 385 ngày.

Trước đây các nhà khoa học từng tìm thấy những hành tinh nằm trong “vùng ở được” của các ngôi sao, nhưng đa số những ngôi sao này đều nguội hơn và nhỏ hơn Mặt trời của chúng ta.

Nhà vật lý John Grunsfeld, một lãnh đạo NASA, mô tả Kepler 452b là “anh em sinh đôi gần gũi nhất với Trái đất” hoặc “trái đất 2.0”.

Kính thiên văn không gian Kepler đã phát hiện Kepler 452b. Kính thiên văn này đã săn tìm các thế giới bên ngoài hệ mặt trời từ năm 2009.

Chuyên gia Jon Jenkins của NASA cho biết Kepler 452b có lực hấp dẫn lớn gấp hai lần Trái đất. Hành tinh này nhiều khả năng có bầu khí quyển dày, trên bề mặt có nhiều núi lửa đang hoạt động và thậm chí cả đại dương. “Hôm nay Trái đất đã bớt cô đơn hơn” – chuyên gia Jenkins nhấn mạnh.

Tuy nhiên ngôi sao chủ của Kepler 452b do già hơn Mặt trời 1,5 tỉ năm nên sáng hơn đến 20%. Yếu tố này có thể ảnh hưởng đến khả năng sự sống tồn tại trên hành tinh Kepler 452b.

Các chuyên gia NASA cho biết nghiên cứu Kepler 452b sẽ giúp loài người hiểu rõ được tương lai trên Trái đất sau 1,5 tỉ năm nữa, khi Mặt trời tỏa sáng hơn, đẩy nhiệt độ Trái đất tăng cao, đe doạ sự tồn tại các đại dương, sông hồ và cả sự sống 
loài người.

Ở khoảng cách 1.400 năm ánh sáng, loài người hoàn toàn không có cơ hội ghé thăm “trái đất 2.0”. Nhà khoa học Jeff Coughlin của Viện Săn tìm trí tuệ ngoài Trái đất (SETI) nhận định đây mới chỉ là bước đầu tiên của con người trong nỗ lực trả lời câu hỏi “Chúng ta có cô đơn trong vũ trụ không?”.

“Tôi và bạn có thể sẽ không đi đến được các hành tinh ngoài hệ mặt trời, nhưng biết đâu nếu có một sự đột phá công nghệ, cháu chắt của chúng ta sẽ làm được điều đó” – ông Coughlin nói.

Đến nay, kính thiên văn không gian Kepler đã tìm thấy 1.030 hành tinh và phát hiện thêm 4.700 “ứng cử viên” hành tinh khác. Trong danh sách này có 11 có thể là các hành tinh giống Trái đất. NASA đã chi khoảng 600 triệu USD cho dự án Kepler.

Hai năm trước, NASA cho biết hai trong số bốn bánh xe định hướng của Kepler đã bị hỏng. Dự kiến năm 2017 NASA phóng lên không gian vệ tinh TESS để tiếp tục nhiệm vụ săn tìm các hành tinh giống Trái đất bên ngoài hệ mặt trời.

“Nếu chúng ta tiếp tục nỗ lực tuyệt vời như hiện nay thì chắc chắn chúng ta sẽ giải quyết được câu hỏi liệu sự sống có tồn tại trên một hành tinh khác hay không” – báo New York Times dẫn lời tiến sĩ Didier Queloz thuộc ĐH Cambridge (Anh).

Nhà vật lý Grunsfeld cho biết các nỗ lực nghiên cứu hành tinh Kepler 452b, ví dụ như xác định xem nó có bầu khí quyển hay không, sẽ phải chờ sự triển khai của các loại kính thiên văn không gian thế hệ mới nhạy hơn, có khả năng tiếp nhận ánh sáng tốt hơn so với Kepler.

 

HIẾU TRUNG