Nuôi con cho người dưng đi tù
Đứa trẻ mặc áo đỏ, quần soóc jean vừa được đón từ lớp mẫu giáo về. Tự trèo ra khỏi chiếc xe máy, nó ríu rít chạy vào ôm chầm lấy bà Trần Ngọc, miệng kêu “bà ngoại, bà ngoại”.
Nuôi con cho người dưng đi tù
Đứa trẻ mặc áo đỏ, quần soóc jean vừa được đón từ lớp mẫu giáo về. Tự trèo ra khỏi chiếc xe máy, nó ríu rít chạy vào ôm chầm lấy bà Trần Ngọc, miệng kêu “bà ngoại, bà ngoại”.
Ông Thái Phục Thành và bà Trần Ngọc gia công bulông – Ảnh: Thanh Tùng |
Bà Ngọc (ngụ P.1, Q.6, TP.HCM) không phải là người thân thích, cũng không phải ruột thịt gì của đứa trẻ. Nhưng bởi một đầu dây mối nhợ từ chính sự khó khăn của bà mà vợ chồng bà đã mở tấm lòng, như một người thân đối với bé V..
“Thương người thì khó đến thân”
Bà Ngọc và ông Thái Phục Thành có ba con trai thì con trai lớn bị bệnh bẩm sinh, không thể tự chăm sóc bản thân mình. Bởi vậy bà Ngọc phải ở nhà vừa làm nội trợ vừa chăm con, công việc kiếm tiền một mình ông Thành lo toan.
Gần ba năm trước, thấy hoàn cảnh của bà vất vả, một người quen của bà mới hỏi bà có muốn giữ trẻ để kiếm thêm tiền không? Bà Ngọc hỏi giá tiền người ta có thể trả cho bà là bao nhiêu, rồi hai ông bà đồng ý với mức trông trẻ 3 triệu đồng/tháng.
Thế rồi đứa trẻ 2 tháng tuổi được mẹ nó giao cho vợ chồng bà Ngọc. “Khi đó, tui nghĩ mình ở nhà chăm con lớn, ông xã đã nghỉ hưu thì nhận thêm trẻ về chăm để lấy tiền thuốc men cho con” – bà Ngọc thở dài khi nhớ về những ngày đầu tiên bà nhận bé V. về trông.
Và đứa trẻ ở với bà từ bấy đến nay đã 32 tháng.
“Mẹ nó thỉnh thoảng mới đến thăm, mà vợ chồng tui và bà con lối xóm đâu biết mẹ nó làm gì. Thỉnh thoảng cuối tuần mẹ nó qua đưa lon sữa hoặc mấy đồ dùng cho bé. Khi bé được khoảng 15 tháng, bỗng nhiên bẵng đi không thấy mẹ nó tới, mà bé bệnh, tui gọi hoài không ai nghe máy. Rồi vài tuần sau mới có người thân của bé đến nhà nói mẹ nó vi phạm pháp luật, bị công an bắt rồi”.
Vợ chồng ông Thành nghe mà tưởng như chuyện hoang đường, đã chăm nuôi một đứa con trai bệnh tật phải thuốc men quanh năm, giờ thêm tiền sữa cho đứa trẻ nữa thì vợ chồng con cái lấy gì sống?
Bà nghĩ đến việc giao lại cho những người họ hàng của nó. Nhưng sau khi chữa bệnh cho em bé khỏi, nhìn nó lon ton đi lại trong nhà, quấn lấy ông bà không rời nửa bước, bà lại mủi lòng.
“Với lại, sau đó tui tìm hiểu biết ông bà ngoại nó không còn, ba con bé cũng vi phạm pháp luật mà đi tù, dì và cậu của bé rất khó khăn, không thể nào nuôi nấng được bé” – giọng bà Ngọc chùng xuống.
Bà con lối xóm hẻm 198 đường Gia Phú, P.1, Q.6 quá quen với bé con xinh xắn đang tập nói.
“Họ động viên tui người ta làm việc phước bằng đi lễ chùa, làm từ thiện, vậy mình nuôi đứa bé này tiếp coi như phúc phận của mình” – bà kể. Thế là đứa trẻ ở lại với sự đùm bọc của vợ chồng ông Thành và bà con lối xóm.
“Ai cũng thương con bé hết, mà nó cũng dễ thương, ngoan lắm. Nhưng tội nhất là khi nó hỏi: mì mì (mẹ) đâu rồi bà ngoại? Tui nói tránh với cháu là mẹ đi làm để lấy tiền mua sữa cho con” – bà nói.
Để bù đắp tiền học, tiền sữa cho bé con, ông bà nhận làm thủ công bulông tại nhà. Cứ lắp xong 100 cái bulông rồi vô túi thì được trả 8.000 đồng. Vợ chồng làm từ 8g-20g mỗi ngày cũng được 80.000 đồng.
“Làm ở nhà để còn chăm đứa con lớn, sống tằn tiện chút chút mà thấy bé con vui khoẻ ngoan ngoãn là được. 60 tuổi rồi, lại nuôi trẻ mọn” – ông Thành nói thế.
Bây giờ con bé đã 34 tháng tuổi và bắt đầu làm quen với lớp mẫu giáo. Ngoài giờ đến lớp con bé bám riết lấy bà, miệng líu lo “bà ngoại, bà ngoại”. Nhưng đang vui nó cũng hoảng hốt ngay khi thấy có người lạ.
“Chẳng hiểu sao nó rất sợ bị bắt, có lần vào thăm mẹ nó hỏi: Sao mẹ không về? Mẹ nó phải nói dối là ở lại làm việc. Nhưng con bé lanh lắm, dường như hiểu nên rất sợ người lạ, rất sợ bị bắt đi” – bà Ngọc giải thích hành động chạy tọt vào trong phòng khi khách chìa tay ra muốn ẵm nó.
Hơn 30 năm chăm con bệnh
Gia đình bà Ngọc không khá giả nhưng căn nhà ngăn nắp và vô cùng sạch sẽ. Qua gian ngoài tầng trệt – nơi ông bà để những túi bulông ốc vít gia công thuê – là cầu thang dẫn lên lầu 1, nơi con trai lớn đang chơi một mình với mấy thìa nhựa.
Dù trên giấy khai sinh người đàn ông ấy đã 34 tuổi nhưng vẫn phải mặc áo cài khuy ngược.
“Cài khuy phía trước em nó tự cởi ra rồi vứt đi, không mặc. Lớn thế này rồi mà chẳng biết gì, ba mươi mấy năm nay tôi không dám đi đâu xa nhà một ngày” – bà Ngọc phân trần khi vạch áo chỉ những vết sẹo trên người, trên đầu mà anh P. đã tự gây cho mình khi mẹ mải nấu cơm dưới tầng trệt.
Hơn 30 năm được sinh ra cũng là ngần ấy năm con trai bà Ngọc có nhận thức chỉ như đứa trẻ. Anh không biết tự xúc ăn, không biết đi vệ sinh đúng chỗ.
Ôm con trai gầy gò và ngô nghê vào lòng, bà nói: “Lúc 19 tháng tuổi cháu lên cơn co giật, tui ẵm con đến bác sĩ, bác sĩ hỏi có tiền không, tôi không có tiền, liền rút chiếc nhẫn cưới ở tay mang đi bán rồi mua thuốc cho bác sĩ chích. Nhờ mũi thuốc ấy mà cháu sống tới giờ”.
Giờ mỗi tháng ông bà lại dắt bé V. lên trại Chí Hoà hai lần cho bé gặp mẹ.
“Ban giám thị trại cũng thông cảm, dù biết tui không phải là người thân thích gì của cháu nhưng vẫn có tên trong danh sách thăm nuôi.
Tui đưa cháu lên để mẹ con cháu được trò chuyện, để nó không quên mẹ. Sắp tới mẹ nó phải chuyển trại đi cải tạo ở đâu đó, không biết có đưa nó đi được nữa hay không” – ông Thành lo lắng.
Ông Phan Văn Được (tổ trưởng tổ dân phố 28, P.1, Q.6) nói: “Gia đình ông Thành sống rất hòa thuận với bà con lối xóm. Tôi đã làm tổ trưởng dân phố ở đây gần 10 năm nên từng gia đình thế nào tôi nắm cả.
Gia đình họ không làm mích lòng ai hết nên bà con lối xóm ai cũng thương. Mấy năm nay, dù gia đình khó khăn nhưng ông bà vẫn nhận nuôi thêm cháu bé bởi hoàn cảnh đặc biệt của cháu. Mỗi khi có dịp, tổ dân phố đều động viên ông bà bởi họ vất vả lắm nhưng vẫn làm việc phúc”.
Mẹ buôn ma tuý nên phải ở tù Ngày 15-7, TAND TP.HCM xử sơ thẩm và đã tuyên phạt Lý Ngọc Mỹ N. (30 tuổi, ngụ P.14, Q.8) 10 năm tù, Đỗ Hoàng Huy (27 tuổi, ngụ P.9, Q.6) 9 năm tù và Lê Quang Sơn (27 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) 7 năm tù cùng về tội mua bán trái phép chất ma tuý. Lý lịch bị cáo cho thấy N. có chồng đang thụ án tù và hai con, một đứa ở với bà nội, một đứa đang nhờ hàng xóm nuôi giùm. “Mong hội đồng xét xử tuyên cho bị cáo mức án nhẹ để bị cáo sớm được về chăm nuôi con cái. Hiện giờ bị cáo đi tù, hai con của bị cáo mỗi đứa mỗi nơi”. Con trai lớn của bị cáo N. được một người thân nuôi nấng, còn con gái nhỏ đang được vợ chồng ông Thành – bà Ngọc cưu mang. Hôm toà xử N., vợ chồng bà Ngọc cũng tới toà. Khi nghe mức án 10 năm tù dành cho bị cáo, bà Ngọc bật khóc. Nghĩa là 10 năm nữa bé V. phải xa mẹ. Cũng chừng ấy năm ông bà phải thay N. nuôi nấng bé V., chờ ngày mẹ nó ra tù. |