16/11/2024

Công bố Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM Thế giới kỳ thứ 14

VATICAN – Sáng ngày 23-6-2015, Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM Thế giới kỳ thứ 14 về gia đình đã được công bố. Văn kiện này gồm phần nhập đề và kết luận, được chia làm 3 phần: trước tiên là lắng nghe những thách đố về gia đình trong Giáo Hội và xã hội ngày nay; tiếp đến, phần 2 trình bày sự phân định về ơn gọi của gia đình; sau cùng, phần 3 nói về sứ mạng của gia đình ngày nay.

Công bố Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM Thế giới kỳ thứ 14
 
VATICAN – Sáng ngày 23-6-2015, Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM Thế giới kỳ thứ 14 về gia đình đã được công bố.

Thượng HĐGM sẽ tiến hành từ ngày 4 đến 25-10 năm nay với chủ đề “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay”.

Chủ toạ cuộc họp báo là ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng Thư ký Thượng HĐGM, cùng với ĐHY Peter Erdoe, TGM Erztergom-Budapest, Hungari, Tổng Tường trình viên, và Đức cha Bruno Forte, Tổng Thư ký đặc biệt và cũng là TGM Giáo phận Chieti Vasto, Italia.

ĐHY Baldisseri đã gợi lại tiến trình soạn thảo Tài liệu làm việc, sẽ được dùng làm căn bản cho các cuộc thảo luận trong Công nghị GM Thế giới về Gia đình. Tài liệu được soạn dựa trên các bản trả lời 46 câu hỏi gợi ý do Văn phòng gửi đến các nơi liên hệ trên thế giới. Tổng cộng Văn phòng Tổng Thư ký Thượng HĐGM đã nhận được 99 bản trả lời của các HĐGM, các Giáo hội Công giáo Đông phương tự quản, các cơ quan trung ương Toà Thánh và Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền Dòng Nam.

Ngoài ra, có 359 nhận xét khác do các giáo phận, giáo xứ, hiệp hội và các tín hữu từ các nơi gửi về. Dựa vào các ý kiến đó, Tài liệu làm việc đã được soạn thảo. Và trong phiên họp ngày 25 và 26-5 vừa qua, dưới quyền chủ tọa của ĐTC, dự thảo Tài liệu làm việc đã được thông qua.

Văn kiện này gồm phần nhập đề và kết luận, được chia làm 3 phần: trước tiên là lắng nghe những thách đố về gia đình trong Giáo Hội và xã hội ngày nay; tiếp đến, phần 2 trình bày sự phân định về ơn gọi của gia đình; sau cùng, phần 3 nói về sứ mạng của gia đình ngày nay. Tổng cộng có 147 đoạn.

Tài liệu này không đi từ số không, nhưng lấy lại trọn bộ tài liệu chung kết của Thượng HĐGM Thế giới khoá đặc biệt hồi tháng 10 năm ngoái và khai triển, bổ túc bằng những góp ý của các HĐGM, các Giáo hội Công giáo Đông phương, các cơ quan trung ương Toà Thánh và nhiều thành phần khác trong cộng đồng dân Chúa.

 Tài liệu làm việc này bao gồm tất cả các đoạn của bản tường trình chung kết của Thượng HĐGM năm ngoái, kể cả các đoạn số 52, 53 và 55 gây tranh luận nhiều nhất liên quan đến việc chấp nhận cho các cặp ly dị tái hôn dân sự được rước lễ, đề nghị cho những cặp đồng tính luyến ái được rước lễ thiêng liêng. Bản tường trình đó tái khẳng định tầm quan trọng của gia đình dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, nêu bật những khía cạnh tích cực, nhưng cũng nói đến sự cần thiết phải có thái độ kiên nhẫn và tế nhị đối với những gia đình bị thương tổn. Bản văn cũng nhấn mạnh rằng những cặp đồng phái không thể coi như tương đương với hôn nhân giữa người nam và người nữ, và không thể chấp nhận những sức ép gây ra cho các GM về điểm này. Những điểm kế tiếp nói về mong ước các vụ án xin xác nhận hôn nhân vô hiệu được tiến hành miễn phí, vấn đề nhận con nuôi, lời báo động về nạn dâm ô, sự sử dụng sai trái các mạng internet, sau cùng là quan tâm đến phụ nữ và trẻ em nạn nhân bị khai thác tình dục.

Một số đề nghị trong Tài liệu làm việc  

Tuy văn kiện này không có giá trị quyết định và chỉ là tài liệu để thảo luận, nhưng người ta cũng thấy được hướng đi được các HĐGM Thế giới đề nghị:

– Các cặp đồng phái không thể coi như tương đương với hôn nhân giữa người nam và người nữ và không thể chấp nhận những sức ép gây ra cho các GM về điểm này.

Tài liệu đưa ra những nhận xét về phẩm giá người già và người tàn tật, đồng thời nói đến nền mục vụ chuyên biệt cho các gia đình di cư.

Văn kiện nêu bật tầm quan trọng của gia đình như một dụng cụ giúp con người hội nhập vào xã hội, nhất là những thành phần yếu thế như những người goá, người già, người khuyết tật. Họ cần được nâng đỡ chống lại những hình thức coi rẻ, lên án hoặc những thành kiến.

– Tài liệu làm việc đề cập đến vai trò của phụ nữ và đề cao vai trò của họ trong Giáo Hội. Văn kiện nhắc đến những tình cảnh đau thương: phụ nữ bị bóc lột, hãm hiếp, bạo hành, phải phá thai hoặc bị cưỡng bách tuyệt sản, nạn mang thai mướn, thị trường buôn bán trứng và tinh trùng, ước muốn có con với bất kỳ giá nào. Tài liệu làm việc cầu mong vai trò của phụ nữ được Giáo Hội đánh giá cao hơn, để phụ nữ cũng được tham gia vào các tiến trình quyết định trong Giáo Hội, tham gia vào việc cai quản một số tổ chức.

– Tài liệu nhấn mạnh: Bí tích Hôn Phối là bất khả phân ly. Đặc tính này chính là một hồng ân chứ không phải là cái ách áp đặt trên con người.

Văn kiện nhấn mạnh một sự cấp thiết cơ bản là thăng tiến gia đình như một chủ thể loan báo Tin Mừng, để gia đình làm chứng về Tin Mừng. Từ đó, Văn kiện kêu gọi canh tân chương trình giáo lý về gia đình, để cộng đoàn Kitô không phải là là một cơ quan cung cấp dịch vụ, nhưng là một nơi tăng trưởng trong hành trình đức tin.

– Giáo Hội phải tháp tùng những giai đoạn khó khăn đau khổ của các đôi vợ chồng, giúp tránh những đối nghịch tai hại, đổ vỡ giữa hai bên, với những hậu quả gây ra cho con cái.

– Đứng trước sự áp đặt những kiểu mẫu trái ngược với lập trường Kitô giáo về gia đình, như đang xảy ra trong lĩnh vực tính dục, cần cống hiến những chương trình huấn luyện thích hợp, quyết liệt bênh vực quyền của các nhà giáo dục được phản kháng lương tâm, không bị bó buộc phải dạy những điều trái lương tâm của họ.

 Tài liệu làm việc kêu gọi các tín hữu Kitô dấn thân trong chính trị và xã hội hãy bảo vệ gia đình. Các tín hữu Kitô phải dấn thân trực tiếp trong bối cảnh xã hội chính trị. Cần canh tân việc mục vụ gia đình, kiến tạo một sự hợp lực tốt đẹp hơn với các lĩnh vực mục vụ khác như giới trẻ, huấn giáo, các hội đoàn, để chương trình mục vụ bao gồm tất cả các giai đoạn của cuộc sống.

– Về những cặp nam nữ sống chung mà không kết hôn, Tài liệu làm việc cổ vũ sự tháp tùng các cặp ấy để họ tiến đến sự sung mãn về bí tích.

 Tài liệu làm việc nhấn mạnh đến sự tha thứ là kinh nghiệm cơ bản trong gia đình và nhắc nhớ rằng trong trường hợp có sự phản bội trong hôn nhân, thì cần có một sự sửa chữa, để hôn ước đã bị vi phạm có thể được tái lập.

Về sự thất bại của hôn nhân, Tài liệu làm việc khẳng định rằng cần có sự phân định khôn ngoan và từ bi.

Có 2 thái độ khác nhau: một là khuyến khích những ngừơi sống trong tình trạng không phải là hôn nhân hãy đi theo con đường trở về; hoặc là mời gọi những người ấy hãy nhìn về đằng trước và tái lên đường. Dầu sao sự tháp tùng như thế cần được thực hiện với sự phân định khôn ngoan và từ bi.

Một số người cũng yêu cầu Giáo Hội tỏ ra có thái độ tương tự đối với những người đã vi phạm giao ước hôn nhân. Trong viễn tượng này, người ta nhấn mạnh đến sự cần thiết phải huấn luyện các linh mục thi hành sứ vụ an ủi và săn sóc các gia đình bị thương. Đồng thời, Giáo Hội phải quý chuộng và nâng đỡ những người không tái hôn khi bị ly dị và tiếp tục trung thành với dây hôn phối.

– Liên quan đến các vụ án giải hôn phối: thủ tục miễn phí và bỏ qua quy luật phải có hai án lệnh đồng nhất thì mới được tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Tài liệu làm việc ghi nhận có sự đồng ý của nhiều người về vấn đề này. Không cần phải có 2 án lệnh do hai cấp toà án tuyên bố, nhưng vị bảo hệ hoặc một trong hai bên liên hệ vẫn có thể kháng án. 

Có sự đồng ý rộng rãi về việc có thể tiến hành một vụ án hôn phối đơn sơ, trong trường hợp thấy có sự vô hiệu tỏ tường. Ngoài ra, cần gia tăng và tản các toà án hôn phối có nhiều nhân sự có khả năng.

– Về những người li dị tái hôn, văn kiện nhấn mạnh rằng cần phải xét lại những hình thức loại trừ hiện nay đối với họ trong lĩnh vực phụng vụ và mục vụ, giáo dục và từ thiện, để những tín hữu ấy không ở ngoài Giáo Hội: cần suy nghĩ về việc loại bỏ những sự loại trừ ấy. Nhưng những con đường hội nhập mục vụ phải có sự phân định thích hơp đi trước và được thực hiện theo luật tiệm tiến, tôn trọng sự trưởng thành của lương tâm.

Về việc cho những người ly dị tái hôn được rước lễ, người ta đồng ý về giả thuyết thực hiện một con đường thống hối, dưới quyền một GM, dựa trên sự thống hối, kiểm điểm xem hôn phối có thành sự hay không và sự quyết định sống tiết dục. Một số người khác nói đến một tiến trình minh định và định hướng mới, trong đó đương sự được một linh mục đồng hành.

– Sau cùng, tuy Giáo Hội tiếp tục mạnh mẽ chống lại hôn phối đồng phái, Tài liệu làm việc khẳng định rằng “mỗi người, bất luận họ có xu hướng tính dục thế nào, đều phải được tôn trọng trong phẩm giá và được đón nhận, với sự nhạy cảm và tế nhị, trong Giáo Hội và xã hội. Tài liệu làm việccầu mong có những dự án mục vụ đặc biệt cho những người đồng tính luyến ái và gia đình họ”.