27/11/2024

CN XII TN – B 2015: Tương quan huynh đệ với vạn vật

Suy nghĩ về mối tương quan với vũ trụ vạn vật sẽ giúp chúng ta bắt chước Chúa Giêsu làm cho gió yên biển lặng để đem lại bình an và hạnh phúc cho con người.

      

Tương quan huynh đệ với vạn vật

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh của Chúa Nhật 12 Thường Niên này mời gọi chúng ta suy nghĩ về mối tương quan của chúng ta với vũ trụ vạn vật, giúp chúng ta bắt chước Chúa Giêsu làm cho gió yên biển lặng (x. Mc 4,35-41) để đem lại bình an và hạnh phúc cho con người.

1. Mối tương quan giữa con người và vạn vật trong lịch sử

Trước hết, chúng ta suy nghĩ về mối tương quan giữa con người và vạn vật trong đời sống. Chúng ta thấy mối tương quan này thay đổi theo những thời kỳ lịch sử khác nhau.

1.1. Thời kỳ bái vật

Ngay từ lúc có trí khôn biết suy tư, con người thấy mình chỉ là một hạt cát, hạt bụi nhỏ bé trong vũ trụ vạn vật vô cùng rộng lớn. Con người cảm thấy yếu đuối và lo sợ. Một tiếng hổ gầm, một tia chớp giật cũng làm họ co rúm người vì sợ hãi. Những chiếc thuyền nan mỏng manh chỉ dám đánh bắt cá ven bờ trước biển rộng bao la vì không thể nào chống nổi sóng to, gió lớn.

Từ nhận thức ấy, con người tôn phong mọi sức mạnh thiên nhiên làm thần thánh và bái thờ vật chất như chúa tể của mình. Nhiều con vật được phong thần vì sức mạnh trổi vượt so với con người: từ Ông Ba Mươi, Chúa Sơn Lâm, Cá Ông…đến các thần Lửa, Thiên Lôi, thần Mặt Trời, thần núi Tản Viên ở Việt Nam, núi Phú Sĩ ở Nhật….

1.2. Thời kỳ huyền thoại

Khi trí khôn con người phát triển, họ nhận ra rằng vạn vật tuy có những sức mạnh khủng khiếp nhưng chúng vô tri vô giác và chỉ là phương tiện để thần linh sử dụng mà thôi. Con người sáng tạo ra các thần thoại để giải thích về sự hiện diện của thần linh và vạn vật. Thần Zớt hay Zeus của người Hy Lạp, thần Jupiter của người Rôma sử dụng sấm chớp làm cung tên để phóng xuống con người. Thần Marx dùng lửa để thiêu đốt trong cuộc chiến tranh. Đất có thổ công, sông có hà bá, mỗi vạn vật đều có thần linh cai quản. Trông thấy vạn vật thì ta phải nhớ và cúng tế thần linh để được an lành, như người đi biển phải cúng tế thần biển.

Từ thời kỳ huyền thoại này, các tôn giáo đa thần xuất hiện: như Bà La Môn giáo ở Ấn Độ, Phật giáo ở nhiều nước Á châu, Lão giáo ở Trung Quốc, Thần đạo ở Nhật Bản… và tôn giáo đa thần ở các dân tộc thiểu số.

1.3. Thời kỳ tôn giáo độc thần

Tinh thần con người càng phát triển thì những kinh nghiệm tôn giáo ngày càng phong phú. Con người cảm nhận được mình có một tinh thần vượt lên trên mọi sức mạnh của thiên nhiên và vật chất. Chính tinh thần ấy có thể điều khiển vạn vật, sai khiến hổ báo, vượt qua bão tố. Từ đó con người nhận ra rằng: ngoài các thần linh như những tinh thần tương đối, còn có một tinh thần tuyệt đối là nguồn của mọi hiện hữu, nguồn của chân thiện mỹ, của hạnh phúc vĩnh hằng và sự sống vô biên. Người ta gọi đấng đó là Ông Trời, là Thiên Chúa, là Tạo Hoá. Con người cũng hiểu rằng vạn vật và con người đều là những thụ tạo được Đấng đó dựng nên do tình yêu và quyền năng của Ngài.

Đó là thời kỳ của các tôn giáo độc thần, trong đó ta thấy có Do Thái giáo với Đức Jêhôva, Kitô giáo với Thiên Chúa, Hồi giáo với Đức Thánh Allah…

1.4. Thời kỳ khoa học phát triển

Song song với sự phát triển của tôn giáo độc thần, tinh thần con người càng ngày càng mở rộng cho những khám phá của khoa học và kỹ thuật từ thế kỷ XVII đến nay. Con người cho rằng vạn vật chỉ là những vật vô hồn và sử dụng khoa học để nghiên cứu chúng, vận dụng những định luật của khoa học tự nhiên để có thể làm chủ thiên nhiên. Con người làm ra cột thu lôi để chế ngự sấm sét nên thần thiên lôi không còn tồn tại, làm ra những chiếc thuyền, tàu thật lớn nên chẳng sợ bão tố và thần biển cũng không còn. Con người đặt chân lên mặt trăng, gửi vệ tinh đến sao Hoả để khám phá không gian nên tinh tú không còn là thần thánh nữa.

Từ đó con người nghĩ rằng chỉ có mình với sức mạnh của khoa học mới thật sự làm chủ vạn vật nên nhiều người bắt đầu tôn thờ chính mình. Thậm chí một số người còn nghĩ rằng chẳng có thần linh nào cả và họ chủ trương sống với thái độ vô thần. Thái độ ấy nhan nhản trong đời sống, nhất là nơi nhiều bạn trẻ Việt Nam được đào tạo trong ý thức hệ vô thần duy vật từ hơn nửa thế kỷ qua. Họ loại bỏ mọi cảm nghiệm về tôn giáo, thần linh, ra khỏi đời sống, tạo nên biết bao căng thẳng trong cuộc đời, dẫn đến nhiều tội ác ghê tởm trong xã hội.

Ý thức được nguy cơ này nên nhiều nhà lãnh đạo đất nước đang thúc đẩy một phong trào cổ vũ cho những lễ hội tôn giáo khắp nơi, coi tôn giáo như là hình thức tối thượng của văn hoá vì cổ vũ con người sống theo chân thiện mỹ. Ở Việt Nam một năm có đến 5.000 lễ hội với đủ các loại thượng vàng hạ cám: từ những hình thức tốt đẹp đến những hình thức lạm dụng tôn giáo, mê tín, bạo động. Nhưng điểm mấu chốt của vấn đề là người ta vẫn chưa giải thích được mối tương quan của vạn vật với con người.

2. Tương quan đích thực giữa con người và vạn vật

Hôm nay, cùng với Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi nhìn lại mối tương quan thật sự giữa con người với vạn vật vì chỉ có Kitô giáo mới nói rõ cho chúng ta về mối tương quan ấy.

2.1. Tương quan huynh đệ.

Qua mạc khải của Thánh Kinh, chúng ta hiểu rằng chỉ có một Thiên Chúa đã tạo nên mọi loài trong vũ trụ này nên con người và vạn vật là những thụ tạo của Ngài. Chúa Giêsu còn dạy cho chúng ta hiểu rằng vị Chúa trời đất đó cũng là Cha chung của muôn loài. Vì yêu thương, Ngài dựng nên muôn loài để chia sẻ tất cả những gì tốt đẹp của mình và muốn chúng sống hoà thuận yêu thương nhau trong một đại gia đình của con cái Thiên Chúa như Adam và Eva ngày trước (x. HTXHCG, số 20, 26,31, 452).

Con người gắn bó với vạn vật như những anh chị em bởi vì cùng có chung người Cha Trên Trời. Ngoài các thiên thần là những tinh thần tinh ròng, vạn vật và con người có chung chất liệu vật chất là bụi đất. Có thể nói: con người với vạn vật có mối quan hệ mật thiết và gần gũi với nhau. Cả hai hoà nhập vào nhau trong tình yêu và sự kết hợp kỳ diệu của Thiên Chúa. Từng giây từng phút con người hít khí oxy vào mình và thở khí carbonic ra. Khí oxy đó do những cây cối quanh ta toả ra cho chúng ta sống; đồng thời khí carbonic mà chúng ta thở ra được chúng tiếp nhận vào để hình thành nên cơ thể sống của chúng. Qua đồ ăn, thức uống hằng ngày, con người và vạn vật gắn bó với nhau như thể anh em một nhà.

2.2. Tương quan cứu độ

Khi con người cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa, loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống của mình thì con người cũng cắt đứt mối tương quan thuận thảo với vạn vật:  vì thế đất đã sinh ra gai góc, hạn hán, bão tố, lụt lội, thú dữ…Chúng là những phản kháng của vạn vật đối với người anh lớn là con người, khiến chúng không còn được chia sẻ sự sống vĩnh hằng, tốt đẹp của Cha Trên Trời ban cho muôn loài. Thánh Phaolô đã nói rằng: vạn vật rên siết phải chịu chung sự hư ảo do tội lỗi của con người gây ra (x. Rm 8,20-22). Ngài mời gọi chúng ta hôm nay hãy trở thành những “thọ tạo mới trong Đức Kitô” (x. 2 Cr 5,14-17).

Vì thế, Cha Trên Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã sai Con Một của Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người để muôn loài có thể tìm thấy ơn cứu độ (x. Ga 3, 16). Người Con đó đã tự nguyện chết thay cho tất cả để cứu độ muôn loài. Khi Người gục đầu tắt thở trên thập giá, trời đất tối sầm lại, trái đất rung động, mồ mả bật tung, nhiều vị thánh xuất hiện chứng tỏ Thiên Chúa đã cứu độ con người (x. Mt 28,4554; GHXHCG, số 454-455).

2.3. Thể hiện mối tương quan huynh đệ trong đời sống

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy thay đổi quan điểm, đừng nhìn vạn vật như những thứ vô tri vô giác mà là những đứa em nhỏ trong đại gia đình Thiên Chúa và gắn bó với chúng một cách mật thiết nhờ sự hiểu biết và tình yêu. Khi chúng ta dùng tinh thần để tìm hiểu qua những khoa học tự nhiên và yêu mến vạn vật thì chúng trở thành những người em nhỏ thuận thảo với con người (x. GHXHCG, số 456-460). Chính ngôi sao mà chúng ta tưởng là vật vô tri vô giác đã dẫn đường cho các vị đạo sĩ tìm đến Hài Nhi Giêsu.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, bão tố, sóng to, nước dữ có thể làm cho con người sợ hãi nhưng Chúa Giêsu dạy cho con người hiểu rằng: khi chúng ta yêu thương, gắn bó với chúng thì chúng ta có thể điều khiển chúng, bảo chúng im đi, lặng đi và chúng vâng theo chúng ta, cũng giống như những tấm bánh, con cá mà Chúa Giêsu truyền nhân thừa ra để mang lại no ấm, sự sống cho mọi người. Chúng ta là người anh lớn, chị lớn của vạn vật mà Cha trên Trời đã giao phó chúng cho ta cai quản như những người em trong Chúa Giêsu Kitô. Những phép lạ đó không phải là hoang đường, vì đời sống của nhiều thánh nhân đã chứng minh điều đó.

Lời kết

Vì thế, chúng ta hãy nhìn lại thái độ của chúng ta đối với vạn vật quanh mình để tìm hiểu và yêu thương chúng một cách cụ thể. Ta sẽ thấy môi trường sống của ta trong lành, tốt đẹp hơn nhiều (x. GHXHCG, số 486).