Chúa Nhật XI TN – B 2015: Nước của sự thật và sự sống
Từ những thí dụ về đời sống nông nghiệp, Đức Giêsu giới thiệu mầu nhiệm Lời Chúa và mầu nhiệm Nước Chúa để chúng ta hy vọng và dấn thân trong công cuộc tân Phúc Âm hoá.
Nước của sự thật và sự sống
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm về mầu nhiệm Nước Trời qua hai dụ ngôn ngắn gọn của Đức Giêsu: dụ ngôn hạt giống mọc lên một mình và dụ ngôn hạt cải. Từ những thí dụ về đời sống nông nghiệp, Đức Giêsu giới thiệu mầu nhiệm Lời Chúa và mầu nhiệm Nước Chúa để chúng ta hy vọng và dấn thân trong công cuộc tân Phúc Âm hoá.
1. Ý nghĩa các dụ ngôn
1.1. Hạt giống tự nảy mầm
Trong dụ ngôn đầu, hạt giống tự mình lớn lên. Chúng ta chú ý tới sức mạnh tiềm ẩn trong hạt giống và chất lượng đất mà hạt giống gieo vào. Cả hai làm cho người nông dân an tâm để thấy hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên dù người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, từ đó người ta hy vọng vào mùa lúa tốt đẹp để hằng ngày vui vẻ lao động chăm chỉ trên đồng ruộng của mình. Nếu người nông dân không an tâm về hạt giống, sợ rằng đó là loại giống giả, giống xấu hay không chắc chắn về loại đất mình gieo trồng thích hợp với giống, thiếu chất đạm, chất lân, chất vôi… thì họ sẽ lo lắng và không chắc chắn về kết quả thu hoạch.
Dụ ngôn này nhắc nhở chúng ta về mầu nhiệm sáng tạo của Chúa Cha và mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa Con. Chính Chúa Cha đã dựng nên tất cả: từ hạt giống đến đất trời, từ hạt mưa, giọt nắng đến chính người nông dân để đặt họ vào thế giới này do tình yêu quảng đại của Ngài. Ngài muốn họ tiếp tục công trình sáng tạo mình đã khởi đầu bằng những lao động trong đời sống thường ngày để chia sẻ cho muôn loài sự no đủ, giàu sang, hạnh phúc. Trong bài đọc I (x. Ed 17,22-24), vị tiên tri nhắc nhở ta rằng chính Thiên Chúa là Tạo Hoá dựng nên tất cả, làm cho cây cối mọc lên xanh tươi, trổ hoa kết trái giống như cây bá hương Ngài đặt trên núi cao. Ơn sáng tạo được Chúa Cha ban phát rộng rãi cho mọi người y như Ngài đã giao cả trái đất này cho toàn thể nhân loại để tất cả cùng chung sức xây dựng thành mái ấm thay vì giành giật chiếm hữu làm của riêng cho 1 dân tộc như chúng ta thấy đang xảy ra căng thẳng ở nhiều nơi trên thế giới.
Chúa Con là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, Người đưa sức mạnh của Lời Chúa để thiết lập nên Nước Trời, “nước của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công lý, tình yêu và hoà bình”. Tất cả những giá trị tốt đẹp ấy Người đặt vào lòng con người như gieo mầm hạt giống để chúng phát triển, tạo nên niềm vui và hạnh phúc cho con người bất kể con người có ý thức hay không. Nếu con người biết cộng tác với ơn Chúa, cố gắng học hành, làm việc chăm chỉ như người nông dân, họ chắc chắn sẽ gặt được mùa lúa dồi dào. Như thế, ơn cứu độ được ban phát rộng rãi cho tất cả mọi người chứ không riêng cho một tôn giáo nào. “Đó là ơn cứu độ phổ quát và toàn diện, nghĩa là nó liên quan đến con người trong hết mọi chiều hướng: chiều hướng cá nhân lẫn xã hội, thể lý lẫn tâm linh, lịch sử lẫn siêu việt” (x. Giáo huấn Xã hội Công giáo, số 38).
1.2. Dụ ngôn hạt cải
Dụ ngôn thứ hai mời gọi chúng ta suy nghĩ về sự tương phản giữa hạt giống bé xíu là hạt cải và cây rau lớn mọc lên từ đó, đến nỗi chim trời có thể trú ẩn dưới bóng của nó. Dụ ngôn nhắc nhở về hoạt động kỳ diệu phi thường của Thiên Chúa ẩn chứa trong sự nhỏ bé bên ngoài hầu như chẳng có gì của con người.
Nước Thiên Chúa cũng giống như thế: con người giống như hạt cải nhỏ bé, bất toàn, yếu đuối, nhất là đối với những ai ý thức về mình, không tin tưởng vào sức mạnh, tài năng, phương tiện của mình nhưng lại tin cậy vào sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa. Họ sẽ thấy tác động của Thiên Chúa, cùng với ân sủng và phương tiện Ngài trao, để thấy con người họ trở thành phi thường, toả sáng, mang lại niềm vui, bình an và ơn cứu độ đến cho mọi người như cây rau lớn cho chim trời ẩn trú.
2. Ý nghĩa của dụ ngôn trong đời sống hiện tại
Chúng ta được mời gọi suy nghĩ về ý nghĩa của dụ ngôn trong đời sống hiện tại.
2.1.Con người ngày nay chỉ tin tưởngvào mình hơn vào Chúa
Cuộc sống của chúng ta ngày nay đã thay đổi rất nhiều nhờ những tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Trước kia, hầu như người nông dân hoàn toàn tin tưởng vào Trời: “mưa nắng ơn Trời” và cầu mong mưa thuận gió hoà để mùa màng tốt đẹp, qua câu đồng dao: “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp…”
Còn ngay nay, người ta có thể làm ra mưa nhân tạo, làm ra hạt giống nhân tạo trong các phòng thí nghiệm, cấy mô, áp dụng cấy trồng trong những nhà kính với đèn điện chiếu sáng, bằng những hệ thống tưới tiêu hiện đại, phun thuốc trừ sâu nên bảo đảm mùa thu hoạch kết quả. Vì thế người ta nghĩ rằng con người có thể làm ra tất cả, chẳng cần trông cậy vào Trời. Ý thức về một Đấng Tạo Hoá ban phát mọi thứ cho con người bị chê trách là lạc hậu, mê tín, phản khoa học, xúc phạm đến con người. Người ta cổ vũ cho một nền văn hoá vô thần và duy vật để giải phóng con người khỏi mọi ràng buộc của tôn giáo.
Nhưng kết quả là con người không giàu có hơn, sung sướng hơn an toàn hơn. Người nông dân luôn lo sợ trồng phài giống giả. Người khách hàng luôn sợ ăn phải rau trồng có thuốc tăng trưởng hay dư lượng thuốc trừ sâu còn đọng lại trong nông sản. Báo chí sáng Chủ Nhật hôm nay, ngày 7/6/2015, cho biết ở Ninh Thuận hạn hán đã lên đến đỉnh điểm 40 năm. Thay vì những giá trị của Nước Chúa như sự thật, sự sống, công bình, tình yêu…người ta chỉ thấy dối trá, chết chóc, bất công và hận thù là những điều đi ngược với Nước Trời!
Tuần trước, từ 30/5 đến 5/6/2015, tôi giúp tĩnh tâm cho các nữ tu Đa Minh Rosa Lima ở vùng Lạc Lâm, Đà Lạt, nên có dịp hiểu thêm chút ít đời sống nông nghiệp, tôi cảm thấy sự bất an, sợ hãi đó không phải là thiếu bằng chứng. Một người nông dân nói với tôi: cây tỏi (hành boarô) ở vùng Lạc Lâm được vận chuyển bằng máy bay rất tốn tiền, 14.000đ/ký và được phân phối nhiều nơi. Ở Hà Nội, bạn hàng mua những cây tỏi ngắn ngắn đó và nhúng vào hoá chất là hôm sau chúng dài gấp đôi. Tiền chuyên chở chỉ còn một nửa và người ta vẫn vui vẻ ăn những cây tỏi độc hại đó.
Chính khi nghĩ rằng tự mình làm nên những sản phẩm đó, con người cho rằng mình làm chủ tất cả sở hữu, muốn cho ai thì cho, không cần chia sẻ cho ai vì thế mới có cảnh: “kẻ ăn không hết, người lần không ra” với 18 triệu người Việt Nam không kiếm nổi 20.000đ/ngày trong khi thiểu số giàu có vẫn nhởn nhơ sản xuất hàng độc hại, tham nhũng, bóc lột người khác để có tiền đi du lịch, ăn chơi phung phí, không còn coi người khác là “đồng bào”, là anh chị em của mình. Nếu kéo dài tình trạng này, tự dân tộc ta tiến dần đến sự suy vong mà thôi.
2.2. Tân phúc Âm hoá giáo xứ và cộng đoàn
Trong tháng trước, 1 xứ đạo ở vùng Tùng Nghĩa, Đà Lạt vì bị ép giá khoai tây nên cha xứ đã chở thẳng khoai xuống Sài Gòn nhờ một vài cha bạn hô hào giáo dân trong xứ mua giúp. Kết quả là các giáo dân ấy đã cứu được giáo dân xứ đạo trên Tùng Nghĩa khỏi phá sản và còn được lời để sản xuất vụ mùa sau. Thí dụ này nhắc nhở người Công giáo Việt Nam có thể làm được nhiều điều tốt đẹp để cứu dân tộc nếu chúng ta tích cực hơn.
Trong dịp giúp thường huấn cho 180 anh em linh mục và thầy sáu của giáo phận Đà Lạt từ ngày 9/6 đến 11/6/2015, chúng tôi giới thiệu cách hành động của anh chị em Công giáo Hàn Quốc. Các doanh nhân Công giáo Hàn Quốc ở thành phố góp vốn lập ra các siêu thị để mua trực tiếp nông sản của nông dân Công giáo, cho họ vay vốn với lãi xuất thấp, hô hào các kỹ sư Công giáo về miền quê hướng dẫn các nuôi trồng nông sản, hải sản, thuỷ sản. Nhờ vậy nông sản, hải sản vừa bản đảm an toàn, giá lại rẻ hơn nên ai cũng muốn mua hàng của người Công giáo. HIện nay, Hàn Quốc là nước tiêu biểu cho công cuộc Tân Phúc Âm hoá: chỉ trong vòng có 60 năm, từ 1% vào năm 1949, đến nay đã có hơn 33% dân số trong nước tin theo Đức Giêsu Kitô. Người Công giáo Hàn quốc chứng minh rằng theo Đức Giêsu là họ giàu có, thông minh, xinh đẹp và đạo đức vì Chúa là nguồn chân thiện mỹ và Nước Trời là tất cả những giá trị ấy.
Lời kết
Qua hai dụ ngôn về mầu nhiệm về Nước Trời và Lời Chúa hôm nay, chúng ta như được mời gọi để thấy mình cần phải trở lại với lòng tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa Tạo Hoá và Chúa Giêsu Cứu Thế để xây dựng Nước Trời cho mọi người mọi vật quanh mình.