Lễ Mình Máu Thánh Chúa B – 2015: Giao Ước mới trong Mình Máu Chúa Kitô
Nhiều tín hữu lên rước lễ nhưng lại quên giao ước họ ký kết nên không thể nào phát huy những hiệu quả kỳ diệu của giao ước!
Giao Ước mới trong Mình Máu Chúa Kitô
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Chủ đề cho lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B là Giao Ước. Tất cả các bài đọc như mời gọi chúng ta suy nghĩ về giao ước mới mà Chúa Giêsu đã thiết lập trong Mình và Máu Thánh Người. Trong ít phút này chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về giao ước ấy.
1. Giao ước mới
1.1. Giao ước là gì?
Giao là có mối quan hệ với nhau, ước là những quy định về quyền lợi và trách nhiệm để hai bên chiếu theo đó mà thi hành (x. Gs 9,11-15; 1Sm 11,1). Trong tiếng Do Thái, giao ước gọi là berith. Đó là một hiệp định mà hai bên ký kết với nhau những điều khoản phải tuân giữ để thể hiện mối tương quan mật thiết với nhau.
Trong những giao ước quan trọng của dân Do Thái luôn luôn có máu (x. St 15,9-10. 17-21: Gr 34,18), nghĩa là một hiệp định mà hai bên ký kết với nhau bởi những con vật được xẻ đôi và hai bên đi vào giữa hai phần xẻ đôi đó để bảo đảm mỗi bên phải tuân giữ và nếu không tuân giữ sẽ bị huỷ diệt, chết chóc, như những con vật được sát tế. Một phần máu được rảy lên mỗi bên. Phần thịt con vật được sát tế sẽ trở thành lương thực được chia sẻ cho cả hai bên. Phần lễ vật dâng cho Thiên Chúa sẽ được thiêu đốt như của lễ toàn thiêu, phần máu dành cho Chúa được rảy trên bàn thờ tượng trưng cho Thiên Chúa. Đôi khi Chúa hiện ra chứng tỏ đã nhận của lễ bằng cách cho thiên sứ đến thiêu đốt của lễ kính dâng Ngài như trong truyện về Ghêđêon (x. Tl6,19-21), về Samson (x. Tl 13,20) về tiên tri Elia (x. 1V 18,20-38).
Ở Việt Nam, thỉnh thoảng chúng ta thấy có những nhóm người ký kết, hứa hẹn với nhau bằng máu tương tự như dân Do Thái xưa nên người ta gọi là “uống máu ăn thề”.
1.2. Giao ước cũ và mới
Trong lịch sử dân Do Thái, chúng ta thấy có nhiều giao ước giữa Thiên Chúa với con người: từ giao ước với dấu chỉ cầu vồng thời ông Noe (x. St 8,20-22), hoặc giao ước với dấu chỉ cắt bì thời ông Abraham (x. 17,1-27) hay với máu chiên vượt qua thời ông Môsê (x. Xh 19,15-24,12). Tất cả được gọi là giao ước cũ hay Cựu Ước so với giao ước mới hay Tân Ước được Chúa Giêsu Kitô lập bằng chính máu của Người trên bàn thờ thập giá.
Bài đọc I (x. Xh 24,3-8) diễn tả việc ký kết giao ước giữa Thiên Chúa với dân tộc Do Thái: Chúa hứa chọn dân Do Thái là dân riêng của Ngài, bảo vệ, gìn giữ và ban muôn ơn lành cho họ. Đó là nhiệm vụ của Thiên Chúa và đồng thời cũng là quyền lợi của dân tộc Do Thái. Còn dân tộc Do Thái cũng hứa rằng chỉ tôn thờ Ngài là Thiên Chúa duy nhất chứ không có thần linh nào khác, sẽ giữ những điều luật của Chúa, cụ thể là 10 điều răn được ghi trong “cuốn sách giao ước” để họ nhận được sự bảo vệ và những ân phúc của Thiên Chúa. Sau đó là nghi thức rảy máu và sát tế con vật và ăn uống những phần thịt lễ vật.
2. Giao ước mới được thực hiện trong Mình Máu Chúa Giêsu
Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, Người đã thể hiện một giao ước mới trong tư cách là Thiên Chúa được Chúa Cha gửi đến cho chúng ta để ký kết với chúng ta một giao ước mới. Người nói với chúng ta hôm nay: “Đây là máu Thầy, máu giao ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14,24). Thư Do Thái trong bài đọc II diễn giải rất chính xác giao ước này (x. Dt 9,11-15). Thánh Phaolô cũng nhắc đến bữa Tiệc Ly như một giao ước mới: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy” (1Cr 11,25).
2.1. Chúa Giêsu thực hiện việc ký kết giao ước mới
Với tư cách là Thiên Chúa, giao ước đó có giá trị mãi mãi, tuyệt đối và hoàn hảo thay thế cho mọi giao ước của Thiên Chúa ký kết với con người trong lịch sử. Vì thế chúng ta đừng tìm về các giao ước nào khác nữa. Đồng thời với tư cách là con người, chứa trong mình mọi yếu tố của vũ trụ vật chất, nên Đức Giêsu đại diện toàn thể nhân loại và vũ trụ để đón nhận những điều kiện của Thiên Chúa và thể hiện giao ước ấy trong thân thể mầu nhiệm của mình.
Chúng ta đã hiểu giao ước luôn luôn cần được bảo đảm tuân giữ triệt để. Nếu một bên không tuân giữ sẽ bị huỷ diệt, phải chết như những con vật đã bị sát tế. Đức Giêsu đã thay cho nhân loại và vũ trụ đã tự nguyện hy sinh, đổ máu trên chính thân thể Người vừa là đền thờ, vừa là lễ vật trên bàn thờ thập giá và đã chết thật sự để đền thay tội lỗi bất trung, không giữ đúng giao ước với Chúa của chúng ta. Do đó mỗi người cũng như vạn vật, nhờ cái chết của Người, chúng ta đã được xoá bỏ tội lỗi và được sống mãi mãi trong tình thương và sự bảo vệ của Thiên Chúa.
Trong giao ước này, ngoài 10 điều răn, như những quy định cũ cần được kiện toàn bằng 8 mối phúc thật, mà chúng ta cần phải tuân giữ, chúng ta còn có 1 điều răn mới được chính Đức Giêsu là Thiên Chúa đã ký kết với chúng ta khi thiết lập giao ước mới: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
2.2. Giao ước mới được thực hiện trong Mình Máu Chúa Giêsu
Sau khi dâng lễ vật được xẻ đôi trong lễ ký kết giao ước, người ta chia sẻ phần lễ vật dành cho con người (x. Xh 24,12). Trong giao ước mới của Chúa Giêsu, con người và vũ trụ không phải chỉ được Chúa yêu thương, bảo vệ nhưng còn được chia sẻ sự sống kỳ diệu, tuyệt đối, vĩnh hằng của chính Thiên Chúa, trở thành một với chính Thiên Chúa khi họ đón nhận Mình và Máu Đức Giêsu. Người trao cho các môn đệ và nói: “Đây là Mình Thầy. Đây là Máu Thầy, anh em hãy cầm lấy mà ăn và uống”.
Giao ước ấy không lấy con vật hay con người nào làm lễ vật ký kết, nhưng Thiên Chúa lấy chính con của mình, vừa là Thiên Chúa vừa là con người, để tế lễ và sau đó chia sẻ cho chúng ta. Vì thế khi chúng ta ký kết giao ước với Chúa, chúng ta hứa rằng chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa, giữ tất cả những điều khoản đã ký kết với Thiên Chúa, nhất là luật yêu thương của Ngài. Đồng thời khi chia sẻ Mình Máu Chúa Giêsu chúng ta được bảo đảm có sự sống kỳ diệu của Ngài và trở thành Thiên Chúa như Ngài. Nhờ Mình Máu Chúa Giêsu như lương thực thần linh, chúng ta có sức mạnh để sống trung thành với giao ước và thi hành trọn vẹn các điều khoản của giao ước.
Chúa Giêsu thay mặt chúng ta, đã ký kết giao ước một lần duy nhất trên bàn thờ thập giá nơi đồi Calvê để giao ước ấy có giá trị mãi mãi với chúng ta. Nhưng để mỗi người chúng ta có khả năng cảm nghiệm và đón nhận được sức sống kỳ diệu của Thiên Chúa vào trong con người của mình thì chính mỗi người chúng ta phải ký kết giao ước với Thiên Chúa ngay trong đời sống và chia sẻ hiến lễ của giao ước là Mình Máu Thánh Chúa Giêsu mà Chúa ban cho chúng ta trong đời sống thường ngày. Nhiều tín hữu lên rước lễ nhưng lại quên giao ước họ ký kết nên không thể nào phát huy những hiệu quả kỳ diệu của giao ước!
Hơn nữa, nếu chúng ta hiểu được rằng Mình Máu thánh Chúa được thực hiện qua quyền năng kỳ diệu của Ngôi Lời, qua Lời của Chúa Giêsu trong thánh lễ để biến bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa, thì bánh rượu và giọt nước pha vào chén rượu ấy lại tượng trưng cho những hành động, lời nói, hy sinh, vất vả, kèm thêm cả những giọt mồ hôi, nước mắt mà mỗi người chúng ta đem đến để thể hiện bí tích Thánh Thể như Chúa Giêsu truyền dạy: “Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11,25).
Đó là những công việc hằng ngày của chúng ta qua những chậu quần áo phải giặt, bữa cơm phải dọn, bài vở phải học, công việc phải làm ở công ty, xí nghiệp… Từng hành động ấy, nếu được làm vì tình yêu như điều lệ duy nhất của giao ước mới, đều được Chúa Giêsu đón nhận và biến đổi để trở thành Mình và Máu thánh Người. Nếu chúng ta không đóng góp vào đó thì giao ước mà chúng ta ký kết với Thiên Chúa không được hoàn thành và chúng ta không thể nào cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của Chúa chuyển thông cho chúng ta.
Kết luận
Hôm nay khi chúng ta tôn thờ Thánh Thể, xin cho mỗi người chúng ta nhớ đến giao ước mới mà chúng ta ký kết với Thiên Chúa qua Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô và thực hiện giao ước đó trong đời sống bằng những công việc hằng ngày. Chúng ta sẽ làm tất cả vì yêu Chúa, yêu mọi người, mọi vật như Chúa Giêsu rồi chúng ta sẽ cảm nhận được sự sống kỳ diệu, phi thường Chúa ban qua Bí tích Thánh Thể của Người.