28/11/2024

Nguy cơ cạn kiệt nguồn nước

Trước thách thức to lớn về thiếu hụt nước, nhiều quốc gia cho biết đã tái chế nước thải làm nước sản xuất, sinh hoạt…

 

Nguy cơ cạn kiệt nguồn nước

 

 

Trước thách thức to lớn về thiếu hụt nước, nhiều quốc gia cho biết đã tái chế nước thải làm nước sản xuất, sinh hoạt…


 

Nguy cơ cạn kiệt nguồn nướcXâm nhập mặn ở Bến Tre khiến người dân thiếu nước ngọt sử dụng vào mùa khô – Ảnh: ĐÌnh Tuyển
Giải pháp này được chia sẻ tại Đối thoại lần thứ 4 về phát triển bền vững của Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM), chủ đề “Tăng cường phối hợp hành động trong quản lý nước nhằm định hình Chương trình nghị sự phát triển sau 2015”, khai mạc tại TP.Bến Tre ngày 4.6. Chương trình do Bộ Ngoại giao, Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT phối hợp tổ chức, có sự tham gia của 180 đại biểu từ các thành viên ASEM, chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới, Uỷ ban Quốc tế về bảo vệ sông Danuyp, Uỷ hội sông Mê Kông…

 
Nguy cơ cạn kiệt nước ngầm
 
 
Một trong những kinh nghiệm là khi chúng tôi xây dựng công trình nhà ở phải gắn với các dự án kênh chứa, dẫn nước, vừa cải tạo cảnh quan vừa quản lý nguồn nước với tầm nhìn thường là 50 năm

Ông Han Loong Fong,Uỷ ban Quốc gia Singapore về tài nguyên nước

 

Phát biểu mở đầu đối thoại, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng việc sử dụng và quản lý bền vững tài nguyên nước không chỉ quyết định tương lai của mỗi quốc gia, dân tộc, mà còn tác động đến vận mệnh chung của toàn khu vực.

Tuy nhiên, một thực trạng đáng báo động là gần 750 triệu người, khoảng hơn 1/10 dân số thế giới, vẫn chưa được tiếp cận với nước sạch. Ở nhiều nơi trên thế giới, sự suy giảm đáng kể của nhiều lưu vực sông như sông Mê Kông và Danuyp ngày càng gay gắt. Nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm, vốn chiếm 95% nguồn cung nước sạch toàn cầu, tại các thành phố lớn như Bangkok, Vientiane, TP.HCM trở nên trầm trọng hơn. Trong khi đó, tình trạng nước biển dâng, triều cường và xâm nhập mặn gia tăng, 80% nước thải không qua xử lý đổ ra các con sông gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề tới sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và sinh kế của người dân.
“Những năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến các thảm hoạ thiên tai với tần suất, quy mô và phạm vi ảnh hưởng chưa từng có. Đó là những trận lụt lịch sử ở Thái Lan các năm 2011 và 2012, ở châu Âu năm 2013, hạn hán ở Trung Quốc năm 2014, và đợt nóng kỷ lục đang diễn ra tại Ấn Độ và nhiều quốc gia”, Phó thủ tướng dẫn chứng và nhấn mạnh: “Ngay tại Bến Tre, nước mặn 4‰ đã xâm nhập sâu vào các sông lớn, đe doạ nghiêm trọng sinh kế của hàng trăm ngàn nông dân. Đây chính là lúc các thành viên ASEM cùng chung tay với cộng đồng quốc tế, thúc đẩy để thông qua Chương trình nghị sự phát triển sau 2015, mà 1 trong 17 mục tiêu cụ thể là bảo đảm cung ứng và quản lý bền vững nguồn nước, và đạt được thỏa thuận toàn cầu mới về biến đổi khí hậu trong năm 2015”.
Quản lý nguồn nước với tầm nhìn 50 năm
 
 

TP.HCM sẽ xây dựng thêm 3 nhà máy nước

 
Chiều 4.6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín chủ trì hội nghị về tình hình triển khai thực hiện cung cấp nước hợp vệ sinh trên địa bàn TP. Theo báo cáo của Sở GTVT, tính đến cuối tháng 5.2015, TP.HCM có 1.523.604 hộ, tương đương 81,3% hộ dân sử dụng nước sạch. Kế hoạch của TP từ ngày 1.6 – 31.12.2015 sẽ cấp nước sạch cho 213.259 hộ, tương đương 11,4%. Giai đoạn năm 2016 – 2019, mục tiêu của TP là đảm bảo 100% hộ dân được sử dụng nước sạch. Trong giai đoạn này, về nguồn nước sẽ xây dựng các nhà máy nước: Tân Hiệp 2 (năm 2016), Kênh Đông 2 (2018), Thủ Đức 4 (2019), cấp thêm 850.000 m3/ngày.

 
M.Vọng

 

Cũng tại đối thoại, có khá nhiều kinh nghiệm trong quản lý nước được chia sẻ tại các phiên thảo luận giữa các thành viên ASEM, đáng chú ý là bài học về tái chế nước thải.

Ông Han Loong Fong, Uỷ ban Quốc gia Singapore về tài nguyên nước, cho biết ở đảo quốc này nước là sự sống còn nên mỗi chính sách đều phải lấy nước làm trọng tâm. “Chúng tôi đã kiểm soát được 100% nước thải nhờ hệ thống quản lý nước chặt chẽ, thu gom nước tự nhiên và nước do con người tạo ra. Sau đó, sử dụng công nghệ tái chế rất hiện đại, xử lý nước tưới cây, sinh hoạt. Chúng tôi cũng có các cơ sở hạ tầng biến nước biển thành nước ngọt”, ông Han Loong Fong nói. Hiện nay, Singapore có 17 hồ chứa lớn, với khả năng đảm bảo cung cấp nước cho cả quốc gia đến năm 2060. “Một trong những kinh nghiệm là khi chúng tôi xây dựng công trình nhà ở phải gắn với các dự án kênh chứa, dẫn nước, vừa cải tạo cảnh quan vừa quản lý nguồn nước với tầm nhìn thường là 50 năm”, đại biểu Singapore nói thêm.
TS Satyanarayna, cố vấn Uỷ ban Quốc gia về nước của Ấn Độ, cho biết giải pháp sáng kiến tái chế nước thải và nâng cao hiệu quả sử dụng nước cũng được thực hiện ở Ấn Độ. “Nước công nghiệp sau khi xử lý tái chế có thể sử dụng cho vệ sinh chẳng hạn, không nhất thiết là phải làm nước sinh hoạt. Một kinh nghiệm nữa của chúng tôi là tổng hợp nguồn nước ở những nơi dư thừa chuyển về vùng thiếu hụt”, ông Satyanarayna nói.

Đình Tuyển – Khoa Chiến