27/11/2024

Người Việt tạo trầm”vô” liên doanh đa quốc gia ra sao?

Một người Việt duy nhất là thành viên của một liên doanh đa quốc gia với nguồn vốn góp 5% không phải bằng tiền mà từ “chất xám”: đó là công thức tạo trầm.

  

Người Việt tạo trầm”vô” liên doanh đa quốc gia ra sao?

 

Một người Việt duy nhất là thành viên của một liên doanh đa quốc gia với nguồn vốn góp 5% không phải bằng tiền mà từ “chất xám”: đó là công thức tạo trầm.

 

 

Anh Trưởng bên vùng dó chờ khai thác của Vân Danh - Ảnh: nhân vật cung cấp
Anh Trưởng bên vùng dó chờ khai thác của Vân Danh – Ảnh: nhân vật cung cấp

Hơn 25 năm gắn bó với dó trầm, anh Hoàng Văn Trưởng (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) nói chưa lúc nào anh bận bịu như lúc này. 

Những ngày này, anh vừa lo lắp các thiết bị cho xưởng chưng cất tinh dầu trầm tại quê nhà, vừa lo đưa công nhân ra các tỉnh phía Bắc tiếp tục xử lý tạo trầm cho các chủ vườn dó ở đó.

Nhưng việc làm đòi hỏi nhiều công sức của anh là phụ trách xử lý (tạo trầm) và khai thác vùng dó chuyên canh 15.000ha của Công ty Vân Danh – một liên doanh đa quốc gia mà anh là thành viên người Việt duy nhất với nguồn vốn góp 5% từ “chất xám”: công thức tạo trầm do anh tìm ra…

Anh Hoàng Văn Trưởng đã giúp được nhiều người ở quê có thu nhập khá từ dó trầm hơn mươi năm nay. Còn từ khi làm trầm với liên doanh nước ngoài ở Lào, anh Trưởng đã tuyển thêm người trong xã sang đó làm việc với mức lương cao, chỗ ăn ở an toàn.

Nay ảnh lại được huyện nhà giúp mở xưởng chưng cất tinh dầu trầm, góp phần giúp địa phương giải quyết được việc làm cho nhiều người, nhất là cho lớp trẻ…

Ông TRẦN VĂN ĐIỆP (phó chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh) nhận xét 

Khởi nghiệp từ nghề cõng trầm

“Mình vừa ở xưởng chế biến dó trầm ở Vientiane bên Lào về ba hôm nay. Đang bận nhưng mình phải về gấp lo lắp máy móc, đặt thợ làm nồi nấu cho xưởng chưng cất tinh dầu trầm ở bên này. Rồi còn tuyển thêm công nhân đưa sang Lào tiếp tục xử lý, khai thác số dó đến tuổi ở bên ấy…” – anh Trưởng nói.

Rồi anh lấy ra những tấm hình chụp số dó mới được cưa ở Lào với dấu trầm đen óng trên nền gỗ dó trắng. Đang hứng khởi, người thợ trầm 52 tuổi bỗng lộ vẻ đăm chiêu khi nói về việc một số chủ vườn dó ở các tỉnh phía Nam phải sạt nghiệp vì dó không cho trầm, bởi chúng không được xử lý đúng cách.

Cũng từ trăn trở làm sao tạo ra trầm cho cây dó đạt hiệu quả cao, trong trầm không tồn dư các hoá chất độc hại, qua tìm tòi, thử nghiệm, hơn mười năm trước anh Trưởng đã tìm ra các chất có nguồn gốc sinh học thay cho các chất không tốt mà nhiều người đã dùng.

Rồi anh nghiên cứu đến cách khoan cây dó nhằm tạo sự lưu dẫn tốt các hợp chất đưa vào mà không cần phải khoan dày các lỗ khoan làm suy kiệt cây dó. Cả đến việc tạo trầm cho cành, rễ của cây dó mà không phải khoan trực tiếp vào đó.

“Gia giảm – thêm bớt chất này chất nọ, cả đến tìm thêm các chất mới, tạo lỗ khoan sâu – cạn, to – nhỏ, khoan dày – thưa sao cho thích hợp, sau sáu bảy năm thực nghiệm, mãi đến năm 2011 mình mới có được công thức tạo trầm như mong muốn…” – anh Trưởng kể.

Xong nghĩa vụ quân sự, về quê lập gia đình với tay trắng, mẹ già, cha mất sớm, để lập thân anh Trưởng đã chọn đến với “nghề” trầm bằng việc cõng trầm thuê. Với đồng tiền chắt bóp từ đôi vai gùi cõng, anh “tập tò” làm lái trầm bằng việc mua vài cây dó vườn của người trong vùng để khai thác, cầu may trầm tụ được nơi chỗ thân dó bị mảnh bom mảnh đạn găm vào.

Rồi anh mua thêm dó vườn, đóng mảnh sắt vào thân dó tạo thương tích để vài năm sau có thể kiếm được ít trầm nơi những vết thương tự tạo này.

Tiếp đến, cũng như một số người mở đầu việc tạo trầm cho cây dó ở địa phương, thợ trầm Trưởng cũng tạo ra hợp chất với một số hóa chất để đưa vào thân dó qua lỗ khoan.

Lấy công thức tạo trầm làm vốn liên doanh

Lấy ra một thanh trầm như thanh gỗ to bằng ngón tay cái và dài chừng 10cm, chẻ ra rồi đốt, anh Trưởng giải thích: “Đây là trầm thẻ vì đặc ruột chứ không rỗng, có được từ các cành của những cây dó ở Lào được mình xử lý hồi năm 2012. Đây là thành tựu mới nhất của mình. Tuy là trầm loại 6 nhưng trầm thẻ thơm vậy đó…”.

Được vào liên doanh trầm hương đa quốc gia Vân Danh là một cơ hội để người thợ trầm đeo đuổi việc tạo trầm từ tuổi 25 này có cơ hội phát huy chuyên môn mang tính sáng tạo của mình. “Một cơ duyên”, theo lời anh Trưởng.

Đầu năm 2012, có ba người Trung Quốc với một người thông dịch từ Tập đoàn UREC (Union Resource & Engineering Company, có văn phòng đại diện tại Hà Nội) của Trung Quốc tìm đến nhà mời anh hợp tác với Công ty gia công lâm nghiệp Vân Danh của họ và người Lào.

“Họ xem những mẫu trầm do mình xử lý có được tại xưởng ở nhà mình, hỏi mình nhiều thứ rồi đưa ra điều kiện hợp tác. Mình chịu. Vậy là họ mời mình ra Hà Nội, đưa qua trang trại của công ty ở Vientiane tham quan, xem xét rồi cùng mình ký hợp tác khung…” – anh Trưởng thuật lại.

Theo bản hợp tác khung, tháng 7-2012 anh Trưởng đưa thợ qua xử lý cho Vân Danh 200 cây dó 8 năm tuổi. Cứ ba tháng anh cùng họ kiểm tra một lần: họ cắt cây dó lấy mẫu để chuyển về trụ sở tập đoàn ở Côn Minh. Năm 2013 anh xử lý tiếp 100 cây nữa. Thấy kết quả bước đầu khả quan, năm 2014 Vân Danh lại yêu cầu anh xử lý tiếp 10.000 cây.

“Họ dè dặt vậy đó. Đến đầu năm 2014, họ giao mình bắt đầu khai thác số dó đã xử lý, thấy kết quả tốt đẹp họ mới ký hợp đồng liên doanh chính thức. Từ năm 2015 mỗi năm mình phải khai thác trên 10.000 cây, xử lý tạo trầm 20.000 cây, làm quanh năm suốt tháng…” – anh Trưởng cho biết chi tiết.

Vùng dó trồng của Vân Danh ở Vientiane có đến 1,5 triệu cây 8-12 tuổi. Anh Trưởng được giao lo toàn bộ công nhân, 100% là người Việt.

Tuy vậy, những ràng buộc mà Vân Danh đưa ra với kỹ thuật trưởng Hoàng Văn Trưởng khá chặt chẽ. Nếu số cây xử lý bị chết trên 5% thì anh Trưởng phải đền 50 USD/cây. Nhưng thực tế ba năm nay tỉ lệ cây dó sau xử lý của Vân Danh chỉ chết dưới 3%.

Đợt khai thác 200 cây vừa rồi có thu được một ít trầm loại 4. Đây là trầm cao hạng nhất có được do xử lý, từ trước đến nay trầm xử lý chỉ có được một ít loại 5, còn lại toàn loại 6, loại 7.

Có được mảnh đất rộng để dụng võ, người kỹ thuật trưởng cũng là phó giám đốc liên doanh tâm sự: “Quê mình nghèo, tạo được việc làm thường xuyên cho 60-70 người ở quê mình rất mừng. Qua Lào làm dó trầm cho Vân Danh có xưởng làm, có nhà ở đàng hoàng. Mình lo trọn cơm nước cho công nhân, mức lương 6-7,5 triệu đồng/tháng/người. Người mới vô học việc vẫn được trên 3 triệu đồng/tháng. Ngày nghỉ đau vẫn được trả lương 125.000 đồng/ngày. Mình luôn tuyển thêm người mới để tạo nguồn công nhân thạo việc phòng khi cần đến…”.

Gắn bó với quê nhà

Lục ra những sổ ghi chép cũ, anh Trưởng kể từ những năm 2005-2006 anh đã “cầm quân” ra các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An xử lý tạo trầm cho những vườn dó ở đây.

“Tỉ lệ cây dó chết sau khi được mình xử lý ở những nơi này chỉ dưới 10%. Lượng trầm có được ở mỗi cây cũng cao, trầm sau non hai năm xử lý có được một ít loại 5, còn lại là loại 6, loại 7. Trả tiền công xử lý cho mình ai cũng vui vẻ hết…” – vẫn lời anh Trưởng.

Cũng nhờ vậy, bà con ở đây trồng thêm dó. Và một số người buôn trầm ở Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế tìm ra các địa phương này mua cây dó đã xử lý chuyển về chế biến. Thị trường dó trầm những nơi này thêm nhộn nhịp.

Niềm phấn khích lớn nhất của người thợ trầm đi lên từ khó khổ này là việc anh đã giúp được bà con quê nhà. “Mình nhờ bà con, bà con cũng được phần” – anh khiêm tốn nói. Hơn 15 năm nay, anh đã đào tạo được nhiều lớp công nhân dó trầm lành nghề, từ các khâu xử lý (tạo trầm), khai thác, ươm trồng cây dó.

“Nhờ thợ trầm Trưởng mà người làm dó trầm có thu nhập ổn định, có thêm điều kiện thoát nghèo. Cây dó được nhân trồng rộng khắp” – nhiều người ở Tiên Phước đã nói về người được mệnh danh là người thợ trầm số 1 của vùng đất này.

Cũng là niềm vui lớn với anh Trưởng khi anh vừa xây dựng xong xưởng chưng cất tinh dầu trầm của anh tại thị trấn huyện nhà (Tiên Phước). Hạnh phúc của người thợ trầm năng động này là sự hỗ trợ của ngành chức năng địa phương đối với nghề nghiệp của mình.

“Nhờ huyện nhà cấp cho mình đất mở xưởng, rồi liên hệ Tổ chức JICA của Nhật giúp mình một phần kinh phí mà xưởng chưng cất tinh dầu trầm mới được sớm xây dựng. Mình tính chừng hai tháng nữa có thể ra mẻ dầu đầu tiên” – anh Trưởng cho biết.

Nhưng điều hấp dẫn từ dự án này không chỉ biến khoảng 20 tấn dăm (giác) trắng mỗi năm từ khoảng 200 xưởng chế biến dó trầm trong huyện vốn bị thải loại, gây ô nhiễm môi trường thành tinh dầu trầm, mà còn ở việc tận dụng phế phẩm dó trầm sau chưng cất để làm nhang trầm.

“Chuyến tham quan xưởng làm nhang trầm của Thái Lan vừa qua cho mình nhiều thông tin quý. Huyện đã hỗ trợ mình 14 máy làm nhang. Cây nhang sẽ tạo việc làm cho bà con ở quê, thúc đẩy việc trồng dó ở địa phương. Sự quan tâm của ngành chức năng động viên mình trong chuyện làm ăn với dó trầm. Thật là quý báu!” – người thợ trầm cũng là chủ tịch Hội trầm hương huyện Tiên Phước bày tỏ.

Vượt qua truân chuyên

Nhìn cơ ngơi, nhìn quy mô công việc có được từ công thức tạo trầm cho dó của anh Trưởng hiện nay, ngay những người ở chung làng cũng không nghĩ anh có thể thành công như thế.

Phó chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh Trần Văn Điệp cho rằng gương thành đạt của anh Hoàng Văn Trưởng là điều rất đáng trân trọng. Năm 1997, giữa lúc trầm hạ giá, sản phẩm bị coi thường vì chất xử lý (tạo trầm) còn tồn đọng trong trầm, anh bị phá sản.

Hết vốn, thợ trầm Trưởng chuyển sang “mặt trận” vàng để kiếm tiền “trụ lại với dó trầm”. Nhưng con đường đãi vàng đã đưa anh Trưởng đến án tù 18 tháng vì chứa 5kg xyanua để đãi vàng.

Anh tâm sự: “Ở tù với loại án này không cực lắm. Nhưng cái khổ là mình tiếc thời gian bị mất. Còn cái được là dịp để mình quyết phải theo nghề trầm. Bởi vậy khi xong án, chỉ với 150.000 đồng, mình cùng bà xã đi kinh doanh quế. Khó khổ lắm! Vậy mà tích cóp chỉ hơn một năm là mình trở lại nghề trầm rồi theo đuổi nó đến nay”.

 

HUỲNH VĂN MỸ