Người trẻ giấy dó
Cách đây 2 năm, cô gái 8X Trần Hồng Nhung đã cùng các cộng sự tìm về ngôi làng làm giấy dó duy nhất còn lại với mong muốn “cứu” loại giấy truyền thống đang đứng trước nguy cơ biến mất.
Người trẻ giấy dó
Cách đây 2 năm, cô gái 8X Trần Hồng Nhung đã cùng các cộng sự tìm về ngôi làng làm giấy dó duy nhất còn lại với mong muốn “cứu” loại giấy truyền thống đang đứng trước nguy cơ biến mất.
Những làng nghề làm giấy dó xưa tập trung ở Hà Nội và Bắc Ninh đến nay gần như không còn nữa, chỉ vài hộ gia đình ở làng Đống Cao (Phong Phê, Bắc Ninh) còn giữ được nghề.
Làng nghề bị bỏ rơi
“Khi tôi về làng nghề, những nghệ nhân ở đây đang rất trăn trở làm thế nào để có người tiếp tục công việc của họ”, Nhung nói. Ở làng Đống Cao, hiện gần như chỉ còn gia đình nghệ nhân Phạm Văn Tâm còn làm nghề thường xuyên. Ngoài ông Tâm có thể thực hiện tất cả các công đoạn làm giấy dó phức tạp, thì chỉ có hai người làm được công đoạn seo giấy là vợ ông và một người trong làng. Để đào tạo một người thợ có thể làm thuần thục công đoạn seo giấy phải mất đến 5 năm. Người trẻ nhất trong nhóm thợ làm ở nhà ông Tâm cũng đã 40 tuổi.
Không chỉ ở làng Đống Cao, mà trong hầu hết những làng nghề truyền thống, các nghệ nhân, thợ thủ công phải tự lo giữ nghề và truyền nghề, gần như không có chính sách nào hỗ trợ. Một số doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc đã tới làng Đống Cao với mong muốn hỗ trợ thiết bị, nhưng nếu làm như vậy, giấy dó sẽ không còn giữ được hồn Việt.
“Giấy dó mang những giá trị tuyệt vời của lịch sử, văn hóa và có đặc tính hiếm có là mềm, xốp, dai và hút ẩm tốt, qua hàng trăm năm không biến đổi. Đó là những lý do khiến tôi muốn bảo tồn loại giấy truyền thống này và giới thiệu ra thế giới”, Trần Hồng Nhung nói. Tốt nghiệp khóa học thạc sĩ tại Pháp, trở về nước, cô gặp những người bạn có cùng chí hướng, và Zó Project đã được hình thành vào năm 2013.
Đưa dó ra thế giới
Không phải là một đơn vị trong nước mà là một trung tâm văn hoá nước ngoài đã đứng ra hỗ trợ Zó Project – doanh nghiệp xã hội của Trần Hồng Nhung, thực hiện triển lãm Hồn dó để quảng bá di sản này tới công chúng Việt và quốc tế.
Triển lãm đang diễn ra và sẽ kéo dài đến ngày 12.6 tại Trung tâm văn hóa Hàn Quốc (Hà Nội). 71 tác phẩm thư pháp và hội họa đương đại của nhà thư hoạ Xuân Như và hoạ sĩ Yo Yo (tên thật là Bùi Vũ Phong) thực hiện trên chất liệu giấy dó được trưng bày tại triển lãm đã cho thấy đời sống mới của giấy truyền thống. Đó cũng là con đường mà Zó Project đang đi: đưa giấy dó quay trở lại cuộc sống hiện đại bằng những sản phẩm thủ công, nghệ thuật.
Không dễ để Zó Project thuyết phục được những người thợ thủ công làm giấy dó còn lại ở làng Đống Cao thay đổi suy nghĩ “không có nhu cầu mở rộng sản xuất”. “Chúng tôi đã thuyết phục để các nghệ nhân hiểu rằng nghề làm giấy dó không chỉ là giá trị của người nghệ nhân, của một ngôi làng mà còn là cả quốc gia”, Trần Hồng Nhung nói. Đến nay, với việc liên kết cùng các nghệ nhân, Zó Project đã tạo ra nhiều sản phẩm từ giấy dó: lịch, thiệp, sổ, lồng đèn trang trí… và sắp tới là các tác phẩm hội hoạ. Hơn hết, Zó Project đã đưa được giấy dó Việt ra thế giới, tới các thị trường Pháp, Ý và Úc. Giáo dục cho thế hệ trẻ cách sống, cách nghĩ về việc lưu giữ văn hoá truyền thống, để họ lưu giữ nhiều thứ hơn giấy dó mới là quan trọng. Đó là lý do Zó Project còn thực hiện các triển lãm, chương trình trải nghiệm, trò chuyện về giấy dó.
Những người trẻ của Zó Project muốn tìm cách giữ giấy dó trước khi quá muộn, nhưng một doanh nghiệp xã hội không phải là không có những khó khăn. Vậy nếu không có những người trẻ của Zó Project, ai sẽ chịu “cứu” giấy dó khi mà có thể 5 – 10 năm nữa giấy dó mất đi vì thiếu nghệ nhân, thiếu thị trường? “Cũng lạ, ở ta nhiều di sản chỉ khi mất đi mới lo tìm cách giữ, phục hồi lại”, một nhà nghiên cứu chua chát nói.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc
Ông Park Nark-jong, Giám đốc Trung tâm văn hoá Hàn Quốc, cho biết: “Giấy truyền thống hanji là niềm tự hào của chúng tôi. Hiện nay, Hàn Quốc tiến hành song song hai chiến lược gồm bảo tồn và khai thác sử dụng giấy hanji. Chúng tôi khuyến khích sử dụng chất liệu giấy này nhiều hơn trong đời sống cũng như đưa giấy truyền thống trở thành nguồn nguyên liệu công nghiệp. Chính phủ hiện đang triển khai các chính sách nhằm đưa hanji đến gần hơn với đời sống, công nghiệp hóa ngành sản xuất hanji, phát triển sản phẩm liên quan tới nó, bên cạnh việc xúc tiến việc tiêu thụ giấy hanji ở các cơ quan nhà nước, lập tiêu chuẩn công nhận chất lượng giấy, đồng thời khuyến khích các lĩnh vực nghệ thuật như làm búp bê, nghệ thuật tạo hình bằng giấy hanji. Tại hai địa phương nổi tiếng nhất với nghề làm giấy này là Wonju và Jungju, mỗi năm đều tổ chức liên hoan văn hoá hanji, trong đó ban tổ chức đưa ra các chương trình thu hút cộng đồng như trình diễn thời trang làm từ hanji, hội thi sản phẩm thủ công hanji, triển lãm sản phẩm hanji… Bên cạnh việc quản lý, chính phủ còn điều hành các cơ sở như Trung tâm thủ công mỹ nghệ hanji, công viên chủ đề (theme park) hanji nữa”.
|
Ngọc An