28/11/2024

Chống biến đổi khí hậu: Cần sử dụng ngân sách hiệu quả

Báo cáo CPEIR kêu gọi quản lý hệ thống tài chính Việt Nam tốt hơn nữa để đảm bảo các chi tiêu công được sử dụng đúng chỗ và mang lại hiệu quả cao nhất.

 

Chống biến đổi khí hậu: Cần sử dụng ngân sách hiệu quả

 

 Báo cáo CPEIR kêu gọi quản lý hệ thống tài chính Việt Nam tốt hơn nữa để đảm bảo các chi tiêu công được sử dụng đúng chỗ và mang lại hiệu quả cao nhất. 



 

 

Người dân đi lấy nước ngầm ở con suối trơ đáy do hạn hán thuộc xã Phước Trung, huyện Bác Ái, Ninh Thuận - Ảnh: Thuận Thắng
Người dân đi lấy nước ngầm ở con suối trơ đáy do hạn hán thuộc xã Phước Trung, huyện Bác Ái, Ninh Thuận – Ảnh: Thuận Thắng

Nhân dịp “Báo cáo rà soát đầu tư và chi tiêu công cho biến đổi khí hậu” (CPEIR) được công bố, bà Victoria Kwakwa – giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới, và bà Louise Chamberlain – giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), gửi đến Tuổi Trẻ bài viết về vấn đề này.

Miền Trung Việt Nam đang hứng chịu đợt hạn hán khắc nghiệt nhất trong hơn một thập kỷ qua, các hồ chứa khô cạn. Nông dân đang vật lộn tìm cách bảo vệ cây trồng và vật nuôi.

Hội đồng tư vấn Uỷ ban Quốc gia về biến đổi khí hậu (VPCC) đã cảnh báo về mức độ rủi ro ngày càng tăng từ các tác động tiêu cực này trong báo cáo đánh giá về các hiện tượng thời tiết cực đoan và thảm hoạ.

Những thông tin tích cực

Năm nay Việt Nam có cơ hội để nói lên tiếng nói của mình nhằm xây dựng hành động toàn cầu về biến đổi khí hậu, trong khi có những bước tiến đáng kể trong nước.

Hội nghị biến đổi khí hậu tại Paris tháng 11-2015 sẽ quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới để thảo luận một thỏa thuận phổ quát, mang tính ràng buộc pháp lý về giảm phát khí thải nhà kính.

Một thông tin tích cực là Việt Nam đã xây dựng các chính sách và chương trình nhằm giải quyết vấn đề dễ bị tổn thương của mình trước biến đổi khí hậu, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển tiếp sang một nền kinh tế xanh hơn.

Cũng như các nước khác trên trận tuyến chống biến đổi khí hậu, Việt Nam đang tìm kiếm cách thức sử dụng hệ thống ngân sách hiệu quả nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các hành động khí hậu.

Báo cáo CPEIR được Bộ Kế hoạch – đầu tư chủ trì, Ngân hàng Thế giới và UNDP phối hợp thực hiện gần đây cho thấy các bộ và các địa phương đang sử dụng một nguồn lực công đáng kể cho công tác quản lý rủi ro khí hậu.

Nhưng muốn ứng phó với biến đổi khí hậu một cách dài hạn, bền vững, với quy mô lớn thì cần phải làm nhiều hơn nữa.

Nhiều việc phải làm thêm

Báo cáo CPEIR kêu gọi quản lý hệ thống tài chính Việt Nam tốt hơn nữa để đảm bảo các chi tiêu công được sử dụng đúng chỗ và mang lại hiệu quả cao nhất.

Điều đó có nghĩa là cần phân bổ nguồn lực để giúp người dân và cộng đồng tăng cường khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu như các trường hợp thời tiết cực đoan.

Báo cáo cũng khuyến nghị đầu tư vào khoa học và đổi mới sáng tạo nhằm tích hợp rủi ro khí hậu vào quy hoạch phát triển và xây dựng năng lực toàn xã hội.

Báo cáo cũng kêu gọi áp dụng cách tiếp cận mới để giám sát các khoản chi công nhằm củng cố năng lực ứng phó quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Báo cáo khuyến nghị thí điểm áp dụng một công cụ mới mang tên “Phân loại chi tiêu cho ứng phó biến đổi khí hậu” (TCCRE) nhằm phân loại và đánh dấu các khoản chi công cho các mục tiêu chính sách của Chính phủ về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Với phương pháp này, các khoản chi cho biến đổi khí hậu sẽ minh bạch hơn và điều đó giúp Chính phủ tập trung nguồn lực vào đúng mục tiêu hơn.

Báo cáo thường kỳ các khoản chi khí hậu cũng giúp Uỷ ban Quốc gia về biến đổi khí hậu (NCCC) do Thủ tướng đứng đầu thực hiện giám sát, theo dõi tiến độ, và khi cần đưa ra các hướng dẫn cải thiện chính sách hoặc giúp tăng cường phối hợp giữa các bộ, các chương trình quốc gia cũng như cơ chế tài chính.

Giải quyết thách thức về biến đổi khí hậu tại Việt Nam đòi hỏi phải hành động trên mọi lĩnh vực kể trên.

Tuy nhiên nguồn lực cho biến đổi khí hậu mới chỉ là một phần của giải pháp tổng thể. Ngày càng có nhiều nước thực hiện cắt giảm trợ giá sản xuất năng lượng hoá thạch và đánh thuế cacbon, qua đó đẩy nhanh đầu tư vào năng lượng sạch và các biện pháp cacbon thấp khác. Các biện pháp đó sẽ giúp tiết kiệm chi phí và tạo thêm việc làm xanh.

Đề ra những mục tiêu rõ ràng và thống nhất về giảm nhẹ nhằm giảm phát thải khí nhà kính, hướng các dòng vốn công và tư nhân vào phát triển năng lượng tái sinh và tiết kiệm năng lượng sẽ là thông điệp về quyết tâm của Việt Nam hướng tới phát triển một nền kinh tế hòa nhập xanh.

Như báo cáo CPEIR đã nêu, các nỗ lực thu hút đầu tư xanh và phát triển năng lực chống chịu từ các nguồn trong nước và nước ngoài, trong đó bao gồm cả các cơ chế mới như Quỹ khí hậu xanh sẽ thu được kết quả to lớn nếu chứng minh được chi tiêu công của Việt Nam có thể thật sự làm thay đổi cuộc sống người dân, không chỉ nông dân miền Trung mà cho bất kỳ người dân Việt Nam nào.

Việt Nam cần 30 tỉ USD để ứng phó biến đổi khí hậu

Ngày 21-5 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch – đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) phối hợp tổ chức lễ công bố “Báo cáo rà soát đầu tư và chi tiêu công cho giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu” (CPEIR) ở Việt Nam.

Báo cáo kêu gọi cần tiến hành xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể để đẩy mạnh nỗ lực đảm bảo một tương lai thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, báo cáo cũng đề xuất những sáng kiến trong ngắn hạn và dài hạn để tiếp tục lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào các chính sách, quy trình lập kế hoạch và dự toán ngân sách của Việt Nam, cũng như để xác định các khoản đầu tư và hoạt động ưu tiên nhằm tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu của đất nước.

Phát biểu tại buổi công bố, TS Phạm Hoàng Mai, vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, cho biết viện trợ phát triển ODA dành cho Việt Nam chững lại trong mấy năm gần đây do Việt Nam đã vươn lên thành quốc gia có thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, ODA dành cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh lại tăng nhanh, qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án ứng phó với biến đối khí hậu.

TS Mai thông tin thêm biến đổi khí hậu gây thiệt hại rất lớn từ 2-6% GDP (theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB) của Việt Nam và Việt Nam cần 30 tỉ USD để ứng phó với vấn nạn này.

QUỲNH TRUNG 

VICTORIA KWAKWA – 
LOUISE CHAMBERLAIN