16/11/2024

Đức Thánh Cha gặp gỡ 7.000 thiếu nhi xây dựng hoà bình

VATICAN – Trong cuộc gặp gỡ 7.000 thiếu nhi và thiếu niên Italia sáng ngày 11-5-2015, ĐTC nhắn nhủ các em kiên trì kiến tạo hoà bình chung quanh mình trong ý hướng góp phần xây dựng nền hoà bình trên thế giới. Các em học sinh tham gia sáng kiến gọi là “Công xưởng Hoà bình” (Fabrica della Pace), một dự án giáo dục do các giáo chức, gia đình, Bộ Giáo dục và HĐGM Italia đề ra.

Đức Thánh Cha gặp gỡ 7.000 thiếu nhi xây dựng hoà bình
 

Đức Thánh Cha gặp gỡ 7.000 thiếu nhi xây dựng hoà bình – ANSA

VATICAN – Trong cuộc gặp gỡ 7.000 thiếu nhi và thiếu niên Italia sáng ngày 11-5-2015, ĐTC nhắn nhủ các em kiên trì kiến tạo hoà bình chung quanh mình trong ý hướng góp phần xây dựng nền hoà bình trên thế giới.

Các em học sinh tham gia sáng kiến gọi là “Công xưởng Hoà bình” (Fabrica della Pace), một dự án giáo dục do các giáo chức, gia đình, Bộ Giáo dục và HĐGM Italia đề ra. Các em đã tụ tập tại Đại Thính đường Phaolô VI từ lúc qua 9 giờ để sinh hoạt, trong khi chờ đợi ĐTC đến vào lúc 12 giờ trưa.


Bài huấn dụ

Trong bài huấn dụ cho cuộc gặp gỡ, ĐTC ca ngợi sáng kiến “Công xưởng Hoà bình!” và gọi đây là một nơi sinh hoạt và làm việc tốt, nhắm kiến tạo một xã hội không còn bất công và bạo lực, trong đó mỗi trẻ em có thể được đón nhận và tăng trưởng trong tình yêu. Ngài nói: “Những công xưởng hoà bình là điều rất cần thiết, vì đáng tiếc thay, những công xưởng chiến tranh không thiếu! Chiến tranh là kết quả của oán thù, ích kỷ, ước muốn ngày càng sở hữu nhiều hơn và lướt thắng người khác. Các con muốn chống lại chiến tranh bằng cách dấn thân phổ biến nền văn hoá quy tụ mọi người, nền văn hoá hoà giải và gặp gỡ.”

ĐTC phân tích thành ngữ “công xưởng hoà bình”, từ “công xưởng” (fabrica) nói với chúng ta rằng hoà bình là một cái gì đó cần được kiến tạo, kiến tạo một cách khôn ngoan và kiên trì. Nhưng để xây dựng một thế giới hoà bình, thì cần phải bắt đầu từ “thế giới của chúng ta”, nghĩa là những môi trường chúng ta sinh sống thường nhật: gia đình, học đường, sân chơi, nơi tập thể thao,… Điều quan trọng là làm việc chung với những người sống cạnh chúng ta: bạn bè, bạn học cùng trường, cha mẹ và thầy cô…

ĐTC nhắc nhở các em: “Mỗi hành động, mỗi cử chỉ của các con đối với tha nhân đều có thể kiến tạo hoà bình. Chẳng hạn, nếu các con có điều gì cãi lộn với người khác thì hãy làm hoà ngay, hoặc hãy xin lỗi cha mẹ và các bạn hữu, khi có điều gì xúc phạm đến họ. Người xây dựng hoà bình đích thực là người đi bước đầu đến với tha nhân. Cử chỉ này không phải là yếu đuối, nhưng là sức mạnh, là sức mạnh hoà bình.”

Một khẩu hiệu khác rất đẹp của Công xưởng Hoà bình là công xưởng này không có biên giới: trong đó người ta thở hít bầu không khí hiếu khách và gặp gỡ không biên giới và không loại trừ.

ĐTC viết: “Đứng trước những người đến từ các nước và chủng tộc khác, với những truyền thống và tôn giáo khác, thái độ của các con là tìm hiểu và đối thoại, để bao gồm mọi người, trong sự tôn trọng luật pháp quốc gia. Và các con đã hiểu rằng để kiến tạo một thế giới hoà bình, điều không thể thiếu được là quan tâm đến những nhu cầu của những người nghèo khổ nhất, bị bỏ rơi nhất, cả những người xa xăm. Cha nghĩ đến biết bao bạn đồng lứa tuổi với các con đã bị trục xuất khỏi gia cư, đất nước của họ và một số người đã bị giết chỉ vì họ cầm trên tay cuốn Kinh Thánh! Công việc của công xưởng các con là thực sự trở thành một công trình tình thương. Yêu mến tha nhân, nhất là những người bị thiệt thòi, có nghĩa là làm chứng rằng mỗi người là một hồng ân của thiên Chúa.”

Sau cùng, ĐTC không quên nhắn nhủ các em hãy cầu nguyện cho hoà bình và hoà bình trước tiên là một hồng ân của Thiên Chúa.

Trả lời các câu hỏi

Ngoài bài huấn dụ trên đây, ĐTC còn ứng khẩu trả lời nhiều câu hỏi do các em nêu lên.

Một em bé tàn tật ngồi trên xe lăn nói với ngài là tháng 9 tới đây sẽ được đi hành hương Lộ Đức nhờ sự giúp đỡ của Tổ chức Unitalsi, em hỏi ngài tại sao các trẻ em phải chịu đau khổ; một thiếu niên hỏi thay cho bạn em đang bị giam trong Nhà tù Thiếu niên Casal del Marmo và hỏi ngài nhà tù thiếu niên có phải là giải pháp không,…

ĐTC nói rằng ngài không có câu trả lời cho vấn nạn tại sao các trẻ em phải chịu đau khổ, nhưng phải có một câu trả lời, đó là xã hội phải làm tất cả những gì có thể để săn sóc, chữa trị và giúp các em phục hồi, hội nhập vào đời sống xã hội.

ĐTC cho biết ngài không thích từ “tàn tật, khuyết tật” – disabile. Không phải vậy, một trẻ em disabile là một trẻ em có một khả năng (abilità) khác, chứ không phải em không có khả năng. Tất cả chúng ta đeều có khả năng làm một cái gì đó.

Một em bé gái có thân phụ đang bị tù và thiếu niên có bạn đang bị giam trong nhà tù thiếu niên, ĐTC cam kết rằng Thiên Chúa tha thứ tất cả, chỉ “chúng ta là không biết tha thứ”. Ngài cũng lấy làm tiếc vì ngày nay dễ làm đầy nhà tù hơn là giúp người lầm lạc trong cuộc đời tiếp tục tiến bước; nhiều khi người ta kết án tù chung thân cho một tội nhân, điều này dễ hơn là giúp họ trỗi dậy và tái hội nhập vào xã hội bằng giáo dục, tình thương và sự gần gũi. “Giải pháp nhà tù là điều dễ dàng nhất để quên lãng những người đang chịu đau khổ!”

Một em bé đơn sơ hỏi ĐTC: Tôn giáo có thể giúp ích gì cho chúng ta trong cuộc sống?

Ngài đáp: “Tôn giáo giúp chúng ta vì làm cho chúng ta tiến bước trong sự hiện diện của Chúa; tôn giáo giúp chúng ta vì cho chúng ta các giới răn, các mối phúc thật, nhất là giúp chúng ta yêu mến tha nhân – tất cả các tôn giáo, vì tất cả có một giới răn chung như thế. Và điều răn yêu tha nhân giúp tất cả chúng ta xây dựng hoà bình, tiến bước trong hoà bình.” (SD 11-5-2015)