28/11/2024

U-20 muốn làm “nảy mầm” nhạc cổ điển

Nhạc cổ điển có khó nghe, khó hiểu không? Một nhóm bạn trẻ U-20 tại TP.HCM đang dần tìm cách đưa ra câu trả lời.

U-20 muốn làm “nảy mầm” nhạc cổ điển

 

Nhạc cổ điển có khó nghe, khó hiểu không? Một nhóm bạn trẻ U-20 tại TP.HCM đang dần tìm cách đưa ra câu trả lời.




 

 

Một góc buổi biểu diễn tháng 4-2015 của nhóm Germer - Ảnh: Tiến Long
Một góc buổi biểu diễn tháng 4-2015 của nhóm Germer – Ảnh: Tiến Long

Câu trả lời chủ yếu đến các bạn đồng trang lứa với mình rằng: ngay cả khi bạn không biết một nốt nhạc, bạn có thể cảm nhận được nét đẹp trong âm nhạc thông qua nhạc cổ điển.

Nhóm lấy tên là “Germer” (tiếng Pháp nghĩa là “nảy mầm”, tên nhóm trên Facebook là “Germer Team), có 41 thành viên với đa số đều ở lứa tuổi U-20.

Chơi nhạc cổ điển theo kiểu trẻ

Buổi biểu diễn trong tháng 4-2015 của nhóm diễn ra tại một quán cà phê trên đường Điện Biên Phủ (Q.3, TP.HCM) với gần 100 người đến nghe, chật kín khán phòng đến độ không còn một chỗ đứng, trong đó có rất nhiều bạn trẻ.

Buổi biểu diễn hôm ấy có chủ đề Oblivion, tìm về những tác phẩm nhạc cổ điển từng bị rơi vào quên lãng một thời gian dài trong lịch sử. Anh Phong, 25 tuổi, một trong số các thành viên hiếm hoi không thuộc lứa U-20, đứng lên giới thiệu về tác phẩm mình chuẩn bị biểu diễn, tác phẩm Prélude  fugue số 12 giọng fa thứ của Bach thay cho MC của chương trình là Lưu Nguyễn (21 tuổi) và Mai Quỳnh (20 tuổi).

Anh Phong giới thiệu nhiều về “lai lịch” tác phẩm và kết rằng: “Tác phẩm này được hình thành từ hai điệu nhảy là gavotte (phần prélude) và bourée (phần fugue), trong đó bourée được hình thành từ điệu nhảy của những cô gái làm nghề đạp nho (Phong nhún nhảy như người đạp nho) để chế ra rượu vang Pháp” khiến khán phòng cười ồ thích thú.

Tác phẩm của Bach sau đó dù mang nặng phong cách triết lý vang lên bằng tiếng đàn piano nhưng dường như người nghe và người chơi đàn xích lại gần nhau hơn.

“Đó chắc chắn là cách chơi của Germer, làm sao để nhạc cổ điển có thể được đem đến và chia sẻ cùng các bạn trẻ một cách gần gũi và cởi mở nhất” – Dương Nguyên Khang, 19 tuổi, trưởng nhóm Germer, cho biết. Không xét nét nếu có ai lỡ gây tiếng ồn trong buổi diễn, nghệ sĩ và người nghe có thể trò chuyện thoải mái với nhau ngoài giờ biểu diễn… chỉ là một trong nhiều cách Germer làm để làm sao có sự đồng cảm và dễ chia sẻ nhất trong ước mơ làm “nảy mầm” cộng đồng những bạn trẻ tìm đến với nhạc cổ điển.

“Qua nhiều chương trình, chắc chắn những gì cần cho một buổi biểu diễn sẽ được hoàn thiện dần” – Nguyên Khang chia sẻ.

Trong khi khắp khán phòng mọi người thả hồn theo những tác phẩm âm nhạc bất hủ thì phía ngoài, Lê Anh Tân, 19 tuổi, phụ trách nhóm truyền thông, đi tới đi lui xem xét mọi việc. Phương Nguyên (17 tuổi), Phương Hà (19 tuổi), Hoàng Bách (19 tuổi) tất bật chuẩn bị nước uống cho khách trong giờ giải lao. Tối hôm ấy, 14 tác phẩm như bị lãng quên của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng thế giới đã đến được với các bạn trẻ tham gia trong không khí như thế. Và đó là buổi biểu diễn thành công thứ tám của nhóm từ ngày thành lập.

Những người “gieo mầm”

Tên của nhóm là Germer, nghĩa là “nảy mầm”, cũng là mong muốn của nhóm có thể nhen nhóm một hướng cảm thụ âm nhạc mới cho giới trẻ. Chuyện bắt đầu từ mùa hè năm 2013 khi Nguyên Khang lúc còn là học sinh chuyên Pháp Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được sang Pháp giao lưu với học sinh ở đây.

Tại Trường trung học La Bruyère ở Versailles, Khang thấy có cả khán phòng dành cho nhạc cổ điển. Trao đổi với các bạn tại đây mới biết ở châu Âu, nhiều nơi đã sử dụng âm nhạc, đặc biệt là nhạc cổ điển, như một môn giáo dục công dân, hướng học sinh đến những điều chân – thiện – mỹ. Cá nhân Khang là học sinh đã có chín năm học piano tại Nhạc viện TP.HCM lóe ra ý tưởng có thể làm điều đó với bạn trẻ Việt.

Về nước, Khang đem ý tưởng của mình chia sẻ với bạn bè ở nhạc viện và Trường Lê Hồng Phong, không ngờ được hưởng ứng ngay. Bạn ở nhạc viện góp phần tham gia biểu diễn (khoảng 20 người), bạn ở trường thì góp vai tổ chức, truyền thông… Thế là buổi biểu diễn đầu tiên được “lên sóng” vào ngày 27-9-2014.

Từ đó, thành viên đăng ký vào nhóm đông dần, mỗi người mỗi việc. Kim Trang, 20 tuổi, sinh viên ĐH Sài Gòn, cho biết ban đầu cũng thích nghe nhạc không lời, được bạn giới thiệu đến để nghe Germer rồi vì “thích các bạn quá đi” đã xin vào nhóm để lo chuyện tổ chức. Sắp tới, trong vai trò tổ chức, Kim Trang cùng các bạn còn định thực hiện nhiều phần việc trong hành trình nỗ lực đưa nhạc cổ điển đến với mọi người.

Trong khi đó, Lê Anh Tân là bạn học cùng Trường Lê Hồng Phong với Khang và nhiều bạn khác, khi nhận được ý tưởng từ Khang đã cùng nỗ lực mỗi người mỗi việc để thành lập và duy trì nhóm.

Ước mơ nhạc cổ điển “nảy mầm”

“Các bạn được học nhạc từ nhỏ nên mê nhạc cổ điển là lẽ tất nhiên, nhưng các bạn có tự tin không khi nói về, đem đến những dòng nhạc lâu nay được xem là rất “khô”, nhất là với giới trẻ?”. Nguyễn Ngọc Bảo Minh – cô gái 19 tuổi có chín năm học piano, một nghệ sĩ của nhóm – khẳng định: “Cứ thử nghe nhạc cổ điển sẽ thấy nét đẹp trong âm nhạc”.

Lý giải điều này, Minh nói từng tác phẩm cổ điển gắn liền với biết bao câu chuyện lịch sử, văn hóa, triết lý nhân văn trong đó. Nghe nhạc không chỉ là… nghe nhạc. Nhiều tác phẩm cổ điển đã có “tuổi thọ” hàng mấy trăm năm và lan truyền toàn thế giới đã minh chứng cho điều đó. Nhiều bản nhạc cổ điển mọi người đã nghe rất quen tai, rất thích nhưng chưa bao giờ tìm hiểu về chúng.

“Nhiều người một nốt nhạc cũng không biết nhưng vẫn có thể cảm thụ được âm nhạc” – Nguyên Khang nói. Vì thế nếu có cái nhìn đúng về nhạc cổ điển thì chẳng bao giờ thấy “khô” cả. “Nhóm sẽ nỗ lực để âm nhạc cổ điển có thể “nảy mầm” trong lòng nhiều bạn trẻ, không phải bắt đầu từ những khán phòng sang trọng và trang nghiêm” – Nguyên Khang chia sẻ. 

Bạn thử vào Google tìm: Nocturne op.9 no.2 – F. Chopin; Wedding March – Mendelssohn; Canon in D – Johann Pachelbel; Fur Elise – Beethoven;Sonate Pathetique op.13 no.8 c-moll chương 3 (thường được biết tới với tên gọi Beethoven Virus); The Blue Danube Waltz - J. Strauss; opera The Swan Lake - I. Tchaikovsky; Giao hưởng số 40 - Mozart; Hungarian Dance no.5 – J. Brahms; Spring Concerto 1st movement – Vivaldi… Bạn thấy quen không? Nhạc cổ điển đó!

BẢO MINH giới thiệu

 

Đ.T.DUY