28/11/2024

Phá rừng để… hái ươi

Hàng ngàn lượt người ở 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi (Kon Tum) đã kéo nhau vào rừng để hái trái ươi bán cho các thương lái. Ban đầu, họ chỉ lượm trái ươi chín tự rụng, nhưng sau đó hạ luôn cây để hái cả trái còn xanh.

 

Phá rừng để… hái ươi

 

 

Hàng ngàn lượt người ở 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi (Kon Tum) đã kéo nhau vào rừng để hái trái ươi bán cho các thương lái. Ban đầu, họ chỉ lượm trái ươi chín tự rụng, nhưng sau đó hạ luôn cây để hái cả trái còn xanh.


 

Một gốc ươi vừa bị chặt

 Một gốc ươi vừa bị chặt (ảnh nhỏ); ươi được các thương lái thu gom, phơi đầy sân  – Ảnh: Nguyên Phi – Nguyễn Vinh

Cứ theo chu kỳ 4 năm cây ươi sẽ ra quả một lần. Năm nay, mùa ươi lại đến. Những ngày này về huyện Sa Thầy, đi đến đâu cũng nghe người dân kháo nhau về chuyện vào rừng hái ươi.
 
 

Theo y học cổ truyền, ươi còn có tên trái đười ươi, đại hải tử, đại hải, đại đồng quả, An nam tử, hồ đại phát, bàng đại hải… Ươi có vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, lợi cổ họng, giải độc, thường dùng chữa ho khan, cổ họng sưng đau, nôn ra máu, chảy máu cam…

 

 

Bắt chuyện với một nhóm 3 người chuẩn bị vào rừng nhặt ươi, chúng tôi được anh T.Đ.S (thôn 4, thị trấn Sa Thầy) cho biết: “Ươi năm nay giá cao. Chỉ cần đi vào rừng tìm ươi 1 tháng, thu nhập có khi hơn ở nhà làm rẫy cả năm nên nhiều gia đình bỏ rẫy kéo nhau vào rừng hái ươi. Do có quá nhiều người vào rừng hái nên cây ươi cũng dần bị xoá sổ, vì nhiều người đã hạ cả cây để lấy trái”.

Cũng như anh S., gia đình ông B. (thôn Nhơn Đức, xã Sa Nhơn, H.Sa Thầy) quanh năm chỉ sống dựa vào gần 1 ha đất trồng mì và 1,5 sào ruộng lúa, nên thời gian rảnh ai thuê gì làm nấy. Ông B. nói: “Vợ chồng tôi có 6 đứa con, năm nay khi cây ươi cho lộc thì 4 đứa con nhỏ ở nhà với mẹ, 2 đứa lớn cùng tôi vào rừng hái ươi. Chuyến đầu tiên đi 3 ngày, phát hiện 3 cây ươi hái bán được gần 16 triệu đồng. Chuyến thứ hai đi 3 ngày về bán được gần 15 triệu đồng. Tuy đi vào rừng hái ươi kiếm được nhiều tiền hơn so với làm các nghề khác nhưng rất vất vả và nguy hiểm. Cây ươi thường có thân cao hơn nhiều loại cây rừng khác, hái được quả ươi không hề dễ. Năm nay do số người đi hái ươi nhiều nên chúng tôi phải vào tận trong rừng sâu ở xã Mô Rai để tìm ươi. Nhiều người khi phát hiện cây ươi đã chặt luôn cả cây để dễ hái những trái còn trên cây. Mỗi cây thường hái được từ 30 – 50 kg. Sau khi hái ươi xong, các thương lái thường vào tận trong rừng để tìm mua”. Trên thực tế, nhiều người đã mang dao rựa, rìu búa, cưa máy lên rừng chặt hạ những cây ươi không thương tiếc để hái quả cho nhanh. Đáng nói, do cây ươi mọc rất cao nên khi bị chặt hạ kéo theo nhiều cây rừng xung quanh đổ ngã.
Đi dọc thôn Qui Nhơn (thị trấn Sa Thầy) đều thấy trái ươi được các thương lái thu gom phơi đầy sân và dọc hai bên đường. Bà Hà, một tiểu thương thu gom ươi, cho biết mỗi ngày thu gom được hàng tạ ươi để bán lại cho các đầu nậu khác từ các tỉnh đổ về, sau đó xuất sang Trung Quốc hoặc trữ chờ giá lên cao bán kiếm lời. Giá quả ươi bay (ươi chín tự rụng) khô hiện 185.000 đồng/kg, nếu mua trên 1 tấn có thể giảm 5.000 đồng/kg.
Hạt Kiểm lâm H.Sa Thầy đã có văn bản tham mưu UBND huyện chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tuyên truyền và tăng cường truy quét, ngăn chặn việc chặt phá cây rừng. Tuy nhiên, đến nay chưa xử lý được trường hợp nào. Còn Phó chi cục Kiểm lâm Kon Tum, ông Nguyễn Hoài Tâm, thì nói: “Chúng tôi sẽ kiểm tra lại kỹ càng việc này để có kế hoạch ngăn chặn”.

Nguyễn Vinh – Phạm Anh