15/11/2024

Cuộc triển lãm quốc tế Milano 2015: Cái đói của thân xác và tinh thần

Sáng ngày mồng 1 tháng 5, Lễ Lao động Quốc tế, cuộc triển lãm thế giới 2015 đã khai mạc tại Milano, bắc Italia. Trong sứ điệp trực tiếp truyền hình lúc 12 giờ 30, ĐTC Phanxicô đã khẳng định rằng Cuộc Triển lãm Quốc tế tại Milano là một dịp thuận tiện để toàn cầu hoá tình liên đới. Chúng ta hãy tìm đừng phung phí nó, nhưng làm cho nó có giá trị tràn đầy.

Cuộc triển lãm quốc tế Milano 2015: Cái đói của thân xác và tinh thần
 
Một số nhận định của ĐHY Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá


Sáng ngày mồng 1 tháng 5, Lễ Lao động Quốc tế, cuộc triển lãm thế giới 2015 đã khai mạc tại Milano, bắc Italia. Trong sứ điệp trực tiếp truyền hình lúc 12 giờ 30, ĐTC Phanxicô đã khẳng định rằng Cuộc Triển lãm Quốc tế tại Milano là một dịp thuận tiện để toàn cầu hoá tình liên đới. Chúng ta hãy tìm đừng phung phí nó, nhưng làm cho nó có giá trị tràn đầy.

Ngài kêu gọi mọi người thay đổi tâm thức và đừng nghĩ rằng các hành động thường ngày của mình, trên mọi mức độ trách nhiệm, không gây ra hậu quả đối với biết bao nhiêu người nghèo đói, đau yếu và phải chết vì thiếu ăn trên thế giới.

ĐTC biết ơn ban tổ chức vì đã cho ngài có dịp hợp tiếng với tất cả những ai tham dự buổi lễ khánh thành này. Đây là tiếng nói của Giám mục Roma, lên tiếng nhân danh dân Thiên Chúa lữ hành trên toàn thế giới; là tiếng nói của biết bao nhiêu người nghèo, thành phần của dân Chúa với phẩm giá tìm của ăn nuôi thân bằng mồ hôi trán của mình. ĐTC nói: Tôi muốn là tiếng nói của các anh chị em, Kitô cũng như không Kitô, mà Thiên Chúa yêu thương như con cái và đã trao ban sự sống cho họ, đã ban phát cho họ bánh là thịt của Người Con làm người. Ngài là Đấng đã dạy chúng ta xin Thiên Chúa Cha “ban cho chúng con lương thực hằng ngày”.

ĐTC ghi nhận rằng đề tài của cuộc triển lãm quốc tế “Nuôi sống hành tinh, năng lực cho sự sống” thật là quan trọng và nòng cốt, miễn là nó không phải chỉ là một đề tài, nhưng luôn được đi kèm bởi ý thức về các gương mặt: gương mặt của hàng triệu người ngày nay đang đói, ngày nay không thể ăn uống xứng đáng như con người. Tôi ước mong rằng, bắt đầu từ ngày hôm nay, mỗi một người ghé thăm Cuộc Triển lãm Quốc tế Milano khi đi ngang qua các khu triển lãm tuyệt vời ấy, có thể nhận ra sự hiện diện của các gương mặt này. Một sự hiện diện dấu ẩn, nhưng trong thực tại phải là tác nhân đích thật của biến cố: các gương mặt của những người nam nữ đói khát, đau yếu và chết vì thiếu thực phẩm hay vì thực phẩm độc hại.

“Cái mâu thuẫn của sự dồi dào” mà Đức Gioan Phaolô II nói tới trong diễn văn đọc trước Tổ chức Lương nông Quốc tế FAO trong hội nghị về dinh dưỡng lần I năm 1992, vẫn tồn tại, mặc dù đã có các nỗ lực và vài kết quả tốt. Trong vài khía cạnh, Cuộc Triển lãm Quốc tế Milano cũng là phần “cái mẫu thuẫn của sự phong phú” đó, nếu nó chỉ tuân phục nền văn hoá gạt bỏ, và không góp phần vào một mô thức phát triển công bằng và có thể chịu đựng nổi. Vì thế, chúng ta hãy làm sao để cuộc triển lãm này là dịp thay đổi não trạng, giúp mọi người ý thức rằng các hành động của chúng ta trên mọi bình diện trách nhiệm đều có hậu quả trên cuộc sống của những người gần xa đang đói. Tôi nghĩ tới biết bao nhiêu người nam nữ đang bị đói, đặc biệt là đông đảo các trẻ em đang chết đói trên thế giới.

Tiếp đến, ĐTC đã nhắc đến các gương mặt có vai trò quan trọng trong cuộc triển lãm này: gương mặt của các nhân viên và các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực lương thực. Ngài xin Chúa ban cho từng người sự khôn ngoan và lòng can đảm, vì trách nhiệm của họ rất lớn lao. ĐTC cầu mong rằng kinh nghiệm này cho phép các nhà thầu, các doanh thương, các nhà nghiên cứu, cảm thấy được lôi cuốn vào một dự án vĩ đại của tình liên đới: là dự án nuôi sống hành tinh, trong sự tôn trọng mọi người và tôn trọng môi trường thiên nhiên. Đây là một thách đố lớn mà Thiên Chúa kêu mời nhân lọai của thế kỷ 21: thôi lạm dụng ngôi vườn Thiên Chúa đã tín thác cho chúng ta, để tất cả có thể ăn các hoa trái của ngôi vườn ấy. Lãnh nhận dự án lớn lao đó trao ban phẩm giá tràn đầy cho công việc làm của người sản xuất và người nghiên cứu trong lĩnh vực thực phẩm.

ĐTC cũng không quên gương mặt của tất cả các công nhân đã tận tuỵ làm việc cho cuộc triển lãm quốc tế này, cách riêng những gương mặt vô danh, của những người ẩn khuất nhất, nhờ cuộc triễn lãm mà có cơm bánh cho gia đình. Ước chi đừng có ai bị lấy mất đi phẩm giá. Và ước chi đừng có chiếc bánh nào là kết quả của một công việc bất xứng với con người!

ĐTC kết thúc sứ điệp trực tiếp truyền hình như sau: Xin Chúa giúp chúng ta đón nhận dịp may lớn lao này với tinh thần trách nhiệm. Xin Ngài là Tinh Yêu ban cho chúng ta “năng lực cho sự sống”: tình yêu để chia sẻ cơm bánh, “lương thực hằng ngày”, trong an bình và tình huynh đệ. Và ước chi đừng có người nam nữ nào thiếu cơm bánh, phẩm giá và công ăn việc làm.

Tối ngày 30 tháng 4 đã có 20.000 người tham dự buổi hoà nhạc khai mạc Cuộc triển lãm quốc tế tại quảng trường Nhà thờ Chính tòa Milano với lễ nghi thắp sáng cây sự sống, là biểu tượng gian hàng của Italia. Tham dự cuộc triển lãm kéo dài cho tới ngày 31 tháng 10 năm nay có 145 quốc gia, trong đó có quốc gia thành phố Vatican. Khu vực triển lãm rộng 110 mẫu tọa lạc tại mạn tây bắc Milano

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị thính giả một số nhận định của ĐHY Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá.

Hỏi: Thưa ĐHY trong lịch sử các cuộc triển lãm quốc tế Toà Thánh Vatican có thường xuyên tham dự không?

Đáp: Ngay từ năm 1851 dưới thời Đức Giáo hoàng Pio IX, Toà Thánh đã hiện diện trong cuộc triển lãm quốc tế hồi đó tại Luân Đôn, và trong các dip khác nữa sự hiện diện của Toà Thánh cũng quan trọng. Chẳng hạn trong cuộc triển lãm tại New York năm 1964 Toà Thánh đã gửi bức tượng Đức Mẹ ôm xác Chúa Giêsu của Michelangelo để trưng bày cho công chúng chiêm ngưỡng. Đó là lần đầu tiên bức tượng được đưa ra khỏi Đền thờ Thánh Phêrô. Toà Thánh đã luôn luôn hiện diện trong các cuộc triển lãm quốc tế có sự tham dự của nhiều quốc gia trên thế giới với các gian hàng trưng bày các sản phẩm, các sinh hoạt kinh tế, các vần đề quan trọng trên bình diện cụ thể, xã hội.

Hỏi: “Nuôi sống hành tinh, năng lực cho sự sống” là đề tài của cuộc triển lãm quốc tế năm 2015 tại Milano. Nhưng vượt ngoài các ý hướng tốt, có người lo sợ rằng cuộc triển lãm biến thành một cuộc trưng bày có tính cách thương mại. Trong nghĩa này thì sự hiện diện của Toà Thánh có ý nghĩa gì, thưa ĐHY?

Đáp: Sự hiện diện của Toà Thánh muốn như là một loại gai chọc vào hông của cuộc trưng bày kinh tế thương mại vĩ đại có tính cách toàn cầu này. Gian hàng của Toà Thánh là gian hàng duy nhất không trưng bày và đề nghị các sản phẩm để bán. Có hai khẩu hiệu được viết trên chính mặt tiền của khu vực một cách rất đơn sơ, theo cung cách của ĐTC Phanxicô. Hai khẩu hiệu này cũng được viết ở lối vào như để nhắc nhớ, và bên trong có một lộ trình được trải dài trên một khoảng không gian rộng 330 mét vuông, nghĩa là không sang trọng như các gian hàng của các nước khác. Hai khẩu hiệu là “Không phải chỉ có cơm bánh” và “Xin ban cho chúng con lương thực hằng ngày” là hai câu được trích từ Thánh Kinh và quy hướng về sự kiện con người không chỉ sống nhờ cơm bánh mà thôi, nhưng nó vượt thắng chính mình và có trong chính nó một cái gì vượt quá các máy móc sinh vật lý. Nhưng đàng khác nó cũng nhắc cho mọi người nhớ rằng con người cũng phải sống một cách vật chất, vì thế, “xin ban cho chúng con lương thực hằng ngày”, tức là cơm bánh cho mỗi ngày, cơm bánh mà rất thường khi trong bối cảnh hiện nay của thế giới, nó chỉ được dành để cho một số ít người. Tại trung tâm khu vực triển lãm của Toà Thánh sẽ có một cuộc thảo luận bàn tròn liên hành động mà các khách viếng thăm có thể được lôi cuốn nhập cuộc một cách nào đó trong một cuộc đối thoại. Và nó muốn diễn tả thế giới ngày nay: Một bên là chúng ta thuộc các nước giàu miền bắc bán cầu có của cải phong phú và bên kia là đám đông lớn hơn rất nhiều thuộc các nước miền nam bán cầu đang phải bằng lòng với các mảnh bánh vụn. Vì thế, tại sao cũng có đề tài nạn đói đè nặng và tất cả đè tài “Xin ban cho chúng con cơm bánh hằng ngày”, là bánh tinh thần, khiến cho chúng ta bước vào đề tài Bí tích Thánh Thể.

Hỏi: Nhưng mà đề tài nuôi sống, đề tài đói đuợc đương đầu từ khía cạnh nhân chủng học, y tế, xã hội cũng sẽ là trung tâm điểm của các cuộc thảo luận khác nữa sẽ diễn ra trong khu vực triển lãm của Toà Thánh, có đúng thế không, thưa ĐHY?

Đáp: Bên cạnh khu vực này, ở trong khu triển lãm cũng có một loạt các phim ảnh liên quan tới các đề tài nói trên: một phim được quay tại Erbil, một phim đuợc quay tại Burkina Faso, một phim khác được quay tại châu Mỹ Latinh. Cũng có một khu vực khác hầu như có tính cách tinh thần và lưu động, được trình bày với một loạt các biến cố và biểu hiện liên quan tới khu vực triển lãm của Toà Thánh và cũng đề cập tới tất cả các đề tài này. Chẳng hạn như tổ chức Caritas trình bày đề tài nạn đói trên thế giới và các dự án hữu hiệu giúp đương đầu với nạn đói kém. Từ phía Nhà thương Nhi đồng Chúa Hài Đồng Giêsu cũng có khu vực trình bày một loạt các cuộc gặp gỡ đề cập tới các đề tài nòng cốt của cuộc sống con người như: thảm cảnh của người trẻ phá phách vì nhàm chán, hay thảm cảnh nhịn ăn uống cho tới chết, rồi còn có đề tài nuôi con bằng sữa mẹ, cũng như nhiều đề tài nhân chủng học chằng chéo với chiều kích y khoa và chiều kích hiện sinh. Và chúng tôi sẽ có ngày cử hành đặc biệt, tức ngày 11 tháng 6, dành cho Toà Thánh và suy tư trên bình diện nhân chủng học về đề tài nạn đói trên thế giới, cũng như buổi hội thảo “Sân của dân ngoại” về đề tài này, với sự hiện diện và tham dự của những người tin và không tin, trong đó có ông Buicolas Hulot, chủ tịch hội nghị về khí hậu, sẽ diễn ra tại Paris. Như thế, chúng tôi cũng bàn về đề tài giữ gìn môi sinh và bảo vệ thiên nhiên. Ngoài ra, tôi tin rằng sau cùng khu vực duy nhất đòi hỏi điều gì đó nơi các khách viếng thăm cuộc triển lãm đó là việc đóng góp cho quỹ diệt trừ nạn đói trên thế giới, đóng góp cho quỹ bác ái của Đức Giáo hoàng. Và sau cùng, khi phân phát cho các khách viếng thăm Cuộc Triển lãm Quốc tế 2015 một kỷ niệm với hình Đức Giáo hoàng, chúng tôi sẽ xin người nhận thực thi một cử chỉ đối với chân trời đang kêu mời chúng ta cứu giúp nỗi khổ đau của họ.

(RG 1-5-2015)