Kho cổ vật quý
Trong hai đợt khai quật gò Tháp năm 1984 và 1993, các nhà khảo cổ phát hiện rất nhiều vàng bên trong các kiến trúc.
Kho cổ vật quý
Trong hai đợt khai quật gò Tháp năm 1984 và 1993, các nhà khảo cổ phát hiện rất nhiều vàng bên trong các kiến trúc.
Hiện vật bằng vàng có chạm khắc, được tìm thấy trong quá trình khai quật – Ảnh: V.Tr |
Theo TS Đào Linh Côn (Viện Khoa học xã hội tại TP.HCM), hai đợt khai quật năm 1984 và 1993 đã đem lại nhiều nguồn tư liệu mới về văn hoá Óc Eo tại gò Tháp. Đặc biệt, đó là loại hình mộ táng với một tập hợp di vật phong phú và đa dạng gắn liền với di tích.
Vàng trong phế tích
Trung tâm huyệt mộ có xây một trụ hình khối vuông cao từ 5 – 11 lớp gạch. Mỗi lớp có bốn viên gạch xếp thành hình vuông, chừa lỗ ở giữa.
Trong lỗ này phần bên trên được lấp bằng cát xám có chất kết dính, phần bên dưới là cát trắng mịn có lẫn than tro và hiện vật tuỳ táng bằng vàng (nhẫn vàng, lá vàng) và đá quý. Xung quanh khối trụ vuông này được ốp bằng nhiều lớp gạch và cát kết dính tạo thành khối vững chắc.
Những ngôi mộ được khai quật tại gò Tháp có cấu tạo gần giống nhau và rất gần gũi với loại hình mộ được tìm thấy ở các di tích khác như Nền Chùa, Óc Eo, Đá Nổi. Những ngôi mộ hỏa táng này được xây dựng quy mô lớn, có khuôn viên bao quanh huyệt mộ, vật liệu chủ yếu là gạch. Điểm đáng chú ý là mộ ở đây được xây bằng gạch thay cho đá vì vùng này không có sẵn đá.
Qua hai đợt khai quật đã phát hiện chín mộ táng, thu được 340 di vật tuỳ táng chôn theo là vàng, đá quý và hạt chuỗi. Ngoài nhẫn vàng, di vật bằng vàng tìm thấy trong các mộ táng là lá vàng dát mỏng, có loại hình chữ nhật, hình tứ giác, hình tròn, nửa hình tròn… có kích thước nhỏ.
Trên bề mặt lá vàng có chạm dập các hình trang trí là hình người, hình động vật, hình thực vật hoặc hình vật thể như bánh xe, đinh ba, vũ khí của Indra là vũ khí hay vật cầm tay của các vị thần linh.
TS Đào Linh Côn cho biết thêm: “Tại gò Tháp còn phát hiện những lá vàng chạm khắc hình rất mới lạ so với di vật khảo cổ văn hoá Óc Eo ở các địa phương khác. Đó là hình con trâu – là vật cưỡi của thần Yama, hình vũ khí của Indra, hình dây thòng lọng hoặc dây rút của thần Varuna và Yama, hình vòng tròn, hình tam giác, hình trăng khuyết… là dấu hiệu của mặt trời, mặt trăng, các vì sao thể hiện ngày trong tuần theo lịch cổ Ấn Độ.
Đáng chú ý là lần đầu tiên các nhà khảo cổ học đã tìm thấy lá vàng chạm khắc hình ngôi nhà sàn có nóc nhọn, giống nhà ở của dân tộc thiểu số ở Tây nguyên hiện nay”.
Năm 1996, Viện Khoa học xã hội tại TP.HCM đào thám sát đìa Phật, đìa Vàng trong khu di tích gò Tháp và phát hiện một mộ hoả táng nữa. Trong lòng mộ được xây bằng gạch màu xám trắng. Ở giữa có lỗ hình vuông chứa đầy cát màu trắng xám, tươi, mịn.
Hiện vật tìm thấy trong mộ gồm 13 mảnh vàng nhỏ, một viên đá hình bán cầu màu xanh da trời. Trong số này có một mảnh vàng chạm hoa văn hình bánh xe nhỏ có bốn căm.
Xung quanh huyệt mộ là đất sét nện chặt. Trong đất có cát kết dính cùng nhiều mảnh vỡ của các loại đồ gốm mịn, mảnh vòi bình, cà ràng… chứng tỏ đất được lấy từ địa điểm cư trú để đắp gò làm nơi chôn cất.
Theo TS Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học), trong đợt khai quật lần thứ ba năm 2003 tại khu vực gò Minh Sư tiếp tục phát hiện dấu tích mộ táng. Huyệt mộ đất hình chữ nhật dài 2m, sâu 40cm và rộng 88cm (một đầu rộng 75cm).
Đáy mộ lõm lòng máng, được lót một lớp cát xám mịn dày 10 – 13cm. Đất lấp mộ là sét lẫn nhiều vụn than gỗ. Các nhà khảo cổ học tìm thấy phần xương sọ mục nát nhưng còn nguyên hình, một số mẩu xương ống.
“Hiện tượng đáng chú ý nhất trong hố khai quật mộ táng số 3 là sự xuất lộ của một hố đào hình phễu được phủ một lớp gạch dày sâu -0,6m đến -1,9m. Trong hố có rất nhiều mảnh gốm ken chặt và xỉ sắt, xỉ thủy tinh, sỏi nhỏ…” – TS Liên cho biết.
Kết quả thu được trong các cuộc khai quật tại gò Tháp trước đây đã giúp các nhà khảo cổ học nhận định các kiến trúc, phế tích trong lòng đất có chứa vàng là mộ táng. Tuy nhiên những năm gần đây các nhà khảo cổ học lại tìm thấy những thông tin, dữ liệu mới cho thấy các kiến trúc, phế tích ấy chính là đền thần của cư dân Óc Eo xưa.
PGS Đặng Văn Thắng (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, giám đốc Bảo tàng Lịch sử – văn hóa) cũng khẳng định đó là đền thần vì chính ông đã tìm thấy rất nhiều tượng thần, vàng khắc hình thần hoặc biểu tượng, hoá thân của thần, vợ của thần, vật cưỡi của thần và vì là mảnh vàng nhỏ nên người Óc Eo phải đưa xuống lòng đất chứng minh cho sự hiện diện của các thần ở đền… khi khai quật gò Tháp liên tục nhiều năm qua.
nữa người theo đạo Hindu không có mộ hỏa táng.
Chạm khắc các vị thần
Với hơn 300 mảnh vàng xuất lộ, gò Tháp đã cung cấp một sưu tập di vật độc đáo có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu văn hoá Óc Eo trên nhiều phương diện.
Hình thức chung là các hình vẽ được thể hiện trên các mảnh vàng mỏng không định hình, được cắt, tán không ngay ngắn. Kỹ thuật thường là lối vẽ miết bằng một vật nhọn, tạo hình đơn giản, đôi khi nguệch ngoạc.
Nội dung bao gồm chủ yếu là các biểu tượng đạo Hindu, trong đó có cả yếu tố Shiva giáo, Vishnu giáo và tín ngưỡng thờ nữ thần phồn thực. Các biểu tượng thường thấy nhất là hình hoa sen, bình phong đăng, bánh xe, con ốc, cá, rắn, rùa, bò Nandin, linga, đinh ba, mũi tên.
Một số hình tượng như Vishnu, Varaha (một hoá thân của thần Vishnu), Garuda (chim thần, vật cưỡi của thần Vishnu), rắn Naga, Ganesha, nữ thần phồn thực… mặc dù chiếm số lượng không nhiều nhưng là những lối biểu hiện nhân dạng sơ khai của tiếu tượng Hindu.
Các lá vàng này có hình chữ nhật, tứ giác, hình bình hành, hình tròn, hình chữ D. Trên mặt mỗi lá vàng đều chạm khắc hoa văn.
Đề tài chạm khắc rất phong phú, đa dạng miêu tả về: thần Vishnu, hoa sen, thảo mộc, linh thú và động vật như bò thần Nandin, lợn Vahara, rắn Shesha… là biểu tượng của thần, hóa thân của thần, vật cưỡi của thần; về linh vật như hình bánh xe Chakra, con ốc Sanhkha.
Những lá vàng đều có chung trọng lượng từ 2,7 phân đến 3,4 phân. Đây là bộ sưu tập hiện vật có chất lượng nghệ thuật và giá trị khoa học đặc biệt, là hiện vật gốc độc bản, tiêu biểu cho nghệ thuật chạm khắc vàng của văn hóa Óc Eo.
Một số mẫu than gỗ và gỗ lấy trong tầng văn hoá Óc Eo trong quá trình khai quật tại gò Tháp năm 1984 và 1993 đã được gửi xét nghiệm bằng phương pháp phóng xạ C14. Trong đó có ba mẫu lấy ở độ sâu hơn 2m bên dưới kiến trúc mộ táng cho kết quả khác nhau.
Hai mẫu cho niên đại cách đây 2.400-2.300 năm, còn một mẫu cho niên đại thế kỷ thứ VII sau Công nguyên.
Tượng Vishnu là bảo vật quốc gia
Chính phủ đã công nhận một trong hai tượng thần Vishnu tìm thấy tại gò Tháp Mười ngày 15-7-1998 là bảo vật quốc gia. Tượng làm bằng sa thạch màu xám trắng, tạc ở tư thế đứng trên bệ hình chữ nhật, phần dưới bệ tạc liền khối với chốt cắm tiết diện hình tam giác nặng tới 70kg, chiều cao tượng 149cm, có niên đại thế kỷ thứ VII sau Công nguyên. Tượng có dáng người cân đối, ngực nở, eo thắt, hơi ưỡn về phía trước. Gương mặt vuông, hai chân mày giao nhau, mắt mở to nhìn thẳng, môi mỏng, miệng hơi mỉm cười, hai dái tai dài xuống tận vai. Tượng có bốn tay và hai vai, hai tay sau phía trên hướng lên trời, tay phải cầm bánh xe, tay trái cầm hình tượng ốc, tù và. Cánh tay trên bên trái bị gãy mất toàn bộ. |
____________