27/11/2024

Ở lại trong Đức Kitô để sinh hoa kết trái

Mỗi người trong chúng ta như một cành nho, một cành nho chỉ sống được, nếu mỗi ngày nó được lớn lên nhờ kinh nguyện, nhờ lãnh nhận các bí tích, nhờ làm việc bác ái, nhờ kết hợp với Chúa.

 Ở lại trong Đức Kitô để sinh hoa kết trái

 

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật V PS, 6/5/2014

 

Anh chị em thân mến!

 

Bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Nhật V Phục Sinh, mở đầu bằng hình ảnh về cây nho: “Đức Giêsu nói với các môn đệ: Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho” (Ga 15,1). Trong Kinh Thánh, Israel thường được ví như vườn nho tốt tươi, khi dân trung thành với Thiên Chúa, nhưng khi toàn dân xa Ngài, thì nó trở nên khô cằn, không thể nào sản sinh loại “rượu nho làm hoan lạc lòng người” mà Thánh vịnh 104 đã ca ngợi (c. 15). Vườn nho thật sự của Thiên Chúa, vườn nho đích thực, chính là Đức Giêsu, qua hy tế tình yêu của Người, đã mang lại cho chúng ta ơn cứu độ, mở ra cho chúng ta con đường để tham dự vào vườn nho này. Và cũng như Đức Kitô ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa, thì cũng thế, các môn đệ, được Lời của Thầy cắt tỉa cách khôn ngoan (x. Ga 15,2-4), cũng kết hợp với Đức Kitô một cách sâu xa, và như thế, trở nên những cành nho sai trái mang lại một mùa thu hoạch dồi dào. Thánh Phanxicô Salêsiô viết: “Cành nho, một khi kết hợp và tháp nhập vào thân nho, sẽ sinh hoa kết trái, không phải nhờ khả năng của mình, mà là nhờ thân cây. Do đó, chúng ta kết hợp, bằng tình yêu với Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, như các thành viên với vị thủ lĩnh của mình… những việc lành phúc đức, rút được giá trị từ vị thủ lĩnh, sẽ xứng đáng được sống muôn đời” (Khảo luận về Tình yêu Thiên Chúa, XI, 6, Paris, 1984, 476).

 

Ngày chúng ta được rửa tội, Giáo Hội tháp ghép chúng ta như những cành nho vào Mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Giêsu. Từ rễ này, chúng ta lãnh nhận nhựa sống quý giá để tham dự vào đời sống thần linh. Với tư cách là môn đệ, chúng ta cũng thế, được các vị Mục tử trong Giáo Hội giúp đỡ, chúng ta lớn lên trong vườn nho của Chúa, được tình yêu của Người liên kết. “Nếu hoa trái mà chúng ta phải sản sinh là Tình yêu, thì điều kiện tiên quyết là chúng ta phải ‘ở lại’, một yếu tố gắn liền với đức tin một cách sâu xa mà Chúa đã để lại cho chúng ta” (Đức Giêsu Thành Nazareth, Paris, 2007, tr. 289). Điều cần thiết là chúng ta phải luôn sống kết hợp với Đức Giêsu, phải lệ thuộc vào Người, bởi vì không có Người, chúng ta chẳng làm được việc gì (x. Ga 15,5). Trong một lá thư của Gioan Tiên tri sống vào thế kỷ V tại sa mạc Gaza, một tín hữu đã đặt cho ngài câu hỏi sau đây: “Làm thế nào để đạt được tự do của con người đi chung với sự kiện là con người không thể làm được gì, nếu không có Thiên Chúa giúp đỡ?”. Và vị đan sĩ trả lời: “Nếu con người hướng tâm hồn mình về điều thiện và cầu xin Thiên Chúa giúp đỡ, thì con người sẽ nhận được sức mạnh cần thiết để chu toàn công việc của mình”. Chính vì thế, tự do của con người và quyền năng của Thiên Chúa đi đôi với nhau. Điều này là có thể, bởi vì điều thiện đến từ Thiên Chúa, nhưng lại được các tín hữu của Chúa thực hiện (x. Ep 763, SC 468, Paris 2002, 206). Hành động “ở lại” thật trong Đức Kitô bảo đảm cho lời cầu nguyện của chúng ta được hữu hiệu, như Chân phước Guerric d’Igny Dòng Cistersien đã nói: “Ôi lạy Chúa Giêsu… không có Ngài, chúng con chẳng làm được gì. Bởi vì Chúa là người thợ làm vườn đích thực, là Đấng Tạo Hoá, là người canh tác và là người giữ khu vườn của Chúa, Chúa là người trồng trọt nhờ lời của Chúa, Chúa là người dẫn thuỷ nhập điền nhờ thần trí của Chúa, Chúa là người cho mọc lên nhờ quyền năng của Chúa” (Sermo ad excitandam devotionem in psalmodia, SC 2 02, 1973,522).  

 

Các bạn thân mến, mỗi người trong chúng ta như một cành nho, một cành nho chỉ sống được, nếu mỗi ngày nó được lớn lên nhờ kinh nguyện, nhờ lãnh nhận các bí tích, nhờ làm việc bác ái, nhờ kết hợp với Chúa. Và ai yêu Đức Giêsu là cây nho thật, thì sẽ sản sinh hoa trái đức tin để có được một mùa thu hoạch thiêng liêng dồi dào. Chúng ta hãy nài xin Mẹ Thiên Chúa cho chúng ta luôn tháp chặt vào Đức Giêsu, và xin cho mỗi hành động của chúng ta được khởi sự trong Người cũng như kết thúc trong Người.