27/11/2024

Đòn bẩy phát triển từ giao thông

Vùng ven Sài Gòn 40 năm trước nay đã trở thành những khu đô thị mới hiện đại. Đóng góp cho sự thay đổi của bộ mặt TP.HCM ngày nay phải kể đến những công trình giao thông.

 

Đòn bẩy phát triển từ giao thông

 

Vùng ven Sài Gòn 40 năm trước nay đã trở thành những khu đô thị mới hiện đại. Đóng góp cho sự thay đổi của bộ mặt TP.HCM ngày nay phải kể đến những công trình giao thông.

 

 

Cầu Phú Mỹ trong ngày khánh thành 2.9.2009 - Ảnh: Diệp Đức MinhCầu Phú Mỹ trong ngày khánh thành 2.9.2009 – Ảnh: Diệp Đức Minh
Không thể kể hết có bao nhiêu con đường, cây cầu đã được cải tạo, mở rộng, nâng cấp và xây dựng mới trong suốt 40 năm qua, chỉ biết rằng, hệ thống giao thông của TP.HCM hiện nay đã phát triển hơn xưa rất nhiều lần.
Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu – đường – cảng TP.HCM, người đã có mặt tại Sài Gòn ngày 19.5.1975 cùng những cán bộ từ miền Bắc vào tiếp quản ngành GTVT, cho biết: “Khi kiểm kê những tài sản về hạ tầng giao thông của chính quyền cũ để lại ở Sài Gòn và các tỉnh phía nam tôi nhớ trị giá khoảng 33 – 35 tỉ USD, bao gồm sân bay, hệ thống cảng biển, bến bãi, cầu đường… Tài sản này vào thời điểm đó là rất lớn, bởi hạ tầng giao thông ở miền Nam đã đi trước một bước so với miền Bắc. Qua 40 năm nhìn lại, hệ thống hạ tầng giao thông vào thời điểm năm 1975 đã rất nhỏ so với hiện nay”.
Khi chúng tôi hỏi về những công trình giao thông để lại dấu ấn trong 40 năm qua, nhiều người đã nói ngay đến 4 công trình lớn là đại lộ Nguyễn Văn Linh, đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ bao gồm cả đường hầm Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ và đại lộ Phạm Văn Đồng.

 
 
Đòn bẩy phát triển từ giao thông - ảnh 2
Khi kiểm kê những tài sản về hạ tầng giao thông của chính quyền cũ để lại ở Sài Gòn và các tỉnh phía nam tôi nhớ trị giá khoảng 33 – 35 tỉ USD, bao gồm sân bay, hệ thống cảng biển, bến bãi, cầu đường… Tài sản này vào thời điểm đó là rất lớn, bởi hạ tầng giao thông ở miền Nam đã đi trước một bước so với miền Bắc. Qua 40 năm nhìn lại, hệ thống hạ tầng giao thông vào thời điểm năm 1975 đã rất nhỏ so với hiện nay
Đòn bẩy phát triển từ giao thông - ảnh 3
 
Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu – đường – cảng TP.HCM
 
Một mũi tên trúng 2 mục tiêu
Có người đã ví dự án đại lộ Đông Tây như một mũi tên trúng 2 mục tiêu: vừa phát triển giao thông, vừa chỉnh trang đô thị.
Khởi công ngày 31.1.2005, đại lộ Đông Tây là tuyến đường xuyên tâm quan trọng và dài nhất TP đi qua địa bàn 8 quận, huyện gồm quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và H.Bình Chánh. Ngày 20.11.2011, đường hầm vượt sông đầu tiên của cả nước và lớn nhất Đông Nam Á khánh thành, đồng thời toàn tuyến đại lộ Đông Tây được thông xe đã đem lại bộ mặt mới cho giao thông TP.HCM. Không chỉ mở ra một trục giao thông xuyên qua khu vực trung tâm TP, nối liền QL1 với xa lộ Hà Nội, dự án này còn kết hợp với chỉnh trang đô thị, giải tỏa 11.000 hộ dân hai bên đường và dọc theo tuyến kênh Tàu Hủ – Bến Nghé, để đến hôm nay có được một đại lộ thật đẹp.
Cùng với đại lộ Đông Tây, nay là đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ, còn phải kể đến công trình tiêu biểu trên tuyến, đó là đường hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm), lần đầu tiên ứng dụng công nghệ hầm dìm tại VN. Công nghệ đó giờ đây, theo ông Hà Ngọc Trường, các kỹ sư của VN đã tiếp thu, học hỏi để có thể thi công một đường hầm vượt sông thứ hai như vậy. Ở dự án đại lộ Đông Tây còn có 2 công nghệ mới để các kỹ sư VN học hỏi, đó là công nghệ xử lý vùng đất đứt gãy với địa chất phức tạp và công nghệ hút chân không hiện đại hơn, xử lý nền đường Mai Chí Thọ (Q.2).
“Cùng thời” với đại lộ Đông Tây là công trình cầu Phú Mỹ, chiếc cầu dây văng hiện đại, có hai mặt phẳng dây lớn nhất VN vào thời điểm dự án được khởi công ngày 22.2.2007 và hoàn thành vào ngày 2.9.2009, nối liền hai bờ sông Sài Gòn phía Q.7 và Q.2. Theo ông Hà Ngọc Trường, cây cầu này đã góp phần hoàn thiện hệ thống đường vành đai và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội phía đông và phía nam TP. Cây cầu cũng kết nối với các tuyến đường trục chính đô thị như đường vành đai số 2, liên tỉnh lộ 25B (nay là đường Đồng Văn Cống), tạo nên một hành lang lưu thông mới của trục vận tải từ miền Bắc, miền Trung đi về đồng bằng sông Cửu Long, giảm bớt áp lực lưu thông xuyên qua nội đô TP.HCM.
Còn dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài (nay là đại lộ Phạm Văn Đồng) động thổ từ năm 2008 đến nay đã thông xe đoạn từ ngã năm Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp) đến QL1 (Q.Thủ Đức). Như vậy đã thông xe 12,047 km/13,647 km; 1,6 km còn lại từ đường Trường Sơn (Q.Tân Bình) đến nút giao thông Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp) do mới được khởi công giữa tháng 1.2015 và bị vướng mặt bằng nên đến trước Tết Nguyên đán 2016 mới thông xe. Đây là tuyến đường nội đô rộng từ 30 – 65 m (tương đương 6 – 12 làn xe) do Tập đoàn GS E&C (Hàn Quốc) đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao).
Tuyến đường kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất, đi qua địa bàn các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, nối liền với QL13 – QL1 và 1K đi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Đây là cửa ngõ đông bắc của TP.HCM, hướng giao thông của TP với các tỉnh Tây nguyên và miền Trung. Nhờ tuyến đường mới này, các tuyến đường khác như Kha Vạn Cân, Đinh Bộ Lĩnh, Phan Văn Trị… sẽ giảm ùn tắc giao thông đáng kể. Theo tính toán của Sở GTVT TP.HCM, ùn tắc ở khu vực này sẽ giảm đến 50% so với trước đây.
 

Đường hầm Thủ Thiêm hôm nay - Ảnh: Diệp Đức MinhĐường hầm Thủ Thiêm hôm nay – Ảnh: Diệp Đức Minh
“Những dấu ấn lịch sử”
Ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc Taxi Vinasun, cho rằng: “Đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ, đường Phạm Văn Đồng, phố đi bộ Nguyễn Huệ, hầm Thủ Thiêm… là những dấu ấn lịch sử 40 năm, nhiều bà con Việt kiều về quê hương đều thừa nhận với tôi như vậy”. Theo ông, đây là những công trình không chỉ mang tính chiến lược tầm vóc, lâu dài, mà còn tạo điều kiện cho hoạt động vận tải phát triển, trong đó, đáng kể nhất là các công trình cầu vượt đưa vào khai thác trong thời gian qua có hiệu quả lớn. Trước đây các ngã tư, ngã năm liên tục kẹt xe, nhưng nay đã được giải quyết nhờ các cầu vượt. “Riêng nghề taxi, phải nói rất mừng khi hạ tầng TP thay đổi góp phần tạo điều kiện cho ngành và người lao động nâng cao đời sống ngày một khá hơn”, ông Hỷ chia sẻ.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, cũng nhìn nhận: “Với tôi, ấn tượng nhất trong 40 năm qua vẫn một số công trình cầu vượt, những con đường trục như đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ, đai lộ Phạm Văn Đồng…”. Theo ông, cầu vượt đã giúp giải quyết nạn kẹt xe trong giao thông đô thị “làm nhức nhối lòng người”; những con đường trục giúp giao thông xuyên khu vực nhanh chóng an toàn hơn, đồng thời rút ngắn thời gian đi lại, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cư dân, là một trong những tiêu chí sống mà các đô thị cần phải hướng tới.
Tuy nhiên ông Tính cho rằng, để TP ngày càng đẹp đẽ hơn, không hổ danh từng là hòn ngọc Viễn Đông, những cầu vượt cần chuyển sang hầm chui, “tuy có tốn kém hơn một chút, nhưng sẽ nhằm giữ được mỹ quan của TP”. Bên cạnh đó, chính quyền cần sớm xây dựng những công trình “cửa ô” TP, để khi người dân từ các tỉnh, TP khác khi bước chân đến TP.HCM là thấy ngay sự khác biệt của TP.Sài Gòn thuở nào, nay mang tên TP.HCM.
Từ “cả giờ đồng hồ” đến “chỉ còn 10 – 15 phút”
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Cầu, ngụ 445/26 Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh, đánh giá: “TP.HCM đã xây dựng được những công trình giao thông lớn trong thời gian qua, giúp rút ngắn thời gian đi lại, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân. Như công trình đại lộ Phạm Văn Đồng, sau khi thông xe đã giúp tôi rút ngắn rất nhiều thời gian từ nhà đến chỗ làm việc. Trước đây khi chưa có tuyến đường này, mỗi khi đến nơi làm việc ở Thủ Đức, tôi phải đi vòng và thường xuyên bị kẹt xe nên có khi phải mất cả giờ đồng hồ mới đến nơi. Còn nay thời gian di chuyển chỉ còn 10 – 15 phút. Ngoài ra, cầu Bình Lợi mới có không gian rất thông thoáng, nên vào những buổi tối mát trời lộng gió, vợ chồng tôi và bà con hàng xóm thường xuyên đi bộ tập thể dục và hóng mát giúp tinh thần sảng khoái, khỏe khoắn”.

TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn, người đã tham gia thực hiện nhiều đồ án quy hoạch đô thị trong và ngoài nước, nhận xét: Đại lộ Nguyễn Văn Linh là trục đường chạy song song với các trục đường nối Sài Gòn Chợ Lớn ở nội thành hiện hữu. Các trục đường này đã kết nối với nhau qua những con đường và những cây cầu cũ và mới như: Chà Và, Nguyễn Tri Phương, Chữ Y, Nguyễn Văn Cừ, Kênh Tẻ, Tân Thuận. Sự kết nối đó là mô hình tốt giúp cho khu Nam Sài Gòn – một vùng ngoại ô phát triển thành một khu đô thị mới hiện đại, một khu đô thị kiểu mẫu của TP.HCM và cả nước.

Mai Vọng – Đình Mười