Nhiều di tích được công nhận là di sản thế giới của Nepal đã bị trận động đất làm hư hại nghiêm trọng – Ảnh: Trần Hương
|
Liên tiếp những cơn rung chấn
Chị Trần Hương đang đảm đương vai trò Giám sát bóng đá nữ – Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), giám sát của giải U.14 nữ châu Á 2015 khu vực Nam và Trung Á, kể: “Trước khi xảy ra vụ động đất, tôi đã ở Kathmandu làm nhiệm vụ gần 10 ngày”.
|
|
|
Hiện tôi đang chuẩn bị ra sân bay và vừa chạy bộ vừa gõ (nhắn tin). Những nơi tôi đang đi qua đều giống nhau: hoang tàn, đổ nát… Dòng người đổ ra đường mỗi lúc một đông. Kathmandu vẫn đang rung chuyển. Nepal đã mất hết di sản thế giới rồi, chỉ còn lại Himalaya và Everest
|
|
|
Chị Trần Hương, Giám sát bóng đá nữ – Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC)
|
|
|
“Lẽ ra sau trận chung kết giữa Nepal – Bangladesh vào chiều 25.4, tôi sẽ lên đường quay về Malaysia (chị Hương đang sống tại Malaysia – PV). Mọi thứ đã rất yên bình, ngọt ngào cho đến lúc tôi phải tận mắt chứng kiến sự khủng khiếp của trận động đất. Đất nước Nepal trong mắt tôi quá đẹp và hùng vĩ, nhất là sự tuyệt diệu của tạo hoá ban cho đất nước này khi có được đỉnh Everest vĩ đại, Himalaya hùng vĩ. Thế nhưng, giờ đây thật kinh hoàng”, chị Hương kể.
Trao đổi qua điện thoại với PV Thanh Niên Online từ Nepal, chị Hương nói: “Tôi và các đội bóng tham dự giải sẽ ra sân bay về nước. AFC đã quyết định hủy trận tranh 3-4 và cả chung kết để đảm bảo an toàn cho 4 đội. Các đội đang ở sân bay và sẽ cố gắng bay về sớm nhất”.
Sân bay Kathmandu đã mở cửa lại, một số hãng cũng đã bắt đầu nhận khách. Trong đó, phía Ấn Độ đã cử một máy bay riêng đến đón đội U.14 của họ về sớm.
“Tôi là người Việt Nam duy nhất tham gia giải này và tôi sẽ là người rời Nepal sau khi các đội lên máy bay an toàn”. Vừa dứt lời, Trần Hương lại báo tin khách sạn nơi chị ở vừa có thêm một cơn rung chấn nữa. “Tôi đang phải chạy ra ngoài đường. Khách sạn nơi tôi ở đã vỡ hết cửa kính, sàn đá hoa, tường nhiều chỗ nứt, vỡ. Rất nhiều người cũng đã phải chạy ra đường. Hiện tại, trên đường phố mọi người vẫn đang hoảng loạn, nằm la liệt ở giữa đường. Các ngôi nhà cũ đổ nát, tan hoang. Các di tích World Heritage (di sản thế giới-PV) – những địa điểm thu hút khách du lịch của họ đều sụp đổ. Một số đền may mắn thì cũng bị nứt nghiêm trọng”.
Thảm họa kinh hoàng
Chị Hương kể lại vụ thảm họa mà chị đã chứng kiến hôm qua: “Thảm hoạ kinh hoàng bắt đầu khi tôi đang có mặt tại sân Dasrath chuẩn bị cho trận tranh huy chương đồng giữa Ấn Độ và Iran. Lúc đó là 11 giờ 50 (giờ địa phương). Mọi thứ diễn biến cực nhanh và khủng khiếp. Tôi đang kiểm tra những điều kiện cuối cùng cho trận đấu thì cảm nhận dưới chân mình có sự rung chuyển. Kinh nghiệm từ vụ động đất tại Tứ Xuyên giúp tôi đoán nhận được sự cố phải đối mặt. Tôi hô to: “Động đất!”. Rồi lùa tất cả 2 đội bóng và chính mình thì ba chân bốn cẳng chạy thẳng ra giữa sân. Khu vực ấy là nơi an toàn nhất, bởi mặt sân trống, có thể chủ động quan sát”.
Nhà cửa ở Nepal đổ nát, hoang tàn – Ảnh: Trần Hương
|
Từ giữa sân, chị Hương nhìn thấy cả khán đài sân vận động to vật vã lung lay, rung chuyển. Sau đó là cánh cổng sân đổ rầm, mấy tượng đài trước sân cũng lần lượt đổ sụp. Cột đèn sân to khoảng 2 người ôm lung lay dữ dội, nhưng may mắn không đổ. “Với yêu cầu an toàn, chúng tôi nhất quyết không di chuyển khỏi khu vực đã xác định an toàn nhất có thể để “trốn” động đất. Từng giây, từng phút rồi kéo dài đến tận 18 giờ, không một ai di chuyển khỏi khu vực trên. Trong quãng thời gian ấy, chúng tôi bị tra tấn thêm vài quả rung lắc nữa. Thật là quá khiếp sợ”, chị Hương kể.
Theo chị Hương, cuối cùng thì cũng có lệnh được di chuyển. Nhiệm vụ của chị là đưa bốn đội khách về nơi trú quân an toàn. Từ sân Dasrath về khách sạn trú quân của 2 đội phải di chuyển 40 phút. Khoảnh khắc di chuyển trên đường khiến chị cảm nhận thêm sự khủng khiếp khi mẹ thiên nhiên nổi giận. Hai bên đường tan hoang. Chị chỉ muốn khóc, thương cho một Kathmandu hiền hoà, xinh đẹp… nay phải hứng chịu sự tàn khốc.
“Vụ động đất tại Nepal là lần thứ 2 tôi trực tiếp đối mặt với thảm hoạ thiên nhiên này. Năm 2008, trong chuyến công tác cùng đoàn Tầm nhìn châu Á của AFC tại Tứ Xuyên (Trung Quốc), tôi cũng đã “đụng” với động đất. Vì thế, ít nhiều tôi có kinh nghiệm để đối phó trước tình huống bất ngờ này. Điều đầu tiên tôi xác định phải vượt qua chính là tâm lý, bởi không giữ được bình tĩnh thì thật nguy hiểm”, chị Hương nói.
“Hiện tôi đang chuẩn bị ra sân bay và vừa chạy bộ vừa gõ (nhắn tin). Những nơi tôi đang đi qua đều giống nhau: hoang tàn, đổ nát… Dòng người đổ ra đường mỗi lúc một đông. Rathmandu vẫn đang rung chuyển. Nepal đã mất hết di sản thế giới rồi, chỉ còn lại Himalaya và Everest. Tôi đã rất may mắn có một ngày đi tham quan Kathmandu và đó là những gì còn lưu lại về đất nước này. Giờ đây, mọi thứ đều đổ nát. Tôi cảm thấy xót xa, Nepal là đất nước nghèo nhưng có những nét kiến trúc riêng biệt, không nước nào có được. Thế nhưng bây giờ đã thành phế tích mất rồi”.
Khách sạn nơi tôi ở vẫn rất chu đáo, chăm lo cho khách hàng ngay cả cơn động đất đang diễn ra. Nhưng sự thật, mọi người không thể ăn nổi, vừa đưa đĩa cơm lên thì phải chạy ra ngoài, vì rung lắc dưới chân, rồi mọi thứ chao đảo xung quanh… Lúc này các bệnh viện đang trong tình trạng quá tải. Mọi người nằm la liệt, lan ra cả ngoài đường… (Lời kể của chị Trần Hương)
|
Chưa có thông tin về công dân Việt Nam thương vong tại Nepal
Ngày 26.4, trả lời câu hỏi của Thanh Niên Online về tình hình người Việt Nam tại Nepal sau vụ động đất ngày 25.4 và công tác bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết:
“Ngay sau khi xảy ra vụ động đất tại Nepal ngày 25.4, Bộ Ngoại giao đã có điện yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ấn Độ, Bangladesh khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của Nepal, Ấn Độ, Bangladesh tìm hiểu có hay không công dân Việt Nam gặp nạn trong vụ động đất.
Ngày 26.4, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Bangladesh cho biết hiện chưa có thông tin về công dân Việt Nam bị thương vong và đang tiếp tục khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại sở tại và tại Nepal theo dõi sát, tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến công dân Việt Nam.
Để Bộ Ngoại giao có thể kịp thời hỗ trợ, xin đề nghị các gia đình có người thân đang ở Nepal hoặc những ai có thông tin về công dân Việt Nam có thể là nạn nhân của vụ động đất thông báo ngay theo số điện thoại đường dây nóng phục vụ công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài (+84981848484 và+84462844844) hoặc đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ (+911126879852) và đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh (+88029854052).”
|