Mực hút máu thực sự là một bí ẩn vẫn chưa được khám phá hết của tự nhiên – Ảnh: MBARI
|
Trong khi hầu hết mực và bạch tuộc cái chỉ sinh sản một lần trước khi chết, mực hút máu trải qua hàng chục chu kỳ tạo trứng trong suốt đời sống. Phát hiện mới cho thấy chúng có thể sống lâu hơn những loài bạch tuộc và mực ở gần bờ. Trong quá trình giao phối, mực đực phóng túi chứa tinh cho bạn tình và bằng một cách nào đó các tinh trùng sẽ được kích hoạt một khi mực cái sẵn sàng rụng trứng, theo trang New Scientist dẫn lời chuyên gia Henk-Jan Hoving thuộc Trung tâm GEOMAR Helmholtz về Nghiên cứu đại dương Kiel tại Đức. Tuy nhiên, đến nay, giới khoa học vẫn chưa biết nhiều về quá trình này ở mực hút máu vì chưa bao giờ quan sát được quá trình giao phối của chúng ở độ sâu đến 3.000 m.
Để tìm hiểu thêm về thói quen sinh sản ở loài mực hút máu, chuyên gia Hoving và đồng sự phân tích buồng trứng của hơn 40 mẫu vật được bảo quản trong bình chứa cồn từ thập niên 1960 đến 1970 tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Santa Barbara, bang California (Mỹ). Họ đã tìm được chứng cứ cho thấy nhiều con cái từng đẻ trứng nhưng vẫn còn khả năng sản sinh thêm nhiều trứng nữa.
Mẫu vật phát triển nhất trong cuộc nghiên cứu, nặng khoảng 448 gr và dài 10 cm, đã rụng ít nhất 3.800 trứng trước khi chết, nhưng vẫn còn chứa khoảng 6.500 tế bào trứng chưa trưởng thành cho những lần giao phối sau. Nếu có trung bình 100 trứng trong một ổ, con cái này đã đẻ ít nhất 38 lần và sẵn sàng rụng trứng thêm 65 lần nữa. Dựa trên những số liệu đó, các nhà khoa học cho rằng quá trình trưởng thành của mực hút máu kéo dài đến 8 năm. Trong khi đó, hầu hết các loài mực và bạch tuộc đều chỉ đẻ trứng một lần và không sống quá 1 hoặc 2 năm, theo báo cáo đăng trên chuyên san Current Biology.
“Nếu chúng sống dai như vậy thì chúng ta thật sự cần phải tìm hiểu điều đó”, theo chuyên gia Hoving. Ông thêm rằng tuổi tác và sự trường thọ là những thước đo vô cùng quan trọng để tìm hiểu hoạt động của một hệ sinh thái. Ông nhận định rằng việc tự nhiên hào phóng ban phát năng lực sinh sản dồi dào cho mực hút máu có thể phù hợp với thói quen sống chậm chạp của loài này.
Tên khoa học của chúng là Vampyroteuthis infernalis, có nghĩa là “mực ma cà rồng từ địa ngục”, nhưng hành vi của chúng không hề ghê rợn như cái tên. Mực hút máu trôi dạt trong lòng biển tối tăm, lạnh giá với hàm lượng ô xy thấp ở độ sâu đến 3.000 m. Chúng có quá trình trao đổi chất chậm chạp và ăn những thực phẩm có lượng calorie thấp, hầu hết là “tuyết sinh vật biển”, chỉ những hạt nhỏ chìm xuống từ bề mặt đại dương. “Mọi thứ đều diễn ra khá chậm chạp, không cho phép mực hút máu dồn toàn bộ năng lượng cho một lần sinh sản hoành tráng mà thay vào đó là chiến lược chu kỳ sinh sản khiêm tốn hơn”, theo chuyên gia Hoving.
Đó là những gì con người mới biết thêm về loài mực bí ẩn này, dù sự tồn tại của chúng đã được xác định cách đây hơn 1 thế kỷ.