Đột kích đại công trường cát lậu
Khoảng 1 giờ 30 ngày 4.4, khoảng 50 cán bộ, chiến sĩ biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa-Vũng Tàu cùng Bộ đội biên phòng tỉnh đột kích vào “công trình” khai thác cát lậu lớn nhất trên sông Mỏ Nhát (H.Tân Thành).
Đột kích đại công trường cát lậu
Khoảng 1 giờ 30 ngày 4.4, khoảng 50 cán bộ, chiến sĩ biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa-Vũng Tàu cùng Bộ đội biên phòng tỉnh đột kích vào “công trình” khai thác cát lậu lớn nhất trên sông Mỏ Nhát (H.Tân Thành).
Máy móc với công suất cực lớn, chưa đầy 1 giờ đã bơm được 50 m3 cát – Ảnh: Minh Anh |
Vào thời điểm trên, trên đoạn sông Mỏ Nhát, nhiều ghe bầu sử dụng máy có công suất cực lớn, dùng ống nhựa đường kính 20 cm thọc sâu xuống lòng sông để hút cát, rồi mang đến bơm lên 7 sà lan neo đậu gần đó. Có khoảng 100 người đang làm việc trên ghe và sà lan. Khi phát hiện lực lượng biên phòng, một số người nổ máy ghe, nhanh chóng rút ống lên khỏi mặt nước và cùng sà lan bỏ chạy. Nhiều người điều khiển chạy sát vào bờ, bỏ ghe nhảy xuống sông trốn thoát. Lực lượng làm nhiệm vụ đã nổ nhiều phát súng chỉ thiên, bắt giữ 7 sà lan cùng 9 ghe bầu đưa về cảng Hà Lộc (TP.Vũng Tàu) để điều tra hành vi khai thác cát trái phép. Trên 7 sà lan chứa hàng chục ngàn khối cát.
Ảnh hưởng đến đường ống dẫn khí
Một cán bộ biên phòng cho biết cát hút tại sông Mỏ Nhát được chủ ghe bán cho sà lan từ 30.000 – 80.000 đồng/m3. Sau đó, cát này được đưa đi TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai để rửa mặn, trộn bán thành cát xây dựng với giá 180.000 đồng/m3.
Đại tá Trần Công Hiểu, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết từ lâu sông Mỏ Nhát là điểm nóng về tình trạng khai thác cát trái phép. “Lâu nay người dân rất bức xúc, phản ánh, Bộ đội biên phòng tỉnh đã triển khai nhiều lần truy bắt nhưng vì lợi ích từ việc khai thác cát quá lớn nên các đối tượng vẫn ngày đêm lén lút khai thác”, đại tá Hiểu nói. Cũng theo đại tá Hiểu, việc khai thác cát trên sông Mỏ Nhát không chỉ gây thiệt hại lớn với người dân nuôi trồng thủy sản, bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, thay đổi dòng chảy… mà nguy hiểm nhất là gây mất an toàn đường ống dẫn khí. “Khi đường ống dẫn khí bị xâm hại sẽ dẫn đến cháy nổ rất nguy hiểm”, đại tá Hiểu nói.
Theo ông Nguyễn Tuấn Cương, Trưởng phòng An toàn môi trường Công ty vận chuyển khí Đông Nam bộ, có khoảng 500 m đường ống dẫn khí được chôn ngầm dưới lòng sông Mỏ Nhát. “Khi ống hút cát có thể đâm thủng đường ống sẽ làm cho khí rò rỉ, dẫn đến cháy nổ. Ngoài ra, việc hút cát sẽ làm hỏng chân khiến đường ống bị võng lâu ngày gây bể, rò rỉ khí thì thiệt hại không thể tính bằng tiền được. Sinh vật thuỷ và cây cối sẽ chết hết”, ông Cương cảnh báo.
Minh Anh