27/11/2024

‘Đồng Nai vi phạm hàng loạt các quy định pháp luật’

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra hàng loạt lỗ hổng về mặt pháp lý khi chính quyền tỉnh Đồng Nai quyết tâm lấp lấn sông Đồng Nai.

 

‘Đồng Nai vi phạm hàng loạt các quy định pháp luật’

 

 

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra hàng loạt lỗ hổng về mặt pháp lý khi chính quyền tỉnh Đồng Nai quyết tâm lấp lấn sông Đồng Nai.


 

 

Ý kiến chuyên gia về việc lấp sông làm dự án: 'Đồng Nai vi phạm hàng loạt các quy định pháp luật'Chính quyền tỉnh Đồng Nai vi phạm nhiều quy định pháp lý khi cho lấp sông – Ảnh: Lê Nguyễn
Theo thông tin từ tỉnh Đồng Nai, trước khi trình dự án để được tỉnh Đồng Nai phê duyệt, nhà đầu tư đã tham khảo Cục Đường sông, Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam đánh giá tác động dòng chảy. Thế nhưng, một chuyên gia môi trường đang công tác trong một đơn vị quản lý nhà nước thuộc Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) chia sẻ: “Viện Khoa học thủy lợi miền Nam chỉ là cơ quan nghiên cứu khoa học và kết quả nghiên cứu đã qua một hội đồng thẩm định (chưa phải cấp nhà nước) của viện chỉ mang tính tham khảo, không có giá trị pháp lý. Và hồ sơ báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) phải thực hiện theo luật Bảo vệ môi trường 2005 và Nghị định 29/2011/CP quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên cả luật và nghị định hoàn toàn không đề cập đến việc lấp sông”.
Áp dụng luật lấn biển để lấp sông
 
 

Giấu đầu lòi đuôi

 
TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam – đại diện khu vực phía nam của Mạng lưới sông ngòi VN (VRN), nhận xét:

 
“Thông cáo báo chí của tỉnh Đồng Nai đã vô tình thừa nhận lỗi của mình trong dự án trên. Vì theo thông báo, ban đầu là dự án quy hoạch bờ kè và công viên ven sông, song do phải đền bù giải tỏa với kinh phí rất lớn lên đến 67%, nên điều chỉnh… lấn sông. Cũng cần nói thêm là trong báo cáo ĐTM của dự án, phần báo cáo tóm tắt cũng thừa nhận diện tích quy hoạch dự án chủ yếu là đất ngập nước nhưng có đến 77,217 m2 mặt nước sông, chiếm tới trên 90% tổng diện tích dự án. Như vậy, dùng cụm từ “cải tạo cảnh quan” là không phù hợp”.

 

Trước ý kiến của lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai cho rằng, dự án có quy mô 8,4 ha thuộc thẩm quyền của tỉnh và cũng không có quy định nào trong trường hợp này phải báo cáo lãnh đạo Bộ TN-MT, TS Trần Quốc Bảo, chuyên gia môi trường – giảng viên Trường đại học Bách khoa TP.HCM, nhận xét: “Tôi e rằng Sở TN-MT Đồng Nai có nhầm lẫn khi lấy quy định lấn biển mang áp dụng cho lấp sông. Bởi theo Nghị định 29 về đánh giá tác động môi trường, lấn biển trên 5 ha phải có đánh giá tác động môi trường, trên 18 ha phải tham vấn ý kiến của Bộ TN-MT. Nhưng vấn đề là, xưa nay chưa có quy định nào về lấp sông cả. Hơn nữa, biển rộng mênh mông, lấn biển khác nhiều lấp sông, nên không thể quy đổi vậy được”.

“Tỉnh Đồng Nai đã vi phạm hàng loạt quy định của pháp luật ở nhiều bộ luật khác nhau”, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển xã hội (CSRD) Lâm Thị Thu Sửu nhận định như vậy sau khi tiếp cận báo cáo ĐTM của dự án. Về mặt pháp lý, bà Sửu khẳng định dự án vi phạm: “luật Tài nguyên nước, luật Bảo vệ môi trường, tham vấn các bên liên quan và người dân địa phương một cách sơ sài chiếu lệ nhưng quan trọng nhất là phê duyệt dự án vượt quá thẩm quyền”.
Để chứng minh cho những nhận định của mình, bà Sửu nêu rõ, dự án vi phạm quy định cấm “đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây trái phép gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ, kênh, rạch” của luật Tài nguyên nước. Nếu với mục đích “cải tạo bờ sông” thì tại khoản 1, điều 63 luật này ghi rõ: Hoạt động cải tạo lòng, bờ, bãi sông, xây dựng công trình thuỷ, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ không được gây sạt, lở, làm ảnh hưởng xấu đến sự ổn định lòng, bờ, bãi sông, hồ và phải được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.
Chỉ tham vấn… 20 hộ dân
Đặc biệt, bà Sửu bức xúc việc quy mô, tầm cỡ và tính chất của dự án được thực hiện trên lưu vực sông liên tỉnh, liên quan tới tài nguyên nước, môi trường, đô thị lớn đến như vậy thì các bên liên quan phải được tính đến là các tổ chức liên quan như: Bộ TN-MT, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Uỷ ban Lưu vực sông, các cộng đồng dân cư có hoạt động sinh kế liên quan đến bờ sông, lòng sông, bãi sông… và các cộng đồng bị ảnh hưởng trực tiếp từ dự án ở các khu vực thuộc lưu vực sông. Tuy nhiên, chỉ tham vấn với UBND P.Quyết Thắng, UBMTTQ phường và… 20 hộ dân. Đồng quan điểm này, TS Trần Quốc Bảo cho rằng, lẽ ra Đồng Nai phải tham khảo ý kiến các địa phương kia trước khi quyết định duyệt dự án. Tôi hơi e ngại việc này sẽ rất dễ tạo tiền lệ các tỉnh khác đang hưởng lợi trên dòng sông này cũng đòi lấp để làm dự án khác trong tương lai.
Theo điều 44 Nghị định 201 của Chính phủ, Bộ TN-MT có nhiệm vụ điều phối và giám sát các hoạt động trên lưu vực sông liên tỉnh. Thế nhưng ĐTM dự án không có chỗ nào đề cập đến sự tham vấn và phối hợp nào với Bộ TN-MT. Trả lời trên Thanh Niên số ra ngày 19.3, ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN-MT kiêm Phó chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai, cũng khẳng định: “Chúng tôi không được tham vấn, với tư cách là Phó chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai, tôi không biết và với tư cách là Thứ trưởng Bộ TN-MT tôi cũng không hay về dự án này”.
“Như đã nói ở trên, sông Đồng Nai là sông liên tỉnh nên việc UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt dự án là vượt quá thẩm quyền của họ”, bà Sửu kết luận.
Uỷ ban KHCN-MT lập đoàn công tác để làm rõ dự án lấn, lấp sông ở Đồng Nai
Hôm qua, Uỷ ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường (KHCN-MT) của Quốc hội đã có quyết định thành lập đoàn công tác vào Đồng Nai để làm rõ các vấn đề liên quan đến loạt bài Lấp sông Đồng Nai làm dự án đăng tải trên Báo Thanh Niên trong thời gian gần đây. Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Bộ Lĩnh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban KHCN-MT, cho biết sáng 28.3, đoàn công tác do ông Võ Tuấn Nhân, Phó chủ nhiệm uỷ ban làm trưởng đoàn, sẽ có buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai. Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, bên cạnh nghe các bên liên quan giải trình vụ việc, đoàn công tác sẽ xem xét các quy trình phê duyệt dự án, việc tuân thủ quy định pháp luật về môi trường, tài nguyên nước; khảo sát thực địa để làm rõ các vấn đề báo và dư luận nêu. Từ đó đưa ra các khuyến nghị với các cơ quan quản lý.
Trước việc UBND tỉnh Đồng Nai vẫn tiếp tục thực hiện dự án, ông Lĩnh bày tỏ: “Đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được báo cáo từ UBND tỉnh Đồng Nai về vụ việc nêu trên nên chưa thể phân định đúng sai. Tuy nhiên, bất kể sự việc gì, khi có ý kiến của dư luận, cử tri bức xúc mình cũng phải cầu thị, lắng nghe và xem lại để mọi việc đúng với quy trình”.    
T.Hằng

Chí Nhân – Ng.Nga