27/11/2024

Hạn nặng đầu mùa khô

– Mới đầu mùa khô nhưng nhiều địa phương đối mặt với nguy cơ cây trồng bị thiếu nước tưới. Nhiều nơi người dân phải chờ hàng giờ hứng từng giọt nước chảy ra từ mạch ngầm để tưới cà phê…

 

Hạn nặng đầu mùa khô

 

– Mới đầu mùa khô nhưng nhiều địa phương đối mặt với nguy cơ cây trồng bị thiếu nước tưới. Nhiều nơi người dân phải chờ hàng giờ hứng từng giọt nước chảy ra từ mạch ngầm để tưới cà phê…



* Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: Yêu cầu thủy điện điều tiết nước
* Chắt chiu từng giọt nước 

Một trong số 20 ao ở lòng hồ ông Kinh (thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) của anh Nguyễn Minh Thân đào tốn cả chục triệu đồng nhưng được rất ít nước – Ảnh: Châu An

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, đã có khoảng 100ha cây trồng mất trắng, hàng ngàn hecta cây trồng khác không có nước tưới thời gian tới. Hạn hán cũng khiến hơn 1.000 hộ dân trên toàn tỉnh thiếu nước sinh hoạt. Riêng tại TP Buôn Ma Thuột, tình trạng cắt nước sinh hoạt luân phiên (ngày có, ngày không) đã xảy ra hơn nửa tháng nay.

Người dân hai thôn Đồng Dày và Tham Dú, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận tập trung lấy nước sinh hoạt tại bể nước do tỉnh cung cấp (khoảng 25 m3/ngày) – Ảnh: Châu An

Sông, hồ trơ đáy…

Sáng 13-3, hàng chục hộ dân tại thôn Hoà Bình (xã Ea Hồ, Krông Năng) đang cố gắng bằng mọi cách tìm nguồn nước đưa vào những đám lúa vừa được gieo trồng trước Tết Nguyên đán. Cánh đồng này đã được đầu tư hệ thống thuỷ lợi, tuy nhiên do nguồn nước hạn hẹp nên chỉ một số hộ dân “tự xoay xở” mới trồng lúa, phần lớn diện tích trơ một màu cỏ cháy.

Ông Hoàng Công Lý (49 tuổi, xã Ea Toh, Krông Năng) làm ruộng trên cánh đồng này cho biết tình trạng khô hạn xảy ra tại khu vực này đã đến mức báo động. Nhiều hộ dân phải đợi chờ mạch nước giếng nhỏ giọt để bơm tưới cà phê.

“Gia đình tôi đầu tư hơn 100 triệu đồng đào ba cái giếng trong vườn, rẫy mà mới tưới đợt thứ hai nước đã gần cạn. Năm nay hạn nặng, đứa cháu tôi cũng vừa thuê máy khoan một cái giếng hơn 80m, mất 60 triệu đồng. Không biết có đủ nước tưới nữa hay không” - ông Lý lo lắng.

Các hồ lớn tại khu vực này đã cạn 4-5m nước, phần lớn hồ nhỏ của bà con nông dân tự đào gần như đã trơ đáy. Người dân đang chờ “mưa vàng” mới mong cứu được cây cà phê vì đợt tưới tiếp theo (khoảng 15-20 ngày tới) không còn nước để bơm.

Tình trạng khô hạn cũng xảy ra tại các xã Phú Lộc, Phú Xuân (Krông Năng) ở mức độ đáng báo động. Do khan hiếm nguồn nước nên khoảng 20km sông Krông Năng cạn trơ đáy. Đi dọc khoảng 3km bờ sông Krông Năng, chúng tôi chứng kiến hàng chục chiếc máy bơm đang nằm im chờ nước. Dưới lòng sông có thể đi bộ thoải mái, trâu bò có thể băng ngang qua sông. Dọc bờ sông, nhiều vườn cây cà phê đã trụi lá, héo quắt do thiếu nước.

Ông Nguyễn Văn Bảy (42 tuổi, thôn Xuân Hà, Phú Xuân, Krông Năng) cho biết tình trạng các máy bơm phải chờ nước như thế này đã xảy ra gần một tháng nay. “Nếu nửa tháng tới không có mưa thì hàng trăm hecta cà phê tại khu vực này đối mặt với nguy cơ chết khô, mất trắng trong vụ tới” – ông Bảy nói. Khô hạn tại các huyện Krông Bông, Lắk, M’Đrắk cũng đang rất nghiêm trọng. 

Trong khi đó nắng nóng, khô hạn kéo dài hơn ba tháng qua ở tỉnh Bình Phước đã làm giếng đào tại Đồng Xoài, Bù Đốp, Lộc Ninh, Đồng Phú, Chơn Thành thiếu hụt nước nghiêm trọng, một số nơi giếng khô đáy. Nhiều hộ dân ở thị xã Đồng Xoài rơi vào cảnh thiếu nước, buộc phải mua nước phục vụ sinh hoạt hằng ngày.

Trung bình giá 1m3 nước sinh hoạt hiện nay rất cao, từ 70.000-100.000 đồng, trong khi nguồn nước máy bán cho dân hiện chỉ ở mức khoảng 6.000 đồng/m3. Anh Đô (phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài) – người chuyên cung cấp nước sinh hoạt – cho biết hơn một tháng qua giá nước sinh hoạt được bán cho các hộ dân là 300.000 đồng/bồn (khoảng 4m3 nước).

Ông Katơ Thiếng (huyện Bác Ái, Ninh Thuận) chăn cừu dưới chân hồ Phước Nhơn – Ảnh: Châu An

Tưới tiết kiệm để chống hạn

Ông Trịnh Tiến Bộ – trưởng phòng trồng trọt Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk – cho biết đầu mùa hạn năm nay sở cũng đã có văn bản khuyến cáo bà con tưới nước tiết kiệm. Theo đó, bà con ưu tiên trồng những cây chịu hạn tốt, trồng ở những vùng có thể chủ động nguồn nước trong thời điểm đỉnh hạn. Nếu đỉnh hạn quá khắc nghiệt thì ưu tiên dùng nguồn nước cho cây công nghiệp (cà phê).

“Đối với cây cà phê, bà con cũng tránh tình trạng tưới ào ạt, xả tràn như thói quen để tránh lãng phí nguồn nước cho các đợt tiếp theo. Hiện cũng đã có công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới tiết kiệm và chi phí đầu tư không lớn nên bà con nông dân có thể áp dụng cho vườn cây của mình. Tuy nhiên do việc tưới tiết kiệm khá mới mẻ, trái với thói quen của phần đông người dân nên chưa áp dụng rộng rãi. Sở đang cho thí điểm một vài nơi rồi mới nhân rộng” – ông Bộ cho biết.

Ông Phạm Tiến San – chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Đắk Lắk – cho biết nguồn nước mặt chỉ đủ tưới khoảng 60% trên tổng diện tích cà phê 210.000ha, nguồn nước ngầm đang bị thiếu hụt trầm trọng do mất rừng. “Chúng tôi đang đề xuất kế hoạch điều tiết các hồ chứa thủy điện để cung cấp nước cho vùng hạ du trong thời kỳ khô hạn. Đối với các hồ chứa thủy điện có dung tích trữ thấp thì đề nghị không phát điện theo thị trường cạnh tranh, ưu tiên phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp” – ông San thông tin.

Bà Chamaléa Nghí (Ninh Thuận) hằng ngày gùi nước – Ảnh: Châu An
Do sông Krông Năng (Đắk Lắk) đã khô cạn, gia đình anh Hà Văn Cập (xã Phú Xuân) phải bơm nước từ giếng của gia đình xuống lòng sông, sau đó dùng máy bơm để tưới cho rẫy cà phê bên kia sông – Ảnh: Tiến Thành
Ông Trần Văn Tri (56 tuổi, thôn 9, xã Hòa Lễ, Krông Bông, Đắk Lắk) kéo nước cứu ruộng lúa gia đình – Ảnh: Trung Tân
Lo cho ruộng lúa khô hạn, ông Quách Văn Vinh (thôn 7, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) phải thuê máy xúc để đào ao cung cấp nước tưới – Ảnh: Tiến Thành
Anh Đỗ Trọng Thủy (xã Ea Trul, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) tưới nước cứu 6 sào đất khô nứt nẻ để trồng đậu xanh – Ảnh: Trung Tân
Người dân thôn Đồng Dày (Ninh Thuận) tự đào ao nhỏ để hằng ngày lấy nước về sử dụng – Ảnh: Châu An

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: Yêu cầu thủy điện điều tiết nước

Chiều tối 14-3, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã làm việc với tỉnh Khánh Hòa về thực tế khô hạn cùng với việc đối phó khô hạn ở tỉnh. Theo ông Nguyễn Thái Như Trị – chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Khánh Hoà, tính đến ngày 13-3 lượng nước của các hồ chứa nước lớn trong tỉnh như Suối Trầu, Suối Hành, Cam Ranh… chỉ còn ở mức 1-2/10 dung tích thiết kế. Một số vùng tại các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa không còn nước tưới cho lúa và cây trồng. Cả tỉnh có gần 21.000ha đất sản xuất nông nghiệp đang bị khô hạn đe doạ, nếu từ nay đến cuối vụ đông xuân (trung tuần tháng 4-2015) mà không có mưa sẽ không còn nước tưới.

Trong khi đó, mực nước trên các sông ở Khánh Hoà đã xuống thấp nên nguy cơ xâm nhập mặn nhiều ở vùng ven biển tại Cam Ranh, Cam Lâm rất lớn. Tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt chi 25 tỉ đồng để thực hiện phương án đối phó với hạn và xâm nhập mặn đến cuối vụ đông xuân.

Trước đó sáng 14-3, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thị sát tình hình hạn hán ở Ninh Thuận. Đoàn công tác đã về hai thôn Đồng Dày và Tham Dú, xã Phước Trung, huyện Bác Ái – nơi khô hạn nặng nhất của tỉnh. Hiện người dân hai thôn này được cung cấp năm chuyến xe chở nước với 25 m3/ngày. Tiếp đó, Phó thủ tướng thị sát hồ thủy lợi Phước Nhơn có dung tích 800.000m3 cung cấp nước sản xuất cho 200ha đất canh tác nhưng đã cạn kiệt nước từ ba vụ mùa qua.

Trưa cùng ngày, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thị sát hồ Thành Sơn, nơi cung cấp 3 triệu m3 nước tưới cho sản xuất nông nghiệp ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải nhưng hiện chỉ còn 200.000m3, dưới mực nước chết. Theo số liệu cập nhật mới nhất của tỉnh Ninh Thuận, tính đến nay tổng dung tích 20 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh hiện chỉ còn 23 triệu/192,21 triệu m3, chiếm 14% tổng dung tích thiết kế.

Thiệt hại về sản xuất, đến nay ở hai huyện Thuận Bắc và Ninh Hải có 38,4ha lúa bị thiệt hại 100%. Riêng huyện Ninh Hải 210ha hoa màu, cây ăn quả giảm 50% năng suất. Có 6.100ha vụ đông xuân năm 2014-2015 phải dừng sản xuất do thiếu nước. Ngoài ra, tình hình thiếu nước sinh hoạt cho dân, nước uống cho gia súc xảy ra cục bộ ở nhiều nơi như xã Phước Trung (huyện Bác Ái), xã Nhơn Sơn, Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn) và một số nơi ở huyện Ninh Hải.

Làm việc với tỉnh Ninh Thuận, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều hành hệ thống thuỷ  điện để điều tiết nước; Bộ NN&PTNT hỗ trợ Ninh Thuận 50 tấn giống lúa, bắp; Bộ Kế hoạch – đầu tư, Bộ Tài chính cấp ngay kinh phí 40 tỉ đồng cho tỉnh Ninh Thuận chống hạn.

P.S.N. – CHÂU AN

 

TRUNG TÂN – TIẾN THÀNH – BÙI LIÊM