Cảnh báo dịch cúm gia cầm H7N9 và cúm heo H1N1
Các nhà khoa học lên tiếng cảnh báo mọi người cần cảnh giác hơn nữa với cúm gia cầm H7N9 tại Trung Quốc và cúm heo H1N1 tại Ấn Độ.
Cảnh báo dịch cúm gia cầm H7N9 và cúm heo H1N1
Các nhà khoa học lên tiếng cảnh báo mọi người cần cảnh giác hơn nữa với cúm gia cầm H7N9 tại Trung Quốc và cúm heo H1N1 tại Ấn Độ.
Các chợ gia cầm sống tại Trung Quốc là nơi truyền dịch cúm gia cầm – Ảnh: AFP |
Trên tạp chí Nature ngày 11-3, các nhà nghiên cứu cho biết virút cúm gia cầm H7N9 có nguy cơ cao phát triển thành đại dịch nếu Trung Quốc không đóng cửa các cơ sở bán gia cầm sống trong nước.
Trong khi đó một nhóm nghiên cứu khác cảnh báo trên tạp chí Cell Host and Microbe rằng dòng cúm heo H1N1 tại Ấn Độ có những đột biến giúp virút này dễ lây lan hơn.
Nhà dịch tễ học Yi Guan thuộc ĐH Hong Kong lý giải việc dòng virút H7N9 bùng phát mạnh trở lại trong năm 2014 là do các chợ gia cầm sống tại tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc.
Nhóm nghiên cứu của Yi Guan nhận thấy các chợ gia cầm tại Chiết Giang truyền dịch bệnh cho vùng phía đông và phía nam Trung Quốc.
Trong năm 2014, H7N9 kết hợp với một số chủng virút cúm khác tạo ra một chủng mới nguy hiểm hơn.
Bằng chứng của nhóm dựa trên phân tích bệnh phẩm lấy từ cổ họng và phân của gà tại các chợ ở Chiết Giang, Quảng Đông, Giang Tây, Sơn Đông từ tháng 10-2013 đến tháng 7-2014.
Nghiên cứu kêu gọi đóng cửa các chợ gia cầm sống, cấm nhập khẩu gia cầm từ Trung Quốc và thành lập cơ sở giết mổ tập trung để kiểm soát sự lây lan của virút cúm gia cầm.
Trong khi đó nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ là về di truyền ID của cúm heo H1N1 tại Ấn Độ. Theo nghiên cứu này thì yếu tố di truyền của virút H1N1 hiện tại khác với năm 2009 và dẫn đến việc virút cúm heo hiện tại có độc lực cao hơn.
Phát hiện mới này đặt ra nghi vấn rằng liệu vắcxin cúm H1N1 có thể bảo vệ mọi người trước chủng cúm heo hiện nay hay không.
Theo Bộ Y tế Ấn Độ, đã có 1.482 người thiệt mạng vì cúm heo H1N1 trên toàn quốc.