Tai nạn làm đường sắt Bắc – Nam đứt mạch
Đến 21g20 đêm 11-3, đường sắt Bắc – Nam mới được thông tuyến…
Tai nạn làm đường sắt Bắc – Nam đứt mạch
Đến 21g20 đêm 11-3, đường sắt Bắc – Nam mới được thông tuyến…
Lực lượng cứu hộ tìm cách đưa thi thể lái tàu ra khỏi hiện trường trong vụ tai nạn đêm 10-3 tại Quảng Trị làm đường sắt Bắc – Nam bị gián đoạn gần một ngày – Ảnh: Quốc Nam |
Đây là một vụ tai nạn đường sắt hi hữu bởi người tử nạn là lái tàu chứ không phải tài xế xe tải. Điều này chứng tỏ vụ va chạm rất mạnh mới khiến ba toa tàu văng khỏi đường ray, đầu máy trôi tự do gần một cây số |
Đại tá NGUYỄN VĂN ĐỊNH |
Trước đó, cần cẩu cứu hộ khi giải phóng toa tàu, sau vụ tai nạn nghiêm trọng giữa tàu SE5 và xe tải chở đá lúc 21g40 đêm 10-3 tại xã Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị, lại bị lật khiến việc cứu nạn bị kéo dài.
Mặc dù từ chiều 11-3, ba toa tàu bị nạn đã được đưa ra khỏi đường ray và phủ bạt kín mít.
Cứu hộ phương tiện cứu hộ
Trước đó từ sáng, toàn bộ lực lượng cứu hộ với hai cần cẩu 80 tấn tập trung vào việc dựng đứng chiếc xe cẩu bị lật để kéo ra khỏi khu vực bị nạn. Tuy nhiên đến 17g, tức là sau hơn tám giờ nỗ lực cứu hộ thì chiếc cần cẩu này lại lật trở lại nằm trên đường ray.
Đại tá Nguyễn Văn Định – phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, chỉ huy cuộc cứu nạn – cho biết không thể thông tuyến đường sắt này vào 12g trưa 11-3 như yêu cầu của chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị.
Theo đại tá Định, đây là chiếc cần cẩu 100 tấn chuyên dụng của ngành đường sắt được huy động từ Huế ra khắc phục sự cố, nhưng cần cẩu cứu hộ lại bị lật, nên phải tập trung lực lượng để “cứu hộ phương tiện cứu hộ”.
Đại tá Định nói do nhân viên điều khiển chiếc cần cẩu này đã thao tác không đúng kỹ thuật nên cần cẩu bị lật. Phải đến 21g15, chiếc cần cẩu mới di chuyển được ra khỏi khu vực đường ray. Đây là cuộc cứu hộ chưa từng có trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. “Chúng tôi đã huy động đến bốn xe cứu hộ cứu nạn với hơn 100 chiến sĩ của các lực lượng với quy mô lớn nhất từ trước đến nay” – đại tá Định nói.
Có mặt tại hiện trường ngay sau khi xảy ra tai nạn, trung sĩ Trần Văn Hải (đội cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Quảng Trị) cho biết hiện trường lúc xảy ra tai nạn nồng nặc mùi gas, lực lượng này đã tiếp cận và phát hiện có hai bình gas loại lớn đang rò rỉ có khả năng nổ rất cao.
Khi đó khu vực này được cách ly, các chất dễ cháy nổ, kể cả đèn pin cũng không được sử dụng và các chiến sĩ của đội phải nhanh chóng dùng tay đưa hai bình gas này ra ngoài. Phải mất hơn bốn giờ, lực lượng cứu hộ mới đưa được thi thể người lái tàu hỏa ra khỏi cabin bởi đầu tàu được làm từ sắt rất dày, lực từ vụ va chạm quá lớn khiến sắt dồn lại nên rất khó cắt.
Thoát chết trong gang tấc
Sau khi gặp nạn tại địa phận thôn Thượng Xá, khoảng 500 hành khách trên chuyến tàu SE5 đã được di chuyển trở lại ga Quảng Trị (thị xã Quảng Trị). Tại đây, do phòng chờ của ga quá nhỏ nên hàng trăm hành khách phải ngồi vật vạ ở khu vực xung quanh nhà ga.
Rất nhiều hành khách là người già, phụ nữ và trẻ em lộ rõ vẻ mệt mỏi sau khi thoát chết trong gang tấc từ những toa tàu bị lật. Ngồi bệt trên nền đất ăn hộp cơm, chị Nguyễn Thị Hằng cho biết chị cùng bốn người bạn cùng quê Gio Linh (Quảng Trị) vào TP.HCM làm công nhân, vừa lên tàu ở ga Đông Hà được ít phút thì gặp nạn.
Còn ông Lê Viết Thành (56 tuổi), ngồi ở toa số 1 đi từ Nghệ An vào TP.HCM, giây phút đoàn tàu gặp nạn là khoảnh khắc kinh hoàng đối với ông. “Tôi nghe tiếng động rất lớn rồi đột nhiên tàu dồn mạnh về phía trước, tất cả đèn điện tắt ngúm. Mọi người hoảng loạn, kêu thét, tôi biết tàu đã bị nạn và cố thoát ra bằng cách đập cửa kính. Tôi bị thương ở đầu phải khâu ba mũi” – ông Thành bàng hoàng kể.
Đến trưa 11-3, nhóm bảy nhân viên phục vụ ở toa HC 61554 (toa hàng cơm, giáp với đầu máy) của tàu SE5 gặp nạn vẫn chưa hết hoảng loạn khi ngồi bên đống hành lý tại hiện trường vụ tai nạn. Cả bảy nhân viên cho biết họ đã thoát chết trong gang tấc.
“Tôi và các đồng nghiệp vừa mới bán hàng xong trở về toa hàng dọn dẹp chuẩn bị đi ngủ thì nghe một tiếng rầm, toa tàu lật nghiêng về một phía và điện phụt tắt tối om. Sau vài giây hồi tỉnh, chúng tôi vội vàng đập cửa kính thoát ra bên ngoài” – anh Lê Tú Anh, nhân viên phục vụ, nói.
Toa tàu này đã bị xoay 90 độ chắn ngang đường ray. Còn chị Đỗ Thị Thúy Hằng, nhân viên của tàu SE5, dù bị thương phải băng ở cánh tay phải nhưng trưa 11-3 chị Hằng vẫn có mặt tại ga Quảng Trị (thị xã Quảng Trị) để hỗ trợ hành khách trên chuyến tàu này lên xe khách trung chuyển tiếp tục vào Nam.
Theo chị Hằng, vừa đập kính thoát khỏi toa tàu bị nạn, chị và các nhân viên khác của tàu SE5 nhanh chóng đến các toa khác cùng đập kính, di chuyển khách và hành lý thoát khỏi tàu trong khung cảnh hết sức hỗn loạn.
Cần cẩu cứu nạn được điều đến để giải phóng toa xe lại lật ngang đường khiến đường sắt Bắc – Nam bị tắc gần một ngày, đến cuối ngày 11-3 mới thông tuyến – Ảnh: Ngọc Hiển |
“Cả nhà chờ cơm nhưng ba không về nữa”
Ông Trần Văn Trung, nhà ở ngay gần nơi xảy ra tai nạn, nói cả xóm nghe tiếng ầm biết chắc là tai nạn rồi. Ai cũng nghĩ với cú va chạm này chắc sẽ mất rất nhiều mạng người, nhưng may mắn là những người trên toa tàu bị lật chỉ bị thương.
Phải mất vài chục phút sau tai nạn người ta mới tìm thấy đầu tàu bởi sau cú va chạm với xe tải, đầu tàu bị đứt rời và tự trôi về phía nam theo đường ray gần 1km. Đầu tàu bẹp dúm. Thi thể người lái tàu kẹt bên trong và vài giờ sau lực lượng cứu hộ mới đưa ra được.
Chiều 11-3, trong căn nhà nhỏ trên đường Phan Chu Trinh, TP Huế, không cầm được nước mắt khi con gái người lái tàu SE5 – ông Lê Minh Phú – khóc ngất, luôn miệng gọi cha trong vô vọng. Con trai cả Lê Trần Nhật Minh nghẹn ngào: “Hôm qua là phiên nghỉ của ba, nhưng ba đi làm thay cho một người bạn trong cơ quan, lái tàu SE5 từ Đồng Hới vào Huế.
Trước khi tai nạn xảy ra khoảng 30 phút, ba có điện thoại cho em gái nói ba đã về đến Quảng Trị, ba dặn cả nhà chờ ba về cùng ăn cơm cho vui. Cả nhà dọn cơm ngồi chờ ba, nhưng ba không về nữa…”.
Một điều trùng hợp ngẫu nhiên, tài xế xe tải tên Nguyễn Gia Hải, 42 tuổi, cũng sống không xa với người lái tàu xấu số (phường Phước Vĩnh, TP Huế). Chiều 11-3, PV Tuổi Trẻ đã tiếp xúc được với anh Hải tại Bệnh viện Trung ương Huế, trước lúc anh lên bàn mổ cấp cứu chấn thương cột sống cổ.
Anh Hải kể chiều 10-3, anh lái xe thuê cho doanh nghiệp Tuyết Liêm (Huế) chở đá xay từ mỏ đá Lèn Bạc ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) chạy vào trạm trộn bêtông nhựa ở Hải Lăng phục vụ công trình mở rộng quốc lộ 1. Khi chiếc xe tải chở đầy đá xay còn cách trạm trộn bêtông nhựa vài trăm mét thì gặp tai nạn. Đầu chiếc xe tải đã đi qua đường sắt, nhưng đuôi xe còn ở trên đường ray đã bị tàu hỏa húc rất mạnh, cả chiếc xe bị hất tung.
“Đoạn đường sắt xảy ra tai nạn không có rào chắn. Lúc lái xe chạy băng qua đường sắt, tôi không nhìn thấy đèn tín hiệu, cũng không nghe chuông báo hiệu” – anh Hải kể lại. Anh Hải cho biết chiếc xe tải anh lái có trọng tải 29 tấn (đang chở khoảng 17-18m3 đá xay để trộn bêtông nhựa), là chuyến hàng đầu tiên trong ngày.
Sẽ khởi tố vụ án
Theo đại tá Định, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang phối hợp cùng các lực lượng liên quan giám định hộp đen để xác định một cách chính xác tàu SE5 tại thời điểm xảy ra tai nạn có chạy quá tốc độ hay không. Tuy nhiên, đại tá Định nói có thể tàu SE5 đã chạy khoảng 70 km/giờ lúc xảy ra tai nạn.
Trả lời Tuổi Trẻ về nguyên nhân xảy ra tai nạn, đại tá Định cho biết khu vực đường dân sinh băng ngang đường sắt tại địa điểm trên dù không có gác chắn nhưng có biển báo và đèn tự động cảnh báo khi tàu đến, nên nguyên nhân vụ tai nạn có thể xuất phát từ chiếc xe tải.
“Đường sắt là đường độc đạo dành cho tàu hỏa, nhưng lái xe tải cố tình vượt khi có tín hiệu tàu đến là đã vi phạm. Chiếc xe tải này có trọng tải tối đa 40 tấn và phải điều tra mới xác định xe này có chở vượt quá tải trọng hay không” – đại tá Định nói.
Ngay trong buổi sáng 11-3, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị đã khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm đầu máy tàu SE5 và chiếc xe gây tai nạn, thu thập chứng cứ và phối hợp với ngành đường sắt để làm rõ nguyên nhân dẫn đến tai nạn.
“Công an tỉnh đã cử lực lượng vào Bệnh viện Trung ương Huế để khai thác thông tin từ tài xế gây tai nạn, nhưng do tài xế chuẩn bị phẫu thuật nên chưa thu thập được thông tin. Sau khi điều tra ban đầu, thu thập chứng cứ đầy đủ, Cơ quan cảnh sát điều tra sẽ xem xét khởi tố vụ án” – đại tá Định nói.
Một số vụ tai nạn nghiêm trọng giữa tàu hỏa với ôtô gần đây * Ngày 22-11-2009 tại phố Nguộn, xã Văn Tự (huyện Thường Tín, Hà Nội), xe khách 30 chỗ chở 29 người đi dự đám hỏi khi qua đường ngang bị tàu TN1 lưu thông theo hướng Hà Nội – TP.HCM đâm. Vụ tai nạn khiến chín người trên xe và một người đi xe máy bị ôtô văng vào thiệt mạng. * Ngày 6-8-2010, tàu Thống Nhất TN6 đâm xe ben chở đá dăm tại khu vực xã Tiên Tân (huyện Duy Tiên, Hà Nam) khiến đầu máy và hai toa bị lật. Vụ tai nạn làm hai lái tàu bị thương, trong đó lái chính Trương Xuân Thức bị đa chấn thương phải cắt cụt cánh tay trái. * Ngày 30-3-2011, tại Thường Tín (Hà Nội) tàu SE 8 đâm vào ôtô chở 17 người cùng họ hàng làm chết 9 người, nhiều người bị thương. Tai nạn xảy ra khi ôtô cố vượt qua đường sắt khi tàu sắp đến. * Ngày 23-4-2013, tại đoạn đường sắt qua địa bàn thị trấn Như Quỳnh (Hưng Yên), xe đầu kéo chở container từ quốc lộ 5 rẽ vào đường ngang bị đoàn tàu rỗng (không chở khách) đâm vỡ tung thùng container. Đầu máy và toa liền kề bị trật bánh. * Ngày 19-9-2014, đoàn tàu NA 2 đi từ Vinh đến Hà Nội đâm vào một xe container chở gạo đang dừng trên đường ray tại km 90+600 đường sắt Bắc – Nam ở địa bàn xã Tân Thành (huyện Vụ Bản, Nam Định) khiến đầu máy tàu, toa phát điện bị đổ, 2 toa chở khách bị trật bánh.Vụ tai nạn khiến 2 lái tàu bị thương nặng, một hành khách trên tàu bị xây xát nhẹ. |