27/11/2024

Sứ mệnh ‘ngược dòng thời gian vũ trụ’

Sau gần 8 năm du hành ròng rã trong không gian, phi thuyền Dawn của NASA cuối cùng đã đến đích và đi vào quỹ đạo của hành tinh lùn Ceres, ghi dấu mốc lịch sử trong nỗ lực thám hiểm vũ trụ của nhân loại.

 

Sứ mệnh ‘ngược dòng thời gian vũ trụ’

 

 

Sau gần 8 năm du hành ròng rã trong không gian, phi thuyền Dawn của NASA cuối cùng đã đến đích và đi vào quỹ đạo của hành tinh lùn Ceres, ghi dấu mốc lịch sử trong nỗ lực thám hiểm vũ trụ của nhân loại.

 

 

 

Ceres là thiên thể lớn nhất ở vùng trong Hệ mặt trời chưa được khám phá - Ảnh: JPLCeres là thiên thể lớn nhất ở vùng trong Hệ mặt trời chưa được khám phá – Ảnh: JPL
Theo một tin tốt lành trong lĩnh vực thám hiểm không gian dịp đầu năm 2015, phi thuyền Dawn của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã tiếp cận được thiên thể lớn nhất chưa từng được khám phá nằm ở vòng trong của Hệ mặt trời. “Kể từ khi được phát hiện vào năm 1801, Ceres lúc đó được xác định là một hành tinh, kế đến bị đánh rớt hạng xuống tiểu hành tinh, và cuối cùng được nâng cấp trở lại thành hành tinh lùn”, kỹ sư trưởng kiêm Giám đốc sứ mệnh Dawn – tiến sĩ Marc Rayman – phát biểu trong thông cáo báo chí của Phòng Thí nghiệm động lực học (JPL) ở bang California (Mỹ). “Giờ đây, sau hành trình 4,9 tỉ km và mất 7 năm rưỡi, Dawn đã gọi Ceres là nhà”, tiến sĩ Rayman hồ hởi cho biết.

Sứ mệnh Dawn với chi phí lên đến 473 triệu USD sẽ cho phép các nhà khoa học JPL “quay ngược thời gian trở về thời điểm sơ khai của Hệ mặt trời, cho phép quan sát sự hình thành của các hành tinh”. Với đường kính trung bình 950 km, Ceres là thiên thể lớn nhất trong vành đai tiểu hành tinh nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc. Dawn sẽ bám trụ quỹ đạo Ceres trong vòng 16 tháng nữa để giới khoa học nghiên cứu bề mặt của nó. Bên cạnh kỷ lục trở thành phi thuyền đầu tiên thăm một hành tinh lùn, Dawn cũng ghi tên vào lịch sử như là tàu không gian đầu tiên quay quanh hai thiên thể khác nhau trong suốt sứ mệnh dài 7 năm rưỡi. Trước khi vào quỹ đạo Ceres, phi thuyền đã thám hiểm tiểu hành tinh khổng lồ Vesta, thiên thể lớn thứ hai trong vành đai tiểu hành tinh từ năm 2011 đến 2012.

Trước khi có thể khởi động các cuộc nghiên cứu, Dawn cần phải điều chỉnh vào đúng vị trí trên quỹ đạo Ceres, có nghĩa là phi thuyền sẽ không ghi hình được cho đến ngày 10.4. Giống như kỹ sư trưởng Rayman viết trên blog của JPL hồi cuối tuần trước, Dawn đang bận rộn điều chỉnh đường bay quanh hành tinh lùn. Đầu tiên, các hệ thống xoay trên quỹ đạo của Dawn phải nâng phi thuyền lên độ cao 75.000 km cách bề mặt Ceres vào ngày 19.3 trước khi hạ xuống độ cao 13.500 km vào ngày 23.4 để bắt đầu quá trình quan sát mục tiêu. Dù buộc phải chờ đợi thêm 1 tháng nữa, giới khoa học vẫn tràn đầy phấn khởi trước viễn cảnh xán lạn: một số bí mật cuối cùng của Hệ mặt trời có thể sẽ sớm được giải mã. Dawn sẽ vẽ bản đồ chi tiết về bề mặt Ceres, cho phép các chuyên gia phân tích được kết cấu và cách thức chúng được hình thành vào thời điểm đầu tiên.

“Vào thời điểm chấm dứt sứ mệnh vào giữa năm 2016, chúng ta sẽ biết tường tận về Ceres”, theo phó trưởng nhóm nghiên cứu Carol Raymond. Nếu Vesta là một thiên thể rất khô, hầu như kết cấu hoàn toàn bằng đá và bề mặt bị oanh tạc nặng nề, nhiều khả năng chẳng thay đổi mấy kể từ khi nó hình thành, Ceres là một trường hợp hoàn toàn khác. Không những có kích thước gần gấp đôi Vesta, Ceres được cho là từng sở hữu đại dương dưới bề mặt băng và đủ sức hỗ trợ sự sống. Thậm chí một số chuyên gia còn hy vọng Ceres có thể vẫn còn lưu giữ một khối lượng nước chưa xác định bên dưới lớp băng dày.

Hạo Nhiên